. PHẠM THANH THÚY
Huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum, nơi Chi nhánh 716, Binh đoàn 15 đứng chân là địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa. Phần lớn diện tích cao su của Chi nhánh 716 nằm dọc vành đai biên giới, nên nơi này hình thành một mô hình đặc biệt: mỗi người dân, mỗi công nhân làm ăn, sinh sống trên địa bàn được ví như một cột mốc sống ở biên cương. Bởi thành phần các dân tộc đa dạng, nên nơi đây không có già làng, thôn trưởng. Già làng, thôn trưởng chính là các đội trưởng đội sản xuất. Họ là những đội trưởng, thôn trưởng năng động, nhiệt tình, hết lòng vì người dân, người lao động...
Qua cách đại úy Lê Văn Bình, đội trưởng Đội 10 thôn 7 kể chuyện, người nghe hình dung chặng đường 15 năm hình thành và phát triển của đội sản xuất này thật khác biệt và kì diệu: 15 năm, tốc độ phát triển bằng 30 năm ở nơi khác. Sở dĩ nói 15 năm, vì khi được thành lập (2014) Chi nhánh 716 tiếp nhận nguyên trạng 12 đội sản xuất của Đoàn KTQP 78 và Chi nhánh Công ty 75.

Đại úy Lê Văn Bình cùng công nhân trong rừng cao su
Đại úy Lê Văn Bình quê huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An. Năm 2006, anh nhập ngũ và năm 2009 anh là 1 trong 34 chàng lính trẻ đặt những bước chân đầu tiên khai hoang mảnh đất này. Thời điểm đó, nơi đây hoàn toàn là rừng nguyên sinh. Gọi là rừng nguyên sinh nhưng cây gỗ rất ít, chủ yếu là dây leo, cây dại, gọi chung là “rừng dây”. Ngoài lực lượng biên phòng thì không một người dân nào sinh sống. Có thể nói là một vùng trắng dân.
Một vùng rừng trắng dân và thời tiết khắc nghiệt. Đến bây giờ thời tiết vẫn khắc nghiệt với hai mùa mưa nắng. Mùa mưa thì triền miên mưa, mùa nắng thì dằng dặc nắng, có thời điểm nhiệt độ ngoài trời lên đến 45 độ C. Mười lăm năm trước, khi Bình và 33 chàng lính trẻ cắm mốc ở đây, thiên nhiên “ưu đãi” bằng một mùa mưa đặc biệt: hơn 3 tháng trời. Các anh đã đếm được 125 ngày không có người vào thăm. Mùa mưa đầu tiên, 34 chàng lính trẻ đều biến thành… người rừng. Những năm tháng cao su mới trồng chưa được thu hoạch, công nhân mới đến còn bỡ ngỡ, hoang mang, muốn bỏ về, Bình động viên anh em rằng mình vào đây lập nghiệp, cố gắng vượt qua năm nay, năm sau sẽ đỡ hơn. “Mà đúng thế, đến bây giờ tôi không hình dung được nơi này phát triển như vậy. 15 năm bằng 30 năm ở nơi khác.” Bình nói.
Năm 2009, điện thoại, internet đã là những thứ thiết yếu, quen thuộc của mọi người, thế mà, nơi rừng sâu biên giới, 34 chàng trai trẻ chỉ dùng điện máy nổ. Điện thoại không phải ai cũng có, mà người nào có thì cũng ít dùng được, vì sóng điện thoại chỉ có ở… cây chanh gần bể nước. Họ treo điện thoại của mình ở đó, nếu gặp trời mưa bất chợt thì coi chừng bị vào nước. Mỗi khi các chàng gọi điện “tán gái” thì chỉ có thể đứng chân ở gốc chanh. Đang nói chuyện say sưa với bạn gái, ai đó trêu đùa, xô người nhích khỏi “vị trí” là mất sóng. Cây chanh cũng khốn khổ, vì trong lúc nói chuyện với người yêu, các chàng vặt trụi hết lá của nó. Một nơi nữa cũng có sóng điện thoại là… đỉnh đồi cao. Ban ngày làm việc vất vả, làm gì có thì giờ, tối đến bốn bề rừng rú, chẳng ai dám leo đồi mà gọi điện.
Năm 2010, bắt đầu khai hoang đội 12, đội 13, bây giờ là đội 3, đội 6, và bắt đầu tuyển lao động trẻ từ Nghệ An, Thanh Hóa. Từ đợt tuyển công nhân trồng mới cao su đó, Bình và anh em khác mới… có vợ. Đến nay, trong số 34 anh em khai hoang năm ấy, còn 21 người vẫn bám trụ. “Những người ở lại kinh tế ai cũng vững cả.” Bình chia sẻ.
Ở đội 10, Lê Văn Bình được biết đến là một đội trưởng mẫu mực, hết lòng vì đồng đội, công nhân, là một người anh cả, là ông mối, thậm chí là một người… ôm rơm. Vì tất cả những điều đó, Bình được mọi người yêu quý, tin tưởng. Nhưng để có được lòng tin yêu đó, theo Bình, là cả một chặng dài vất vả.

Đại úy Lê Văn Bình và công nhân thăm vườn cao su, vườn cà phê của đơn vị (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Anh em công nhân ở đây đa số được tuyển từ các tỉnh miền Trung vào, trong đó có người dân tộc tại chỗ, phong tục tập quán có nhiều khác biệt. Khi đó, với trách nhiệm của một quân nhân, một cán bộ, Bình đã giúp anh em rất nhiều, như bày cho họ cách làm kinh tế, bỏ bớt hủ tục lạc hậu, bày cho cách tận dụng bờ lô để làm vườn rẫy của gia đình.
