Nốt lặng bên sông Vàm Cỏ

Thứ Sáu, 09/05/2025 07:32

Tròn nửa thế kỉ sau ngày lá cờ cách mạng tung bay trên nóc trụ sở chính quyền ngụy tại thị xã Tân An (tỉnh Long An), hôm nay, thành phố bên bờ Vàm Cỏ Tây lại rợp sắc đỏ trong một buổi sáng tháng Tư thiêng liêng và xúc động.

Giữa cái nắng như rang trong những ngày tháng Tư của miền Tây Nam Bộ, hàng trăm cựu chiến binh và người dân từ khắp mọi miền đất nước đã tụ hội về Công viên Phường 5, thành phố Tân An để dự lễ khánh thành Bia ghi nhớ chiến công của Trung đoàn 174 - Sư đoàn 5 và quân dân Long An trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Công trình được khánh thành vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Tân An, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

Chính tại nơi đây cách nay tròn nửa thế kỉ là tâm điểm của một trận đánh then chốt, mở màn cho hướng tiến công chiến lược từ phía Tây Nam vào thành phố Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Với tinh thần "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng", các tiểu đoàn chủ lực của Trung đoàn 174 đã tiến công thần tốc, đánh chiếm Dinh tỉnh trưởng, Trụ sở cảnh sát, sân bay Tân An và toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch, mở toang cánh cửa tiến về nội đô Sài Gòn. Lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh tỉnh trưởng Tân An trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 không chỉ báo hiệu sự sụp đổ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở Long An, mà còn là biểu tượng hừng hực khí thế của cánh quân phía Tây Nam trên đường thần tốc tiến về Dinh Độc Lập.

Dưới những tán bằng lăng tím ngắt và chùm hoa gạo cuối mùa cháy rực trong nắng, những người lính đã từng vượt qua mưa bom bão đạn để giành lấy ngày thống nhất, nay trở về mảnh đất Tân An với những mái đầu đã bạc, những bước chân chậm rãi nhưng ánh mắt vẫn rực sáng như thời trai trẻ. Những cái bắt tay thật chặt, những lời gọi nhau bằng biệt danh trận mạc, những giọt nước mắt lặng lẽ rơi… Tất cả tạo nên không khí của một ngày hội, hội của những kí ức, của nghĩa tình đồng đội, của một phần lịch sử đang hiện về giữa lòng thành phố bình yên.

Bia Chiến thắng Tân An trong ngày khánh thành. Ảnh: TG

Giữa những hàng dừa nghiêng bóng và dòng Vàm Cỏ Tây lặng lẽ trôi qua bao lớp phù sa, tấm bia chiến thắng sừng sững vươn cao, nổi bật với hai gam màu chủ đạo: đỏ thắm - màu của máu và lửa cách mạng, và xanh biếc - màu của hòa bình và hy vọng. Những ngôi sao vàng rực rỡ trên nền đá vẫn như đang cháy sáng, gợi nhắc về một thời đạn bom khốc liệt, khi nơi đây từng là một trong những mũi tiến công chiến lược mở đường tiến về sào huyệt cuối cùng của kẻ thù.

Trước khi bản khúc khải hoàn vang lên trên mảnh đất Tân An lịch sử, Trung đoàn 174 – Đoàn Cao Bắc Lạng anh hùng – đã trải qua một hành trình chiến đấu oanh liệt và đầy máu lửa. Được thành lập ngày 19 tháng 8 năm 1949 tại Hòa An, Cao Bằng, trung đoàn mang tên “Cao - Bắc - Lạng”, nơi những người lính đầu tiên rời bản làng, xóm núi, khoác ba lô theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngay sau khi thành lập, trong Chiến dịch Biên giới Thu - Đông năm 1950, Trung đoàn đã lập công xuất sắc trên Đường số 4, tại Đông Khê, rồi tiếp đó là Mộc Châu, Thượng Lào và đỉnh cao là trận đánh quyết tử trên đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 - nơi ghi danh Trung đoàn 174 vào sử vàng dân tộc. Những người lính cảm tử của Trung đoàn 174 anh hùng đã mở đường cho lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” tung bay trên nóc hầm Đờ Cát, góp phần kết thúc chín năm kháng chiến trường kì và gian khổ của dân tộc.

Khi cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, năm 1967, Trung đoàn 174 hành quân vượt Trường Sơn vào Nam, trở thành lực lượng chủ lực trong đội hình Sư đoàn 5. Từ Đồng Xoài, Dầu Tiếng, đến Lộc Ninh, Bù Đốp, những người lính “Cao Bắc Lạng” đã chiến đấu kiên cường, góp phần làm nên những chiến thắng vang dội trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, đặc biệt là trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Để có những chiến thắng huy hoàng ấy, đã có hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn anh dũng hi sinh. Máu của họ đã thấm đỏ từng cánh rừng, dòng suối, từng mảnh đất quê hương miền Đông. Riêng trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, số người ngã xuống trên các chiến trường Nam Bộ đã gấp đôi quân số khi Trung đoàn bắt đầu hành quân vào miền Nam - một con số khiến bất kì ai cũng lặng người. Mỗi một chiến sĩ hi sinh là một phần thân thể của Trung đoàn vĩnh viễn gửi vào đất mẹ.

Để có ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi các chiến sĩ Đại đội 7 và Đại đội 10 dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trung đoàn phó Vũ Viết Cam, Chính trị viên tiểu đoàn Bùi Đức Trần, Tiểu đoàn trưởng Đinh Bá Đài cắm lá cờ Quyết chiến Quyết thắng của quân đội ta trên nóc dinh tỉnh trưởng Long An trưa 30/4/1975, Trung đoàn 174 và các đơn vị bạn cùng quân dân Long An đã trải qua một chặng đường dài từ Long Khốt, Gò Da, Sóc Nóc đến Ba Thu, Rạch Tranh, Cầu Voi… Trên chặng đường chiến đấu oanh liệt ấy đã có gần 700 cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn ngã xuống. Những người con ưu tú ấy đang nằm ở nghĩa trang Vĩnh Hưng - nghĩa trang tỉnh Long An. Thân thể của họ đã tan vào đất nước của quê hương Long An trung dũng kiên cường, đúng như câu đối được khắc ghi trong đền thờ liệt sĩ Long Khốt (Vĩnh Hưng) và hàng chục đền thờ, nghĩa trang trong cả nước: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hoá linh khí Quốc gia“.

Tác giả Nguyễn Vũ Điền (trái) và cựu chiến binh Nguyễn Minh Sơn dưới Bia Chiến thắng Tân An. Ảnh: NVCC

Lần đầu tiên được đặt chân đến Tân An, đứng lặng bên dòng sông Vàm Cỏ huyền thoại, dòng sông lặng lẽ chảy qua bao lớp trầm tích văn hóa phương Nam, đã chứng kiến không ít trận đánh oanh liệt và những hi sinh thầm lặng trong suốt chiều dài lịch sử, tôi bất chợt nhớ đến ca khúc “Vàm Cỏ Đông” - bài thơ của Hoài Vũ viết giữa chiến trường, được Trương Quang Lục phổ nhạc, từng là khúc hát của bao thế hệ:

“Hò ơ… dòng sông chảy xiết lái thuyền chèo đi,

Trên sông Vàm Cỏ Đông nước chảy ngược dòng…

Ơi Vàm Cỏ Đông, ơi hỡi dòng sông,

Nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng…”

Lời ca như vọng lại từ những năm tháng chiến trường, hòa vào tiếng trống rộn ràng, tiếng gọi nhau ríu rít, những cái siết tay chan chứa nghĩa tình. Dẫu đã nhiều lần gặp nhau trong các buổi họp mặt truyền thống, nhưng trong khoảnh khắc đứng trước tấm bia vừa dựng lên trên chính mảnh đất đã từng đổ máu, cảm xúc bỗng ùa về trong những cựu chiến binh như ngày đầu hội ngộ. Lời ca như vọng lại từ quá khứ, hòa vào tiếng trống, tiếng hò reo, những cái siết tay chan chứa nghĩa tình, khiến nhiều người rưng rung nước mắt.

Tấm bia chiến thắng hôm nay được dựng lên giữa mảnh đất Tân An lịch sử không chỉ là một công trình tưởng niệm. Nó được kết tinh từ máu, nước mắt và những kí ức thiêng liêng của những người lính trận. Mỗi đường nét, mỗi gam màu, mỗi ngôi sao rực rỡ trên nền đá đều như thắp sáng ngọn lửa của một thời trận mạc, ngọn lửa của lòng quả cảm, của tri ân và khát vọng không bao giờ tắt.

Dưới cái nắng gay gắt cuối tháng Tư, những lá cờ đỏ sao vàng bay phần phật trên nền trời Tân An xanh ngắt, như sống dậy một bản tráng ca bất tử. Giữa khói lửa chiến tranh, những người lính trẻ hôm ấy - đa phần chưa đầy hai mươi - đã vượt qua tuyến phòng thủ chằng chịt của địch, đánh chiếm các mục tiêu then chốt, chi viện cho quân dân Long An nổi dậy giành chính quyền. Không ít đồng đội của họ đã nằm lại, máu của họ hòa vào dòng sông Vàm Cỏ.

Cựu chiến binh Trần Thế Tuyển và Trình Tự Kha đang xem bản thiết kế Bia Chiến thắng Tân An. Ảnh: TL

Ngày hôm nay, sau đúng nửa thế kỉ, cũng chính những người lính ấy lại đứng lặng trước tấm bia chiến thắng. Anh Trần Thế Tuyển, khi đó là một chàng lính trẻ, nguyên Trưởng Ban liên lạc Hội CCB Trung đoàn 174; Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM vẫn giữ nguyên ánh nhìn rắn rỏi nhưng đầy cảm xúc. Anh Trình Tự Kha, Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 174 phía Nam với chiếc “ba lô ký ức” nặng trĩu trên vai, đã không mỏi mệt gom góp tư liệu, kết nối đồng đội, hiện thực hóa giấc mơ tri ân.

Và có lẽ không ai xúc động hơn anh Nguyễn Minh Sơn - Cựu chiến binh Trung đoàn 174, quê Hải Hưng, người đã gắn bó với trung đoàn trong suốt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường Campuchia. Với mong muốn được làm một điều gì đó để tri ân đồng đội, anh đã tài trợ toàn bộ chi phí xây dựng công trình, thay cho một nén tâm nhang gửi tới đồng đội cũ.

Cựu chiến binh Nguyễn Minh Sơn (thứ ba từ trái sang) cùng đồng đội trước Bia chiến thắng Tân An.  Ảnh: TL

Có những khúc tráng ca không cần ghi vào sử sách nhưng vẫn sống mãi trong lòng người. Và hôm nay, giữa nắng gió Long An, tấm bia chiến thắng đã trở thành một lời hẹn, một lời tri ân sâu thẳm. Nó là tiếng gọi nhắc nhở hậu thế rằng: chiến thắng không tự nhiên mà có, hòa bình không phải là món quà từ trời rơi xuống, mà là cái giá phải trả bằng máu xương, bằng tuổi trẻ của biết bao người lính can trường Trung đoàn 174 - Trung đoàn Cao Bắc Lạng anh hùng.

Sự kiện khánh thành Bia ghi nhớ chiến công của Trung đoàn 174 không chỉ là dịp để tưởng niệm những người đã hi sinh, mà còn là lời nhắc nhở thiêng liêng dành cho thế hệ hôm nay và mai sau về công lao trời biển của các anh hùng liệt sĩ, thương binh và Mẹ Việt Nam anh hùng. Đó cũng là biểu tượng của lòng biết ơn, sự tri ân và niềm tự hào dân tộc.

NGUYỄN VŨ ĐIỀN

VNQD
Thống kê