. NGUYỄN KIÊN THÁI
Gần 50 năm xây dựng, trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 575 (Quân khu 1) luôn nỗ lực phấn đấu, hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ, xây dựng nên truyền thống “Mở đường, thọc sâu, bảo đảm cơ động tốt”, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Mới thành lập nhưng nhiều chiến công
Trước yêu cầu bảo đảm đường vận chuyển trên tuyến đường Trường Sơn, phục vụ chiến đấu, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 17/1/1975, Bộ Tư lệnh Trường Sơn ra Quyết định thành lập Trung đoàn Công binh 575 (tiền thân của Lữ đoàn 575, Quân khu 1 ngày nay). Ngày 17/1/1975, Trung đoàn Công binh 575, Sư đoàn 470 thuộc Đoàn 559 (nay là Lữ đoàn 575, Quân khu 1) được thành lập. Đại tá Nông Văn Đăng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 575 tự hào khi nhắc tới những chiến công của đơn vị khi chúng tôi đến thăm: “Với 3 tháng, kể từ khi thành lập, đơn vị đã lập nhiều chiến công. Ở Chiến dịch Tây Nguyên, đơn vị được giao nhiệm vụ mở đường bí mật, bảo đảm hệ thống cầu phà vượt sông Sê Rê Pốk thuộc tỉnh Đắk Lắk cho xe tăng, pháo binh của Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 và Trung đoàn 95B, Sư đoàn 325 tiếp cận mục tiêu, tiến công trên hướng Bắc, Tây Bắc Buôn Ma Thuột. Do địa hình trống trải, phải hết sức bí mật, làm đường đến đâu, ngụy trang đến đó. Bộ đội công binh áp dụng biện pháp cưa các gốc cây sát đất, sâu từ 2/3 đến 3/4 để xe tăng húc đổ giúp cho việc cơ động được nhanh chóng, bất ngờ.”
Huấn luyện ghép phà vượt sông tại Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn Công binh 575, Quân khu 1. Ảnh: Bùi Hiệp
Tuy mới thành lập được 3 tháng nhưng đơn vị đã tỏ rõ ý chí quyết tâm, chủ động hiệp đồng, lập công tập thể, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu; bám đường, bám trận địa, vừa mở đường, vừa chiến đấu. Trong thời gian ngắn, đơn vị đã mở được gần 400km đường mới, sửa chữa và khôi phục 300km đường cũ, chặt gần 8.000 cây gỗ, xây dựng hơn 300 hầm chữ A… Cùng với đó, đơn vị tiêu diệt 500 tên địch; bắt sống gần 200 tên địch, thu gần 300 khẩu súng các loại, 15 xe quân sự… trực tiếp góp phần vào thắng lợi Chiến dịch Tây Nguyên…
Theo lịch sử đơn vị, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đơn vị được giao nhiệm vụ bảo đảm công binh cho Quân đoàn 3 trên hướng tiến công chủ yếu ở phía Tây Bắc của chiến dịch. Với tinh thần “Thần tốc - Quyết thắng”, đơn vị đã nhanh chóng sửa chữa, khắc phục các cầu, tuyến đường hỏng, phá vỡ hệ thống vật cản trên các trục Đường 1 và 12 để Sư đoàn 316, Sư đoàn 320 tiến công địch tại căn cứ Đồng Dù. Đồng thời, đơn vị còn mở 2 đường vòng tránh qua Củ Chi, bảo đảm cho Trung đoàn 24 và Trung đoàn 28 thuộc Sư đoàn 10 thọc sâu đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và phát triển cùng Quân đoàn 1 đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu địch. Trong chiến dịch này, dưới những làn bom đạn ác liệt của quân địch, nhưng với ý chí quyết tâm cao, không sợ hi sinh, đơn vị đã mở được 90km đường (chủ yếu đường vòng tránh, đường bến vượt), bảo đảm sửa chữa 280km đường cũ, tổ chức bến vượt cho 3.450 xe máy các loại, tháo gỡ vật cản của địch… Đơn vị đã trực tiếp cùng với quân dân cả nước góp phần làm nên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Xung kích vào việc đặc biệt, nguy hiểm
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị là thi công các công trình kinh tế gắn với quốc phòng. Đây là nhiệm vụ quan trọng yêu cầu đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có trình độ chuyên môn giỏi, năng lực quản lí tổ chức thi công tốt và có bề dày kinh nghiệm... Đại tá Thân Văn Lập, nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 575 (giai đoạn 2000 - 2009), hiện ở Khu đô thị SIMCO Sông Đà, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội là người có nhiều kinh nghiệm trong chỉ huy xây dựng các công trình. “Tháng 4/1997, trên cương vị là Phó Lữ đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Lữ đoàn 575, tôi được Đảng uỷ, Chỉ huy Lữ đoàn giao nhiệm vụ chỉ huy lực lượng xây dựng công trình HV01-96. Cán bộ trực tiếp điều hành thi công là Thiếu tá Văn Tiến Trường, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 và Thiếu tá Đào Ngọc Hiến là kĩ sư, Trợ lí công trình Lữ đoàn. Lực lượng trực tiếp thi công được giao cho đồng chí Nguyễn Văn Tưởng là Đại đội trưởng và đồng chí Vũ Đình Học là Phó Đại đội trưởng về Chính trị, cùng cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 1. Do là thi công công trình đặc biệt đầu tiên nên chúng tôi vừa làm vừa nghiên cứu các biện pháp, sao cho chính xác, năng suất và tuyệt đối an toàn. Trong suốt thời gian ở đây, chúng tôi làm việc rất căng thẳng trong điều kiện kinh nghiệm ít, thời tiết khắc nghiệt, phương tiện thi công thiếu thốn. Để bảo đảm tiến độ, chúng tôi phải tổ chức thi công 3 ca liên tục 24/24 tiếng trong một ngày. Cũng trong dịp này, ngày 11/6/1999, đơn vị vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trong thời kì Đổi mới, chúng tôi vẫn miệt mài thi công cho kịp tiến độ. Sau hơn 2 năm “ăn ngủ với hầm”, cuối năm 1999, công trình HV01-96 được nghiệm thu theo kế hoạch, cấp trên và cơ quan chuyên môn đánh giá cao cả về tiến độ, kĩ thuật, chất lượng, hiệu quả và bảo đảm tuyệt đối an toàn”, Đại tá Thân Văn Lập nhớ lại.
