Trong thời đại bùng nổ thông tin, với sự lên ngôi của mạng xã hội với đời sống người dân, những người làm báo rất dễ bị “bỏ lại phía sau” nếu không nỗ lực đổi mới, chủ động chuyển đổi hoạt động phù hợp và cập nhật phương thức làm báo thời 4.0, bám sát nhu cầu bạn đọc và khán/thính giả. Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội là một đơn vị mới nhất của Tổng cục Chính trị, dù mới thành lập được hơn mười năm nhưng đã “vượt sóng vươn xa” khẳng định bản lĩnh, vị thế của những người làm phát thanh, truyền hình trong kỉ nguyên số.
Nhân kỉ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), VNQĐ đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Kim Tôn, Giám đốc Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội về hành trình đổi mới. Bài đối thoại Vươn xa hơn để đến gần hơn sẽ mở đầu Tạp chí số 1038.
Phần Văn xuôi được tiếp tục với các truyện ngắn: Bí mật của dòng Lô của Nguyễn Thị Loan, Mẹ của những người lính của Hải Châu, Nắng đồng bưng của Ngô Tú Ngân.
Bí mật của dòng Lô tái hiện lại một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc những năm tháng kháng chiến chống Pháp. Trong hào khí chung ấy, câu chuyện riêng về tình đồng đội, tình yêu đôi lứa đã được hé lộ và khắc họa sâu sắc, làm nên những kí ức không phai. Kí ức ấy không chỉ sâu đậm với những người trong cuộc mà còn gợi nhiều suy ngẫm cho thế hệ sau… Truyện còn cuốn hút người đọc bởi ngôn ngữ kể giàu chất thơ.
Mẹ của những người lính là truyện ngắn xúc động với những hồi ức về một thời tân binh của một người lính. Trong dòng hồi ức ấy, người “mẹ nuôi” xuất hiện với những tình cảm yêu thương, ấm áp, là điểm tựa cho người lính trong những ngày đầu quân ngũ. Chiến tranh kết thúc, khi người lính trở về, mẹ nuôi của anh đã không còn, nhưng nỗi nhớ về mẹ và những day dứt thì còn mãi…
Nắng đồng bưng khắc họa số phận người phụ nữ Nam Bộ, vì sự éo le mà phải rời quê hương bản quán đi lấy chồng xứ người. Xứ người không phải chốn xa hoa như vẫn được tô vẽ, ở đó, người phụ nữ phải đối diện với sự khắc nghiệt của thời tiết, sự thiếu thốn của tình người, sự lạc lõng của văn hóa… và nỗi nhớ thương da diết về quê hương. Truyện đặt ra nhiều suy ngẫm về thân phận người phụ nữ và đời sống hôm nay.
Gió vẫn thổi qua mùa khô và vị tướng có mái đầu mây trắng là bài viết của nhà văn Đỗ Tiến Thụy "mở màn" cho chuyên mục kỉ niệm 80 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị - Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trở lại vùng biển thẳm của Nguyễn Bảo là bút kí xúc động và chân thực viết về Tiểu đoàn đặc công nước 471.
Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả: Trần Đình Việt, Nguyễn Vĩnh, Như Bình, Hoàng Anh Tuấn, Thai Sắc, Mai Tuyết, Nông Quang Khiêm, Mai Văn Phấn, Nhung Nhung, Lê Tự Minh, Đỗ Ngọc Thứ, Phạm Ánh Sao, Ngô Mậu Tình.
Sự đa dạng trong đề tài, đa thanh, đa sắc trong giọng điệu, hình ảnh, ngôn ngữ chính là điểm mạnh của phần thơ số này. Nhiều tác phẩm ấn tượng, có chiều sâu và đề tài phong phú. Bên cạnh những thi phẩm dạt dào cảm hứng về lịch sử đất nước, chiến tranh, người lính là những suy tư về thế sự, tình yêu đôi lứa, tình yêu con người và những rung cảm đặc biệt trước đời sống… Cùng với sự vận động của đời sống, thơ ca hôm nay luôn mang đến những hơi thở tươi mới, trẻ trung nhưng cũng nhiều sâu lắng và trăn trở.
“VNQĐ giới thiệu” là chân dung tác giả Ngô Minh Bắc cùng chùm thơ ấn tượng của anh.
