Xin dâng một nén hương đời...

Thứ Sáu, 09/08/2024 14:26

Cũng đúng thôi, còn cha còn mẹ mà nương nhờ phụng dưỡng, thì đó thật sự là một điều may mắn. May mắn nhất trong những điều may mắn trên đời này.

1.

Làng tôi có gã say rượu, ngày nào gã cũng uống, uống nhiều đến mức dân làng, kể cả vợ con chả thấy mấy lúc gã tỉnh táo. Phải nói là nát. Đám xá người trong họ ngoài làng, anh em gần xa… gã đến từ sáng sớm, chăm chỉ đỡ đần dọn dẹp thu xếp giúp, nhưng đến bữa cỗ, khi mọi người đã ăn xong về hết rồi còn mình gã ngồi lại, vẫn uống, vẫn nói lảm nhảm và cười hềnh hệch. Lâu dần thành quen, gia chủ lẫn các bà các cô biết tính nên cứ kệ cho ngồi, chả giục chả dọn, khi nào say gục xuống bàn thì gọi anh em vợ con ra dìu về nhà bôi vôi gan bàn chân, xức dầu rồi đắp chăn cho gã ngủ.

Nát rượu vậy nhưng gã chẳng bao giờ làm gì khuất tất, đôi khi đi uống rượu về, thấy phụ nữ cô nào bà nào chở lúa chở khoai nặng là gã đỡ giúp, thấy đám học sinh đi học về có nhóm đông quây đánh bắt nạt đứa yếu thế là gã ra tay “phụ chính trừ tà”, “cứu khốn phò nguy”, đàng hoàng ra phết.

Gã ở trong họ nên đôi khi tôi cũng gặp. Một cái xã hơn 5.000 dân có dăm ba họ, chủ yếu là Lê, Vũ, Hoàng, Mai và vài họ từ vùng khác di cư đến nên hầu như “dây mơ rễ má” cả. Gã lớn tuổi hơn tôi nhiều nhưng xét về vai vế trong họ, gã phải gọi tôi là anh. Về quê gặp gã lần nào cũng hồ hởi: “Ô, anh Lam mới về đấy à? Khỏe không anh? Khi nào rảnh ra em uống nước”. Có hôm gặp “ông em họ xa” giáp Tết, hình như gã đi Tất niên ở đâu đó về, chân nam đá chân siêu, lảo đảo. Gặp tôi gã túm ngay lại, chộp tay lắc lắc, mồm sặc sụa hơi men: “Anh à, em phải… nhờ anh… việc này… Tết này… anh phải vào… xông nhà… cho nhà em. Anh… học giỏi nổi tiếng… trong họ ngoài làng, năm nay… anh phải… ra xông đất… cho nhà em. Con em sắp thi… chuyển cấp… anh phải ra… để giúp em… cho cháu nó lấy vía… còn đỗ đạt…”

Tôi nhận lời, sáng mùng Một năm đó dậy sớm chuẩn bị cho bố mẹ mâm cơm cúng Gia tiên xong là tranh thủ đi vội. Nhà gã tít trong xóm núi, phóng xe đến chúc tụng xong đã thấy gã bảnh choẹ trong bộ quần áo ngày Tết, hể hả bắt tay mời trà mời rượu. Ngồi một lúc trò chuyện nhìn trước nhìn sau mới thấy gã đối với mẹ rất hiếu kính, hỏi nhỏ vợ con sao cứ để gã rượu chè say sưa vậy, vợ gã chép miệng: “Tính cách rồi, khó bỏ bác ạ. Có cưỡng có ép lại nổi xung lên. Thôi thì kệ ông ấy.”

Ở quê có lệ họp họ dịp Rằm tháng Bảy âm lịch. Con cháu đi xa về gần cùng quần tụ đến Nhà thờ họ, cụ cao niên nhất thắp hương dâng lễ cúng tế xong nổi ba hồi trống rồi con cháu lần lượt vào dâng lễ dâng hương. Tôi có năm về được, có năm không. Năm đó nghe bố kể, ăn họ xong, anh em họ mạc bàn nhau tôn tao mộ phần cho các cụ thêm khang trang. Lúc đó gã ăn cỗ đã say lắm rồi, đang ngồi ngật ngưỡng rung rinh trên chiếc ghế được thửa riêng (không thì ngã ngửa), nghe bàn vậy bỗng bưng mặt khóc huhu lên mà rằng:

- Các cụ các ông bà sắp có nhà mới, mà bố cháu mới mất còn nằm ở bờ mương bờ ao, thịt nát xương tan bao giờ mới đủ ba năm mà được về cùng các cụ chỗ cao ráo quang quẻ mà nằm?

Gã khóc dữ quá làm anh em họ phải xúm lại dỗ dành rồi dìu về nhà. Sau thấy anh em kể lại, sau ba năm cải táng cho ông cụ xong, lúc hoàn thành mộ phần cho bố, gã ngồi bệt xuống vạt đất bên cạnh rồi lại khóc huhu lên: “Thế là bố cũng có nhà cao cửa rộng rồi, bố ơi…”

2.

Sử cũ chép lại, Lý Long Tường - con thứ bảy của vua Lý Anh Tông, để tránh họa diệt thân khi Trần Thủ Độ tiến hành lật đổ nhà Lý, ông đã gom hơn 6.000 gia nhân và quân lính thành ba hạm đội vượt biển qua cửa Thần Phù (Thanh Hóa) mà chạy sang xứ Cao Ly lánh trốn. Tương truyền rằng trước đó, vua Cao Tông nước Cao Ly (Triều Tiên và Hàn Quốc ngày nay) đêm nằm mơ thấy một con chim cực lớn bay từ phương Nam lên, vì vậy ông lệnh cho chính quyền nơi Lý Long Tường đến tiếp đón ân cần và đồng ý cho ông cùng những người đi theo ở lại.

Ở quê hương mới, ông lập trang ấp, dạy văn sách luyện võ công cho gia nhân quân lính rồi góp công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Nguyên của nước Cao Ly. Đoàn quân thiện chiến gốc Đại Việt do vị dũng tướng luôn cưỡi ngựa trắng xung trận, đánh cho quân Nguyên nhiều trận thất đảm kinh hồn, uy danh vị dũng tướng Bạch Mã tướng quân Lý Long Tường nổi như cồn trên đất khách.

Sau những chiến công hiển hách trong công cuộc kháng Nguyên, vùng đất Trấn Sơn nơi ông lưu trú được vua Cao Ly đổi tên thành Hoa Sơn, tấn phong Lý Long Tường làm Hoa Sơn Tướng quân trấn giữ.

Chuyện kể lại rằng, cứ mỗi dịp đến ngày giỗ song thân hay Vu Lan báo hiếu, Hoa Sơn tướng quân lại nai nịt trang trọng gọn gàng trèo lên đỉnh núi Hoa Sơn trông về phương Nam mà đứng khóc ròng cả buổi, nơi ông đứng sau này được gọi là Vọng quốc đàn. Mang thân tha hương, gia đình li tán, phần mộ Cha mẹ Tổ tiên cách xa vạn dặm, Vương triều sụp đổ, cố quốc vời vợi nghìn trùng… dẫu ở xứ người có vinh hoa cực phẩm thì cũng đâu có vui vẻ sung sướng gì…

3.

Lễ Vu Lan báo hiếu có nguồn gốc từ Đạo Phật, giai thoại Mục Kiền Liên hồi hướng công đức cho mẹ. Từ hồi lang thang vào Sài Gòn lập nghiệp, một dịp Vu Lan đến chùa Vĩnh Nghiêm lễ Phật tôi mới biết đến phong tục này, khi đi lễ Vu Lan, ai còn mẹ thì được cài một bông hoa hồng đỏ lên ngực áo, ai không còn mẹ thì chỉ được cài hoa hồng trắng. Tôi vốn dĩ là một kẻ bồng bềnh, đến dự lễ rồi chắp tay đứng ngắm. Thấy khuôn mặt của những người được cài hoa hồng đỏ ai cũng có nét sướng vui rạng rỡ, còn những người cài hoa hồng trắng thì đầu thường cúi thấp, u trầm, thoáng chút day dứt và lặng lẽ hơn… Cũng đúng thôi, còn cha còn mẹ mà nương nhờ phụng dưỡng, thì đó thật sự là một điều may mắn. May mắn nhất trong những điều may mắn trên đời này. Từ gã say rượu nơi thôn dã đến vị dũng tướng vinh hoa phú quý đủ đầy, ai rồi cũng đến lúc nhất tâm hướng về nguồn cội, bố mẹ, quê Cha đất Tổ…

“Bông hồng cài áo” là tên của một bài hát hay, đây cũng là một phong tục đẹp để nhắc nhở, giáo dục những ai còn cha mẹ cũng như chia sẻ, cảm thông cho những ai không may không còn song thân phụ mẫu trên đời. Tôi không phải là kẻ tham lam gì, nhưng tôi vẫn thầm Lạy Trời cho tôi được giữ mãi bông hồng màu đỏ trên ngực áo của mình…

“Ông bà Tiên tổ thương ơi

Xin dâng một nén hương đời từ tâm…”

LÊ HỒNG LAM

 

VNQD
Thống kê