Thanh Tịnh - “Cổ mạch hàn phong…”

Thứ Sáu, 20/09/2024 11:16

. NGÔ VĨNH BÌNH
 

I.

Tôi đọc Thi nhân Việt Nam (xuất bản năm 1942) của Hoài Thanh và Hoài Chân từ thời còn là sinh viên, thấy phần viết về nhà thơ Thanh Tịnh có đoạn: “Xem thơ Thanh Tịnh, cái cảm giác trội nhất của tôi là thấy một cái gì dàn trải, dàn trải hoài mà lại lỏng. Có lẽ là một mặt hồ… Hồ còn có bờ, có hình nhất định. Ở đây không có bờ và nước - âu cứ gọi là nước - cứ chảy tràn lan… Có lần người ta bỗng thấy trên mặt nước dựng lên một lâu đài xương máu (trong tập Hận chiến trường), nhưng khi người ta tới nơi, nó lại biến mất. Thì ra là một ảo ảnh”. Nhưng 10 năm sau khi về Văn nghệ Quân đội - cơ quan có nhà thơ lão thành xứ Huế, tôi hỏi ông về cái “lâu đài xương máu nọ”. Ông tảng lờ và lái sang chuyện khác. Lần nào cũng vậy, và năm tháng cứ trôi đi. Nhà thơ sau nhiều năm ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân ở Phố Nhà binh - Hà Nội đã về nằm lại vĩnh viễn nơi sườn núi Thiên Thai xứ Huế đẹp và thơ, còn câu hỏi của tôi về cái “lâu đài” trong thơ Thanh Tịnh thì vẫn còn đó… May sao một dịp, chị Dương Hồng - bạn đồng môn của tôi (lúc ấy còn công tác ở Thư viện Quốc gia) đi công tác bên Pháp về đã gửi cho tôi bản sao tập thơ Hận chiến trường xuất bản từ năm 1937 của Thanh Tịnh. Theo chị bạn tôi thì tác phẩm này đã được các bạn Pháp sao tặng cho Thư viện Quốc gia Việt Nam dưới dạng phim. Trong bản photo tôi hiện có trong tay thì, trên bìa tập thơ còn rõ dấu Thư viện với những chữ DEPOT LEGA INDOCHIN No23/55.

II.

Sinh thời, nhà thơ Thanh Tịnh kể: Ngày 19 tháng 12 năm 1946 ông cùng những bạn bè văn nghệ, bộ đội văn công rời Hà Nội đi kháng chiến, lên chiến khu qua lối Chèm, Vẽ... Sau tám năm đi kháng chiến từ chiến khu về Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 1954, Thanh Tịnh lại cuốc bộ từ Chèm về cầu Long Biên (mất hai giờ đồng hồ). Người Hà Nội không thấy một Thanh Tịnh “thi sĩ” ngày xưa nữa, chẳng có mũ phớt, va ly cùng bộ âu phục màu xám đâu nữa, thay vào đó là bộ quân phục gọn gàng, chiếc ba lô vải nhỏ nhắn xinh xinh...

Có người bạn cũ, hỏi ông: “Hành lý không có gì à?”. Ông cười: “Có mang về một thứ, thứ ấy đi đâu, lúc nào cũng được đón chờ, ai cũng thích…”. Đó là hành lý gì vậy?” - Bạn hỏi, nhà thơ trả lời: “Xin thưa, đó là độc tấu”.

Thanh Tịnh là người rất thích nói chuyện các kỉ lục, nhưng toàn là chuyện kỉ lục của người khác. Ông bảo ông chẳng có gì độc đáo, có chăng thì chỉ có một kỉ lục mà ông phải mất... 30 năm mới ghi được. Ông kể: năm 1945, vào tháng 11, ông tham gia thành lập Hội văn hóa Trung Bộ tại Huế với tư cách Trưởng ban thư ký (nhà văn Hoài Thanh làm Chủ tịch) và được mời ra Bắc họp Đại hội văn hóa toàn quốc. Chuyến “đi họp” này của ông kéo dài 30 năm, vì kể từ khi đi họp năm 1945 mãi tới năm 1975 ông mới về lại được Huế. Chiến tranh và sự chia cắt đất nước đã làm ông mắc kẹt không thể trở về được. Ông bảo nếu ban biên tập sách Ghinét chịu ghi kỉ lục về sự họp thì ông đề nghị ghi cho ông vài dòng. Đại để với nội dung: cuộc đi họp dài nhất thời đại: Trọn 30 năm!

