Là nhà văn, nhà báo Quân đội, Đại tá Đoàn Hoài Trung đã có mối duyên gắn bó với mảnh đất Điện Biên. Anh cũng là tác giả của bộ ảnh “Đại tướng về Mường Phăng” được nhiều người biết đến cùng rất nhiều các phóng sự, ký sự, những câu chuyện về Chiến dịch Điện Biên Phủ, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tổng Tư lệnh của Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy suốt những năm qua. Trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, VNQĐ đã trò chuyện cùng anh về mối cơ duyên đặc biệt này. |
PV: Chào anh Đoàn Hoài Trung! Từ nhiều năm nay, trước mỗi dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ dường như tôi đều thấy anh xuất hiện tại Điện Biên, cùng với đó là rất nhiều những sản phẩm văn hóa về Điện Biên Phủ... Và năm nay, trước sự kiện lớn của cả nước chắc hẳn anh cũng đã trở lại vùng đất lịch sử này?
Nhà văn Đoàn Hoài Trung: Cứ mỗi dịp kỷ niệm năm chẵn Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là lòng tôi lại dâng trào cảm xúc, muốn quay về vùng đất này để chứng kiến và viết về sự đổi thay của Điện Biên hôm nay. Dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lần này, tôi đã lên Điện Biên ngay từ đầu năm để gặp gỡ, phỏng vấn lãnh đạo tỉnh Điện Biên về sự đóng góp của đồng bào các dân tộc Điện Biên trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa và sự đổi mới của Điện Biên hôm nay. Tôi cũng đã tập hợp các bài viết về Điện Biên để kịp thời ra tập ký sự Điện Biên Phủ - Bản hùng ca còn mãi. Đây là tập hợp những bài ký mà tôi khai thác được từ những nhân chứng sống đã trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa trong suốt nhiều năm làm báo. Qua cuốn sách, mọi người sẽ được biết những câu chuyện thú vị ở chiến trường Điện Biên như chuyện đám cưới trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, chuyện ba cây bưởi trước hầm Đại tướng, chuyện về tác giả tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ chưa từng tới Điện Biên Phủ, chuyện ba anh em trai đất Hà thành đến với chiến dịch Điện Biên Phủ, hay việc đào hầm cho Sở chỉ huy chiến dịch độc đáo như thế nào và những chiến công của "dũng sĩ tay cụt" Hà Văn Nọa... Trong cuốn sách này, độc giả còn được thấy những hình ảnh về Điện Biên hôm nay đang ngày một phát triển và công tác chuẩn bị lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ qua bài phỏng vấn đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ và Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.
- Không chỉ là các câu chuyện lịch sử, những ký sự về Điện Biên, tôi còn thấy tên anh dưới những sản phẩm âm nhạc. Bài hát “Tìm cha” của nhạc sĩ Quỳnh Hợp với phần lời nhiều xúc cảm của Đoàn Hoài Trung, nghe nói đã ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt?
+ Bài hát được bắt nguồn từ một tấm gương hi sinh oanh liệt trên chiến trường Điện Biên Phủ, liệt sĩ Hà Văn Noạ. Tôi được nghe câu chuyện từ các cựu chiến binh Trung đoàn 141 về chiến công của liệt sĩ, cảm động trước sự anh dũng ấy, tôi đã đi từ Bắc chí Nam gặp các đồng đội của liệt sĩ để viết về chiến công oanh liệt của ông mà sử sách chưa ghi nhận. Đó là việc ông phát hiện ra việc trinh sát sai trước trận đánh mở màn của Trung đoàn 141. Do phát hiện này, mà trận mở màn đánh Him Lam dự kiến diễn ra vào 11/3/1954 phải rời lại 48 tiếng đồng hồ, đến 13/3/1954. Việc phát hiện trinh sát sai trước trận đánh mở màn quan trọng có một giá trị to lớn trong chiến thắng cứ điểm Him Lam, nơi quân Pháp mệnh danh là pháo đài bất khả xâm phạm. Bài viết của tôi về chiến công của dũng sĩ tay cụt Hà Văn Noạ đã được đăng trên báo Quân đội nhân dân, bài viết đã góp phần cùng đề nghị của cựu chiến binh Trung đoàn 141 để Đảng và Nhà nước Truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho liệt sĩ Hà Văn Noạ vào cuối năm 2004. Đặc biệt tôi đã tìm gặp đến gia đình con trai anh là Đại tá Hà Văn Tuyên, công tác ở Bộ Công an. Anh Hà Văn Tuyên khi ra đời cha đã đi chiến đấu, không nhìn được mặt cha. Suốt hàng chục năm anh đi tìm mộ cha mà không tìm được. Cảm động trước việc con trai của liệt sĩ đi tìm cha suốt bao năm, tôi đã viết bài thơ Tìm cha được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc. Bài hát đó đã được giải xuất sắc của Đài Tiếng nói Việt Nam. Hiện nay bài hát vẫn được phát trong các nghĩa trang liệt sĩ ở Điện Biên.
Ngoài bài thơ Tìm cha, tôi cũng sáng tác nhiều bài thơ khác như Chuyện tình Hoa ban trắng, Về Mường Phăng nghe kể chuyện, Khúc ca bên sông Nậm Rốm, Có một mùa đông Điện Biên, Giấc mơ của em… để nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc tập hợp thành album nhạc Lửa hội Điện Biên.
Đại tá, nhà văn Đoàn Hoài Trung với bạn đọc Điện Biên trước dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: NVCC
- Gắn bó sâu nặng với Điện Biên như vậy ắt hẳn có nguyên do. Anh có thể chia sẻ về mối duyên khiến anh gắn bó với mảnh đất lịch sử Điện Biên Phủ…
+ Nhiều người hỏi tại sao tôi sống ở TP. Hồ Chí Minh mà lại gắn bó với Điện Biên thế. Xin được trả lời: Đối với tôi cũng như mọi người, chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta, nhưng đặc biệt trong tình cảm riêng nơi ấy ba má tôi đã chiến đấu và cưới nhau giữa mùa chiến dịch Điện Biên Phủ 1/4/1954. Nên cách đây 20 năm, khi được điều chuyển về báo Phòng không - Không quân công tác, trước Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5/2004, tôi đã lên Điện Biên tới 3 lần. Một điều làm tôi ngày càng gắn bó hơn là tình cảm của bà con các dân tộc Điện Biên. Người Điện Biên đặc biệt hiếu khách. Tôi nhớ lần đầu lên Điện Biên chỉ quen "bắc cầu” qua người khác một nữ bí thư đoàn huyện Điện Biên Đông mà em ra tận sân bay đón tôi, đưa về nhà, dù hôm đó máy bay xuống muộn, chồng em và các thanh niên trong bản đã ngồi đợi bên mâm cỗ đầy. Lần lên Điện Biên lần đầu tiên đó tôi đang là phóng viên báo Phòng không-Không quân, nên việc đầu tiên là tôi tìm di tích trận địa pháo cao xạ năm xưa, thật không ngờ, không có di tích nào được tôn tạo. Tôi đã viết phóng sự Trận địa cao xạ ngày ấy nay ở đâu? đăng trên báo Quân đội nhân dân. Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích, nguyên Trung đoàn phó cao xạ 367 đã cầm tờ báo vào gặp Tư lệnh Nguyễn Văn Thân, thế là Quân chủng Phòng không - Không quân sau đó đã đầu tư tôn tạo lại Di tích trận địa pháo cao xạ ở bản Púng Tôm xã Thanh Minh. Từ đó đến nay tôi đã nhiều lần trở lại Điện Biên, cơ duyên ấy đã bắc cầu để tôi gần lại vùng đất xa xôi này.
- Cũng trong dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ ấy anh đã may mắn được về Mường Phăng cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần cuối cùng Đại tướng về thăm Điện Biên Phủ, năm 2004. Chuyến đi ấy đã cho anh những trải nghiệm gì?
+ Tháng 4 năm 2004, tôi theo đoàn của Báo Sài Gòn Giải phóng hành quân lên Điện Biên. Đoàn hành quân của chúng tôi đi bằng ô tô dọc đất nước với đại diện của các ban ngành đoàn thể mang tiền của nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lên đóng góp xây dựng những căn nhà tình nghĩa cho Điện Biên. Đoàn dừng chân ở Hà Nội và xin được gặp Đại tướng. Lúc này sắp dến lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đại tướng rất bận nhiều việc, lại có rất nhiều đoàn trong nước và quốc tế muốn đến gặp nên chúng tôi rất lo không biết có được Đại tướng bố trí thời gian tiếp đoàn không. Không ngờ, nghe tin đoàn miền Nam ra Đại tướng ưu tiên cho gặp và lại nói chuyện rất lâu. Đại tướng còn ký vào 5 tấm ảnh mà báo Sài Gòn Giải Phóng mang theo để tổ chức bán đấu giá lấy tiền ủng hộ Điện Biên Phủ, đồng thời Đại tướng ký vào cờ hành quân của đoàn.
