1. Tám giờ sáng ngày 5 tháng 9 năm 2005, khi tiếng trống khai trường rộn ràng ngân vang trên khắp các nẻo đường Hà Nội cũng là lúc tôi có mặt tại phòng làm việc của nhà phê bình văn học Ngô Vĩnh Bình (lúc đó là trưởng ban lý luận phê bình) bắt đầu buổi “học việc” đầu tiên tại “nhà số 4, phố nhà binh”. Đây không phải là sự tình cờ ngẫu nhiên mà do tôi chủ động “chọn ngày”. Vốn xuất thân trong gia đình có truyền thống nghề giáo (ông nội, bố, mẹ, anh ruột, chị dâu, sau này cả vợ đều là giáo viên), bản thân lại tốt nghiệp ngành sư phạm ngữ văn khoa Sư phạm – Đại học Quốc gia Hà Nội nên tôi cũng có chút “lưu luyến” với nghề “bán cháo phổi”. Dẫu sao, bốn năm đại học Nhà nước “bao cấp” toàn bộ học phí giờ chưa đi dạy ngày nào đã “chuyển tay ngang” thì cũng nên lưu lại một chút “ân tình”. Nghĩ vậy nên khi nhà phê bình Ngô Vĩnh Bình hỏi bao giờ đi làm không chút suy nghĩ tôi đã trả lời ngày đó.
Trên chặng đường từ cậu sinh viên về “học việc” trở thành biên tập viên chính thức của Nhà số 4 tôi mãi biết ơn ba người. Người thứ nhất là giáo sư Mã Giang Lân. Cho đến giờ tôi vẫn thấy lạ vì không hiểu sao thầy lại giới thiệu tôi về Văn nghệ Quân đội. Thầy có nhiều học trò. Chỉ riêng năm tôi tốt nghiệp thầy hướng dẫn tốt nghiệp 4, 5 bạn cùng khóa. Rồi còn học trò cũ, còn những người đang làm thạc sĩ, tiến sĩ với thầy. Nhiều người trong số đó giỏi hơn tôi, giàu kinh nghiệm hơn tôi. Vậy mà khi được nhà phê bình Ngô Vĩnh Bình nhờ tìm giúp người về làm việc, thầy chỉ giới thiệu mình tôi. Những ngày đầu chưa quen việc, chán nản, thậm chí thất vọng tôi hay qua nhà thấy tâm sự cho vợi bớt nỗi niềm. Lần nào thầy cũng hết lòng động viên, an ủi. Và bao giờ kết thúc buổi trò chuyện, thầy đều nói với tôi một câu: “Bên đó yêu cầu cao lắm. Đó là chuyện đương nhiên. Nhưng với năng lực của “mày” thì “tao” tin không có vấn đề gì”. Thầy luôn đặt niềm tin ở tôi ngay cả những lúc tôi cũng không tin vào chính mình. Mỗi dịp sang tạp chí chơi hay gặp các “cây đa”, “cây đề” của Nhà số 4 thầy luôn “quảng cáo” tốt về tôi và ngỏ ý hãy cho tôi thêm thời gian, thêm cơ hội để chứng tỏ mình. Đấy quả là những sự “ưu ái” quá mức thầy dành cho cậu học trò chỉ làm việc với mình vẻn vẹn có mấy tháng làm khóa luận tốt nghiệp, hơn nữa lại không phải là dân “tổng hợp Văn” chính thống. Ơn trời cuối cùng tôi cũng không làm thầy thất vọng.
Người thứ hai là nhà văn Nguyễn Đình Tú. Anh Đình Tú là người trực tính. Thấy người khác làm gì không đúng là anh góp ý thẳng thắn, có phần quyết liệt, không nể nang “nhìn trước, ngó sau”. Nhiều người có thể không ưa nhưng bản thân tôi lại rất… hợp cách góp ý này. Từ bé tôi đã “nằm lòng” câu các cụ dạy “Yêu cho roi cho vọt”. Mặt khác, theo quy luật tâm lý học, lúc khen người ta có thể khen giả vờ, còn khi chê thường là những lời chê thật. Những lời chê nếu biết dẹp qua sự tự ái cá nhân để ý lắng nghe bao giờ ta cũng thấy trong đó không chỉ khiếm khuyết của bản thân (cái đó rõ như ban ngày) mà còn con đường sửa chữa nó. Mỗi lần anh Tú “chê”, tôi lại nhận ra những việc mình cần phải làm để từ đó có những bước đi tuy chậm nhưng đúng hướng trên con đường phê bình văn học. Và thứ ba, là người hơn một lần tôi nhắc đến ở phần trên bài viết: nhà phê bình văn học Ngô Vĩnh Bình. Giống như thầy Mã Giang Lân, đến giờ tôi cũng không hiểu vì sao ông lại tốt với mình đến vậy. Suốt nửa năm trời – thời gian quá dài cho sự “học việc” – tôi hầu như không làm được gì nhiều ngoài việc biên soạn cuốn 50 năm lý luận phê bình mà ông cũng phải đụng bút khá nhiều. Quan trọng hơn, tôi vẫn chưa chuyển được cái tạng của một người được đào tạo để đi dạy, nghiên cứu sang làm phê bình văn học đương đại. Hơn nữa, tính ông vốn ngăn nắp, sạch sẽ, phòng làm việc cứ gọi là như ly như lai; đồ đạc, sách vở gọn gàng, cẩn thận. Tôi lại thuộc diện 4Đ (đụng đâu đổ đấy), nên khi ở khi ở cùng phòng, tôi cũng gây cho ông không ít những “sự phiền toái đến bực mình” vì sự hậu đậu quá mức của mình. Kém cỏi là vậy, phiền nhiễu là vậy, nhưng thay vì “sa thải” để chọn người khác, ông lại kiên nhẫn chờ đợi sự tiến bộ, trưởng thành của tôi ngày qua ngày. Những lần tôi làm chưa được, ông phê bình, nhắc nhở rồi lại cho tôi cơ hội “chứng tỏ bản thân”. Cứ thế cho đến thời điểm tôi nhận được cái “gật đầu” của toàn bộ thành viên ban biên tập Nhà số 4. Hôm nhà văn Nguyễn Thế Hùng (khi đó làm trợ lý chính trị) cầm quyết định biên chế của tôi về, tôi biết người vui mừng nhất cho mình sau cha mẹ không ai khác ngoài ông.