Theo Lê Văn Bình, “thành quả” lớn nhất của anh là trường hợp Y Muôn và Vi Văn Dương. Y Muôn là người dân tộc tại chỗ, khi vào đây, chị mới chưa đầy 20 tuổi, điều kiện sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn. Chính Y Muôn cũng chia sẻ, chị từng quyết bỏ về. Nhưng Bình đã hết sức động viên, làm mối chị kết hôn với người chồng hiện nay, vận động anh em trong đơn vị đóng góp xây cho chị một ngôi nhà nhỏ, cho rẫy để trồng mì, bí (Y Muôn khoe mùa bí vừa rồi chị thu được hơn 50 triệu đồng), rồi hiện nay chị có đàn bò thả rẫy của riêng mình. Từ một nữ công nhân từng muốn bỏ về, năm 2017, Y Muôn đã được Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Quyết thắng năm 2017. Năm trước Y Muôn đã được cùng anh Bình ra Hà Nội thực hiện phóng sự Đường xuân đất Việt của Truyền hình Quốc phòng.
Vi Văn Dương cũng quê Nghệ An, là một thanh niên trẻ tính tình nghịch ngợm, phá phách, cứ đêm đến là biến mất, Bình lại phải bổ đi tìm. Cuối cùng, Bình vận động Dương kết nghĩa anh em. Năm 2011 Dương vào làm công nhân, năm 2012 kết nghĩa anh em với Bình, 2013 Bình làm nhà và cưới vợ cho. Bây giờ cuộc sống của Dương tương đối ổn định.
Ban đầu, những công nhân người dân tộc thiểu số sống theo nhóm, chỉ trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ riêng. Bình phải gần gũi, hỏi thăm, chơi thân, kết nghĩa để hiểu họ. Khi thực hiện mô hình gắn kết hộ, Bình xung phong đầu tiên để làm gương cho anh em. Anh chia sẻ: Anh em vào đây lập nghiệp, nhiều người một mình, không ai thân thiết, nên có người anh em kết nghĩa, như người trong nhà, ruột thịt, nên ai cũng thích cả, giúp đỡ nhau từng việc lớn nhỏ. Mô hình gắn kết hộ thúc đẩy đoàn kết và phát triển kinh tế. Người này bày cho người kia, nhân rộng điển hình lên. Đầu tiên là hộ người Kinh gắn kết với hộ đồng bào dân tộc, sau này người đồng bào dân tộc cũ gắn kết với anh em mới. Mọi người đều chấp hành kỉ luật đơn vị, pháp luật của nhà nước, sự giúp đỡ nhau đó khiến tình cảm giữa mọi người lớn dần lên.
Rất nhiều anh chị em công nhân mang theo tập tục ở quê nhà: cái gì cũng cúng, ốm đau là không đi viện, ở nhà cúng, rất tốn kém. Bình phải đến từng nhà giải thích cho họ là chỉ có đi viện, chỉ có y học mới cứu được, lấy vài dẫn chứng cho họ thấy, như bị rắn cắn thì cúng làm sao khỏi, đau ruột thừa mà ở nhà làm sao sống, dần dà họ hiểu ra. “Mình bày cho họ cách làm, càng ngày họ càng làm ăn được thì họ sẽ hiểu, nghe theo mình. Bản thân cán bộ cũng phải “làm được”, mình không làm được mà chỉ cho họ, họ sẽ không nghe đâu. Dân nghe theo, nhìn vào người cán bộ, họ thấy sự tin tưởng, không còn lo lắng, bất cứ có việc gì họ cũng tin có anh em cán bộ, bộ đội giúp đỡ động viên họ.” Bình nói.
Bên cạnh đó, Đội trưởng Bình còn đứng ra mua nhà, lo cho nhiều trường hợp. Mấy năm trước, ngay cả giai đoạn cậu con trai nhỏ ốm, anh và gia đình lo cho cháu đi viện, vay mượn khắp nơi, nhưng về nhà, hễ có cái gì là anh mang đi lo cho anh em, có khi cả năm trời người ta không trả, đến nỗi vợ Bình phát chán. Nhưng thấy được sự tin tưởng yêu quý của mọi người dành cho người đàn ông “ôm rơm rặm bụng” của mình, dần dần chị cũng hiểu và thông cảm.
Ngôi nhà của Lê Văn Bình khá khang trang, ngay phía sau nhà là vườn cao su, trước cửa cũng là một vườn cao su rộng lớn. Anh bảo, ở đây cây cao su được coi là tài sản của nhà nước. Hiện nơi đây duy trì mô hình Tổ tự quản bảo vệ đường biên mốc giới. Các đội trưởng sẽ thành lập tổ từ các hộ gia đình, công nhân của đơn vị. Vì thế, người dân nơi đây ngoài việc làm kinh tế, sinh sống, họ còn được coi là những cột mốc sống, bảo vệ biên cương.
Vất vả, gian nan, nhưng bằng tình yêu vô bờ với gia đình, vợ con, trách nhiệm, tình cảm với bà con anh em, người đội trưởng ấy tin tưởng rằng mảnh đất này luôn xứng đáng để những ai từng bám trụ không bao giờ nuối tiếc.
P.T.T
VNQD