Và sau này, những lúc nhớ lại chín năm đi kháng chiến, Thanh Tịnh vẫn thường nói vui rằng, ông tham gia kháng chiến bằng… độc tấu, vũ khí tham gia kháng chiến của ông là độc tấu. Ông vốn người Huế, người Huế nhỏ nhẹ, quen sống mộng mơ, chỉ hợp với diễn đàn… sa-lông; thêm nữa ông lại là một nhà thơ lãng mạn trước Cách mạng: cứ mỗi thu về lại “náo nức những kỉ niệm mơn man”; từng “mòn mỏi”, “vương vấn” với những “tơ trời, tơ lòng” trên đất cố đô suốt cả thời trai trẻ... Ấy vậy mà trong suốt thời gian kháng chiến người ta lại thấy ông có mặt trên khắp các nẻo đường chiến dịch, từ miền núi, trung du, đồng bằng và cả miền ven biển Đông Bắc cùng đồng nghiệp, đồng đội tạo nên những diễn đàn, những sân khấu ngoài trời, nói và diễn cho cả trăm, cả ngàn công chúng bộ đội, dân công và nhân dân các địa phương nghe - nhìn... Những ngày đầu, ông kể, cũng như nhiều văn nghệ sĩ khác tham gia phong trào “văn nghệ sĩ đầu quân”, ông không thể mang “thơ mới”, “thơ lãng mạn” tham gia phục vụ kháng chiến được nên đã nghĩ ra cách là lên sân khấu đọc nguyên văn những bài hiệu triệu, những câu khẩu hiệu sau đó dựa vào những bài ấy làm thành những câu ngắn theo kiểu diễn ca, ca dao và cuối cùng là tìm ra cách viết những câu chuyện vần vè để kể cho công chúng nghe. Những câu chuyện đó gọi là độc tấu. Bài tấu đầu tiên ông làm là bài Bắn cả hai làm ở chùa Trầm chỉ chừng mươi hôm sau tiếng súng Toàn quốc Kháng chiến... Rồi Chiến thắng sông Lô làm ngay khi quân ta chiến thắng sông Lô, rồi Trận địa lôi cây số 7 đường Hà Tuyên, Lão dân quân Đông Bắc, Anh hùng liên lạc.... Nhiều lắm, nhưng tiếc là tất cả đều là ứng khẩu, phục vụ kịp thời nên ít ai ghi được. Sinh thời, có lần tôi ngỏ ý định muốn ghi lại toàn bộ những bài tấu mà ông đã làm. Ông bảo, tất cả đã thành... dân gian rồi! Tôi hiểu số phận những bài tấu nọ cũng như những câu: Dễ trăm lần, không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong, Nhà tan cửa nát cũng ừ/ Quyết tâm thắng Mỹ cực chừ sướng sau, Trải qua mấy chục năm trường/ Ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân... có mấy người biết là do Thanh Tịnh sáng tác!

Bằng thể loại nghệ thuật độc đáo này, Thanh Tịnh đã “tự biên, tự diễn” hàng trăm buổi trước công chúng. Ông độc tấu cho bộ đội nghe trên đường hành quân, sau mỗi trận đánh. Ông biểu diễn cho dân công, cho bà con nông dân, trong dịp Tết đến xuân về, trong những hội nghị mừng công. Những câu chuyện mà ông thường kể rất gần gũi với bà con nông dân như chuyện một cô du kích, một lão dân quân, một trận đánh, gương dũng cảm của một chàng Vệ quốc quân, đôi khi là cả những sự cay đắng chán chường vì sự thất bại của kẻ thù… Những câu chuyện này được tài diễn xuất của ông thể hiện một cách sinh động nên lại càng thu hút được nhiều người đến xem. Người đương thời kể, một lần bộ đội về Thái Nguyên chiếu phim. Dân các bản xa gần kéo về rất đông, rất tiếc là do chiếc máy chiếu cà rịch cà tàng nên quá giờ chiếu cả tiếng đồng hồ và cảnh lộn xộn trên sân bãi đã có triệu chứng bắt đầu. Một trung đội vệ binh ra sức làm công tác giữ gìn trật tự sân bãi mà xem ra không có hiệu quả. Thanh Tịnh bèn nhảy lên buồng chiếu, đến bên micro nói một cách thản nhiên: “Thưa bà con! Thưa bà con!”. Thế là chỉ có một bài độc tấu về chiến thắng Việt Bắc do ông ứng khẩu, trật tự đã được lặp lại ngay sau đó. Khi bài tấu của ông vừa xong cũng là khi cái máy chiếu được sửa. Buổi chiếu phim bắt đầu… Hết buổi phim, anh đội trưởng đến nắm bàn tay gầy gò của nhà thơ và bảo: “Tấu của bác có sức mạnh hơn cả một trung đội vệ binh!”…

Hưởng ứng độc tấu của Thanh Tịnh, nhiều nhà thơ, nhà văn tham gia kháng chiến lúc đó như Lưu Quang Thuận, Phùng Quán, Lê Anh Tâm, Phác Văn…cũng tham gia viết tấu, đôi khi trực tiếp diễn tấu. Độc tấu ra đời trên chiến khu đã nhanh chóng trở thành bộ môn nghệ thuật được quần chúng, bộ đội yêu thích.

