VNQĐ kết nối  Tư liệu VNQĐ

Bạn bè gặp lại (MAI NGỮ)

Thứ Hai, 17/10/2011 01:00

Rất tình cờ, trong đại hội nhà văn lần thứ 5(3/95) tôi gặp lại anh ở Hà Nội. Một người đã già nhưng đẹp lão. Mái tóc bạc như cước, lông mày cũng bạc, da mặt đỏ au và nụ cười rất hiền, vẫn nụ cười năm xưa mà bốn mươi năm qua tôi bặt tin. Anh là nhà văn Trần Kim Trắc, đã từng là thành viên của Văn nghệ quân đội 1955, 1956. Ngày ấy tất cả còn sinh hoạt chung trong phòng Văn nghệ quân đội, sau ngày giải phóng thủ đô, nhiều anh em được điều từ các đơn vị về, người từ các sư đoàn chủ lực, người từ các liên khu và cả những anh em miền Nam ra tập kết. Anh em Nam Bộ ra khá đông, anh Bích Lâm cao lớn và bộ ria biết cười, anh Hoàng Việt nhỏ con và hiền lành, Nguyễn Ngọc Tấn lặng lẽ, Hà Mậu Nhai sôi nổi và anh, nhà văn Trần Kim Trắc với dáng đi lòng khòng, bước rất dài. Ngày ấy, anh Trắc là tác giả của truyện “Cái lu”, giải thưởng Hội văn nghệ Việt Nam 1954-1955, Truyện viết mối quan hệ giữa đồng bào Nam Bộ và các chiến sĩ bộ đội trong những ngày đầu chống Pháp, một câu chuyện giản dị nhưng lột tả được tâm hồn Nam Bộ từ người dân đến anh bộ đội…

Ngày ấy, hồi 55, 56, 57…cái phố “nhà binh” Lý Nam Đế không thông suốt như bây giờ. Từ phố Phan Đình Phùng đổ vào, chỉ đi đến hết xưởng phim quân đội, đầu đường Lê Văn Linh là hết, con đường bị rào kín từ thời Pháp tạm chiến thành phố. Chúng tôi muốn ra Cửa Đông để vào trong thành phải vòng qua đường Phùng Hưng rồi ngoặt lại Lê Văn Linh đi tiếp phố Lý Nam Đế. Hồi ấy cái phố cụt ấy, toàn cánh báo chí văn nghệ vừa trong thành dàn ra. Bên số lẻ là báo Quân đội nhân dân ở số nhà 1, 3 và 5, bên số chẵn là số 2 thuộc về báo ảnh quân đội, số 8 cái tòa nhà ba tầng cao nhất phố là nơi trú quân của anh em nghệ thuật, đoàn văn công Tổng cục Chính trị, đoàn cải lương quân đội, đoàn chèo quân đội và cả đoàn xiếc quân đội nữa. Lực lượng văn nghệ quân đội từ ngày ấy đã rất hùng hậu…

Ngày ấy tôi thường chơi bời với các anh Nam Bộ, tôi quý họ bởi anh nào cũng hiền hậu và cái giọng Nam Bộ mới đáng yêu làm sao. Ngày ấy chưa ai có tật nhậu nhẹt, chẳng có “trăm phần trăm” như bây giờ. Và đặc biệt các anh Nam Bộ người nào cũng thật lòng, thẳng thắn, sôi nổi. Ngày đó tôi nhớ có tối ngồi nói chuyện với anh Lê Nguyên Phổ (sau là Sáu Lăng) tôi chọc anh câu gì đó khiến anh tức quá, đập tay xuống mặt bàn làm tung cả lọ mực vào người tôi. Tôi biết lỗi ngồi im còn anh Sáu cũng hối vì sự nóng nẩy của mình, ôm lấy tôi xin lỗi.

Các anh Nam Bộ cũng không ở lâu trong phòng Văn nghệ quân đội. Anh Bích Lâm được đi học sân khấu bên Tiệp Khắc. Anh Hoàng Việt sang Bungari học nhạc. Khi về nước, hai anh đi thẳng vào chiến trường Nam Bộ. Cả anh Nguyễn Ngọc Tấn và anh Hoàng Việt hy sinh, Bích Lâm và Hà Mậu Nhai mất ở Sài Gòn sau ngày giải phóng. Ngày đó tức là những năm 56, 57, tất cả chúng tôi được huy động vào cuộc đấu tranh với nhóm nhân văn giai phẩm. Khi tôi tìm đến anh Trần Kim Trắc thì anh đã rời khỏi Văn nghệ quân đội rồi. Tôi không biết anh đi đâu? Chỉ biết ngày ấy có câu chuyện gì đó khiến anh phải bỏ Hà Nội mà đi tít lên vùng rừng núi Tây Bắc làm nghề rừng và nuôi ong rất giỏi. Thấm thoắt thế mà bốn mươi năm mới gặp lại anh Trắc người thanh niên Nam Bộ thuở nào nay đã là một ông già.

Hôm ấy, tôi đang ngồi ngoài hành lang của đại hội nhà văn với hai ba anh nữa thì có một người đến trước tôi. Cái nụ cười rất quen thuộc kia khiến tôi kêu lên; “Trần Kim Trắc…” Anh gật đầu: “Tôi đây!” Trời ơi, tôi chồm lên nắm lấy bàn tay anh. Từ đó suốt mấy ngày đại hội chúng tôi luôn ngồi bên nhau ngoài hành lang. Anh Trắc nói với tôi gần như tâm sự:

Ngày ấy ở Hà Nội tôi mắc một việc mà chắc anh đã biết. Tôi suy nghĩ mãi và quyết định dứt khoát: phải rời bỏ Hà Nội ra đi. Thế là tôi đeo ba lô lên rừng làm thợ sơn tràng và nuôi ong, suốt từng ấy năm cho đến ngày giải phóng miền Nam…

- Nhưng điều quan trọng là anh có còn viết nữa không?

- Viết, tôi vẫn viết. Tôi có in được mấy tập sách rồi tôi sẽ gửi tặng anh…

Ngồi nói chuyện trong khi người khác đang hội họp, đang tham luận thật không tiện. Tôi hẹn anh khi nào gần bế mạc, tôi sẽ đến tìm anh nơi anh và các đoàn đang ở, tức 37 Hùng Vương. Tôi đã đến đó trước ngày ấy, người ta bảo Trần Kim Trắc đã vào thành phố Hồ Chí Minh trước rồi, chẳng hiểu có chuyện gì mà anh vội vã thế? Cho nên cái bữa tạp chí Văn nghệ quân đội mời anh em cũ đến chơi thân mật thì thiếu anh, anh Trần Kim Trắc, tác giả “Cái lu”…

Hơn một tuần sau, tôi nhận được cuốn sách của anh gửi tặng: “Ông Thiềm Thừ”, cuốn sách đó đọc rất thích bởi nó vô cùng giản dị trong sáng lại vẽ lại cả những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ. Tôi thích lắm và sau này trong bài phê bình sách của nhà văn Tô Hoài ông cũng khen “Ông Thiềm Thừ” và cuối năm 1995, nó được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Anh Trần Kim Trắc tiếp tục gửi tác phẩm đến tạp chí Văn nghệ quân đội và anh em ở đó đăng liên tiếp. Sang năm nay anh lại gửi cho tôi một cuốn sách mới: “Hoàng đế ướt long bào”. Những chuyện về Nam Bộ, về đồng bào chiến sĩ thời chống Pháp, đọc lên thấy rất thú vị. Vẫn là Trần Kim Trắc ngày xưa, Trần Kim Trắc của “Cái lu”, giọng điệu ấy bây giờ rất hiếm người có … Tôi thật mừng cho anh, ngoài sáu mươi tuổi vẫn hăng say viết.

