NHỮNG NGƯỜI PHẤT NGỌN CỜ HỒNG (Kì 6)

Vinh quang bên Lễ đài Độc lập

Thứ Tư, 30/09/2020 12:02

Ngày 2/9/1945 đã trở thành một dấu mốc quan trọng đối với muôn triệu người dân Việt Nam, trở thành ngày hội của non sông, mang lại cho dân tộc một thời đại độc lập, tự chủ, tự cường, mở ra một thiên niên kỉ mới của hội nhập và phát triển. Dưới đài Độc lập năm ấy, có những người chiến sĩ đã canh gác, bảo vệ an toàn cho Trung ương Đảng và Bác Hồ tiến hành thuận lợi các hoạt động của lễ Tuyên ngôn Độc lập. Và cụ Phạm Gia Đốc (97 tuổi), nguyên Hiệu trưởng Trường dạy nghề thành phố Hà Nội, nguyên đội viên Đội công nhân cứu quốc thành Hoàng Diệu là một trong những người có được vinh dự ấy.

Bài liên quan:

Kì 1: Kí ức xanh như nắng Ba Đình

Kì 2: Sao vàng bay trên kì đài Kinh thành Huế

Kì 3: Bước quân đi nối liền khu giải phóng

Kì 4: Tiếng hát phất cờ Nam tiến

Kì 5: Tiếng trống Kim Sơn sục sôi miền duyên hải

 

Công tác bảo vệ Lễ đài ngày 2/9/1945. Người mặc đồ trắng, đứng thứ hai từ phải qua là cụ Phạm Gia Đốc.
Ảnh: TL

Vào lúc 10 giờ sáng ngày 19/8/1945, tự vệ nội, ngoại thành giương cao cờ đỏ sao vàng đi đầu đoàn quân khởi nghĩa, hát vang bài “Tiến quân ca”. Tiếp đó, cuộc mít tinh lớn diễn ra lúc 11 giờ, tại Quảng trường Nhà hát Lớn với sự tham gia của khoảng 20 vạn người nhanh chóng chuyển thành cuộc biểu tình thị uy vang dội và nhanh chóng chia lực lượng đánh chiếm Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Sở Cảnh sát và Trại Bảo an binh... Các tổ chức thanh niên, phụ nữ, công nhân cứu quốc thành Hoàng Diệu là nòng cốt dẫn đầu các đoàn biểu tình và tham gia giành chính quyền.

75 năm sau, cũng vào những ngày tháng 8, bước chân người cán bộ lão thành chầm chậm đi trên đường Hàng Bài, nơi ông từng tham gia đánh chiếm Trại Bảo an binh và kể lại cho chúng tôi nghe về ngày 19 tháng 8 năm ấy. “Tôi tham gia cách mạng khi mới 19 tuổi, đang là công nhân nhà máy điện Yên Phụ. Ngày 17 tháng 8, sau khi phá cuộc mít tinh của Chính phủ Trần Trọng Kim, chúng tôi về nhà máy họp để chuẩn bị cho khởi nghĩa. Ngày 18 tháng 8, cả Hà Nội im ắng, nhưng chúng tôi đã sẵn sàng với cuốc, thuổng, búa, dao để ngày 19 tháng 8 đi giành chính quyền. Sau khi ta đánh chiếm được các vị trí chủ chốt và Thành ủy Hà Nội tuyên bố giành chính quyền, tôi và một số cán bộ khác được ông Chu Đình Xương, Giám đốc Sở Công an Bắc bộ mời đến gặp để bàn “việc cơ mật” là đảm nhận trọng trách bảo vệ lễ đài Độc lập khi Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân. Tôi chính thức gia nhập lực lượng Công an từ khi đó”.

Thời điểm ấy, mọi việc đều được tiến hành một cách gấp gáp và khẩn trương, lực lượng bảo vệ lễ đài của Việt Minh lại quá ít mà các thành phần chống cách mạng vẫn hoạt động rất mạnh ở Hà Nội. Khi ấy, bản thân đồng chí Phạm Gia Đốc và những người khác vừa vui mừng, vừa băn khoăn, lo lắng vì đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Mỗi người được phát một khẩu súng ngắn cùng 5 viên đạn, ai cũng thấp thỏm mất ăn, mất ngủ, cứ gặp nhau là bàn luận sôi nổi xem nên tiến hành mọi chuyện như thế nào vì chưa biết chương trình buổi lễ hôm đó ra sao, lễ đài thế nào thì làm thế nào để bảo vệ an toàn.

