VNQĐ kết nối  Tư liệu VNQĐ

“Anh trở về hóa đá phía bên kia” (Nguyễn Quốc Trung)

Thứ Hai, 28/05/2012 15:00
Vậy là nhà thơ Thu Bồn đã về cõi thiên thu ba năm rồi. Vậy mà một nhà văn đã nói, anh vẫn có cảm tưởng Thu Bồn đang thực hiện chuyến đi thực tế dài ngày đâu đó trên đất nước. Anh là người gắn bó với nhà thơ Thu Bồn suốt mấy chục năm, là người chăm lo vật chất, tinh thần, động viên, cổ vũ Thu Bồn viết. Trong một bài viết lúc lâm bệnh nặng Thu Bồn đã cho biết điều đó. Với nhà văn này, Thu Bồn không bao giờ chết, bởi con người Thu Bồn có sức sống mãnh liệt, cuộc đời của nhà thơ Thu Bồn là chắp nối những chuyến đi, tác phẩm cũng được ra đời từ những chuyến đi thực tế ấy. Lúc còn sống, Thu Bồn không bao giờ làm công tác quản lý, ông được tự do đi và viết. Thu Bồn ít khi chịu ở một chỗ lâu, ông là người dễ yêu nhưng chóng chán, ghét những gì quá quen thuộc. Thu Bồn như một con đại bàng cô độc của những cánh rừng nguyên thủy.

Sức sống mãnh liệt của Thu Bồn thể hiện ngay ở cách làm việc. Ông là nhà thơ có tố chất làm việc của một cây bút phóng sự, hễ có sự kiện mới là có thể viết được ngay, một ngày một bài thơ, một đêm một chương trường ca, đến như tiểu thuyết là thể loại cần sự chiêm nghiệm của thời gian sau khi thâm nhập thực tế, vậy mà đi chiến dịch Quảng Trị 1972, trở về ông viết hẳn bộ tiểu thuyết Những đám mây màu cánh vạc, 2 tập, phác thảo trường ca Con chim vàng chốt lửa, và cũng thời gian ấy ông viết trường ca Người gồng gánh phương đông. Niên biểu sáng tác của Thu Bồn cho biết, năm 1972 là năm ông viết sung sức nhất, ông cho ra đời nhiều tác phẩm nhất.

Tôi được gặp nhà thơ Thu Bồn đâu vào khoảng sau tết nguyên đán 1978, khi bè lũ Pôn Pốt gây hấn cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam được hơn một năm, chiến tranh đang vào giai đoạn quyết liệt, địch tăng cường đánh chọc sườn phía Tây Nam, nhiều làng xóm bị đốt phá, dân lành bị tàn sát. Giữa lúc ấy, nhà văn Nguyễn Chí Trung dẫn đoàn văn nghệ sỹ từ quân khu 5 đến chiến trường. Tôi còn nhớ đoàn có các nhà văn, nhà thơ Thu Bồn, Nguyễn Bảo, Ngân Vịnh, Thanh Quế và hai họa sỹ, nghệ sỹ nhiếp ảnh. Đến nơi, trong khi nhiều người đang nghỉ ngơi sau chặng đường mấy trăm cây số, Thu Bồn đã lên đường biên, ông đến chiến hào quan sát trận địa, trò chuyện với chiến sỹ, rồi đến trại tị nạn gặp nhân dân Campuchia mới từ bên kia chạy sang. Thời gian này, đất nước Chùa Tháp đang chìm trong nạn khủng bố, diệt chủng, nhân dân chạy sang Việt Nam lánh nạn rất đông. Thu Bồn đến trại tị nạn Bến Sắn gặp các nhân chứng. Ông cứ lang thang từ căn lều này đến lán khác trò chuyện với mọi người, gần gũi, thông cảm, chia sẻ nỗi đau của họ. Tối về hậu cứ của binh đoàn Cửu Long; Thu Bồn ngồi võng, bên chiến bàn tre với ngọn đèn dầu và viết. Đâu chừng nửa tháng sau, trường ca Campuchia hy vọng ra đời. Phải, chính lúc đất nước Campuchia đang ở thời kỳ đen tối nhất của lịch sử, hàng triệu người dân bị đọa đày trong cái gọi là công xã giữa rừng sâu, trên những cánh đồng khô hạn hay giữa đầm lầy, xác người bị giết bằng phương tiện thô sơ ngổn ngang khắp nơi, thì Thu Bồn vẫn nhận thấy niềm hy vọng của đất nước này ở phía tương lai. Rằng dù cái ác tàn bạo đến đâu cũng không thể hủy diệt được một dân tộc. Rằng cái ác, sự tàn bạo sẽ đẩy người dân lương thiện đến sự phản kháng để tìm lối thoát, và đó chính là hy vọng.

Anh nói về đất nước Campuchia hy vọng

Nhân dân là sức mạnh thánh thần

Tay nắm tay dưới ngọn cờ giải phóng

Tin vào sức mình đã dựng nổi những AngKor



…Chúng tôi sẽ tiến về Phnômpênh

Như nước lũ tràn

Cả mùa mưa loài người đang chịu đựng

Đền chùa hãy gióng lên tiếng trống

Đã dấu trong lòng đất lòng người

Tất cả hãy gióng lên.


Lời tiên đoán bằng thơ ấy của Thu Bồn được viết trước tháng 10 năm 1978, khi tập đoàn Pôn Pốt đang mặc sức chém giết nhân dân Campuchia, và đã được minh chứng, chỉ một thời gian ngắn, trên đất nước Chùa Tháp đã nổ ra hàng loạt cuộc nổi dậy của quần chúng nhân dân, Mặt trận dân tộc cứu nước Campuchia được thành lập. Hơn một năm sau, được sự giúp đỡ vô tư trong sáng của quân tình nguyện Việt Nam, quân và dân Campuchia đã giải phóng hoàn toàn lãnh thổ, đưa đất nước của nền văn minh Ang Kor thoát khỏi họa diệt chủng.

Sau này, một số người viết lý luận và một vài nhà văn tự cho mình có tư tưởng “cấp tiến” cho rằng văn phải có thiên chức dự báo, điều mà văn học cách mạng kháng chiến không hề có. Chỉ tiếc rằng họ chưa đọc trường ca Campuchia hy vọng của Thu Bồn, cũng như nhiều tác phẩm văn học cách mạng khác.

Khi quân tình nguyện chúng ta làm nhiệm vụ trên đất nước Campuchia, Thu Bồn còn có nhiều đợt sang đấy công tác. Ông đến với các đơn vị đứng chân dọc dãy Đăng Rếch, Ô Ran và viết trường ca Ô Ran 76 ngọn. Trường ca này như được Thu Bồn viết rất nhanh, như là sự nối tiếp của Campuchia hy vọng, và được xuất bản năm 1989, trước khi quân tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ trở về nước. Cặp trường ca Campuchia hy vọngÔ Ran 76 ngọn là hai tác phẩm quan trọng trong sự nghiệp sáng tác văn học của Thu Bồn.

Là người sáng tác, tôi thường tìm hiểu cách làm việc của các nhà văn. Mỗi nhà văn đều có phương pháp làm việc riêng, rất thú vị. Nhìn bề ngoài, Thu Bồn là người mang tính cách lãng tử, ông ham vui, thích hội hè, đọc thơ, ca hát. Hễ gặp người quen là ông gây nên cuộc nhậu, sẵn sàng bán đồ đạc quý nhất để đãi mọi người. Nhưng thực ra đấy là người lao động nhà văn hết sức nghiêm túc. Đêm nào ông cũng ngồi viết, có khi viết đến sáng.

Thu Bồn rất ít khi quan tâm đến câu chữ, bố cục tác phẩm. Với Thu Bồn, câu thơ dài ngắn tùy theo cảm xúc của người viết, tác phẩm đuợc hình thành qua cảm hứng. Và cũng từ cảm xúc đẻ ra bố cục, hễ gặp đề tài là ông viết. Có thể một số bài thơ ngắn, trường ca của Thu Bồn chưa thật hay, đấy cũng là lẽ thường tình, chẳng có ai viết tác phẩm nào cũng đều hay, nhưng trong số những tác phẩm thường thường bậc trung đó vẫn có những tứ thơ độc đáo, những câu chữ xuất thần. Thu Bồn như một người sơn tràng được giao vào rừng đốn gỗ về dựng nhà, vào đến rừng, ông đốn hết những cây to khuân về ném thành đống ngổn ngang cho thợ mộc lựa ra gỗ tốt trong ấy mà dựng nhà, dựng cửa. Ở tiểu thuyết cũng vậy, bên cạnh những chương hay, có một số chương đoạn độn nhiều tư liệu, nhưng giọng văn bao giờ cũng nhiệt tình, cách diễn tả, đối thoại của nhân vật rất riêng biệt, nhiều câu văn lóe sáng, neo người đọc lại. Có thể nói, một số trường ca, tiểu thuyết , đến cả truyện ngắn của Thu Bồn lỏng lẻo bố cục nhưng hấp dẫn người đọc nhờ giọng văn cuốn, câu thơ có sức lay động lòng người với những sự kiện, chi tiết đặc sắc, tạo nên khung cảnh bi tráng, nhân vật có những tính cách phi thường, gây bất ngờ cho người đọc.

Thu Bồn là nhà văn tác chiến trên nhiều thể loại, nhưng nhắc đến tên ông, người ta nghĩ ngay đến trường ca. Ông là nhà thơ đã viết 10 trường ca, đến nay chưa có nhà thơ nào ở nước ta địch nổi. Và trường ca nào cũng gây được ấn tượng cho người đọc. Từ trường ca đầu tiên Bài ca chim chơ rao, viết về Tây Nguyên, đến trường ca sau cùng Ô Ran 76 ngọn, viết về đất nước Campuchia, Thu Bồn có cảm xúc xuyên suốt là ca ngợi con người, đất nước. Ông là người có sở trường viết về rừng núi. Ông ghét những gì quá bằng phẳng, cũ mòn. Ông thích thả mình theo cảm hứng với những con người có tính cách mạnh mẽ, những cánh rừng chưa ai đặt chân đến, những đỉnh núi chót vót trời mây. Trường ca của Thu Bồn mang âm hưởng sử thi Tây Nguyên. Ngay khi viết về đời thường như trường ca Hà Nội ngày nào, thực ra đây chỉ là bài thơ dài hơi, Thu Bồn cũng mang giọng điệu của sử thi với sự lớn giọng.

Trong trường ca và thơ của Thu Bồn thường có hình ảnh mặt trời: “Mỗi ngày mặt trời lên mặt trời xuống – Núi thêm một màu xanh một vầng ráng đỏ” (Bài ca chim chơ rao). Quê hương tôi bé nhỏ đẹp xinh – Có đêm đen ẩn dấu mặt trời vàng (Quê hương mặt trời vàng). Thu Bồn viết về chiến tranh, đề tài lớn của văn học, mỗi tác phẩm đều mang tầm vóc khái quát cao nhưng không thiếu những chi tiết đặc sắc của đời thường. Đấy cũng là đặc điểm khác biệt giữa thơ ca hiện đại và thơ ca dân gian. Trường ca là thể loại đòi hỏi người sáng tác phải có kiến thức tổng hợp nhiều mặt. Mọi chi tiết của đời sống, sự kiện xã hội, lịch sử phải được thể hiện bằng thơ. Trường ca, một kiến thức tổng hợp của thơ ca. Sinh thời Thu Bồn đã phát biểu như vậy. Đúng thế, trong trường ca, nếu người viết chỉ viết bằng một thể thơ, rất dễ rơi vào đơn điệu, gây nhàm chán cho người đọc. Nhưng viết với nhiều thể thơ, phải làm sao để không lạc giọng với từng chương đoạn, tạo nên cảm hứng xuyên suốt của chủ đề tác phẩm mới là thử thách lớn nhất của người viết.

