. NGUYỄN XUÂN THỦY
Có một vị tướng đất Ninh Bình mà có lẽ tên tuổi của ông còn nhiều khuất lấp, sẽ ít ai biết đến ông nếu chúng tôi không có cơ duyên làm cuốn sách về những người con tướng lĩnh Ninh Bình này. Khi tôi gõ tên ông trên google, thật buồn là không ra một kết quả cụ thể nào, điều đó có nghĩa là những thông tin về ông còn ở “thời xa vắng”, chưa kịp cập nhật lên hệ thống dữ liệu công như một thư viện khổng lồ mà thời đại số này hễ cần gì người ta sẽ gõ cụm từ ấy như thể nó sẽ đáp ứng được tất cả. May sao, khi đi tìm những dấu chân của Trần An tôi đã gặp được một vị tướng khác, người đồng chí, đồng hương, từng là cấp dưới và sau này lại là cấp trên của Trần An - Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Theo lời kể của Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm thì Trần An vốn xuất thân từ Thiếu sinh quân, ông trốn nhà ở Ninh Khang, Hoa Lư, Ninh Bình tham gia cách mạng. Năm 1946, ông nhập ngũ vào Trung đoàn 148 đóng ở đất Hòa Bình. Trung đoàn 148 cũng vừa mới được thành lập trước đó, vào ngày 22/12/1945, đúng ngày thành lập Quân đội và sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Đây là trung đoàn chủ lực thuộc Liên khu 10, Quân khu Tây Bắc. Trung đoàn trưởng đầu tiên là đồng chí Lê Trọng Tấn. Năm 1964, Trung đoàn 148 được biên chế về Sư đoàn 316. Trung đoàn cũng có tên gọi khác là Trung đoàn Sơn La, vì được thành lập ở Hát Lót, Sơn La. Trần An từ vị trí Chính ủy Trung đoàn lên làm Phó Chính ủy Sư đoàn, rồi Chính ủy Sư đoàn. Năm 1982 ông được bổ nhiệm Sư đoàn trưởng. Đây cũng là ngã rẽ đặc biệt với Trần An, khi ông từ một cán bộ chính trị chuyển sang làm cán bộ quân sự, và từ đó cho đến lúc nghỉ hưu, ông đã đi theo ngã rẽ này. Thường trong Quân đội, cán bộ quân sự chuyển sang làm cán bộ chính trị nhiều hơn là ngược lại. Và Trần An và cả Nguyễn Hữu Khảm nằm trong số ít ỏi lội ngược dòng này. Để từ đây ở ông, hai khả năng quân sự - chính trị kết tinh trong một con người được hòa quyện, tỏa sáng. Có quá trình cùng làm việc, cùng song hành với nhau ở những cương vị khác nhau, nhưng kẻ trước người sau, những bài học về công tác đảng, công tác chính trị, những ứng xử đạo lí mẫu mực của người đi trước bao giờ cũng khiến Nguyễn Hữu Khảm dành cho người anh một sự kính trọng tự đáy lòng.
Có những năm tháng là quân của Trung đoàn 148 mà Trần An làm Chính ủy, Nguyễn Hữu Khảm có nhiều kỉ niệm và cảm nhận về người thủ trưởng thuở xưa. Trong cảm nhận của Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, Trần An còn là một người rất thương cấp dưới, coi trọng mạng sống của cấp dưới, nên ông chưa bao giờ ngần ngại đấu tranh với cấp trên, chỉ ra sự bất cập của những chủ trương, quy định trong thực tiễn chiến đấu. Ngày ấy, mọi người luôn coi công tác đảng, công tác chính trị là linh hồn, là nhựa sống, còn hình ảnh Chính trị viên là niềm tin của đơn vị. Trước yêu cầu, trong mỗi trận đánh, Chính trị viên phải ra trước cửa mở để anh em xông lên, nhưng việc này khiến anh em Chính trị viên các đơn vị hi sinh nhiều quá, phần vì thiếu kinh nghiệm, nhưng cơ bản là việc đó rất nguy hiểm. Nhưng dù thế cũng không ai dám ý kiến gì vì sợ bị đánh giá về tư tưởng. Ở cương vị Chính ủy, Trần An đã ra lệnh, Chính trị viên không cần phải ra cửa mở nữa để đảm bảo an toàn. Sau đó ông đã đề nghị bằng được Chính ủy Sư đoàn bỏ quy định này. Bởi thế, trong hành xử, có thể cấp trên thấy khó chịu về ông nhưng cấp dưới bao giờ cũng nể phục.
