Triết luận Trần Ninh Hồ trong “Những dấu ấn chưa qua”

Chủ Nhật, 06/08/2017 00:35
ttntt

(Đọc Những dấu ấn chưa qua của Trần Ninh Hồ, Nxb Hội Nhà văn, 2017)

unnamedKhi vào thơ đời đã sách vở rồi/ Sao cứ mãi làm thơ theo sách vở/ Sách chỉ là nơi thơ tạm ở/ Thơ lẫn vào đời như em và tôi. Tuyên ngôn này của Trần Ninh Hồ dẫn dụ tôi mê đắm vào niềm thơ ông, một niềm thơ đầy suy tư, trăn trở, thâm trầm và không kém phần dữ dội.Với những câu thơ triết luận được đan cài thành tư tưởng là chủ định của Trần Ninh Hồ trong soi chiếu lật lại các giá trị và xác lập một giá trị mới, đa chiều hơn, thẳm sâu hơn.

Giữa bề bộn những sự đời, sự người, lắng lại một nỗi buồn nhân thế, một cách ứng xử đầy nhân văn trước thời thế. Ông như que diêm lách giữa hai ngọn nến đang cháy, và thơ ông rừng rực như đài lửa được chính ông thắp lên bằng tình yêu thương con người da diết. Cao hơn tất cả, bao trùm lên tất cả là một ý thức công dân đầy trách nhiệm của một tâm thế sẵn sàng can dự, sẻ chia.

Độc thoại trước giấy trắng, trắng lắm phía chân trời, ông luôn ý thức: Sách in còn tươi mực/ Chưa ngưng đã cũ mèm. Chính vì thế mà ngay cả khi đọc được một dòng tin buồn trên báo, ông cũng đầy cật vấn và day dứt: Tôi đọc tin buồn trên báo/ Về một nhà thơ qua đời…/ Nỗi buồn gọn như… trang báo/ Có như đời thực ngày nào? Đúng là chỉ có những người trong cuộc mới có thể hiểu được đời thực của nhà thơ nó khốn khổ đến như thế nào. Hình như thơ càng hay, đời càng nhiều trả giá, và càng nhiều trả giá thơ càng hay. Trần Ninh Hồ cũng không là một ngoại lệ, dù ông nhiều nghi vấn: Hình như nỗi buồn của rét/ Buốt từng câu thơ chiêm bao…/ Hình như nỗi buồn chinh chiến/ Bạc phai bao lớp áo bào. Tâm trạng này càng rõ hơn khi Trần Ninh Hồ khắc họa lại cái thời vai khoác ba lô, chân dép lốp đi vào chiến tranh. Người lính làm thơ ấy may mắn trở về, và trong bức chân dung tự họa, thấy thăm thẳm một nỗi niềm: Sương gió lên màu vách núi/ Nơi ai tựa giấc trường chinh/ Mơ ánh mây về phố cũ/ Tỉnh ra, mình lại chỉ mình. Khi đọc những bài thơ Trần Ninh Hồ viết về Hoàng Cầm, Hoàng Trung Thông, Trúc Thông, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Quốc Vượng… tôi có cảm giác như ông đang viết về chính ông.

Chỉ bằng hai câu: Nào phải mình ta thi sĩ/ Chung thân làm tiếng gọi đò đã đủ thấy Trần Ninh Hồ thăm thẳm trong triết luận về  Hoàng Cầm, nhà thơ cùng quê hương Kinh Bắc. Trong nỗi nhớ người, ông thốt lên: Ôi con sông người đào ấy/ Nối liền cả sáu sông trời/ Mênh mang lục đầu sương khói/ Khắc khoải một lời người ơi!

Còn với nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, tác giả của Làng quan họ quê tôi và Khúc hát sông quê nổi tiếng, Trần Ninh Hồ thủ thỉ hơn, thâm trầm và góc cạnh: Sân thượng ở cao quá/ (Cao bởi thói chọc trời!)/ Kéo cày từng thửa… sách/ Đời bảo “Thằng ham chơi!”...

Với chú em Trần Đăng Khoa, phát hiện này của Trần Ninh Hồ khiến tôi giật mình: Đầu bài liều gọi “chú”/ Cái người đã thành “ngài”/ “Chú bảo đã từng nhớ/ Thơ ta ba mươi bài/ Cả tình tang, thế sự/ (Như rượu nhớ… lai rai!)/…Ít nữa rồi chắc chắn/ Chú sẽ quên dần dần/ Ta tuổi cao chả nhớ/ Đang tìm chốn…rảnh thân!/ Rảnh thân dễ cô độc?/ Văn vẻ bảo cô đơn?/ Thôi thì cứ phiên phiến/ Chữ nghĩa vốn… chập chờn/ Đã vay từ nhơn thế/ Xin gửi về thế nhơn!

Là con người rất cá tính nên những câu thơ ông viết về nhà sử học Trần Quốc Vượng giống như những thước phim quay chậm với thủ pháp chồng mờ của điện ảnh: Anh thích nhất bạn bè đến/ Học trò xúm xít kề bên/ Rối rít tay đũa tay chén/ Đón bạn như mừng… trạng nguyên/ Phàm có chai nào uống được/ Truyền đem ra trước trận tiền/ Có lúc mắt lại đẫm lệ/ Lặng thinh đóng chặt cửa phòng/ Lại chuyện oan khiên chi đó/ Có khi từ thời Hùng Vương”.

Đã từng đến Huế đôi ba lần, có lần ở đó cả tháng trời nhưng quả thật chỉ đến khi đọc Trần Ninh Hồ trong Bất chợt cố đô tôi mới ngộ ra: Quyền lực, chà, quyền lực/ Vua chúa thoắt lưu đày/ Tù cả lòng thương nước/ Buồn nào riêng Huế đây.
Trong hồi ức về quê hương, đất nước, bạn bè, đồng đội và những người thân yêu ruột thịt, hồi ức về mẹ bao giờ cũng sâu đậm và thiêng liêng, ông viết về mẹ mình bằng cả tấm lòng và trách nhiệm của một người con hiếu thảo: Người già đến viếng mẹ/ Thường an ủi chúng con:/ Cụ bảy mươi lăm tuổi/ Con đàn cháu đống đây/ Bảy mươi xưa nay hiếm/ Phúc, Lộc, Thọ đủ đầy!.../ Nhưng mẹ ơi, mẹ ơi/ Chưa bao giờ con nghĩ/ Có ngày mẹ mãi xa. Thưa với mẹ như thế, để rồi lặng đi trong xa xót: Còn bao giờ được hỏi/ Mẹ đi bao giờ về. Tôi đã ứa nước mắt khi đọc những câu thơ trên của ông, và lòng cũng chùng xuống trong tự sự của ông về cha mình: Nuôi con như… đền nợ nước!/ Một thời gạo chợ, củi sông/ Sách bút đổi bằng thiếu đói/ Con khôn lớn với ruộng đồng.

Ở bài Tự ngẫm, lại như có thêm một nỗi đời khác mà Trần Ninh Hồ đã khắc từ mỗi đời bạn bè và tự họa chính mình trong vòng xoáy thời cuộc. Bài thơ như một giãi bày mang đầy ẩn ức và đau đớn: Chẳng lẽ chỉ chừng đó việc/ Cái người đã bảy mươi kia/ Còn có gì đang nuối tiếc/ Còn chờ ai cùng sẻ chia?