2. Giống nhà văn Phạm Duy Nghĩa, vào biên chế xong, tôi phải qua lớp đào tạo, huấn luyện quân sự để trở thành người lính “thực thụ”. Suốt một quãng thời gian dài ròng rã trên thao trường Sơn Tây nổi tiếng với thời tiết khắc nghiệt đã đi vào câu ca “Nắng Sơn Tây, mây Ba Vì”, tôi cùng hơn trăm “chiến hữu” từ khắp các đơn vị trong toàn quân miệt mài tập luyện. Gập nội vụ, điều lệnh đội ngũ, bắn súng, trinh sát ban ngày, trinh sát ban đêm, hành quân cắt rừng, lội suối, phối hợp đội hình tiến công, phòng ngự theo tổ tam tam, tiểu đội, trung đội…bấy nhiêu hạng mục là bấy nhiêu khó khăn với một người vốn chỉ quen cầm bút như tôi. Sau mỗi buổi học tối hoặc sinh hoạt chính trị, lúc một mình nằm dài trên giường cá nhân hay lang thang trong khu vực được phân công vào nhưng đêm có phiên gác, tâm can tôi trào lên nỗi nhớ da diết. Nhớ nhà. Lần đầu tiên tôi xa nhà lâu thế. Nhớ vợ. Vợ chồng mới cưới, vừa bén hơi nhau đã chia xa. Và nhớ Nhà số 4….
Nhớ kinh nghiệm “xương máu” lần đầu biên tập. Văn ai “cổ” thế không biết. Hì hục gạch gạch xóa xóa cho đến khi sững người lúc nhìn thấy ba chữ Nguyễn Huy Tưởng in hoa to uỳnh ở cuối bài. A di đà phật, “cụ” đại xá cho, con mới chân ướt chân ráo vào nghề. Lại mải miết gõ lại những chỗ mình vừa đẽo gọt. Mày mà bài viết không dài chỉ khoảng 3, 4 trang A4.
Nhớ chuyến đi công tác đầu tiên lên thủy điện Sơn La với nhà văn Khuất Quang Thụy, nhà thơ Vương Trọng, nhà phê bình Hồng Diệu, nhà văn Sương Nguyệt Minh và ba vị “sư huynh” Nguyễn Đình Tú, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Thế Hùng. Thấy thuyết trình mãi trên bản phối cảnh mà các nhà văn vẫn không thể hình dung nổi chỗ nào là hồ chứa nước, chỗ nào đặt máy, anh kỹ sư của binh đoàn Trường Sơn sốt ruột bảo: “Chắc tại bản phối cảnh trừu tượng quá nên các nhà văn không rõ, hay các nhà văn xem…bản vẽ kỹ thuật. Chi tiết, đầy đủ lắm…” Có lẽ anh tưởng các nhà văn ở Nhà số 4 ai cũng tốt nghiệp đại học xây dựng!