Cách mạng, kháng chiến chẳng những đã mở ra cho Thanh Tịnh những lối nẻo lạ trong cuộc đời sáng tác văn học mà còn thay đổi cả cuộc đời ông, tạo cho ông và bạn bè văn nghệ của ông một sức mạnh để hướng tới cái lớn lao hơn, thiêng liêng hơn - đó là độc lập dân tộc. Lúc trẻ, nhà thơ vốn tướng học trò, nhỏ nhẹ và mộng mơ, đi kháng chiến thơ ông hòa vào nhân dân, tiếng nói ông hòa vào tiếng nói của kháng chiến, của quần chúng. Có người hỏi tại sao, sinh thời nhà thơ đã trả lời một cách thật hóm hỉnh, rất Huế, thật Thanh Tịnh: “Tôi có vóc dáng cao lớn là do cha mẹ tôi cho, biết làm độc tấu là do nhân dân, do kháng chiến dạy, và tôi có được giọng nói lớn cũng là vì đã học được trong trường kháng chiến”!...

Những ngày trước khi Thanh Tịnh sắp mất vài tháng chúng tôi đến thăm nhà thơ và ngỏ ý muốn ghi chép chuyện ông kể, ông bảo: “Khoan đã, tôi đã về Văn Lâu, nhưng... còn lâu tôi mới đi Văn Điển (Ông có câu: Thống nhất sớm tôi về Văn Lâu/ Thống nhất lâu tôi về Văn Điển). Nhưng rồi sẽ “đi”. Tôi “đi” xin có một yêu cầu không đưa tin buồn mà đưa... tin vui. Bởi lẽ Thanh Tịnh đã “thất thập cổ lai hi” và còn bởi lẽ Thanh Tịnh lúc sinh thời đã làm ra tấu, đã làm ca dao chiến đấu, ca dao sản xuất theo nhiệm vụ của kháng chiến và cách mạng. Thanh Tịnh mất nhưng ca dao và “tấu” thanh Tịnh vẫn còn!

Tôi về Tạp chí Văn nghệ Quân đội muộn, khi ấy ông đã thôi không làm Chủ nhiệm (Tổng biên tập) nhưng vẫn ở trong doanh trại, vẫn “ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân”. Tôi biết từ Tết năm 1947, Tết đầu tiên của Toàn quốc kháng chiến ông vẫn chưa được một lần ăn Tết với gia đình. Một nửa nước độc lập hòa bình (1954), nhà thơ vẫn ăn Tết cùng đồng đội, đồng nghiệp; tối 30 lập bàn thờ trong phòng làm việc (cũng là nơi ở) trên Phố Nhà binh, có bánh chưng có mâm ngũ quả, và trầm thơm suốt ba ngày Tết. Năm 1975, cả nước hòa bình thống nhất, Thanh Tịnh vẫn sống ở Hà Nội đón giao thừa một mình và ăn Tết với anh em nhà văn Nhà số 4 chúng tôi. Bà Bích Đào - vợ ông trong Nam đã đi lấy chồng từ khi ông bà “đứt liên lạc”, Nam - Bắc cắt chia. Anh Trần Thanh Vệ - con trai đã yên bề gia thất sống tận Nha Trang và con gái Trần Mê Linh (Mỹ Lý) định cư ở nước ngoài từ trước 1975. Vẫn đủ cả, và bản thân dù đã trút áo quân nhân, về hưu nhưng nhà thơ chỉ mỗi năm về thăm đôi lần rồi đi... đi như chuyến đi năm nào - mùa đông năm 1946!

Năm ấy nghe tin Thanh Tịnh ốm nặng, Đỗ Chu vừa từ Bắc Ninh xuống sang ngay nhà thăm. Lâu ngày đôi bạn một già một trẻ mới gặp nhau, chuyện trò vui vẻ đến nỗi Thanh Tịnh như khỏe ra. Ông gượng dậy lấy rượu mời Đỗ Chu và câu chuyện thêm vui, thêm cả buồn lẫn lộn. Nghe Thanh Tịnh nói về cuộc đời phiêu bạt, đơn côi của mình, Đỗ Chu thương lắm. Là người biết ít chữ Hán, chữ lại đẹp anh bèn cầm cây bút dạ viết luôn câu: Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân (trong bài thơ chữ Hán Dạ hành của thi hào Nguyễn Du) tặng nhà thơ già. Thanh Tịnh trân trọng treo câu thơ đó lên tường sát chỗ giường nằm.

Không ngờ mấy ngày sau bệnh ông càng thêm nặng, ông phải vào Viện Quân y 108...Và trước phút tác giả của Quê mẹ về quê mẹ, Đỗ Chu cũng có mặt. Nhà thơ còn níu nhìn người bạn văn trẻ và thều thào đọc câu thơ nọ Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân (nghĩa là: Trên con đường nhỏ, gió lạnh dồn thổi vào một người - thơ Nguyễn Du)... Không một ai ở đó khi ấy cầm nổi nước mắt!

Quả câu thơ rất hợp với ông, nhưng tôi nghĩ con đường xưa ông đi, quá khứ đời ông trải không chỉ có gió lạnh, đường xa và sự đơn côi mà còn có cả những chặng đường hoa cùng những ngày ấm áp nơi chiến khu xa và trên những con đường đường Hà Nội rụng vàng lá me lá sấu!

N.V.B

VNQD
Thống kê