Phú Thọ, đất Tổ Hùng Vương, miền đất lịch sử văn hóa, nơi cội nguồn dân tôc Việt Nam. Sinh thời trên cương vị Chủ tịch nước, dù bận trăm ngàn công việc. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ nói chung, Khu di tích Đền Hùng nói riêng những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt. Trong 9 lần về Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần tới thăm Đền Hùng. Lần nào cũng vậy, sau khi thắp hương viếng các Vua Hùng, Bác đều gặp gỡ, dặn dò những lời tâm huyết với cán bộ, nhân dân và chiến sĩ, đặc biệt là lần gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 trước khi về tiếp quản Thủ đô ngày 18/9/1954. Những lời căn dặn của Bác không chỉ dành cho thế hệ ngày ấy, mà còn cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Ngay sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, Bác đã chọn Đền Hùng là nơi gặp gỡ, nói chuyện và giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên phong (Sư đoàn 308 Quân đội nhân dân Việt Nam) trước khi về tiếp quản Thủ đô.
Sáng ngày 18/9/1954 Bác Hồ từ Thái Nguyên qua bến Bình Ca sang Tuyên Quang về Đền Hùng, Bác ghé thăm đơn vị bộ đội đóng quân ở đồi Chò, Kim lăng, Chân Mộng, huyện Đoan Hùng (khi ấy là xã Ba Đình thuộc huyện Phù Ninh). Gần trưa Người vào thăm thị xã Phú Thọ, sau đó đến thăm địa điểm sơ tán của Văn phòng Tỉnh ủy Phú Thọ tại thôn Quang Trung xã Thanh Hà. Hôm ấy các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy đi vắng. Bác làm việc với các đồng chí Phạm Dụ- Chánh văn phòng Tỉnh ủy, Trần Lưu Vị - Trưởng Ban cán sự Đảng thị xã Phú Thọ… Rồi Bác giao nhiệm vụ cho đồng chí Chánh văn phòng Tinh ủy, báo cáo lại với Tỉnh ủy về những điều Bác căn dặn. Chiều tối ngày hôm đó Bác về Đền Hùng nghỉ đêm tại Đền Giếng. Sáng hôm sau 19/9/1954 Bác cùng các đồng chí Song Hào và Nguyễn Văn Thanh, một số đồng chí bảo vệ leo núi thăm viếng các đền, rồi Người dừng chân dưới gốc cây thiên tuế, vừa nghỉ, vừa nghe đồng chí Song Hào - Chính ủy Đại đoàn 308 báo cáo tỉ mỉ về Đại đoàn. Tầm gần 10 giờ Bác đã gặp cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên phong tại Đền Giếng. Cửa Đền Giếng mở, Bác Hồ từ bên trong bước ra, mọi người reo lên: “Bác Hồ! Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Bác vẫy tay ra hiệu cho mọi người tiến lên, ngồi quanh mình, rồi Bác cũng ngồi ngay xuống bậc cửa đền. Bác cháu quây quần bên nhau.
Trong tiết thu, mát mẻ, Bác mặc bộ quân áo nâu giản dị, áo khoác ngoài màu sáng, chân đi dép cao su. Bác hỏi:
- Các chú có mệt không?,
Mọi người đã đồng thanh đáp:
- Thưa Bác, không ạ!
Chỉ tay lên đền, Bác lại hỏi:
- Các chú có biết đây là nơi nào không? Đây chính là Đền thờ các Vua Hùng - Tổ tiên chúng ta, các vị vua khai quốc. Hôm nay, Bác cháu ta gặp nhau ở đây là rất có ý nghĩa. Ngày xưa, các Vua Hùng dựng nước, nay Bác cháu ta là những người giành lại đất nước. Trải qua bao nhiêu thời đại đấu tranh, từ buổi bình minh của lịch sử các Vua Hùng lập nước, đến Đinh-Lý-Trần-Lê…, ông cha ta mới giữ được đất nước, giữ được Thủ đô. Gần chục năm nay, quân và dân ta đã kiên trì kháng chiến, nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Các chú được Trung ương, Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô, là được nhận một vinh dự rất lớn.
Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ vào tiếp quản Thủ đô phải giữ nghiêm kỉ luật, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân, chống mọi hành vi phá hoại vì địch còn lấn lút, dân ta còn có những việc làm vô ý, cán bộ, chiến sĩ ta còn những nhận thức và việc làm sơ hở... Phải bảo vệ công thương nghiệp, kể cả công thương nghiệp của ngoại kiều. Bộ đội phải giúp đỡ nhân dân, tuyên truyền giải thích cho nhân dân, không được làm điều gì phiền nhiễu nhân dân, sao cho từ cụ già đến em bé đều quý mến, tin tưởng. Giữ gìn phẩm chất bộ đội cách mạng, không sa ngã, bắt chước lối sống không tốt. Cán bộ phải gương mẫu, gần gũi chiến sĩ, đoàn kết thương yêu nhau.
Bác Hồ nói chuyện với các chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong tại đền Giếng, Đền Hùng, Phú Thọ, ngày 19-9-1954. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh
Bác nói về tình hình nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Bác nhắc nhở quân đội không vì hòa bình mà lơi lỏng tay súng, còn đế quốc ở miền Nam, ta còn phải xây dựng miền Bắc, giải phóng miền Nam. Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc còn rất nặng nề. Bác nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Câu nói ấy khẳng định công lao to lớn của các Vua Hùng - Tổ tiên của chúng ta, những người sáng lập nước truyền lại cho con cháu muôn đời. Lịch sử hàng ngàn năm dân tộc ta đã phải chịu sự xâm lược, áp bức của giặc ngoại xâm. Nhưng với tinh thần yêu nước, các thế hệ cha ông ta đã đứng lên anh dũng quật cường đánh đuổi kẻ thù giữ vững non sông, mở mang bờ cõi. Để đến hôm này lịch sử lại trao cho Người nhắc nhở con cháu về truyền thống ấy. Câu nói ấy của Bác đã vang lên từ Đền Hùng- biểu tượng thiêng liêng của cội nguồn dân tộc, là lời căn dặn đầy ý nghĩa không chỉ với quân đội mà còn với toàn Đảng, toàn Dân ta. Là chân lý, là nguyên tắc, là truyền thống dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc. Không cho phép chúng ta lơ là mất cảnh giác, nó được xem như một qui luật biện chứng để chúng ta tồn tại và phát triển đất nước. Từ ngày ấy, câu nói ấy của Bác còn ngân vang mãi trong trái tim mỗi người Việt mang dòng máu lạc Hồng, kết nối tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước, ý chí kiên cường từ ngàn xưa của đân tộc trong đấu tranh dựng nước và giữ nước. Lời nói ấy còn như lời hiệu triệu để quân và dân ta vượt qua mọi khó khăn gian khổ, săn sàng chiến đấu và hi sinh để giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, thống nhất non sông và xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, đúng như mong ước của Bác: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn được độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành…”.
Cổng chính khu di tích lịch sử Đền Hùng hôm nay. Ảnh: LĐ
Khắc ghi lời dạy của Người, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ, trong đó có đội ngũ những người làm công tác trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, đang ngày đêm nỗ lực phấn đấu xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh xứng đáng là miền đất Tổ cội nguồn dân tộc. Cùng với đó, với truyền thống đạo lí uống nước nhớ nguồn, ý nghĩa văn hóa, lịch sử to lớn của khu di tích. Trong những năm qua, Đền Hùng luôn được tỉnh Phú Thọ và Trung ương quan tâm đầu tư, xây dựng để Khu di tích lịch sử ngày càng khang trang sạch đẹp, xứng tầm là nơi thờ tự Tổ tiên của dân tộc, nơi hội tụ khí thiêng sông núi, hun đúc tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Các di tích được tu bổ, tôn tạo trang nghiêm, cảnh quan khuôn viên được quy hoạch mở rộng, xây dưng bề thế. Đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của đồng bào, du khách trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài khi về thăm viếng Đền Hùng. Bên cạnh đó, thực hiện lời dạy của Bác, các đồi trọc xung quanh khu di tích, đều được phủ kín cây xanh, tạo nên môi trường sinh thái trong lành cho toàn khu vực. Vườn hoa, cây cảnh được trồng theo quy hoạch, với nhiều loại cây quý dọc theo các tuyến đường, trục hành lễ, sân lễ hội, xung quanh các hồ nước, khuôn viên, nhà làm việc của cơ quan tạo nên cảnh sắc thiên nhiên hấp dẫn đối với đồng bào và du khách.
Kỉ niệm 70 năm Bác Hồ về thăm Đền Hùng 19/9/1954 - 19/9/2024 cũng đúng vào dịp toàn Đảng, toàn Dân, toàn Quân ta, đang thiết thực kỉ niệm 55 năm thực hiện di chúc của Người. Chúng ta cùng đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
ĐỖ NGỌC DŨNG
(Bài viết tham khảo tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh)
VNQD