Gặp con giữa Trường Sa

Chủ Nhật, 15/09/2024 00:59

. BÙI PHAN THẢO
 

Sau hải trình dài, con tàu KN 290 đưa đoàn đại biểu Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ra thăm cán bộ chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 đã đến đảo Sinh Tồn, đảo đầu tiên trong các đảo đoàn sẽ đến: Sinh Tồn, Cô Lin, Núi Le B, Tốc Tan C, Đá Tây B, Trường Sa Lớn và nhà giàn DK 1 (Phúc Tần).

Chuẩn đô đốc Ngô Văn Thuân, Chính ủy vùng 4 Hải quân, dặn dò chiến sĩ trẻ Huỳnh Thế Sơn đang được mẹ ra thăm  đảo Sinh Tồn

Mừng vì con trưởng thành, rèn luyện tốt

Suốt hai ngày qua, cảm giác bồi hồi, háo hức luôn thường trực trong những người lần đầu tiên đến với Trường Sa. Song nóng ruột nhất, là những người mẹ, người cha sắp được gặp con. Chuyến công tác này, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân và Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa 3 thân nhân chiến sĩ quê ở Thành phố Hồ Chí Minh đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa có thành tích rèn luyện, phấn đấu tốt, được tạo điều kiện cho cha mẹ ra thăm con ở đảo xa.

Hai ngày trên tàu, ngoài những giờ sinh hoạt chung với đoàn, những người cha người mẹ đó thường hay ngóng về phía biển, ở nơi xa chắc các con của họ cũng đang rất ngóng chờ. Đó là chị Nguyễn Thị Lành ở phường 15, quận Tân Bình; chị Trần Kim Châu ở xã Long Hòa, huyện Cần Giờ và anh Thái Văn Vũ ở xã Tân An Hội, huyện Củ Chi. Con của chị Lành là Huỳnh Thế Sơn, chiến sĩ tại đảo Sinh Tồn; con của anh Vũ là Thái Gia Bảo, chiến sĩ ở đảo Tốc Tan C và con của chị Châu là Võ Thành Trung ở đảo Trường Sa Lớn. Ai cũng nóng ruột được gặp con, song bồn chồn nhất là chị Lành bởi chị sẽ được gặp con đầu tiên, ngày thứ 3 của cuộc hành trình, kế đến là anh Vũ, ngày thứ 4 và lâu nhất là chị Châu, ngày thứ 5 của hành trình.

Trên con tàu KN 290, tôi đã trò chuyện cùng những người cha, người mẹ ấy. Ai cũng mang dáng vẻ hiền lành, chân chất. Chị Lành nói chị làm nghề buôn bán, chồng làm trang trí nội thất, có 2 con và Sơn là con út, tính hiền lành, cứ hay thủ thỉ, rù rì cùng ba mẹ. Con nhập ngũ, vợ chồng chị thời gian đầu cũng lo nhưng sau mấy tháng quân trường thấy con hòa nhập môi trường quân đội, cứng cáp, khỏe mạnh hơn nên yên tâm về con. Hơn nữa, thỉnh thoảng con cũng gọi điện về nhà, nói ở đây cấp trên và đồng đội đều yêu thương con, lính trẻ coi đảo là nhà, sống vui vẻ và nỗ lực rèn luyện, hoàn thành nhiệm vụ.

Nghe con nói, chị rất vui nhưng vẫn bồn chồn. Từ xa, đảo Sinh Tồn hiện lên trong tầm mắt, chị được xếp vào nhóm ưu tiên mặc áo phao, xuống ca nô để lên đảo đầu tiên. Chị cười với chúng tôi mà rơm rớm nước mắt. Ca nô cặp đảo, chị bước lên những bước phập phồng. Con chị ở đây, bốn bề đại dương, nhưng cây xanh tỏa bóng, doanh trại bề thế, cảnh vật khang trang. Đón đoàn là đại diện các gia đình dân quân trên đảo, các cán bộ, chiến sĩ nét mặt tươi cười rạng rỡ. Rồi một chàng trai trong sắc phục Hải quân chạy đến, mừng vui gọi mẹ. Chị Lành xúc động ôm con thật chặt trong vòng tay, chị khóc rồi chị cười. Chị nói, gần 2 năm mà con đã trưởng thành nhiều. Chị mang quà cho con và đồng đội. Chị dặn Sơn giữ gìn sức khỏe, công tác tốt, cha mẹ và gia đình hãnh diện vì có con phục vụ Tổ quốc ở Trường Sa.

Phút giây chị Trần Kim Châu gặp con trai Võ Thành Trung tại đảo Trường Sa

Vinh dự, tự hào được làm lính Trường Sa

Suốt buổi sáng trên đảo Sinh Tồn, đơn vị đã tạo điều kiện cho mẹ con Sơn nhiều thời gian trò chuyện. Các chiến sĩ trẻ đồng đội Sơn cũng đến chung vui sau khi làm nhiệm vụ tiếp đoàn, giao lưu với đội văn nghệ Nhà văn hóa thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh. Trò chuyện với mẹ con chị Lành và chiến sĩ trẻ Trần Thanh Hiền, Trần Phú Trung tại đảo Sinh Tồn, Chuẩn đô đốc Ngô Văn Thuân, Chính ủy Vùng 4 Hải quân dặn dò: “Các con cố gắng phấn đấu rèn luyện, khi ra quân về với gia đình thì trong bất kì hoàn cảnh nào cũng phấn đấu vượt qua. Những lúc rảnh rỗi sau ca trực chiến hãy chịu khó đọc sách để có thêm kiến thức. Luôn sống tốt, cống hiến thật nhiều, xứng đáng với tình cảm Thành phố Hồ Chí Minh dành cho các con và gia đình.” Ông cũng lưu ý chiến sĩ trẻ cẩn trọng khi đi lại vì địa hình trên đảo phức tạp và nên đi 2-3 người. Ông dặn dò như cha với con, nghiêm khắc nhưng đầy yêu thương.

