Tôi thật sự say mê, tâm huyết với đề tài lịch sử và chiến tranh cách mạng

Thứ Tư, 24/07/2024 16:11
Đạo diễn, NSƯT Đặng Thái Huyền hiện là Thượng tá, Phó Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân

Nhắc đến Đặng Thái Huyền, người ta nghĩ ngay tới một nữ đạo diễn thành công ở các phim về đề tài chiến tranh và hậu chiến. Phim Mười ba bến nước giành 6 Bông sen Vàng cho các nội dung Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Quay phim xuất sắc nhất, Nam và nữ diễn viên chính xuất sắc nhất và Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16; phim Người trở về giành giải của Hội đồng giám khảo; phim Đất lành giành Giải Đạo diễn xuất sắc nhất và các giải thưởng hội nghề nghiệp khác như Giải Cánh diều, Giải Báo chí Quốc gia...

- Được biết xuất phát điểm của chị không là một người lính, có phải sự đam mê các phim đề tài chiến tranh, hậu chiến mà chị đầu quân cho Điện ảnh Quân đội, hay ngược lại, Điện ảnh Quân đội là cái duyên dẫn chị tới đam mê đề tài này?

+ Năm 2004 khi mới ra trường, tôi đã được thầy tôi là đạo diễn NSND Khắc Lợi mời làm Thư kí đạo diễn cho phim Tiếng cồng định mệnh do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất. Đấy là một trong những bộ phim chiến tranh có quy mô lớn nhất của điện ảnh Việt Nam lúc bấy giờ và cũng là bộ phim khiến tôi choáng ngợp về sự hoành tráng, đồ sộ và chuyên nghiệp trong khâu sản xuất, dàn dựng. Từ bộ phim này, tôi rút ra rất nhiều bài học, kinh nghiệm khi “thực chiến” ở phim trường. Nó khó khăn hơn rất nhiều so với hình dung ban đầu của tôi khi học lí thuyết chuyên ngành trên ghế nhà trường. Sau bộ phim ấy, tôi xin về Điện ảnh Quân đội và được lãnh đạo hãng phân công về Xưởng Phim truyện. Chỉ mới kí hợp đồng 6 tháng, tôi đã được tin tưởng giao thực hiện bộ phim truyện đầu tay Đêm vùng biên. Và tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 14, Đêm vùng biên đã giành giải Hình ảnh cho quay phim, giải Diễn viên nam xuất sắc. Đây là bước khởi đầu thuận lợi đề tôi tiếp tục say mê với những dự án tiếp theo do đơn vị giao. Tôi nghĩ thành công của tôi, bên cạnh sự nỗ lực của cá nhân là nhờ sự động viên tin tưởng của lãnh đạo hãng và sự dốc lòng, dốc sức hỗ trợ của các đồng chí, đồng đội trong đơn vị.

- Nhắc đến các phim kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam từ trước đến giờ, không thể không kể đến các phim đề tài chiến tranh như: Chung một dòng sông (1959), Nổi gió (1966), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972), Em bé Hà Nội (1974), Mẹ vắng nhà (1979), Cánh đồng hoang (1980), Bao giờ cho đến tháng mười (1984), Đừng đốt (2009), Mùi cỏ cháy (2012)… Khi làm phim về đề tài chiến tranh, hậu chiến, các phim này có ảnh hưởng thế nào đến chị?

+ Tôi đã xem hầu hết các bộ phim của Việt Nam về đề tài chiến tranh, hậu chiến và cũng rất đam mê thưởng thức những bộ phim có cùng đề tài của các nền điện ảnh khác trên thế giới. Tôi dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu. Tất nhiên, mình là thế hệ hậu bối, kinh nghiệm còn nhiều hạn chế thì việc học hỏi là điều cần thiết. Mình học những cách dàn cảnh hay, lớp lang, chiều sâu. Học hỏi cách làm việc với diễn viên sao cho họ diễn tinh tế, diễn mà như không diễn, ra cái chất nhân vật mà mình muốn... Công việc đạo diễn phim có cái hay là cứ mỗi giai đoạn, mỗi khoảng thời gian, với sự trải nghiệm nhiều hơn về cuộc sống, về cách nhìn nhận xung quanh, mình lại có những phát hiện khác nhau, tư duy khác nhau khi xem lại các thước phim xưa cũ và ngay cả cách mình tư duy làm phim. Nhưng tôi muốn khẳng định một điều, nghệ thuật là sự phát triển, vận động không ngừng nhưng phải mang tính sáng tạo cá nhân ghi dấu trong mỗi tác phẩm. Học hỏi không có nghĩa là sao chép, cóp nhặt. Nói cách khác, tác phẩm của các tiền bối giống như một chất xúc tác về mặt cảm xúc để mình học hỏi đồng thời nỗ lực tìm ra những hướng đi riêng. Tôi buộc phải là Đặng Thái Huyền với những tác phẩm mang dấu ấn của mình. Và đó là điều tôi luôn tự nhắc nhở mình.

