Hồi ức của một trung tướng

Thứ Sáu, 11/10/2024 11:19

.NGUYỄN HỮU QUÝ
 

Với nhiều người lính, hồi ức về những tháng năm quân ngũ là kho tài sản tinh thần vô giá. Ai đã từng trải qua chiến tranh ác liệt, cùng đồng đội nếm mật nằm gai, ranh giới sinh tử mỏng manh trong gang tấc thì càng trân trọng, nâng niu những mảnh hồi ức của mình. Được sống để trở về nơi mình đã ra đi, gặp lại người thân là hạnh phúc lớn lao đầy cảm động của mỗi người lính. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được niềm vui đó. Bao nhiêu người đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu cao cả vì độc lập tự do của dân tộc. Hình ảnh đồng đội luôn ở trong trái tim của những người lính từ chiến trường trở về.

Trung tướng Phùng Khắc Đăng (thứ 2 bên trái) trò chuyện cùng các văn nghệ sĩ trong chuyến công tác tại làng Bùng quê Trung tướng. Ảnh: TL

Khi tôi bộc bạch điều này với Trung tướng Phùng Khắc Đăng - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thì nhận được sự đồng tình của anh. “Kí ức chiến tranh là phần đậm nét nhất trong nỗi nhớ của mình”, Trung tướng khẽ khàng nói. “Thế thì vì sao, em chưa từng nghe anh hồi ức về đời binh nghiệp của mình kể cả lần mấy nhà văn Quân đội về thăm quê anh?” Xin được nói rõ điều này một chút, thời Trung tướng Phùng Khắc Đăng giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị được phân công theo dõi, chỉ đạo công tác tư tưởng, văn hóa văn nghệ anh rất gần gũi với các nhà văn mang áo lính. Có dịp là anh lại ra Nhà số 4, thăm hỏi chuyện trò với các nhà văn ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tôi còn nhớ một lần, hình như là ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tướng Phùng Khắc Đăng thay mặt Tổng cục Chính trị ra thăm cán bộ chiến sĩ ở Văn nghệ Quân đội. Lúc này, anh mới được thăng quân hàm cấp Trung tướng. Đại tá, nhà văn Chu Lai, vốn là một đại đội trưởng đặc công từng bám trụ chiến đấu ở Rừng Sác ven Sài Gòn thời chống Mĩ nhìn chằm chằm vào ve áo của Trung tướng Phùng Khắc Đăng cười nói: “Ông Đăng, quân hàm của ông sáng chói chẳng bù cho quân hàm đại tá của tôi hoen rỉ hết rồi”. Biết tác giả của các tiểu thuyết nổi tiếng như Nắng đồng bằng, Ăn mày dĩ vãng, Cuộc đời dài lắm, Khúc bi tráng cuối cùng... thường nói theo kiểu “bặm trợn” đùa vui, tôi thấy khuôn mặt của Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cũng nở nụ cười nhưng má có ửng lên một chút. Xong việc, Trung tướng Phùng Khắc Đăng kéo nhà văn Chu Lai ra một góc nói nhỏ. Trong câu chuyện, nhà văn Chu Lai cười ha hả, tỏ vẻ rất khoái chí làm cho cánh anh em nhà văn chúng tôi không khỏi tò mò. Chờ Trung tướng về, tôi liền đến chỗ nhà văn Chu Lai hỏi nhỏ: “Bác Đăng đã nói gì mà lúc đó em trông bác cười khoái thế?” Chu Lai vỗ vai tôi cái bốp. Thế này này, đồng chí Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị kéo mình ra và bảo: “Chu Lai ạ, mình chỉ ao ước có được một trang văn để lại cho đời như anh thôi mà có làm nổi đâu. Chú em thấy đồng chí Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nói được đấy chứ”. Còn cái lần anh em Văn nghệ Quân đội về quê Thạch Thất của bác Đăng cũng vui đáo để. Tôi nhớ chuyến đi ấy có Tổng biên tập Nguyễn Trí Huân, cùng các nhà văn Nguyễn Bảo, Chu Lai, Nguyễn Đức Mậu, Ngô Vĩnh Bình, Khuất Quang Thụy... và tôi. Một bữa nhậu đậm chất dân dã, vui vẻ chan hòa không phân biệt cấp chức trên dưới với thịt chó là món “chủ lực”, cùng rượu nếp thơm dịu, ấm áp lan tỏa. Trong bữa vui này, tôi không thấy thủ trưởng của mình nhắc gì đến chuyện chiến trường, chuyện đời lính.

Trở lại với câu hỏi của tôi về chuyện hồi kí đời lính, Trung tướng Phùng Khắc Đăng cười cười trả lời: “Mình cũng có nhiều chuyện lính. Chưa kể, chưa viết thôi Quý ạ!” Tôi nói: “Bốn mươi năm ở bộ đội, lính trận thực sự, chiến trường B, K đều trải qua với nhiều cương vị, chức vụ khác nhau thì chắc chuyện của anh bề bộn và thú vị lắm?” Trung tướng thổ lộ: “Mình đã tham gia nhiều chiến dịch như Xuân 1968, 1972, giải phóng thị xã Tam Kỳ, chiến dịch giải phóng thành phố Đà Nẵng, giải phóng Campuchia với hàng trăm trận đánh lớn nhỏ ở nhiều mặt trận ác liệt. Nhà văn cứ nghĩ xem, mình đã làm một lèo 11 năm đánh Mĩ không được về nhà một lần và sau đó thêm 4 năm nữa bám trụ ở Campuchia. Sau chiến tranh lại về Học viện Chính trị - Quân sự mài đũng quần mấy năm rồi ở lại làm giảng viên, làm lãnh đạo khoa, lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo Quân khu 1 rồi về làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Có biết bao nhiêu là chuyện về đồng đội, nhân dân, bè bạn, về mình và cả về phía đối phương nữa chứ. Chuyện vui, chuyện buồn, chuyện hay, chuyện dở đều có...”

Phùng Khắc Đăng vào bộ đội từ tháng 5/1965. Lúc bấy giờ, chiến tranh chưa lan rộng ra toàn bộ miền Bắc nhưng đất nước Việt Nam lúc đó bị chia cắt hai miền Nam - Bắc. Từ một thanh niên xung phong đi xây dựng

công trình đập Suối Hai, sau đó chuyển về làm công nhân ở Xí nghiệp mộc xẻ Sơn Tây, chàng trai Phùng Khắc Đăng trở thành người lính Cụ Hồ. Sự khởi đầu cuộc đời binh nghiệp kéo dài bốn mươi năm từ binh nhì đến trung tướng của Phùng Khắc Đăng cũng giản dị, đơn sơ như vậy thôi. Nhẹ nhàng giã biệt thôn Bùng (Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội), chia tay người thân để nhập ngũ.

Sau 5 tháng vất vả trên thao trường, tháng 10/1965, Chiến sĩ Phùng Khắc Đăng đã cùng đơn vị hành quân vào Nam. Thời đó, người ta dùng mật danh là đi B. Tờ mờ sáng ngày 5/11 năm đó, 20 người lính trinh sát của đơn vị tên lửa mặt đất do Đại úy Tiểu đoàn phó Nguyễn Duy Trác quê ở Huế và Đại úy Chính trị viên Tiểu đoàn Nguyễn Văn Cung quê ở Quảng Trị chỉ huy lội qua thượng nguồn sông Bến Hải để vào Nam. Phùng Khắc Đăng là một trong 20 người lính vượt sông Bến Hải hôm đó. Sông ở thượng lưu hẹp, hơi nước bốc lên mờ mờ, se lạnh. Từ một cánh rừng xa xa, vọng tới tiếng chim “khó khăn khắc phục”. “Thế là mình đã xa quê hàng trăm cây số, đây đã là cửa ngõ của chiến trường, bao nhiêu thử thách ác liệt đang ở phía trước”. Lắng tiếng chim kêu, Phùng Khắc Đăng chợt thấy lòng mình bâng khuâng, xao động… Cuộc đời người lính ở chiến trường có nhiều chuyện để kể lắm; cái khổ, cái đói, cái nguy hiểm nối nhau, sự sống thật mong manh. Nhưng với Trung tướng Phùng Khắc Đăng, tôi lại muốn khắc họa anh đôi nét về thời giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Một chức vụ mà theo tôi nghĩ, không có bề dày văn hóa thì rất khó hoàn thành tốt chức trách đã được Đảng và Quân đội giao phó.

*

*         *

Khi trở thành Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trung tướng Phùng Khắc Đăng được giao nhiệm vụ theo dõi, chỉ đạo khối công tác tư tưởng, báo chí, văn hóa, văn học nghệ thuật. Đây là mảng công việc mà trước Trung tướng Phùng Khắc Đăng thì Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Trung tướng Lê Hai đã đảm nhiệm. Một công việc rất cần ở người phụ trách sự bình tĩnh, thấu đáo và tinh tế. Bởi lẽ, sẽ tiếp xúc, làm việc với các văn nghệ sĩ trong Quân đội, có không ít người nổi tiếng như Hồ Phương, Dũng Hà, Nam Hà, Lê Lựu, Chu Lai, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Thị Như Trang... mà đối với các văn nghệ sĩ thì không phải lúc nào cũng có quan điểm trùng khít với Thủ trưởng. Tôi nhớ, trong một cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tác giả TL được ban giám khảo nhất trí đề nghị giải Nhất. Đọc tác phẩm được đề cử giải cao nhất, Trung tướng Phùng Khắc Đăng thấy nội dung còn hơi xa với tiêu chí, mục đích cuộc thi và chưa thật sự thiết thực với bộ đội trong giai đoạn đó nên không nhất trí. Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Phùng Khắc Đăng nêu ý kiến với ban lãnh đạo Tạp chí và chỉ đồng ý truyện ngắn ấy được xếp loại B cùng với một số tác giả khác. Đến dự lễ trao giải, Trung tướng gặp nữ tác giả TL nói rằng: “Xét về mặt nghệ thuật, anh rất thích truyện ngắn của em nhưng theo yêu cầu cuộc thi thì không thể xếp nó ở giải cao nhất được. Vì em biết đấy, mọi cuộc thi văn chương của Tạp chí Văn nghệ Quân đội trước hết phải ưu tiên cho việc viết về người lính, cho người lính, vì người lính”. Nhà văn TL tươi cười: “Em biết mà, các anh đã ứng xử đúng. Em cảm thấy rất vui với giải B truyện ngắn của Văn nghệ Quân đội trong cuộc thi này”. Kể một mẩu chuyện như thế để thấy cách ứng xử vừa thẳng thắn, vừa tinh tế với văn nghệ sĩ của các lãnh đạo văn hóa văn nghệ cần thiết biết bao. Anh em nhà văn trong Quân đội luôn dành cho Trung tướng Phùng Khắc Đăng thiện cảm cũng bởi Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị có sự hiểu biết về những đóng góp của các nhà văn, nhà thơ Quân đội và có cách ứng xử mềm mại, tế nhị.

Thời kì đảm nhận công việc ở Tổng cục Chính trị, Trung tướng Phùng Khắc Đăng nhớ tới hai kỉ niệm. Năm 1999, miền Trung xảy ra trận lũ lụt lịch sử mà báo chí thường ví là cơn “đại hồng thủy”. Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Phùng Khắc Đăng được cử đi chỉ huy chống lụt. Máy bay trực thăng quân sự đưa anh vào Huế, đáp xuống Đàn Nam Giao đang còn lấp xấp nước. Trong máy bay chở theo 6000 suất bánh mì. Thấy dân đứng xung quanh, tướng Đăng liền bảo anh em bộ đội phát suất ăn đã chuẩn bị từ trước cho họ. Điều bất ngờ là dân không nhận mà nói: “Các chú mang đi phát cho nơi khác. Ở đó họ bị ngập nước nhiều hơn, khổ hơn bọn tui...” Câu nói đó làm rưng rưng vị tướng đã từng vào sinh ra tử ở nhiều chiến trường. Vì thế, khi tham gia cầu truyền hình Thiên niên kỉ, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Phùng Khắc Đăng đã nói: “Lời đầu tiên tôi muốn nói là Quân đội cảm ơn nhân dân. Quân đội là con em của nhân dân, khi nhân dân gặp nạn thì Quân đội phải ứng cứu cũng như khi bố mẹ gặp nạn con cái phải có trách nhiệm vậy”. Chuyện vui là trước khi tham gia cầu truyền hình đồng chí Phùng Khắc Đăng đã chuẩn bị một bài viết phải nói là “hoành tráng” nhưng đến khi vào cuộc thì anh chọn cách nói vo. Anh kể lại những điều tai nghe mắt thấy ở vùng lũ, khiến người nghe vô cùng xúc động.

Trung tướng Phùng Khắc Đăng khi kể lại chuyện này đã cười nói vui với tôi: “Mình bao năm đi chiến đấu, hết chiến trường B lại K, được thưởng cũng khá nhiều huân, huy chương mà không có một dòng nào được ghi trong Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam. Thế nhưng, qua trận lụt năm 1999 đã được ghi hai dòng vào cuốn Quân đội nhân dân Việt Nam - Biên niên sự kiện: “Thiếu tướng Phùng Khắc Đăng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị... trực tiếp chỉ huy chống lũ lụt tại miền Trung năm 1999...”

Trung tướng Phùng Khắc Đăng cũng đã được Bộ Quốc phòng hai lần (2001 và 2004) cử vào Tây Nguyên khi nơi này có biến loạn. Qua chuyến đi, Trung tướng đã nắm được thực chất vấn đề, từ tình hình dân chúng đến các đơn vị trên khu vực. Đặc biệt là việc nắm bắt, đánh giá tình hình, sự phối hợp giữa một số cơ quan, đơn vị của Quân đội chưa thống nhất, chưa khăng khít nhịp nhàng. Từ đó, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã có những ý kiến báo cáo, đề xuất rất thấu đáo với Bộ Quốc phòng. Một số bài học về công tác dân vận, sự đoàn kết nội bộ đã được kịp thời rút ra từ chuyến đi này…

Tháng 3/2006, Trung tướng Phùng Khắc Đăng nghỉ hưu nhưng vẫn được Bộ Quốc phòng giao làm Phó Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước về Dự báo chiến tranh kiểu mới (đạt xuất sắc) và đề án Tổng kết công tác Đảng - công tác chính trị 30 năm từ 1975-2005 được Hội đồng nghiệm thu cấp quốc gia và Bộ Quốc phòng đánh giá rất cao. Trung tướng cũng từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam - Bí thư Đảng ủy cơ quan Trung ương Hội. Trung tướng đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Độc lập hạng Ba, 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 2 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba, 1 Huân chương Kháng chiến chống Mĩ cứu nước hạng Hai...

Về với đời thường nhưng với Trung tướng Phùng Khắc Đăng những kí ức trong đời quân ngũ vẫn rất sâu đậm. Vẫn còn đó ở vị Thủ trưởng Tổng cục Chính trị bao nhiêu thương xót, đau buồn khi nghĩ tới các đồng chí, đồng đội của mình đã hi sinh trong chiến tranh và trong cả thời bình. Hình bóng những đồng đội đã khuất vẫn thường hiện lên trong trái tim người cựu chiến binh đã có mười lăm năm lăn lóc nơi trận mạc. Vị tướng đã viết những dòng cảm xúc chân thật đối với đồng đội đã hi sinh: Bây giờ mày nằm nơi đâu/ Rừng xanh đất đã tươi màu cây xanh/ Nghĩa trang mộ vẫn vô danh/ Cái tên không có sao đành lòng đây/ Trời thì cao, đất thì dày/ Tìm đâu cho thấy chúng mày bạn tao/ Nhớ ngày chung một chiến hào/ Cháo rau măng núi lúc nào cũng vui/ Đứa kể chuyện, đứa bùi ngùi/ Đều mong chiến thắng ngày vui trở về...

Trung tướng Phùng Khắc Đăng luôn nghĩ rằng mỗi việc tốt mình làm hôm nay cũng là để cho đồng đội đã hi sinh. Đừng bao giờ lãng quên những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc, vì hòa bình thống nhất của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Tôi hiểu vì sao những mảnh kí ức của Trung tướng luôn luôn xuất hiện hình ảnh đồng chí, đồng bào. Những con người bình thường đã nói với chúng ta rất nhiều điều về một thế hệ anh hùng của những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Tôi nghĩ, tướng Phùng Khắc Đăng gắn bó với đồng chí, đồng bào của mình như một nốt nhạc trên bản tổng phổ chiến tranh nhân dân vô cùng bi tráng mà cũng rất đỗi hào hùng.

N.H.Q

VNQD
Thống kê