Cũng ở đại hội nhà văn lần thứ 5 ấy, tôi gặp lại nhà thơ Văn Thảo Nguyên. Vẫn khỏe mạnh, năng nổ và bây giờ trông sang hơn với cái camera nhỏ xíu luôn trên tay, chĩa vào anh mà bấm sè sè. Anh quay để chơi thôi, quay làm kỷ niệm. Nhà thơ Văn Thảo Nguyên về công tác ở tạp chí Văn nghệ quân đội vào khoảng năm 68 hay 69 gì đó tôi không nhớ, chỉ biết hồi ấy anh từ xưởng phim Hà Nội chuyển về. Tôi biết anh từ lâu, cách đây khoảng trên bốn mươi năm, ngày ấy vào năm 1951 hay 1952, tôi về công tác ở phòng chính trị liên khu 3. Khi đến trạm đón tiếp, tôi gặp một người lính nhợt nhạt vì sốt rét cũng đang nằm chờ công tác. Hồi đó người ấy tên là Văn Đà, sau này gặp lại tôi nhận ra đúng là Văn Thảo Nguyên. Anh từ bộ đội chuyển sang ngành điện ảnh cùng cả vợ con. Về đây được ít lâu thì gia đình tan vỡ, anh ôm con đi nơi khác và gia nhập tạp chí Văn nghệ quân đội. Từ đấy, anh không lấy vợ nữa, sống với đứa con gái nay cũng đã ba mươi tuổi hơn. Gà trống nuôi con, con gà trống đầy nghị lực, ngay trong căn phòng làm việc của anh, tôi vẫn nhìn thấy đôi tạ nhỏ mà hàng sáng anh luyện tập. Một con người trầm lặng, đôi khi khó hiểu nhưng trung thực và thẳng thắn, chính vì vậy mà nhiều khi va vấp. Văn Thảo Nguyên về Văn nghệ quân đội làm phóng viên rồi biên tập thơ, văn, việc gì được phân công anh cũng nhận. Hồi đầu năm 1975, anh rong ruổi theo chiếc xe của đoàn quay phim quân đội đi khắp miền Nam lúc đó đang bắt đầu giải phóng. Anh làm thơ, viết tiểu thuyết và kịch bản phim. Một con người sống đôi chút cực đoan nhưng biết phục thiện khi hiểu ra. Khoảng năm 1977 hay 1978 gì đó, anh xin chuyển về Ban Tuyên huấn tỉnh Lâm Đồng. Buổi tối cơ quan có làm bữa chia tay với anh cùng với nhà thơ Liên Nam, anh Liên Nam về Phú Khánh. Hôm đó tự dưng tôi nói đùa một câu hơi ác:”Này, ông về Lâm Đồng nếu có khó khăn cần quay lại thì cứ về đây với bọn mình, đừng có biến vào rừng…” Mọi người đều cười, Văn Thảo Nguyên cũng cười và nói: “Tôi đi đâu cũng không thể quên những ngày ở với các anh, những ngày tuyệt vời…!” Bẵng đi, ở Lâm Đồng có gì đó trục trặc, Văn Thảo Nguyên lại đưa con gái về thành phố Hồ Chí Minh và làm việc trong xưởng phim Tổng hợp. Anh đi nhiều, viết nhiều, mái đầu tóc ngắn lúc nào cũng chỉ chực lao đi, hết miền rừng, đến miền đồng bằng rồi vọt sang Campuchia. Một số kịch bản điện ảnh của anh đã được dựng lên phim truyện, một số tập thơ được in. Duy có cuốn tiểu thuyết xưa kia anh viết mà tôi được đọc, anh vẫn gác đấy, chưa viết tiếp mà cũng chưa sửa chữa. Anh vẫn sống một mình, con gái được đi học nước ngoài và đã lấy chồng. Gặp nhau ở đại hội nhà văn vừa qua, tôi rất mừng vì Văn Thảo Nguyên càng chững chạc, càng khỏe khoắn hơn và càng sang trọng hơn. Vẫn ít nói, ai hỏi chỉ lắc đầu cười. Buổi tối sau đại hội, tạp chí Văn nghệ quân đội có mời anh em cũ về chơi, không thấy anh. Giống như Trần Kim Trắc, Văn Thảo Nguyên đã bay vào Nam rồi.

 

MAI NGỮ

 

 
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Tin tức khác
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)