Huấn luyện rà phá bom mìn tại Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn Công binh 575, Quân khu 1. Ảnh: Bùi Hiệp
Cùng với đó, cán bộ, chiến sĩ đơn vị có bề dày truyền thống làm công tác dân vận. Đơn vị luôn có mặt nơi khó khăn, nguy hiểm nhất để giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai ở mọi thời điểm. Cách đây hơn một năm, đêm 30, rạng sáng 31/5/2022, do hậu quả mưa lớn kéo dài, trên địa bàn xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên xảy ra lụt cục bộ, gây sạt lở đất tại xóm Na Quán, xã Nam Hòa khiến 3 người trong một gia đình bị vùi lấp, tử vong.
Thượng tá Nguyễn Thanh Đạm, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 575 kể lại: “Ngay sau khi nhận được lệnh cấp trên và thông báo của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đồng Hỷ, đồng chí Đại tá Phạm Tiến Tú, khi đó là Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 575 đã giao cho tôi trực tiếp chỉ huy gần 30 cán bộ, chiến sĩ; 3 xe vận tải, 4 xe máy đẩy và 2 bộ xuồng máy VSN-1500 (4 khoang) tới thôn Tân Lập, xã Linh Sơn và thôn Cầu Triệu, xã Nam Hòa thuộc huyện Đồng Hỷ để di dời, cứu người, tài sản của nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm, ngập nước và phối hợp với lực lượng tại chỗ để khắc phục sạt lở, tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp. Do ban đêm nước lên cao nhanh, chảy xiết nên xuồng máy VSN-1500 rất khó khăn mới tiếp cận được những hộ gia đình bị ngập nước vận chuyển được 5 hộ dân (10 người) ra khỏi vùng nguy hiểm; vận chuyển 60 lượt cán bộ, chiến sĩ của địa phương tham gia cứu hộ, cứu nạn tại hiện trường xảy ra mưa lụt. Sau gần 10 giờ “đánh vật” với nước lũ, nhiều cán bộ, chiến sĩ của đơn vị ướt sũng quần áo, áo phao, người mệt lả do bơi nhiều nơi để vận chuyển người dân ra khỏi vùng nguy hiểm…”
Ngừng một lúc, Thượng tá Nguyễn Thanh Đạm kể tiếp: “Quá trình quần thảo xuồng máy, chúng tôi phát hiện nhiều người dân phải dỡ mái ngói thoát ra ngoài và có một số ngôi nhà thấp đã bị nước lũ nhấn chìm. Hơn 4 giờ sáng hôm đó, tôi cùng 3 cán bộ đi xuồng máy VSN-1500 tiếp cận đến vị trí ngập nước gần mái nhà, phát hiện có bà cụ gần 80 tuổi và con gái 40 tuổi đang chới với đứng trên nóc nhà. Ngay lập tức, chúng tôi bơi vào tới nơi chuyển phao cứu sinh và đưa mẹ con lên xuồng vào vị trí an toàn trong niềm vui vỡ òa của người thân và người dân địa phương. Ngay khi nước rút, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị tiếp tục giúp đỡ người dân vận chuyển đồ đạc, dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường, góp phần ổn định cuộc sống…”
Trước khi chia tay chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Duy Nhập, Phó Chính ủy Lữ đoàn 575 cho hay, để tiếp tục phát huy truyền thống “Mở đường, thọc sâu, bảo đảm cơ động tốt”, cán bộ, chiến sĩ đơn vị sẽ không ngừng tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ chuyên môn, làm chủ vũ khí, trang bị hiện đại; chủ động, nhạy bén nắm bắt tình hình, bình tĩnh, khôn khéo xử lí các tình huống, không để bị động, bất ngờ; sẵn sàng tham gia công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa môi trường, cứu hộ, cứu nạn; xây dựng các công trình kinh tế kết hợp với quốc phòng, rà phá bom mìn, vật nổ sau chiến tranh; tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, gắn bó máu thịt với nhân dân trên địa bàn đóng quân...
N.K.T
VNQD