Đây không phải là một cây cảnh mà là một gốc tuyết tùng được trồng để lấy gỗ theo phương pháp cổ xưa của người Nhật.
Từ hơn 700 năm trước người Nhật đã sáng tạo ra cách trồng cây lấy gỗ mà không cần phải chặt cây tận gốc.
Daisugi là một kĩ thuật lâm nghiệp được phát minh bởi người dân vùng Kitayama từ thế kỉ 14. Việc không cần chặt cây vẫn lấy được gỗ xuất phát từ phương pháp cắt tỉa trên gốc cây tuyết tùng để cho ra hàng trăm chồi cây nhỏ. Những cây tuyết tùng được trồng một cách đặc biệt như một cây Bonsai khổng lồ, cứ 2-3 năm chúng sẽ được cắt tỉa để sản xuất những chồi cây mọc thẳng, tạo nên nhánh cây.
Những nhánh cây sau khi phát triển sẽ cho gỗ với chất lượng tốt hơn gỗ tuyết tùng thông thường. Sau khoảng 20 năm, những chồi cây khổng lồ có thể thu hoạch dưới dạng gỗ Kitayama hoặc được trồng lại để tái sinh rừng. Những khúc gỗ Kitayama thẳng, đồng đều và không có nút thắt hoàn hảo để sử dụng trong xây dựng.
Phương pháp này được áp dụng để giải quyết vấn đề thiếu cây giống. Nó được phát minh bởi những người dân vùng Kitayama - khu vực có ít đất bằng và việc trồng gỗ trên đồi dốc vô cùng khó khăn.
Với phương pháp này, các nhà trồng cây sẽ giảm được số lượng đồn điền, rút ngắn quá trình thu hoạch và tăng sản lượng gỗ. Không những vậy chất lượng gỗ thu hoạch từ phương pháp trồng này cho ra sản phẩm có độ đàn hồi tốt hơn 140% và độ chắc khoẻ hơn 200% so với chất lượng gỗ từ phương pháp trồng truyền thống.
Đến ngày nay, những 'cây mẹ' tuyết tùng hàng trăm tuổi vẫn có thể tìm thấy ở một số khu vực nhất định của Nhật Bản. Một số trong những cây khổng lồ có đường kính tới 15 mét.
P.V
VNQD