Thu Bồn rất mê cảnh rừng núi, hình như ông không chịu được cảnh náo nhiệt của đô thị. Thời gian sang công tác ở Campuchia, có lúc ở cả tháng, trong khi nhiều nhà văn, nhà thơ tìm tài liệu ở thủ đô Phnôm Pênh, Thu Bồn lên mạn rừng U Đôn, Pua Xát, Biển Hồ, ban ngày ông đến với các đơn vị tình nguyện, với nhân dân trong các phum sóc, ban đêm ông mắc võng ngủ trong vườn, dưới những vòm cây cổ thụ. Những năm cuối đời, dù được quân đội cấp nhà ở trung tâm thành phố, nhưng ông không ở mà chọn khu suối Lồ Ô để nương náu. Dạo đó, Lồ Ô còn là nơi cây cối trùm lên như rừng, lại có gò núi, suối khe, nên ông rất khoái.

Thu Bồn có sức hút đối với nhiều người mọi từng lớp. Ông xuất hiện ở đâu là có nhiều người quây đến, sẵn sàng làm đồ đệ. Tính Thu Bồn phóng khoáng, đã chơi là chơi hết mình, điều đó ảnh hưởng đến sáng tác, khi viết, ông viết một mạch. Nhờ vậy mà trường ca, tiểu thuyết của ông có hơi văn cuồn cuộn, câu chứ đôi lúc xô bồ một cách đáng yêu. Khi về sống ở suối Lồ Ô, sức khỏe nhà thơ Thu Bồn có dấu hiệu giảm sút, tuổi cũng đã cao, đối mặt với cuộc sống đời thường, ông nhận ra nhiều điều về cõi nhân sinh, rằng cuộc đời mỗi người đều có giới hạn về thời gian. Thơ Thu Bồn thời gian này chuyển sang giai đoạn mới, ông viết về đời thường, về mẹ, về vợ, bài thơ Em đi bán lịch, tiêu biểu cho phong cách Thu Bồn giai đoạn này. Tuổi cao, sức yếu vẫn không buộc chân được Thu Bồn, ông vẫn thực hiện những chuyến đi lên Tây Nguyên, ra các tỉnh phía Bắc, đến cố đô Huế, Tạm biệt Huế là một bài thơ tình đặc sắc của thơ Việt Nam. Ở bài thơ này, Thu Bồn đã phác họa được cảnh sắc cố đô Nhịp cầu cong và con đường thẳng – Một đời anh tìm mãi Huế nơi đâu – Con sông dùng dằng, con sông không chảy – Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu. Và ông đã sử dụng tài tình ngôn ngữ Huế.

Thu Bồn là tác giả có khối lượng tác phẩm đồ sộ. Muốn hiểu về tác phẩm Thu Bồn phải có những công trình nghiên cứu. Ông là một tác giả tiêu biểu cho nền văn học cách mạng và kháng chiến.

Cuộc đời nhà thơ Thu Bồn rất phong phú, sinh thời ông đã có những giai thoại, huyền thoại được truyền tụng. Anh trở về hóa đá phía bên kia. Vâng, Thu Bồn đã đi xa ba năm nhưng thơ ông đã thành những tượng đài không phải bằng đá mà bằng ngôn ngữ mới lạ, bằng nhịp điệu cuồn cuộn như chính sự nồng nhiệt với tình yêu cuộc sống, với đất nước của tác giả. Thu Bồn đang tồn tại với bạn đọc hôm nay và cả mai sau.

NGUYỄN QUỐC TRUNG
 

 
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Tin tức khác
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)