Phần Bình luận văn nghệ với sự tham gia của các tác giả: Bích Thùy, Trần Ngọc Hiếu, Thanh Tâm Nguyễn, Hoàng Kim Ngọc, Phạm Minh Quân, Văn Thành Lê.
Tự sự học đa phương tiện và văn hóa đại chúng đương thời: Trường hợp Việt Nam là bài viết tổng thuật lại những vấn đề lớn mà tự sự học đa phương tiện đặt ra đối với việc nghiên cứu bản chất của tự sự; những chủ đề nghiên cứu mới của nó, trong đó tập trung vào hai phạm vi là tự sự học trong điện ảnh và truyện tranh.
Bài viết Họa sĩ Nguyễn Linh từ chuyển động trừu tượng tới vũ điệu của chèo khắc họa chân dung và sự nghiệp độc đáo của họa sĩ Nguyễn Linh.
Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín (Nxb Hội Nhà văn, 2023) là cuốn tiểu thuyết hậu chiến của Nguyễn Một đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023. Tác phẩm là những dòng hồi ức được viết dưới dạng nửa tự truyện, nửa hư cấu nên phần lớn nhân vật mang tên thật. Bài viết Cách đặt tên nhân vật trong "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" mang đến một góc nhìn thú vị.
Cũng trong phần này, chúng ta sẽ đọc và gặp những bài viết, những nhân vật, những nghiên cứu thú vị và sâu sắc về các vấn đề đáng quan tâm của văn học nghệ thuật hôm nay.
Tạp chí VNQĐ số 1038 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 5/6/2024. Thân mời các bạn đón đọc!
Văn
VNQĐ
Vươn xa hơn để đến gần hơn
Nguyễn Thị Loan
Bí mật của dòng Lô
Nguyễn Bảo
Trở lại vùng biển thẳm
Đỗ Tiến Thụy
Gió vẫn thổi qua mùa khô
và vị tướng có mái đầu mây trắng
Hải Châu
Mẹ của những người lính
Ngô Tú Ngân
Nắng đồng bưng
Thơ
Trần Đình Việt
Nhớ về một dòng sông xanh; Viết trong buổi sáng ở Viên Chăn; Ở Suối Giàng có cây - thổ - lộ
Nguyễn Vĩnh
Mùa hoa gạo; Trong mắt lá ngái ngủ
Như Bình
Sự im lặng biếc xanh; Đến Đà Lạt; Trong vực gió
Hoàng Anh Tuấn
Ném còn; Đền Và
Thai Sắc
Dưới bóng từng cây lúa; Chợ ma
Mai Tuyết
Với vầng trăng Tháp Mười; Về phía Sông Trăng;
Gửi người lính biển
Nông Quang Khiêm
Rễ người; Trên đầu cầu thang
VNQĐ giới thiệu thơ Ngô Minh Bắc
Lính Tây Nguyên qua miền Tây Bắc; Những vần thơ đọc lại; Xa Lý
Mai Văn Phấn
Đôi chim; Tứ tấu
Nhung Nhung
Tưởng tượng; Xa cách này thay mưa
Phạm Ánh Sao
Chuông chùa trên đảo Trường Sa
Ngô Mậu Tình
Ngày tháng tư
Lê Tự Minh
Em ở nơi đâu
Đỗ Ngọc Thứ
Thăm bạn
Bình luận văn nghệ
Bích Thùy
Tầm vóc thơ tự thọ Hồ Chí Minh
Trần Ngọc Hiếu
Tự sự học đa phương tiện và văn hóa đại chúng đương thời: Trường hợp Việt Nam
Thanh Tâm Nguyễn
Khát vọng Dế Mèn
Hoàng Kim Ngọc
Cách đặt tên nhân vật trong Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín
Phạm Minh Quân
Họa sĩ Nguyễn Linh
từ chuyển động trừu tượng tới vũ điệu của chèo
Văn Thành Lê
Cùng nhân vật “chống lại” Heraclitus
Minh họa, ảnh
Bìa 1: Cánh diều tuổi thơ
Tranh của họa sĩ Mạnh Sáng
Minh họa: Phạm Minh Hải, Nguyễn Bá Kiên, Tào Linh,
Lê Anh Vân, PV...
VNQD