Sau đó đoàn đến Điện Biên, trưa ngày 17/4/2004, tôi đang đi trên đường phố Điện Biên, bỗng nghe thấy tiếng máy bay trực thăng. Vốn là lính Không quân nên tôi đoán chắc có đồng chí lãnh đạo cao cấp lên Điện Biên, tôi vội chạy ra sân bay Điện Biên, thì gặp Đại tá Trần Văn Thi, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không – Không quân cùng các phi công đang về nhà khách tỉnh. Khi biết trực thăng lên để đưa Đại tướng từ sân bay Mường Thanh vào Mường Phăng, nơi ở của Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, tôi bám theo Đại tá Trần Văn Thi nằn nì: “Anh cho em theo các anh bay nhé”. Thấy anh Thi hơi ngần ngừ, tôi đề nghị: “Anh cứ coi như em trong tổ bay của Quân chủng, em sẽ chụp thật nhiều ảnh đẹp cho các anh”. Vì tôi là phóng viên của Quân chủng nên anh Thi đã vui vẻ nhận lời và nói: “Cậu phải chụp thật nhiều ảnh đẹp phi công với Đại tướng đấy nhé”. Thế là sau đó tôi được gia nhập tổ bay đặc biệt.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phu nhân chụp ảnh kỷ niệm với Tổ bay trực thăng của Quân chủng Phòng không - Không quân đưa Đại tướng vào Mường Phăng năm 2004. Ảnh: Đoàn Hoài Trung
Từ chỗ đậu trực thăng vào hầm Đại tướng ở ngày xưa khá xa, gần một cây số, đường ngoằn ngoèo, chỉ có thể đi bộ được. Vấn đề đặt ra làm sao đưa được Đại tướng vào hầm Sở chỉ huy? Năm đó Đại tướng đã 94 tuổi, không thể đi bộ được Nhiều phương án được đặt ra, có người đề nghị cõng Đại tướng, người thì đề nghị dùng võng để khiêng Đại tướng nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã không đồng ý các phương án này. Vậy là ngay đêm hôm đó Đại tá Lưu Trọng Lư, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên đã quyết định sử dụng hàng trăm bộ đội và nhân dân địa phương thức trắng đêm mở một con đường có thể cho ô tô chạy từ bãi đỗ trực thăng vào trong rừng. Đang vào mùa mưa nên đất xốp, các anh đã dùng ghi trải từ bãi đỗ trực thăng vào tận Sở chỉ huy để ô tô có thể chạy.
Sáng ngày 19/4/2004, chiếc máy bay chuyên cơ Mi-172 do Đại tá Trần Văn Thi, Tham mưu phó Quân chủng Phòng không - Không quân chỉ huy và tổ bay gồm Thượng tá Nguyễn Xuân Hồng lái chính, Trung tá Bùi Văn Vanh dẫn đường, Trung tá Đặng Đức Nga cơ giới trên không và Trung tá Bùi Xuân Phương chỉ huy tổ thông tin. Đúng 8 giờ 30 phút Đại tướng ra sân bay. Thay mặt cho tổ bay, Thượng tá Nguyễn Xuân Hồng báo cáo và mời Đại tướng lên máy bay. Trên máy bay Đại tướng say sưa ngắm nhìn núi rừng trùng điệp như đang sống lại một thời oanh liệt. Khi máy bay hạ cánh xuống thửa ruộng cạnh cánh rừng Phiêng Tà Lét, hàng vạn đồng bào đã đứng chờ để đón chào Đại tướng. Điều tôi cảm động nhất là khi biết các cụ già trong xã Mường Phăng nghe tin Đại Tướng lên đã thức từ ba bốn giờ sáng về rừng để chờ đón Đại tướng với những món quà giản dị như chút mật ong rừng, tấm khăn Piêu... Đại tướng lên xe chạy vào Sở chỉ huy, hàng trăm phóng viên bám theo xe ô tô để ghi nhận hình ảnh Đại tướng trở về Mường Phăng sau 50 năm. Đại tướng đi thăm lại khu rừng đại ngàn, nơi xưa kia Bộ chỉ huy chiến dịch làm việc. Đại tướng đã vào lại hầm tác chiến trải bản đồ và bên ông là thượng tướng Trần Văn Quang, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến trong chiến dịch.
Vì mải bám theo Đại tướng chụp ảnh, tôi bị xô đẩy ngã từ trên dốc xuống, vỡ tan ống kính máy ảnh, hai khuỷu tay máu chảy ròng ròng vì gai cào. Lúc đó tôi không cảm thấy đau đớn mà chỉ lo mình không có phương tiện tác nghiệp. May mà tôi còn một máy kỹ thuật số nhỏ bên mình. Thấy phóng viên trong rừng rất đông tôi quyết định ra cửa rừng, đến sân rộng trước cửa rừng, nơi đồng bào các dân tộc và các em thiếu nhi đang chờ Đại tướng ra nói chuyện. Sau khi thăm hầm chỉ huy, Đại tướng lên xe chạy ra ngoài cửa rừng, các phóng viên bám theo không kịp nên giây phút Đại tướng được các cháu thiếu nhi và các thiếu nữ Thái chào đón chỉ có tôi và một vài phóng viên địa phương chụp được.
Đại tá, nhà văn Đoàn Hoài Trung (khi còn là phóng viên Báo Phòng không - Không quân) trong chuyến bay vào Mường Phăng cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Võ Hồng Nam
Trên chuyến bay trở về, Đại tướng đã lấy quyển Hồi ức Điện Biên Phủ ra ghi: “Tặng Bộ Tham mưu Quân chủng PK - KQ nhân chuyến điều động trực thăng đi thăm Mường Phăng và nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Trên máy bay Mi-172. Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Tôi cũng được Đại tướng cho phép đến bên chụp ảnh cùng và tôi cũng chụp được nhiều tấm ảnh đẹp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với phu nhân và đồng đội
Trước tình cảm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng tư lệnh chiến trường Điện Biên Phủ, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam với đồng bào các dân tộc Điện Biên, tôi vô cùng xúc động, càng quyết tâm viết về Điện Biên Phủ. Ngoài viết ký sự, tôi còn sáng tác nhiều ảnh đẹp về Điện Biên, mới đây tôi cũng đã phát hành tập bưu ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm Điện Biên năm 2004 tập hợp 12 ảnh tiêu biểu trong lần cuối cùng về Điện Biên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Nhà xuất bản Thanh niên phát hành.
- Vừa rồi Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh TP. Hồ Chí Minh do anh làm Chủ tịch cũng đã có chuyến về nguồn kết hợp thực tế sáng tác tại Điện Biên. Kết quả của chuyến đi đó là tập sách ảnh “Điện Biên Phủ xưa và nay”. Anh có thể nói một chút về sự ra đời của ấn phẩm này?
+ Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi bàn với anh em Hội Nhiếp ảnh Thành phố ra cuốn sách ảnh Điện Biên Phủ xưa và nay, nhưng cái khó nhất là nguồn kinh phí. Rất may là thầy Thích Nhật Từ, Viện Phó Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã đồng cảm, tài trợ cho đoàn Nhiếp ảnh gia TP. Hồ Chí Minh lên sáng tác ảnh tại Điện Biên và hỗ trợ in ấn cuốn sách ảnh này. Phần Điện Biên Phủ xưa gồm 54 ảnh tư liệu trên đại ngàn Tây Bắc đất nước, quân và dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đạp bằng mọi khó khăn thử thách, đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mạnh nhất Đông Dương của Thực dân Pháp và can thiệp của Đế quốc Mỹ, dựng lên mốc son chói lọi trong dòng chảy lịch sử dân tộc, đồng thời làm “chấn động địa cầu”, tác động mạnh đến phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Phần Điện Biên Phủ hôm nay với hơn hai trăm ảnh do các nghệ sĩ sáng tác, làm rõ hơn sự thay da đổi thịt của mảnh đất chiến trường xưa tại vùng núi Tây Bắc Tổ quốc trong 70 năm qua; sự đổi mới, khởi sắc của vùng đất và con người Điện Biên trên nhiều lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và những tiềm năng to lớn về du lịch…
- Đến với Điện Biên từ khá sớm, anh có ấn tượng gì sau mỗi lần trở lại? Điện Biên hôm nay so với lần đầu anh đặt chân đến chắc hẳn đã có nhiều đổi khác?
+ Mỗi lần trở lại Điện Biên, tôi đều có cảm xúc mới lạ. Nhất là lần này khi trở về Điện Biên tôi thấy Điện Biên hôm nay đổi thay nhiều quá. Những di tích lịch sử đã được chính quyền và nhân dân Điện Biên tôn tạo lại. Ấn tượng trở lại Điện Biên lần này với tôi là công trình Đền thờ liệt sĩ ở Điện Biên nằm trên đồi F, 1 trong 45 thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Đền thờ liệt sĩ thực sự là một công trình văn hóa lịch sử ý nghĩa để nhân dân và du khách tới tham quan, tri ân các liệt sĩ hi sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.
Trở lại Điện Biên lần này, đến thăm Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của Mường Phăng hôm nay. Đường nhựa mới được mở khiến từ thành phố Điện Biên Phủ tới Sở chỉ huy như xích gần cả hơn chục cây. Nhà cửa đồng bào dân tộc Thái được xây dựng khang trang hơn. Tôi đã gặp lại những người con gái năm xưa trong bức ảnh tôi chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyễn Giáp với họ. Tình cảm người dân nơi đây với Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn tràn đầy như thuở nào. Trong lòng của đồng bào Mười Phăng luôn biết ơn Đảng, Chính phủ và thành kính với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tình cảm của nhân dân Điện Biên với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Đoàn Hoài Trung
- Năm 2024 được xác định là Năm du lịch quốc gia Điện Biên. Với tư cách là một du khách, anh mong muốn điều gì khi đến Điện Biên?
+ Tỉnh Điện Biên xác định 3 trụ cột để phát triển du lịch gồm: du lịch lịch sử, tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Trong đó, di tích Chiến trường Điện Biên Phủ luôn được xác định là thỏi nam châm thu hút khách du lịch của tỉnh. Lễ hội Hoa ban gắn với Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024, tỉnh Điện Biên chủ trương tôn vinh hoa ban với mong muốn loài hoa này sẽ trở thành biểu tượng văn hóa cho mảnh đất, con người Điện Biên, góp phần trở thành biểu tượng để tôn vinh các giá trị di sản văn hóa, giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh với du khách trong và ngoài nước.
Với tư cách là một khách du lịch, tôi mong muốn năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 chính là thời điểm để nâng cao chất lượng các chương trình du lịch, đồng thời khai thác các điểm du lịch, tuyến du lịch mới, đa dạng, hấp dẫn và phù hợp với nhu cầu thị trường khách du lịch tỉnh Điện Biên hướng đến; thúc đẩy hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thu hút các nguồn lực để phát triển du lịch, góp phần kích cầu du lịch nội địa và quốc tế. Tôi tin rằng tỉnh Điện Biên sẽ thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Trung du miền núi Bắc bộ.
- Mới đây sân bay Điện Biên Phủ đã được nâng cấp với đường bay thẳng đến TP. Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều cựu chiến binh lớn tuổi về thăm Điện Biên. Là một người sống và làm việc ở TP. Hồ Chí Minh anh cảm nhận về điều này thế nào?
+ Việc sân bay Điện Biên Phủ được nâng cấp và đường bay thẳng nối Điện Biên với TP. Hồ Chí Minh là điều đáng mừng với người dân phía Nam. Trước đây muốn lên Điện Biên phải bay ra Hà Nội sau đó đi ô tô rất mất thời gian, nay có đường bay thẳng đã xích gần TP. Hồ Chí Minh với Điện Biên, chỉ mất 2 tiếng đồng hồ bay. Rất nhiều cựu chiến binh TP. Hồ Chí Minh đã trở lại thăm chiến trường xưa theo đường hàng không trong những ngày qua. Đối với tôi, người gắn bó với Điện Biên, thì từ đầu năm đến nay tôi đã 3 lần lên Điện Biên bằng đường bay thẳng này và sắp tới tôi lại lên Điện Biên dự Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
- Kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, anh nghĩ đâu là thông điệp từ quá khứ mà mỗi người lính trẻ hôm nay cần thu nhận?
+ Tôi nhập ngũ năm 1977, đến nay đã gần 50 năm quân ngũ, dù nay đã nghỉ hưu, nhưng tôi vẫn luôn xác định mình là người lính trên mặt trận văn hoá tư tưởng. Những tác phẩm của tôi về Điện Biên Phủ như là sự tri ân với các bậc đàn anh đi trước và cũng muốn gửi gắm thông điệp từ Điện Biên cho những người lính trẻ hôm nay. Đó là Chiến thắng Điện Biên Phủ là bản hùng ca còn mãi, những người lính trẻ hãy tự hào về điều đó, cần biến niềm tự hào thành hành động, phát huy truyền thống cha anh đi trước làm chủ vũ khí, khí tài hiện đại, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc khi có tình huống xảy ra.
- Cám ơn anh đã chia sẻ!
Đại tá, nhà văn Đoàn Hoài Trung sinh năm 1960 tại Hà Nội. Anh được đào tạo kỹ sư thông tin tại Cộng hòa Séc và về nước làm việc tại Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không - Không quân. Năm 2002 anh chuyển sang làm báo tại Báo Phòng không - Không quân, sau đó là Báo Quân đội nhân dân, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội. Trước khi nghỉ hưu, anh là Trưởng Đại diện Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội tại TP. Hồ Chí Minh. Hiện anh là Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP. Hồ Chí Minh. |
DƯƠNG TỬ THÀNH thực hiện
VNQD