Rồi cái ngày trọng đại ấy cũng đến, lễ đài Độc lập được bố trí 3 vòng bảo vệ do 3 lực lượng tham gia. Vòng trong cùng là các đơn vị giải phóng quân từ chiến khu về Hà Nội; đồng chí Phạm Gia Đốc cùng các đồng đội thuộc Sở Công an Bắc bộ đứng ở vòng thứ hai, dưới chân lễ đài, trực tiếp bảo vệ các thành viên Chính phủ lâm thời. Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc thành Hoàng Diệu bảo vệ vòng ngoài cùng.

Cụ Phạm Gia Đốc năm nay đã 97 tuổi, kể về công tác bảo vệ Lễ đài Độc lập ngày 2/9/1945. Ảnh: PV

Cho chúng tôi xem bức ảnh bảo vệ đài Độc lập năm ấy, cụ Phạm Gia Đốc chỉ vào người thanh niên mặc áo sơ mi trắng, quần tây, súng giắt bên hông và ngực đeo huy hiệu đứng trước lễ đài, bảo: “Chúng tôi đến quảng trường từ rất sớm, trời hôm ấy nắng đẹp lắm. Chúng tôi đứng dưới nắng tháng 8 mà không hề thấy oi bức, mệt mỏi gì vì phấn khởi quá. Từng đoàn người từ khắp nơi diễu hành qua các phố đổ về quảng trường với cờ hoa, ai cũng mặc bộ trang phục tươm tất nhất dẫu gương mặt còn khắc khổ. Tất cả giơ cao biểu ngữ bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài như: “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Độc lập hay là chết”... Các anh em trong đội ai cũng tự hào, đứng thẳng lưng, ưỡn ngực cao vì biết nhân dân cũng đang nhìn về phía mình”.

Đến 14 giờ, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, không khí quảng trường bừng lên tiếng hoan hô khi một chiếc xe Citroen màu đen được hộ tống bởi 2 mô tô và các chiến sĩ cảnh sát đi xe đạp từ từ đi qua quảng trường rồi vòng ra sau lễ đài. Nghi lễ kéo cờ và cử quốc ca bắt đầu thật linh thiêng và thành kính. Đồng chí Võ Nguyên Giáp lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Nội vụ trịnh trọng giới thiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. “Hỡi đồng bào cả nước...”, dù không được nhìn thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng khi tiếng nói ấm áp vang lên khiến những chiến sĩ đứng dưới bảo vệ lễ đài Độc lập như có luồng điện truyền qua. Lần đầu tiên, họ được nghe những từ mà không bao giờ dám nghĩ đến như độc lập, tự do, bình đẳng, hạnh phúc...

“Lúc bấy giờ, nước mắt tôi chực trào ra. Tôi cố gắng đứng nghiêm, mắt nhìn thẳng về phía trước suốt buổi lễ. Nhưng lúc ấy tôi nghe thấy tuyên bố danh sách Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, tôi cứ băn khoăn mãi là vì sao không phải là cụ Nguyễn Ái Quốc? Bởi cái tên Nguyễn Ái Quốc từ lâu đã thân thuộc với thế hệ thanh niên và người dân Hà Nội yêu nước lúc bấy giờ. Khi kết thúc buổi lễ, tôi mới biết Cụ Hồ chính là Nguyễn Ái Quốc” - Cụ Phạm Gia Đốc nhớ lại.

Sau ngày lễ đó, cụ Phạm Gia Đốc tiếp tục công tác tại Công an Hà Nội cho đến năm 1960 mới chuyển ngành về công tác tại UBND thành phố Hà Nội. Trong kháng chiến chống Pháp, cụ đã bám trụ tại Hà Nội để hoạt động trong lòng địch, diệt ác trừ gian và bảo vệ Hà Nội vẹn toàn khi quân Pháp rút đi sau Hiệp định Genève. Năm 2018, Công an thành phố Hà Nội đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Pháp, cụ Phạm Gia Đốc thay mặt những chiến sĩ Công an quả cảm của Thủ đô ngày ấy lên nhận danh hiệu cao quý này.

(Hết)

PHẠM VÂN ANH

VNQD
Thống kê