Hơn 30 năm đem tài năng phục vụ bộ đội và nhân dân, Đại tá, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Nguyễn Thị Bích Hạnh (Hồng Hạnh) đã chiếm trọn trái tim nhiều thế hệ khán giả bằng giọng nữ trầm, đậm màu sắc dân gian trữ tình. Hiện tại dù rất bận rộn trên cương vị người đứng đầu Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội - một trong những cánh chim đầu đàn trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của lực lượng vũ trang, trong chị luôn cháy bỏng khát khao đem lời ca tiếng hát của người nghệ sĩ - chiến sĩ dâng hiến trọn vẹn cho nghệ thuật nói chung, cho nền âm nhạc cách mạng và người lính nói riêng. Khát vọng ấy đã bộc lộ chân thành trong cuộc trò chuyện của chị với Văn nghệ Quân đội.
Bài trò chuyện mang tên Tôi hát bằng trái tim của người nghệ sĩ - chiến sĩ sẽ mở đầu Tạp chí số này.
Phần Văn xuôi với các truyện ngắn, bài viết ấn tượng:
Khi chúng tôi mười tám của Nguyễn Quốc Hùng như một truyện kí đầy xúc động về tình đồng chí đồng đội trong chiến tranh và khi hòa bình lập lại. Kí ức và hiện tại đan xen dần hé lộ câu chuyện về những người lính. Họ đã cùng vào sinh ra tử, trước cái chết vẫn chọn bên nhau, và khi biền biệt tin nhau vẫn khắc khoải đi tìm... Truyện hấp dẫn bởi sự chân thực, giản dị, sâu sắc.
Kí ức hiện hình của Trần Quốc Cưỡng là câu chuyện của người vẽ tranh truyền thần. Nghiệp vẽ truyền thần đã mang đến cho anh những mối duyên và cũng để lại nhiều suy ngẫm. Trong đời sống hiện đại, công việc của anh ít nhiều bị ảnh hưởng nhưng niềm đam mê, tâm huyết máu thịt với nghề đã giúp anh có được những giá trị tinh thần lớn lao.
Những phận đời đò dọc của Nguyễn Trọng Luân man mác bâng khuâng như sông nước, như núi rừng trung du. Chuyện tình, chuyện đời của người đàn bà tên Nhời và những người đàn ông như Quỳ, như Thẩm vừa chân thực, vừa mang mang như lẫn vào sóng nước. Không khí truyện là điều lôi cuốn và gây ấn tượng cho bạn đọc:"... Tiếng làng tiếng quê gần gụi. Con đò dọc cứ chạy dọc sự đời. Một chuyến đò dọc như một năm. Một năm đò dọc như một đời. Đò dọc như không có bến..."
Bên cạnh đó còn có ghi chép Những kí ức không quên của Đào Anh Trang; Kí ức lính Thành dun của của Đoàn Tuấn.
Tầm nhìn một vị tướng của Nguyễn Bảo là bài viết cho chuyên mục kỉ niệm 80 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị - Quân đội nhân dân Việt Nam.
Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả: Trần Thu Hà, Văn Triều, Lê Hào, Lê Hải Kỳ, Lương Đình Khoa, Trần Thế Vinh, Bùi Sỹ Hoa, Lại Quốc Tĩnh, Nguyễn Văn Song, Hoàng Dương, Bùi Việt Phương, Lữ Hồng.
Trang thơ ấn tượng bởi những bài thơ về chiến tranh và người lính hết sức xúc động. Bên cạnh đó sự đa dạng về đề tài, thể loại, phong cách. Đặc biệt, một số tác giả đã khẳng định mình bằng nội lực sáng tạo cũng như chiều sâu của tư duy thơ. Những bài thơ mang đậm dấu ấn văn hoá lịch sử vùng miền, những tự sự cá nhân, những bản diện đời sống…
“Thơ trong những tập thơ” là bài viết Tôi còn nợ chính tôi lời sám hối của Đoàn Minh Tâm giới thiệu về thi tập Đêm hoa vàng của Bình Nguyên Trang.
Văn học nước ngoài giới thiệu tác phẩm Cái hồ thiêng của Tananarive Due.
Phần Bình luận văn nghệ với sự góp mặt của các tác giả: Nguyễn Hữu Qúy, Phạm Quỳnh An, Hàn Giang, Đặng Ngọc Khương, Thu Sang, Kiều Bích Hậu.
