. NHẠC SĨ VĂN DUNG
Tôi biết tới ca khúc của nhạc sĩ Huy Du trước khi biết ông. Đó là bài hát Sẽ về Thủ đô ông viết năm 1948 (sau ngày toàn quốc kháng chiến 2 năm). Từ bài hát này, chúng tôi như hồi tưởng về những kỉ niệm một thuở học trò với Hồ Tây, Hồ Gươm, chợ Đồng Xuân, dòng Nhị Hà, và nghĩ: “Chắc nhạc sĩ Huy Du phải là người Hà Nội!”.
Đúng ra, nhạc sĩ Huy Du sinh ngày 1/12/1926 tại huyện Tiên Du, Kinh Bắc (nay là Bắc Ninh). Một làng quê phía Bắc sông Đuống, ở phía bên kia sông có chùa Bút Tháp, có tranh Làng Hồ nổi tiếng. Nhạc sĩ Huy Du kể lại lúc 3-4 tuổi gia đình ông từ làng quê Tiên Du về Hà Nội, ở một trong những phố cổ: nơi gần Hàng Gai, Hàng Đào, