Câu chuyện tình người ở vùng biên khô khát Ia Đal

Thứ Tư, 18/09/2024 15:44

Dùng tiền lương của mình cho người dân mượn mua con giống, Thượng úy Nguyễn Bảo Trung (Đội trưởng Trinh sát, Đồn Biên phòng Ia Đal, BĐBP tỉnh Kon Tum) đã giúp nhiều hộ nghèo được tiếp cận “quỹ tín dụng” để phát triển kinh tế gia đình. Việc làm chàng sĩ quan trẻ như gieo hạt giống, trao niềm tin cho những con người đã chọn vùng biên này để gắn bó.
 

Về với vùng biên khô khát

Năm 2021, Nguyễn Bảo Trung tốt nghiệp Học viện Biên phòng và được điều động về BĐBP tỉnh Kon Tum. Sau 1 năm làm trợ lí tại Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, chàng sĩ quan trẻ được điều động lên biên giới nhận công tác. Với không ít bạn trẻ, việc từ phố lên rừng là chuyện không dễ dàng thì với Nguyễn Bảo Trung đây là mong ước bởi cũng như những người lính Biên phòng khác, anh muốn được chạm tay vào cộc mốc biên cương, sải bước trên cung đường tuần tra biên giới và có thêm những người anh em ruột thịt là đồng bào dân tộc thiểu số. Nguyễn Bảo Trung vô cùng háo hức vì kiến thức từ những bài học suốt những năm ngồi trên ghế giảng đường Học viện Biên phòng nay sẽ được đưa vào thực tế.

Thượng úy Nguyễn Bảo Trung (ngoài cùng bên phải) luôn tích cực trong các hoạt động giúp dân trên địa bàn.

Xã Ia Đal (huyện Ia H’Đrai, tỉnh Kon Tum) là nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất trên tuyến biên giới của tỉnh Kon Tum. Mùa khô nơi đây kéo dài nên Ia Đal được mệnh danh là “vùng đất khô khát”. Được thành lập mới hơn 10 năm nên Ia H’Đrai còn được gọi là “huyện mới” với cư dân ở khu vực biên giới chủ yếu là công nhân của các nông trường, công ti cao su. Những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư xây dựng nên tình hình KT-XH ở xã Ia Đal có những bước phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, do những điều kiện về vị trí địa lí và những yếu tố khách quan khác nên đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. KT- XH phát triển chậm, tỉ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí không đồng đều là những điều có thể nhận thấy ở Ia Đal. Người dân ngoài làm công nhân cho các công ti cao su thì không có đất canh tác, chỉ tận dụng các bờ lô cao su để trồng trọt, chưa biết áp dụng khoa học kĩ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên năng suất rất thấp. Cũng như nhiều cán bộ, chiến sĩ khác trong đơn vị, Thượng úy Nguyễn Bảo Trung có trăn trở làm gì để có thể giúp người dân có cuộc sống tốt hơn vì khi không còn phải lo nhiều về cơm ăn, áo mặc người dân mới có tâm huyết cùng BĐBP bảo vệ biên giới.

Công tác biên giới đã 2 năm, hẳn nhiều người nghĩ tiền lương chắc chắn sẽ rủng rỉnh với thanh niên độc thân, thế nhưng Thượng úy Nguyễn Bảo Trung lại chưa bỏ dư ra được đồng nào. Không phải vì anh chạy đua mua điện thoại đắt tiền, xe máy đẹp mà vì một lí do không ngờ tới. Tiền lương được Thượng úy Nguyễn Bảo Trung dùng để cho người dân mượn để mua con giống chăn nuôi phát triển kinh tế. Sự chủ động của Thượng úy Nguyễn Bảo Trung cho thấy người lính Biên phòng ở vùng biên khô khát này luôn tận tâm với công việc và luôn xác định “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Với suy nghĩ ấy mà chàng sĩ quan trẻ không cảm tahasy khó chịu khi tiết chế nhu cầu cá nhân để giúp đỡ người khác.
 

“Quỹ tín dụng” đặc biệt

Là Đội trưởng Trinh sát, Thượng úy Nguyễn Bảo Trung thường xuyên có mặt ở địa bàn, trò chuyện với mọi người, anh dần hiểu được nguyên nhân vì đâu mà người dân gặp khó và nên làm gì để tháo gỡ được những vướng mắc ấy. Ở Ia Đal, đất đai cằn cỗi, thiếu nước về mùa khô nên nếu trồng trọt sẽ không hiệu quả, nhưng lại chỉ lợi thế về chăn nuôi, đặc biệt là heo rừng lai có giá trị kinh tế cao. Hơn 10 năm trước, vợ chồng Nguyễn Văn Đương, bà Trịnh Thị Thoái đưa 2 con trai từ Nghệ An vào Ia Đal lập nghiệp. Nhà có lao động, thế nhưng tư liệu sản xuất ít thế nên cuộc sống của gia đình ông Đương gặp rất nhiều khó khăn. Vì chưa được cấp đất nên ông Đương phải dựng nhà ở bìa rừng, gần sát đường biên giới. Ở đây xa khu dân cư, không có sóng điện thoại, không điện lưới nên hai con dâu phải đưa các cháu về quê ở Đắk Lắk để có cuộc sống tốt hơn. Mơ ước của gia đình ông Đương là cuộc sống khấm khá hơn, có đất cất nhà kiên cố để có thể đón con dâu, cháu nội vào để gia đình đoàn tụ một mối. Tháng 6/2023, Thượng úy Nguyễn Bảo Trung cho gia đình ông Đương mượn 30 triệu đồng mua heo giống và làm chuồng trại. Ông Đương cùng 2 con trai sang bên xã Ia Dom, xã Ia Tơi mua được 19 con heo giống về thả trong khu chăn thả đã được quây sẵn trước đó ở khe suối.

Được sự giúp đỡ của Thượng úy Nguyễn Bảo Trung, anh Bùi Văn Anh có đàn heo lai rừng để phát triển kinh tế gia đình.

Không chỉ có ông Đương mới được “mượn tiền” để mua heo giống, Thượng úy Nguyễn Bảo Trung sẵn sàng giúp đỡ người khác nếu thấy ở đó có tinh thần quyết tâm thoát nghèo. Anh Bùi Văn Anh (thôn 3, xã Ia Đal) - háo hức kể câu chuyện của mình. Năm 2021, anh Bùi Văn Anh từ huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) vào thôn 3, xã Ia Đal để làm công nhân cạo mủ cao su. Mặc dù mới vào Ia Đal, anh Bùi Văn Anh luôn tích cực với công việc chung nên được nhận nhiều giấy khen trong công tác bảo vệ rừng, tham gia tuần tra biên giới và phát quang đường biên cột mốc. Anh Bùi Văn Anh là công dân điển hình, tích cực cùng BĐBP tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc. Thấy anh Bùi Văn Anh năng động, có mong muốn gắn bó lâu dài với mảnh đất biên cương này nhưng cuộc sống khá khó khăn vì thu nhâp từ việc cạo mủ nếu tằn tiện cũng chỉ đủ ăn. Thượng úy Nguyễn Bảo Trung đã chủ động cho anh Bùi Văn Anh mượn tiền với thỏa thuận “Khi nào bán được lợn sẽ trả lại tiền vốn”. Nhận lương, Thượng úy Nguyễn Bảo Trung và Bùi Văn Anh sang xã Ia Tơi để mua heo giống loại lai rừng. Hai người tự làm chuồng, mua lưới về rào khu chăn thả rồi tìm tòi cách phòng bệnh cho heo. Cứ thế, đến nay, đàn lợn của anh Bùi Văn Anh đã có 17 con và phát triển tốt, có thể xuất chuồng vào dịp cuối năm.

Chia sẻ về công việc làm của mình, Thượng úy Nguyễn Bảo Trung cho biết: “Thấy những người dân có ý chí vươn lên thoát nghèo nhưng gặp khó khăn về tư liệu sản xuất, tôi nghĩ mình nên giúp nhất là trong điều kiện có thể. Việc làm này cũng nhằm tăng cường thêm mối đoàn kết, gắn bó với nhân dân trên địa bàn”. Có lẽ, vì suy nghĩ như vậy mà khi đàn heo của gia đình ông Đương, bà Thoái bị dịch chết gần hết, việc thu hồi vốn gần như là không có, thế nhưng, Thượng úy Nguyễn Bảo Trung vẫn sẵn sàng cho anh Bùi Văn Anh mượn tiền mua heo giống. Cảm kích trước tấm lòng của Thượng úy Nguyễn Bảo Trung, anh Bùi Văn Anh cho biết: “Khi heo nào đàn heo bán được, có lãi, tôi sẽ gây đàn lớn hơn. Tôi và anh Trung sẽ lựa chọn một gia đình khó khăn trên địa bàn để tặng heo giống để người ta cũng có cơ hội thoát nghèo như tôi”. Điều đó có nghĩa là “Quỹ tín dụng” của Thượng úy Nguyễn Bảo Trung sẽ được mở rộng, nhiều người sẽ được hưởng lợi.

Cứ thế, câu chuyện về tình quân dân gắn bó được người lính trẻ viết nên một cách rất giản dị nhưng ý nghĩa thật lớn lao.

THANH TRÚC

VNQD
Thống kê