Nhớ những ngày vừa biên tập vừa đọc bông, làm báo cùng chị Vân ở phòng vi tính. Cái máy in ở phòng chị có tuổi đời mới… xấp xỉ mười tám, đôi mươi. Cứ in được chừng một trăm trang tạp chí là nó bốc mùi khét lẹt. Lúc ấy hai chị em lại lụi hụi tắt máy, tháo giấy, gỡ thỏi mực và chĩa cái quạt máy bật nấc to nhất vào nó. Sau 5 phút “giải lao” chiếc máy in lại “bình thường như cân đường hộp sữa”. Lạ nhất là kể ngày phòng vi tính lắp điều hòa mát rượi nó chạy hùng hục chứ không khề khà như trước. Hóa ra bấy lâu nay nó “làm mình làm mẩy” vì điều kiện lao động không đảm bảo. Hết cái máy in lại đến cái máy tính. Tuổi đời của nó chỉ kém cái máy in… chút xíu. Từ ngày làm báo theo công nghệ mới, cứ nhìn thấy chị Vân ấn xong nút Enter chuyển PDF tay thơ (tay màu dung lượng nặng nhất) là tôi lại lật đật ra phòng khách tráng ấm pha trà, rót ra hai chiếc chén sứ được rửa sạch sẽ bằng xà phòng thơm đến ba lần đảm bảo tuyệt đối không con vi trùng nào sống nổi rồi “kính” chị ra thưởng trà. Hai chị em “đối ẩm” xong vài tuần (sơ sơ khoảng nửa tiếng) trở lại phòng máy cũng là lúc màn hình máy tính máy mấp máy báo hiệu quá trình chuyển đổi… hoàn tất. Đọc bản bông ba nếu thấy còn sót lỗi thì… tiến hành lại từ đầu. Uống trả nhiều xót ruột, nên sau này chị không còn hào hứng như trước, thay vào đó chị sắm hay mượn đâu cái thước kẻ to tổ bổ. Trước lúc chuyển PDF chị vừa gõ nó đánh rầm xuống bàn máy vừa nghiêm giọng nói: “Chuyển PDF tay thơ mà sai là chú… cứ liệu đấy” Cũng may nó sớm được cơ quan “nâng cấp” tút tát lại cả phần cứng lẫn phần mềm để biến thời gian chuyển đổi từ vài chục phút xuống vài chục giây không thì thể nào tôi cũng phải tìm cách giấu bằng được cái thước kẻ to tổ bố của chị mới yên tâm làm việc.
Nhớ những trận cầu lông “nảy lửa” trên khoảng sân gạch giữa hai dãy nhà tạp chí. Nhà văn Đỗ Tiến Thụy có cú đập cầu “búa bổ” nhưng cầu thường bay trúng… cây trứng gà ngoài sân hơn trong vạch vôi. Họa sĩ Nguyễn Xuân Hải đánh cầu lắt léo song cứ trận thứ hai là có nguy cơ…tụt huyết áp. Nhà văn Nguyễn Thế Hùng vào sân với triết lý xanh rờn: “cầu lông không cần tập” hay cặp cùng nhà văn Nguyễn Mạnh Hùng tạo thành bộ đôi “song hùng” cầu…thắng nức tiếng gần xa. Nhà văn Nguyễn Bảo – người đặt nền móng cho phong trào cầu lông của Nhà số 4 - ngày thường hiền lành, dễ tính là thế mà nhiều phen cũng không kìm được sự bức xúc của mình trước những tình huống “nhạy cảm” trên sân cầu. Có lần, đang ngã dúi dụi trên sân nhưng vừa nghe “cánh trọng tài trẻ” hô cầu ngoài sân, nhà văn Nguyễn Bảo liền vùng ngay dậy, cầm vợt chỉ trọng tài, nói trong hơi thở dốc: “Tôi phải liều mình cứu quả cầu đó. Ra ngoài là ra ngoài thế nào, các cậu đừng có mà ăn gian.”
…Nhớ và nhớ rất nhiều. Trong bài thơ tình ở Hàng Châu, nhà thơ Tế Hanh có viết hai câu thơ “Những ngày buồn nghĩ lại thấy vui vui. Những ngày vui sao lại thấy bùi ngùi”. Riêng với tôi những ngày vui, ngày buồn ở Nhà số 4 khi nhớ lại đều mang hương vị ngọt ngào như trái chín cây.
Đợt huấn luyện dài dặc tưởng chừng như vô tận ấy rồi cũng kết thúc vào một ngày áp tết. Ba lô trên vai về nhà vào buổi sáng, ăn qua quýt bữa cơm tôi phóng xe lên cơ quan trong ánh mắt ngỡ ngàng của gia đình. Không phải là tôi đang lên cơ quan để báo cáo rằng mình đã hoàn thành đợt huấn luyện, sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới mà là tôi đang đi nơi tôi thấy mình có ý nghĩa hơn cả.
Trước khi về - hay để về được Nhà số 4 – đa phần các thành viên trong đội hình ban biên tập của ngôi nhà có dáng thâm u trầm mặc này đều có một vốn sống dày dặn do từng công tác ở các cơ quan khác, đều đã là một cái “tên”, đều sở hữu một hành trang văn học kha khá. Riêng tôi về Nhà số 4 với “hai bàn tay trắng”. Trắng về kinh nghiệm sống, trắng về hành trang văn học. Cư trần lạc đạo thả tùy duyên. Dường như giữa tôi và Nhà số 4 có mối “lương duyên” nhất định nào đó nên tôi mới là một ngoại biệt hiếm hoi của ngôi nhà có bề dày truyền thống 55 năm này. Chữ duyên theo Hán tự thuộc bộ mịch, nghĩa là sợi dây chỉ sự nối kết. Nếu quả thật giữa tôi và Văn nghệ Quân đội có sợi dây liên hệ nào đó thì tôi luôn mong ước mối sợi dây ấy, mối lương duyên ấy sẽ bền chặt mãi mãi.
ĐOÀN MINH TÂM
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn