. NGUYỄN HỘI
Một ngày giữa thu nắng dát vàng trên những triền núi miền trung du, chúng tôi từ Sơn Tây lên Trung đoàn Bắc Bắc anh hùng tham gia khóa huấn luyện. Xe vừa chạy vào doanh trại, đôi cánh cổng bằng sắt xanh sẫm to như cổng thành trong phim cổ trang đã đóng sập ngay lại. Đối lập với quang cảnh bên ngoài, một thị trấn miền núi bụi đỏ quạch, nghèo xơ xác, trung đoàn hiện ra màu tươi sáng, xanh và sạch; những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, những biển bảng, khẩu hiệu đỏ, vàng đủ kiểu.
Xe chầm chậm qua những hàng cây, vườn rau, vườn đu đủ thẳng hàng, đều tăm tắp, không một ngọn cỏ. Chúng tôi nhìn nhau, cảm giác vô cùng thích thú xen lẫn choáng ngợp râm ran. Sau này, khi phải đi lau chùi từng vết bẩn trên các con đường trong trung đoàn, chưa đến năm giờ sáng mùa đông giá buốt đã phải thi nhau kéo từng gàu nước từ dưới giếng cạn lên tưới cho tan lớp băng trên từng tàu lá, chúng tôi mới hiểu hết giá trị những thành quả ấy.
Tác giả Nguyễn Hội (bên phải) trong thời gian huấn luyện tại Trung đoàn 36. Ảnh:TGCC
Những ngày đầu tiên huấn luyện điều lệnh đội ngũ, chân tay tôi cứ lóng nga lóng ngóng. Thực hiện động tác đi đều thường không nhớ bước chân trái hay chân phải lên trước. Đôi khi nhớ chân lại quên tay, thành ra cùng chân cùng tay. Anh em xung quanh vừa buồn cười, vừa nhắc. Sửa được lại đến lỗi đi va tay vào người cùng hàng ngang kế bên, sưng đỏ cả ngón út vì khi đánh tay lên, xuống chưa gọn gàng và còn sai nhịp.
Đến động tác đi nghiêm. Hồi ấy còn theo quy định đi nghiêm không đánh tay. Chẳng hiểu sao khi đầu gối đưa lên cứ khù khoằm như củ lạc, càng gồng, tay càng kéo theo đường chỉ quần, càng xấu. Mãi mới được anh Liên, tiểu đội trưởng khung mách nước: Khi đi cứ quắm mấy ngón chân lại, tưởng tượng đang đi ở đoạn đường trơn phải bấm móng xuống đất, tức khắc đầu gối sẽ thẳng ra. Nghiệm thật. Tôi tự tập riêng chừng nửa tháng, các động tác đi đều, đi nghiêm mới tạm ổn.
Hằng ngày, sau khi đi ăn cơm về, trong giờ kiểm tra sáng, mọi quân nhân đều đứng ngay cuối giường mình để trung đội trưởng kiểm tra nội vụ vệ sinh. Khu vực của ai chưa tốt liền bị nhắc nhở để sửa ngay. Sau khi đơn vị đi thao trường, ở nhà ban chỉ huy đại đội, các trung đội trưởng và trực ban tiến hành đi kiểm tra nội vụ chấm điểm. Buổi trưa chúng tôi đi học về, việc đầu tiên là chạy ngay ra bảng tin đại đội. Bên trái chiếc bảng ấy vẽ mấy bông hoa và ghi mục tốt, bên phải để trống trơn ghi mục tồn tại. Ai có tên bên trái thì “phổng mũi” phải biết. Ai chẳng may bị ghi bên phải, những lỗi như “chăn xấu”, “chiếu xộc xệch” hay “phản bẩn”..., mặt như tàu lá héo và chiều ấy tự giác hai xô một xẻng, hướng chuồng gà, chuồng lợn thẳng tiến. Ấy là việc phải đi lấy phân gà, phân lợn đưa ra vườn tăng gia.