- Năm 2024, hiện tượng Đào, phở và piano, một bộ phim về đề tài chiến tranh do Nhà nước đầu tư được khán giả cả nước háo hức đón nhận nhưng lại khó ra rạp và mang về doanh thu. Từ chuyện này, tôi lại nhớ đến những bộ phim gây được tiếng vang, được đầu tư bởi Quân đội của chị như Người trở về, Mười ba bến nước… cũng ở trong tình trạng như thế. Chị có thể chia sẻ vấn đề này?

+ Tôi thật khó chia sẻ sâu kĩ về vấn đề này vì công việc của một đạo diễn là hoàn thành tốt bộ phim. Còn việc phát hành phim lại thuộc một lĩnh vực khác, ngoài tầm kiểm soát của đạo diễn. Nhưng tất nhiên, đạo diễn nào khi làm phim đều có mong muốn tác phẩm đến được với đông đảo khán giả. Trước đây phim Người trở về đã có những suất chiếu ở ngoài rạp, phục vụ khán giả miễn phí. Sau đó vì lượng khán giả đến quá đông, nhà rạp đã phải mở phòng chiếu lớn hơn và tăng số ngày chiếu. Điện ảnh Quân đội và toàn thể ekip khi ấy đã vô cùng hạnh phúc. Chúng tôi mong muốn những bộ phim do Nhà nước hay Quân đội sản xuất sẽ có cơ chế để ra rạp, phục vụ đông đảo khán giả chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi chiếu tuyên truyền trong những ngày lễ. Nhưng đó là mong muốn ở thì tương lai, còn ở cương vị đạo diễn, tôi cần làm tốt nhiệm vụ của mình trước đã.

Một cảnh trong phim Đào, phở và piano

- Qua hiện tượng phim Đào, phở và piano mới đây, chị có suy nghĩ gì để dòng phim đề tài chiến tranh, hậu chiến, người lính hôm nay hấp dẫn người xem, khi mà hiện nay các phim thị trường đang lấn át?

+ Điều này là tín hiệu rất mừng đối với những nhà làm phim về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng và cũng là động lực để các hãng phim, các nhà sản xuất tiếp tục thực hiện nhiều hơn những dự án về đề tài này trong tương lai. Việc khán giả, đặc biệt khán giả trẻ ngày càng quan tâm hơn về mảng đề tài này là dấu hiệu cho thấy thời điểm mà khán giả, tôi không dám nói là bội thực, đã được xem quá nhiều những bộ phim về đề tài tình yêu, thanh xuân vườn trường, gia đình… Trong Đại dịch Covid-19, những hình ảnh đẹp về người lính xông pha nơi tuyến đầu chống dịch, sự đoàn kết chung tay của cả đất nước để vượt qua đại dịch… không khởi phát từ một sớm một chiều mà là từ truyền thống và những giá trị cốt lõi của một dân tộc trải qua hàng ngàn năm xây dựng và bảo vệ đất nước. Những điều tốt đẹp đó đã lan toả, tác động đến nhận thức của người dân trên mọi phương diện của đời sống. Là một loại hình nghệ thuật, điện ảnh có vai trò quan trọng trong việc giáo dục truyền thống và phản ánh những giá trị nhân văn bền vững. Càng ngày, mong muốn được xem, được thưởng lãm những tác phẩm có tính chính luận cao để hiểu rõ hơn về lịch sử đất nước mình càng cháy bỏng đối với khán giả. Tôi nghĩ trong thời gian tới, các tác phẩm điện ảnh về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng sẽ được thực hiện nhiều hơn.

- Nhân nhắc đến Người trở vềMười ba bến nước, hai bộ phim được chuyển thể từ các truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh, tôi lại nhớ đến các phim Đừng đốtMùi cỏ cháy được tạo dựng dựa trên hai cuốn nhật kí nổi tiếng của hai liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc. Theo chị, tác phẩm văn học có vai trò thế nào với các kịch bản phim?

+ Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của mình, điện ảnh cách mạng Việt Nam có rất nhiều tác phẩm hay, xuất sắc, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả mà điểm xuất phát là từ các tác phẩm văn học. Không chỉ điện ảnh Việt Nam, mà điện ảnh thế giới cũng xem văn học như một mảnh đất màu mỡ để cày xới. Có nhiều lí do lí giải điều đó: sự hấp dẫn trong câu chuyện, trong số phận nhân vật, sự cộng hưởng số lượng khán giả sẵn có của tác phẩm văn học… Tuy nhiên, thật không dễ để khán giả tránh được sự so sánh giữa tác phẩm văn học và tác phẩm điện ảnh, dù cách thưởng thức, tiếp cận của hai loại hình là khá nhau. Đôi khi khán giả khá “bảo thủ”, thường mặc định trong tâm trí những điều mà họ tưởng tượng khi đọc tác phẩm và khó công nhận sự sáng tạo của đạo diễn cho dù đó là những sáng tạo đặc thù của ngôn ngữ điện ảnh.

Là một đạo diễn đã thực hiện một số tác phẩm dựa trên hoặc lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học, tôi thấy điều này là áp lực nhưng đồng thời cũng cho đạo diễn chất xúc tác để mình buộc phải vượt qua. Chất lượng bộ phim sẽ là câu trả lời tốt nhất cho tất cả. Một tác phẩm đủ hay, đủ hấp dẫn sẽ giúp khán giả dần đặt mình vào tâm thế khám phá một phiên bản mới của tác phẩm gốc và nhìn nhận bộ phim là một tác phẩm sáng tạo độc lập, song hành cùng tác phẩm văn học.

- Với chúng ta hiện nay, có lẽ không chỉ riêng phim truyện, mà trong văn học cũng vậy, để có một tác phẩm hay về đề tài người lính hôm nay thật sự là một thử thách, theo chị, có cách gì khắc phục?

+ Tôi nghĩ thử thách này là quy luật tất yếu. Thời chiến, người lính là đối tượng sáng tác chính, là nhân vật trung tâm với hình tượng “anh Bộ đội Cụ Hồ”. Trong thời bình, người lính không còn chiếm vị trí trung tâm trong đời sống xã hội nữa. Tuy nhiên với vai trò là lực lượng nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thì người lính luôn cần được đặt ở vị trí là đối tượng sáng tác quan trọng. Không chỉ cá nhân tôi mà rất nhiều đồng nghiệp khác có cùng quan điểm: ngoài sự dấn thân của các tác giả cũng cần có sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho mảng đề tài này. Cần có những trại viết tập trung cho đề tài lực lượng vũ trang, toàn diện ở các mảng thơ, văn xuôi, nghiên cứu phê bình văn học… và đó sẽ là chất liệu tốt cho các nhà làm phim có thể khai thác để xây dựng thành tác phẩm điện ảnh sau này; mở các cuộc vận động sáng tác về đề tài người lính hôm nay với nguồn kinh phí đầu tư xứng đáng.

Tôi nghĩ đó là những việc hết sức thiết thực, có thể làm ngay, còn về lâu dài và thành một chiến lược cụ thể thì có lẽ câu trả lời thuộc về các nhà quản lí văn hoá.

Cảnh trong phim Người trở về

- Nếu tính từ mốc năm 1945 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến năm 1990, đất nước ta đã trải qua các cuộc chiến tranh với nhiều kẻ thù khác nhau: chống Pháp, chống Mĩ, bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, đó là chưa kể quãng thời gian kháng Nhật, đối phó với Quốc dân đảng… Chiến tranh chưa quá lùi xa, di chứng, nỗi đau vẫn đang hiện hữu với những nhân chứng sống, những vùng đất bị tàn phá… Nhưng như tôi biết thì chị thuộc số ít đạo diễn điện ảnh tâm huyết với đề tài chiến tranh, hậu chiến; còn đa phần các đạo diễn không mặn mà với đề tài này…

+ Không phải là các đạo diễn không mặn mà, mà có nhiều lí do cấu thành trong đó lí do lớn nhất, cũng giống như hiện trạng của bên văn học, đó là sự thiếu vắng của các kịch bản có chất lượng tốt. Mặt khác, để thực hiện một bộ phim lịch sử, chiến tranh cách mạng cần có nguồn kinh phí cao để phục dựng, tái hiện bối cảnh. Nó cao gấp nhiều lần so với một bộ phim đề tài đương đại. Các hãng phim tư nhân không mặn mà với đề tài này cũng là dễ hiểu, phải đầu tư cao mà lại khó thu hồi vốn. Tuy nhiên như tôi đã đề cập ở trên, nhu cầu của khán giả sẽ luôn là động lực để các nhà làm phim, các nhà sản xuất sẽ phải nỗ lực hơn. Và thực tế đã chứng minh là việc một loạt các tác phẩm về đề tài này sắp ra mắt công chúng trong thời gian tới.

- Chị có thể chia sẻ một chút về những ấp ủ, dự định của chị trong thời gian tới?

+ Hướng tới kỉ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các ngày lễ lớn của đất nước, của Quân đội, được sự quan tâm của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, Điện ảnh Quân đội nhân dân đang trong giai đoạn gấp rút các bước chuẩn bị cho việc bấm máy tác phẩm điện ảnh Mưa đỏ dựa trên kịch bản cùng tên của nhà văn Chu Lai có nội dung về sự kiện lịch sử 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Và tôi được vinh dự giao nhiệm vụ là đạo diễn. Đây là một tác phẩm điện ảnh lớn trong nhiều năm trở lại đây của đơn vị. Tất cả các cán bộ nhân viên của Điện ảnh Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ, tinh thần đều đang rất sẵn sàng, rất nhiệt huyết. Và tôi luôn khẳng định, đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng là đề tài tôi thật sự say mê và tâm huyết trong suốt sự nghiệp đạo diễn của mình.

- Trân trọng cảm ơn đạo diễn về cuộc trò chuyện này!

NGUYỄN MẠNH HÙNG thực hiện

VNQD
Thống kê