Trần An cũng là người cực giỏi trong công tác cán bộ. Khi làm Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 316, năm 1973 - 1974 đơn vị vào Nam chiến đấu, ông đặc biệt quan tâm đến anh em cán bộ trẻ, đưa họ vào Nam chiến đấu ở Đông Nam Bộ, tuyển chọn một đội ngũ cán bộ trẻ khỏe, đi sâu, đi xa cùng đơn vị đến thắng lợi hoàn toàn. Sau này, lớp cán bộ ấy quay về đã trở thành cốt cán, kế tục đảm đương xứng đáng những vị trí trọng yếu trong đơn vị. Trong các cuộc họp, với cấp trên ông phát biểu thường rất gay gắt, mổ xẻ vấn đề đến nơi đến chốn nên không nhiều lãnh đạo thích. Ngược lại, với cấp dưới ông lại rất nhẹ nhàng, xử lí việc gì cũng có tình có lí, bởi vậy anh em rất nể trọng, coi ông như người thầy, kể cả những người từng bị kỉ luật. Khi kỉ luật ai ông cũng hỏi rất rõ ràng cụ thể, tìm cho ra bản chất vấn đề, chỉ rõ cái sai, ghi nhận cái đúng trong những nhìn nhận thấu đáo. Chẳng hạn như vụ kỉ luật một tiểu đoàn trưởng đánh trận thua nhưng lại báo cáo thắng, anh em bị thương vong phải rút xuống. Khi kiểm điểm rút kinh nghiệm, ông nói, cái sai của anh này là báo cáo không trung thực chứ kết luận anh ấy đánh không thắng là không đúng. Thất bại nó có nguyên nhân của thất bại. Và dù thất bại cũng phải tìm ra gương tốt trong trận đánh. Khi ấy bên dưới có tiếng xì xào, “đánh thua mà còn bình bầu gì”. Trần An nói, “trong chiến thắng vẫn có kẻ hèn nhát, trong thất bại vẫn có người anh hùng”. Những lời ấy của ông, Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm vẫn nhớ đến hôm nay.
Cuộc đời Trần An có một ngã rẽ lớn để ông dốc toàn tâm toàn lực với những cống hiến đặc biệt cho đất nước, cho nhân dân. Đó là những cống hiến trong cuộc chiến tranh chống quân xâm lược phía Bắc. Năm 1982, khi đang là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316, ông được trên điều lên làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Hà Tuyên. Đây là mặt trận nóng bỏng trong cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc. Có điều này là bởi ông Vũ Lập, khi đó là lãnh đạo Quân khu, trước đây từng làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 148, cùng đơn vị nên biết “chất” Trần An. Ông đã đề nghị Quân khu cử Trần An về giữ mặt trận Hà Tuyên. “Thôi, cậu sang bên ấy, tình hình mặt trận rất phức tạp, cần những người như cậu”, ông nói với Trần An. Mà Trần An, dù khó khăn đến mấy cũng có từ chối nhiệm vụ bao giờ.
Ở cương vị mới, Trần An đã có nhiều đóng góp, nghiên cứu thực tiễn để đề xuất phương án xây dựng khu vực phòng thủ thống nhất và phát huy sức mạnh tổng hợp. Đây chính là mô hình mà sau này ta phát triển nhân rộng ra cả nước để xây dựng ở những địa phương khác. Ông chính là người tham mưu thành lập Sở chỉ huy Liên hiệp thuộc Bộ Chỉ huy thống nhất, sau này đã áp dụng trong diễn tập để thống nhất các lực lượng Quân đội, Công an, Biên phòng cùng các cơ quan ban ngành thuộc địa phương. Trần An cũng là người tiên phong làm rõ thế nào là chiến dịch, thế nào là mặt trận.
Trên cương vị Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Hà Tuyên, Trần An đã tham mưu xây dựng mỗi xã thành một cụm chiến đấu, mỗi huyện thành một khu vực phòng thủ cấp huyện, mỗi tỉnh thành một khu vực phòng thủ cấp tỉnh. Tổ chức bộ đội chủ lực cùng với bộ đội địa phương và dân quân tự vệ phối hợp thành một thế trận chiến tranh nhân dân. Đó là mô hình đầu tiên, đặt nền móng cho việc xây dựng khu vực phòng thủ sau này trên cả nước, nhưng ít ai biết đến điều này.
Tướng Khảm bảo, Trần An là người rất có kinh nghiệm giữ nhịp công tác đảng, công tác chính trị trong đơn vị. Những lời ông nói như những đúc kết xương máu mà người làm lãnh đạo chỉ huy nhiều kinh nghiệm nào nghe cũng thấu. Ông từng nói với Nguyễn Hữu Khảm: “Làm người cán bộ chính trị, khi anh em nóng lên thì mình phải nguội lại, khi mà anh em nguội thì mình lại phải nóng lên”. Đó chính là bí quyết “giữ nhiệt” cho đơn vị của Trần An.