Hồi mới nhập ngũ, tôi hay bị lỗi chăn xấu. Chỉ huy bảo, tập gấp chăn đẹp để rèn luyện cho quân nhân đức tính kiên trì, nhẫn nại. Đồng chí nào bị lỗi chăn xấu phải thức, gấp lại cả buổi trưa, đến khi nào đẹp thì thôi. Lần ấy, sau khi tên ngồi méo xệch ở bên phải bảng tin, tôi quyết định chủ động thức dậy trước kèn báo thức nửa tiếng, một mình lọ mọ đưa tất cả chăn, màn, chiếu ra trước hiên để… tập gấp. Nhưng việc gấp chăn cho đẹp cũng không hề đơn giản, có khi càng gấp, càng vuốt ve càng xấu. Để gấp chăn vuông thành sắc cạnh như viên gạch, đặc biệt là chăn bông mùa đông, nhiều khi phải xếp vào, mở ra vài ba lượt. Trước hết sao cho bên trong vuông, đều vừa vặn như nhân bánh. Tiếp theo chia chăn thành ba phần thật chuẩn, kéo căng mép, gập lại ngay ngắn. Việc cuối cùng là vuốt các góc cạnh cho thật sắc. Có khi còn phải thấm tí nước cho ẩm tay, vuốt mới nét. Trước giờ kiểm tra, trực nhật căng dây để mọi người điều chỉnh chăn nằm trên một đường thẳng tắp. Sau một tuần kiên trì dậy sớm, tên tôi đã chuyển từ bên phải sang đứng ngay ngắn ở bên trái bảng tin.
Hồi tôi còn ở nhà, sáng nào thức dậy sớm cũng phải sáu giờ. Mẹ rang cơm sẵn, chỉ việc ăn rồi đi học. Vào bộ đội, năm giờ kém mười lăm đã phải tung mình khỏi giường. Vừa thức dậy là phóng ngay ra trước cửa phòng xếp hàng. Khi quân số đủ, trực ban hô “Trung đội 3”, tất cả đồng thanh hô “Xong”, cứ như vậy ba lần. Các trung đội trong đại đội thi đua nhau dậy sớm. Trung đội nào dậy sau trung đội đầu tiên quá ba mươi giây sẽ bị coi là dậy muộn; sau một phút sẽ bị phê bình. Lần ấy chả biết lỗi của ai, trung đội tôi báo thức muộn gần phút rưỡi. Đại đội trưởng Nguyễn Văn Đại yêu cầu báo thức lại. Cả trung đội lại lên giường tắt đèn, trùm chăn kín. Sau đó trung đội trưởng thổi còi báo thức. Sau ba lần đồng thanh hô “Xong”, bỗng cậu nào đó thốt ra câu “Thế mới hay đấy”. Câu nói vu vơ chả có ý gì nhiều, chỉ là trong lúc ức chế thì phụt ra thế. Nhưng trung đội trưởng Nguyễn Xuân Trường hỏi ngay “Ai vừa nói câu đó?” Trước thái độ “hơi căng” của thủ trưởng, không ai dám nhận.
Đến giờ kiểm tra sáng, trung đội trưởng lại nghiêm nghị hỏi “Ai là người vừa nói câu lúc nãy?” Cả trung đội nhìn nhau im phăng phắc. Sau ba lần hỏi không có ai trả lời, anh nghiêm giọng “Trong ngày hôm nay, đồng chí nào đã nói câu đó phải tự giác nhận, nếu không cả trung đội phải chịu trách nhiệm.”