Nói tốt về nhà văn là chuyện rất thường vì họ là những người xứng đáng nhận được sự ca tụng của thiên hạ. Bài viết “Nói xấu” nhà văn tác giả bàn về phía khuất tối (tạm gọi thế) trong tâm tính của các nhà văn, những tật xấu của họ trong cuộc sống đời thường mà người viết văn (phần lớn có cá tính mạnh) dễ vướng mắc vào.
Tác giả của hồi kí viết về chiến tranh có thể là các nhà văn nhưng cũng có thể là những người lính, các tướng lĩnh tham gia hoặc chứng kiến các sự kiện, cuộc sống thời chiến. Dẫu tác giả là ai, được viết một cách chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp, hồi kí viết về chiến tranh cũng đã phản ánh chân thực, sống động các cuộc đấu tranh chống xâm lược, giành độc lập, tự chủ của nhân dân Việt Nam trong lịch sử dân tộc. Bài viết Chiến tranh Việt Nam từ góc nhìn hồi kí sẽ làm rõ vấn đề này.
Xét một cách nào đó, việc người đọc trẻ tìm đến với truyện ngôn tình Trung Quốc cũng là cách thức để họ bày tỏ sự kháng cự trước một thực tại đang ngày càng ngột ngạt, để họ tạo ra “một ý nghĩa thay thế” cho những khoảng trống, khoảng vỡ ngày càng loang rộng của thời đại này. Bài viết Truyện ngôn tình Trung Quốc: Một cú chạm tâm thức thời đại đưa ra những trao đổi xác đáng xoay quanh câu chuyện này.
Bên cạnh đó là những vấn đề được xã hội và giới chuyên môn quan tâm, những chia sẻ nghề nghiệp, những cảm nhận, phân tích, luận giải về các văn nghệ sĩ, tác phẩm nghệ thuật... hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều thú vị, hấp dẫn.
Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 1041 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 20/7/2024. Thân mời các bạn đón đọc!
Văn
Lý Hữu Lương - NSND Hồng Hạnh
Tôi hát bằng trái tim của người nghệ sĩ - chiến sĩ
Nguyễn Quốc Hùng
Khi chúng tôi mười tám
Đào Anh Trang
Những kí ức không quên
Nguyễn Bảo
Tầm nhìn một vị tướng
Đoàn Tuấn
Thành dun
Trần Quốc Cưỡng
Kí ức hiện hình
Nguyễn Trọng Luân
Những phận đời đò dọc
Thơ
Trần Thu Hà
Đồng đội ơi; Đôi mắt ấy đâu rồi
Văn Triều
Hỏi thăm ngọn gió; Mảnh ghép
Lê Hào
Nghe em hát bài hùng ca đất Phú; Soi bóng
Lê Hải Kỳ
Mơ tiên; Trên đồi Bến Tắt
Lương Đình Khoa
Mùa xuân tháng bảy; Tình Huế thong dong
Trần Thế Vinh
Một ngày trong căn cứ Xẻo Quýt; Sông Tiền, bờ gần mà xa
Bùi Sỹ Hoa
Rơm rớm lòng thành
Lại Quốc Tĩnh
Về với bạn
Nguyễn Văn Song
Cỏ thơm; Mẹ về
Hoàng Dương
Mưa đêm Hà Nội; Cúc Phương
Bùi Việt Phương
Cảm nghĩ trước tượng đài; Một người thương binh
Lữ Hồng
Trên lối; Ngày bỗng sương mù
Đoàn Minh Tâm
Tôi còn nợ chính tôi lời sám hối
(Đọc Đêm hoa vàng của Bình Nguyên Trang)
Văn học nước ngoài
Tananarive Due
Cái hồ thiêng (Trần Như Luận dịch từ nguyên bản tiếng Anh)
Bình luận văn nghệ
Nguyễn Hữu Quý
“Nói xấu” nhà văn
Phạm Quỳnh An
Chiến tranh Việt Nam từ góc nhìn hồi kí
Hàn Giang
Truyện ngôn tình Trung Quốc:
Một cú chạm tâm thức thời đại
Đặng Ngọc Khương
Con người tâm linh
trong một vài tiểu thuyết Việt Nam sau 1975
Thu Sang
Đôi nét về dòng tranh Bờ Hồ
Kiều Bích Hậu
Anh Tựu trong Vượt lũ
Minh họa, ảnh
Bìa 1: Hẹn ước
Tranh của họa sĩ Bùi Thị Ngoan
Minh họa: Thành Chương, Trương Đình Dung, Lê Trí Dũng,
Công Quốc Hà, Nguyễn Đăng Phú
VNQD