Lặng lẽ hơn 10 năm mới xuất bản Những dấu ấn chưa qua, có thể nói, Trần Ninh Hồ là người rất cẩn trọng và đầy trách nhiệm công dân trước ngòi bút của mình; bởi ông luôn nghe được từ phía những cõi lòng và từ chính lòng ông. Là ngoái lại hay hiện hữu, thì thơ cũng như con người ông, luôn Khát những mặt người ấm áp, luôn ấm áp những sẻ chia mang đầy nết đất của người Kinh Bắc.                                                          
 
NGUYỄN HƯNG HẢI giới thiệu và chọn

 
Qua viện tàng thư

 
Ta viết mười trang chữ
Mong được một trang in
Khắc thạch nghìn trang sách
Hồ dễ mấy ai tìm
 
Đừng giận người lơ đãng
Đời biết bao nỗi niềm
Ta nghĩ, người đã nghĩ
Người yên, ta chưa yên
 
Sách in còn tươi mực
Chưa ngưng đã cũ mèm
Chưa chừng vẫn giấy trắng
Mực lại về với… nghiên
 
Không biết ai đã nói
Những điều này bao đêm
Tôi ngoái tàng thư viện
Nắng sớm đã qua thềm.


nang som

Độc hành ơi
                Viết trong ngày giỗ nhà thơ Quang Dũng
I
Tôi đọc “tin buồn” trên báo
Về một nhà thơ qua đời
Nỗi buồn gọn như… thông cáo
Có như đời thực ngày nào?
 
Hình như nỗi buồn của đói
Đã khiến thơ ông cồn cào
Hình như nỗi buồn của rét
Buốt từng câu thơ chiêm bao
 
Hình như nỗi buồn li biệt
Mang mang mây trắng trời cao
Hình như nỗi buồn bạo bệnh
Tóc rụng cùng thơ rừng nào
 
Hình như nỗi buồn chinh chiến
Bạc phai bao lớp áo bào
Tôi đọc “tin buồn” trên báo
Không biết chia buồn làm sao
 
Ôi những Xứ Đoài, Sài Khao
Mai Châu… tên đất đẫm đời
Lật từng trang mờ di cảo
Độc hành ơi! Thương nhớ ơi!
 
II
Sương giá lên màu vách núi
Nơi ai tựa giấc trường chinh
Mơ ánh mây về phố cũ
Tỉnh ra, mình lại chỉ mình
 
Độc thoại dòng dòng cảm khái
Như dòng sông một mình trôi
Trả lại hai bên bờ bãi
Bao nhiêu khao khát một thời
 
Ruộng cắt ô cờ thung lũng
Trấn thủ lính màu cỏ gai
Đâu rồi áo bào vệ quốc
Một thời trải trắng đất đai?
Tráng-sĩ-người đi không lại
Chỉ còn tráng-sĩ-thơ thôi
Sông Dịch nơi nào cũng lạnh
Tái tê trôi dọc kiếp người.

 
tay tien
Bất chợt cố đô

 
Một mình tôi với Huế
Nguyễn Bính nhớ Lạc Viên
(1)
Nam Trân cùng cò đói (2)
Bay dạc cõi ưu phiền
 
Dạt sang vườn Vạn Tuế
Vạn Tuế nối bao đời
Sao nhiều Vạn Tuế thế
Đời cần gì sinh sôi?
 
Quyền lực, chà, quyền lực
Vua chúa thoắt lưu đày
(3)
Tù cả lòng thương nước
Buồn nào riêng Huế đây?
 
Long trọng trao ấn kiếm
Hoàng đế thành công dân
(Không thần dân đâu nhé)
Vinh nhục đã bao lần
 
Lại những ngày khói lửa
Điêu tàn nuôi điêu tàn
Vinh quang ràn lệ ứa
Rưng rưng mờ Hương Giang
 
Chói ngời và u uẩn
Lá rơi vàng sân lăng.

--------

 1. “Ở Lạc Viên mà nhớ Lạc Viên…” (thơ Nguyễn Bính, 1938)
 2. “Thi tứ viển vông/Thần tưởng tượng/Như đàn cò đói/Lượm đồng không”
     (thơ Nam Trân, 1939, “Huế Đẹp và Thơ”)
 3. Hàm Nghi, Duy Tân, Thành Thái là ba hoàng đế nhà Nguyễn bị thực dân Pháp
     lưu đày

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)