Quả đúng vậy. Giữa trưa, khi đơn vị vừa thiu thiu ngủ, bỗng ba hồi còi báo động chiến đấu vang lên đanh gọn. Hồi mới nhập ngũ, sợ nhất là những hồi còi như vậy. Không phải sợ những nội dung huấn luyện mà sợ không kịp thời gian, sẽ bị phạt. Tháng đầu nhập ngũ, nhiều đêm liền tôi mang mặc nguyên cả quân phục, giày tất đi ngủ. Chưa đầy ba phút sau, toàn bộ trung đội đã nai nịt gọn gàng, súng đạn sẵn sàng tập trung trước sân. Sau khi trung đội trưởng phát tình huống chiến đấu, toàn đơn vị nhanh chóng cơ động chiếm lĩnh vị trí điểm cao 243,7. Trên đường cơ động, hàng loạt tình huống chiến thuật vang lên. Địch bắn bên trái, cả đội hình phải lăn sang phải và ngược lại. Nếu địch bắn chính giữa thì lăn sang hai bên, lợi dụng địa hình địa vật. Để vượt qua các loại địa hình chiến thuật như gốc cây, bãi đất trống, ụ đất, hố bom, giao thông hào..., các động tác của chiến đấu viên phải vận dụng sao cho chính xác. Thôi thì lăn lê bò toài, “bảy món ăn chơi” đủ cả. Cứ như thế từ trưa tới chiều, trung đội trưởng duy trì ba lần báo động chiến đấu. Chân tay, đầu gối anh nào anh nấy trầy xước, sưng vù, rớm máu.
Trong suốt thời gian huấn luyện, trung đội trưởng tuyệt đối không nói gì đến chuyện hồi sáng. Chỉ đến trước giờ lao động buổi chiều, anh mới nhắc lại câu hỏi ấy. Ai nấy nhìn nhau ngao ngán, mặt ỉu xìu như bánh đa nhúng nước. Nhưng vẫn chưa có ai dám đứng ra nhận lỗi. Trung đội trưởng tiếp tục “Chiều nay đơn vị sẽ lao động cho đến khi tìm ra người nói câu lúc sáng.” Thực ra đến giờ thì nhiều người trong đơn vị đã biết ai là “thủ phạm”. Tuy nhiên, anh em vẫn muốn một sự tự giác hơn là tố giác.
Địa hình trung đoàn đóng quân là vùng đồi núi, đất đá ong, do vậy việc tăng gia sản xuất rất khó khăn. Để trồng được cây, anh em phải dùng xà beng đào bỏ lớp đất bề mặt rắn như đá sau đó lấy đất màu ngoài ruộng đổ vào. Chiều ấy, chúng tôi thực hiện nhiệm vụ đi lấy đất. Hơn sáu giờ, trời nhá nhem tối, bụng anh nào anh nấy đói cồn cào mà công việc vẫn phải tiến hành. Nếu như mọi ngày thì giờ này đã cơm nước xong xuôi, chuẩn bị đến giờ đọc báo. Nhưng hôm nay, nếu không tìm ra “thủ phạm”, không biết đến lúc nào mới được nghỉ. Đã có tiếng sụt sịt của ai đó. Cái đói, cái mệt cộng thêm cái ức của những người “vô tội” mỗi lúc tăng lên. Nhiều anh em đã nói những lời vận động ai đó nên tự giác. Không khí trở nên bức bối đến ngạt thở.
Cuối cùng, khi sức chịu đựng của trung đội căng như dây đàn sắp đứt, đồng chí T. thuộc tiểu đội 2 mới đến bên trung đội trưởng vừa sụt sùi nước mắt vừa ấp úng nhận trách nhiệm. Cậu ta nói lí nhí trong cổ họng, có lẽ chỉ mình trung đội trưởng nghe rõ. Tất cả thở phào nhẹ nhõm. Ngay lập tức, trung đội trưởng cho đơn vị dừng tay, tập hợp đội hình lại. Anh nói “Dám nghĩ, dám làm, đặc biệt là dám nhận trách nhiệm về những điều mình làm là một phẩm chất bắt buộc mỗi quân nhân phải có. Qua sự việc hôm nay, tôi muốn huấn luyện cho các đồng chí một bài học, đó là lấy tập thể để rèn cá nhân, một cá nhân vi phạm thì cả tập thể phải chịu trách nhiệm liên đới.”
Cho đến hôm nay, trải qua hai lăm năm công tác và trở thành đồn trưởng đồn biên phòng nhưng những kỉ niệm và bài học về một thời tân binh trong khoá huấn luyện dự nguồn học viên sĩ quan ở Trung đoàn 36 năm ấy vẫn còn đọng mãi trong tôi…
N.H
VNQD