Thiếu tướng Trần An và bà Nguyễn Thị Tuyên, người vợ sau của ông. Ảnh: GĐCC
Trần An là một trong những vị cán bộ đặc biệt đầu tiên ở cương vị Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh của Quân đội được nhận cấp hàm tướng. Nhưng đặc biệt hơn là, tuy chỉ dừng ở cấp hàm này, nhưng những cấp dưới của ông thì lại thăng tiến rất cao, thành những vị chỉ huy vượt xa ông rất nhiều. Thượng tướng Đào Trọng Lịch, sau này là Tư lệnh Quân khu 2, rồi Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cũng từng là cấp dưới của Trần An. Nguyễn Hữu Khảm cũng vậy. Dù thế thì lễ nghĩa là thứ mà những người lính luôn giữ trọn. Khi Nguyễn Hữu Khảm ở cương vị Phó Tư lệnh Quân khu 2 lên kiểm tra Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tuyên, Trần An vẫn ứng xử lịch lãm và đúng phép tắc của cấp dưới với người cấp trên đã từng là cấp dưới nhiều năm của mình. Còn Nguyễn Hữu Khảm thì nhanh chóng bỏ qua phép tắc, mời Trần An yên vị để ông làm việc với cấp phó.
Cuộc đời của Trần An gặp nhiều vất vả, lận đận. Ông đi đâu mang vợ con đi đấy. Ban đầu cả nhà ở Hòa Bình, rồi lại chuyển lên Lào Cai dựng một chiếc nhà sàn bên sông Nậm Thi sinh sống. Tháng 2 năm 1979, chiến sự xảy ra, Trung Quốc tấn công Việt Nam, ông ở đơn vị phải dồn tâm lực lo tổ chức chiến đấu, dằn mối lo lắng riêng tư vào lòng khi không biết vợ con ra sao, còn sống hay đã chết, bởi nhà ông nằm ngay bên bờ sông, bên kia là đất Trung Quốc, khi quân xâm lược tấn công, không biết vợ con ông có kịp chạy hay không. Đó là điều đau khổ, dằn vặt nhất của ông khi ấy. Sau này thì câu trả lời là có. Rồi vợ con ông về Yên Bái sống. Nhưng Yên Bái xa quá, đường đi lại giữa Hà Tuyên, nơi ông nhận nhiệm vụ mới cách trở vì mắc dãy Hoàng Liên Sơn xẻ đôi hai vùng, nên ông chuyển vợ con về Tuyên Quang. Khi chính sự vẫn đang căng thẳng, cả dải biên giới phía Bắc, những người lính vẫn neo mình trên chốt, căng mắt giữ biên cương từng ngày từng giờ thì vợ Trần An bị ung thư đột ngột qua đời. Ông cũng chỉ về lo hậu sự cho vợ được vài hôm rồi lại lên biên giới, nơi ấy những người lính đang chờ ông, cả vùng biên ải đang dưới sự chỉ huy của ông, ông như người nhạc trưởng giữ nhịp cho cả hệ thống chính trị cùng chung một nhiệm vụ cao cả. Đời lính gian lao đi giữ nước, hậu phương của họ thành trống trải, cả thanh xuân sống với đồng đội là chính, đâu biết đến những niềm vui bình dị bên gia đình nhỏ như những người đàn ông khác. Tình hình biên giới tạm lắng trong những phấp phỏng, bén duyên với vùng đất Hà Giang, sau này ông có xây dựng gia đình với người vợ sau, bà tên Nguyễn Thị Tuyên, vốn là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Tuyên, vùng đất ông gắn bó cuối đời binh nghiệp.
Cuộc đời như mây khói, một vị tướng của biên ải và trận mạc, gắn liền với những năm tháng cả dân tộc gồng mình chống lại kẻ thù xâm lược, một người chỉ huy đứng sau những người lính bên những tấc đá tai mèo biên cương tung bụi bởi những loạt bắn tỉa từ bên kia biên giới vẫn ưỡn ngực chở che cho đất mẹ, giờ đây đã tan vào mây khói của tháng năm. Ông có thể “vô danh” ở đâu đó, trên cõi mạng google, trên Wikipdia, nhưng cái tên Trần An vẫn in đậm, vẫn sáng mãi trong tâm trí những người đồng đội, trong đó có người em, người đồng hương, người cấp dưới - cấp trên, Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm. Giờ đây, áng mây trắng Trần An trong những chuyến phiêu du bất tận chắc hẳn sẽ không quên ghé về miền đá núi tai mèo khắp dải biên cương Hà Giang, nơi ông và đồng đội từng căng mình vì mỗi tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
N.X.T
VNQD