Di sản kí ức tại Việt Nam: Hiện trạng và mong chờ

Thứ Sáu, 06/11/2020 06:00

 Kí ức là một phần quan trọng cấu thành nên mỗi con người. Kí ức của mỗi con người hợp lại thành kí ức chung của gia đình, dòng họ, dân tộc, quốc gia và nhân loại. Vì thế kí ức là một phần của lịch sử. Mỗi bước đi của con người là một hành trình để lại dấu ấn bên trong, đồng thời kiến tạo kí ức cho nhân loại. Kí ức con người là một loại hình di sản đặc biệt, không thể đo đếm.

Sáng 5/11/2020, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” tổ chức tọa đàm giao lưu với chủ đề Di sản kí ức.

Tại cuộc tọa đàm, Thượng tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam bày tỏ: Hồi ức và những câu chuyện cuộc đời theo dòng thời gian là chất liệu sinh động, đa màu sắc về chân dung mỗi con người và mỗi giai đoạn lịch sử. Qua trao đổi của các chuyên gia, nhà nghiên cứu chúng ta sẽ rõ hơn đề tài này. Ở mỗi bảo tàng, những hiện vật, tư liệu cũng được ghi chép, nhắc lại bằng kí ức của những nhân chứng cho thời điểm, sự kiện lịch sử đó. Như chiếc máy bay MIG 21 ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, sẽ không chỉ ở trong kí ức của phi công lái máy bay mà còn là kí ức của Không quân Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong chiến tranh phá hoại miền Bắc của Đế quốc Mĩ. Chúng ta hôm nay đang trên hành trình đi tìm kí ức để kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai.

Chiếc MIG 21 MF từng được Phạm Tuân sử dụng và dùng nó để bắn hạ B-52 đêm ngày 27/12/1972 trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không", hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh BTLSQSVN

Trao đổi về khái niệm Di sản kí ức, TS Lê Thị Minh Lý - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch; Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho biết: Việt Nam đã, đang và cần nhận diện rõ hơn nữa giá trị di sản này để có giải pháp sưu tầm, lưu trữ, bảo vệ và phát huy giá trị. Di sản kí ức chính là những giá trị văn hóa, là thông tin được vật liệu hóa thành văn bản, tư liệu, văn tự… Tất cả những cái đó chứa đựng lịch sử và giá trị văn hóa của dân tộc. Cũng như di sản văn hóa phí vật thể, di sản kí ức phải có con người thì di sản mới có thể ra đời. Chúng ta sống, chiến đấu, lao động và trưởng thành nhờ có tiềm thức, kí ức. Chính vì vậy, di sản kí ức là di sản không thể thiếu được trong di sản văn hóa Việt Nam.

Theo TS. Vũ Minh Hương - Nguyên Cục trưởng Cục Văn thư, Lưu trữ Nhà nước, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Phó Chủ tịch Ủy ban Kí ức thế giới UNESCO khu vực Châu Á Thái Bình Dương thì: Thế giới rất quan tâm đến loại hình di sản kí ức. Ở Việt Nam còn có sự thờ ơ của công chúng, cùng với đó là sự xuống cấp với những tài liệu, hình ảnh, âm thanh, thông tin về kí ức. Nguyên nhân do chiến tranh, khí hậu, di chuyển… chúng ta bị cũng bị mất mát rất nhiều. Còn có một phần do cơ quan quản lí chưa chú trọng. Di sản kí ức không chỉ là câu chuyện của quá khứ, nó còn là thông điệp của cha ông gửi tới thế hệ mai sau. Vì thế di sản kí ức cần được giữ gìn và phát huy giá trị.

Các khách mời tại buổi tọa đàm.

Bên cạnh đó, buổi tọa đàm còn có cuộc gặp gỡ với những nhân chứng lịch sử, chủ thể của di sản kí ức. Qua những câu chuyện, hồi ức để nhận thấy di sản kí ức có mặt ở khắp mọi nơi, gắn bó mật thiết với đời sống. Đó là kí ức về sự hi sinh của toàn bộ y bác sỹ, thương bệnh binh Trạm phẫu thuật tiền phương Q21, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế trong cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước qua chia sẻ của Đại tá Nguyễn Cao Lưu - Nguyên phó trung đoàn trưởng kiêm tham mưu trưởng Trung đoàn 4 - Quân khu Trị Thiên, Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 4 và o Phạm Thị Đào, Nguyên cán bộ địch vận, du kích huyện Quảng Điền, Trưởng ban liên lạc cựu du kích - những nhân chứng của sự kiện lịch sử năm đó.

Câu chuyện của những người tham gia bảo vệ Di sản kí ức sau 45 năm kể từ khi trạm phẫu thuật tiền phương bị đột kích (3/1975 - 3/2020) đã được chia sẻ trước những người tham dự. Nhờ những nỗ lực to lớn của các cựu chiến binh và những người trân trọng kí ức mà di tích Trạm phẫu đã được phục hồi để bảo tồn di sản kí ức về sự kiện này. Một đài tưởng niệm và một ngôi nhà trưng bày đã được xây dựng để kể những câu chuyện kí ức, tôn vinh sự hi sinh to lớn của các liệt sĩ, để chúng ta và thế hệ trẻ mãi mãi nhớ về họ.

Đó là kí ức của TS Khoa học, Anh hùng LLVTND, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết giáp, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 đã tham gia trực tiếp các trận đánh tiến tới ngày giải phóng miền Nam: Khe Sanh, Tây Nguyên, Sài Gòn.... Câu chuyện của Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng chia sẻ tại buổi tọa đàm về các trận đánh tiến tới ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã mang đến cho người nghe nhiều cảm xúc. Hiện ông là Chủ tịch Quỹ “Mãi mãi Tuổi 20”, một kho tàng vô giá về kí ức chiến tranh. Được thành lập cách đây 15 năm. Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” với mục đích tri ân các thế hệ cha anh đã anh dũng ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc, đồng thời truyền lửa cho thế hệ trẻ thực hiện ước mơ và khát vọng cống hiến cho đất nước.

Qua buổi tọa đàm, các khách mời cũng nhấn mạnh: Bảo tàng là một trong những nơi lưu giữ kí ức, điều này đòi hỏi bảo tàng phải có những thay đổi trong sưu tầm và trưng bày để bảo tàng giới thiệu lịch sử một cách sinh động hơn, như là không gian đầy ắp những kí ức. Không gian đó không chỉ mang đến cho du khách cơ hội học tập, trải nghiệm mà còn tạo sự đồng cảm nhằm chạm đến được cảm xúc của du khách. Làm được như vậy, bảo tàng đã xác định được vai trò và chức năng của mình trong cộng đồng.

NGUYỄN SƠN

 

VNQD
Thống kê