Con tàu lại tiếp tục hành trình, đến lượt anh Thái Văn Vũ gặp con trai Thái Gia Bảo ở đảo Tốc Tan C. Anh Thái Văn Vũ cho biết trước khi đi nghĩa vụ, Gia Bảo đã học và làm một số nghề. Khi con đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, anh nói, nếu đi bộ đội thì con sẽ trưởng thành, cũng là một dịp để rèn luyện, có khi ra đảo công tác không chừng. Tưởng nói chơi mà thật, Bảo trúng vào Quân chủng Hải quân và được điều ra đảo ở Trường Sa. Quà cho Bảo, anh Vũ mang theo con gấu bông mà anh tiết lộ là bạn gái nhờ mang ra cho Bảo “để tối ngủ gác chân”. Anh Vũ dặn dò con hãy làm tốt nhiệm vụ của người con đất thép Thành đồng.

Nhìn cảnh chị Lành, anh Vũ gặp con, chị Trần Kim Châu chia sẻ niềm vui mà cũng nôn nao, mấy đêm không ngủ, chờ tới lượt mình gặp con. Trò chuyện với tôi trên hải trình, chị cho biết cha chị cũng là một cựu chiến binh, từng chiến đấu ở mặt trận Campuchia năm 1978-1980. Chồng đi biển, chị ở nhà buôn bán, nội trợ, con gái nhỏ học phổ thông. Khi Võ Thành Trung trúng nghĩa vụ quân sự và ra đảo Trường Sa phục vụ, ban đầu chị cũng lo, nhưng cha chị nói, đó là vinh dự, tự hào. Ông ngoại mừng vì cháu sẽ trưởng thành ở nơi đầu sóng ngọn gió. Đúng như cha chị nghĩ, Trung rèn luyện, phấn đấu tốt tại đảo Trường Sa Lớn.

Không như chị Lành, anh Vũ được gặp con ngay, chị Kim Châu phải chờ vì Võ Thành Trung đang làm nhiệm vụ. Chị nhìn con bồng súng đứng gác nghiêm trang mà dậy lên niềm tự hào, con đã trưởng thành, là chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, chắc tay súng cùng đồng đội canh giữ biển trời Tổ quốc. Hết phiên gác, Trung chạy về phía mẹ. Trưa Trường Sa nắng tràn, dưới bóng cổng chùa, hai mẹ con ôm nhau trong niềm xúc động. Nhìn con, chị Châu vui mừng không nói thành lời.

Với chị Lành, chị Châu, anh Vũ, hạnh phúc nào hơn khi được gặp con giữa nghìn trùng biển khơi, trên đảo tiền tiêu Tổ quốc.

Biết ơn những hi sinh thầm lặng

Với các thành viên đoàn công tác, hình ảnh những người lính trẻ, bồng súng đứng gác ở Trường Sa thật đẹp. Họ trẻ trung, rắn rỏi, đen sạm vì dãi dầu mưa nắng Trường Sa. Họ nghiêm trang lúc đứng gác, bước đi mạnh mẽ khi duyệt đội ngũ và nụ cười hiền khi xong ca trực gác, trò chuyện cùng các cô chú, anh chị từ đất liền ra thăm. Họ như cây phong ba, cây bão táp, cây bàng vuông trên đảo, hiện thân của ý chí kiên cường, càng gian lao càng vươn lên, vững chãi. Bên những cột mốc biên cương, những tên đảo thân thương với mỗi người dân Việt, họ đứng đó, nghiêm trang, vững vàng, để những thành viên đoàn công tác đều vang lên ý nghĩ về sự biết ơn những hi sinh thầm lặng của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, Quân chủng Hải quân và bộ đội Trường Sa, nhà giàn DK1 nói riêng, giữ gìn sự bình yên của Tổ quốc, sự toản vẹn lãnh thổ, biển đảo Việt Nam.

Họ đẹp, nét đẹp tuổi thanh xuân, của sự trẻ trung, quên mình cống hiến. Nhìn cảnh ba chiến sĩ chụp hình với chị Dương Thị Huyền Trâm, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Phong trào Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh trên đảo Trường Sa Lớn, ai cũng tươi vui. Họ nhắn tên và số điện thoại, nhờ chị Trâm chuyển hình cho người thân để người thân ở quê nhà thấy họ đang khỏe mạnh, làm tốt nhiệm vụ ở Trường Sa.

Đến thăm cán bộ, chiến sĩ các điểm đảo và nhà giàn DK1, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Phước Lộc và Chuẩn Đô đốc Phạm Như Xuân, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã tặng quà và tự tay quàng những chiếc khăn rằn, khoác chiếc áo ghi lê của đoàn cho từng chiến sĩ, nhắn nhủ với họ rằng người dân Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước này đều hướng về Trường Sa, Trường Sa luôn trong tình yêu thương của cả nước. Hai ông dặn dò chiến sĩ trẻ rèn luyện bản lĩnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ, tiếp nối truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam, của Quân chủng Hải quân, vững vàng đầu sóng ngọn gió, chắc tay súng bảo vệ biển đảo, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

B.P.T

VNQD
Thống kê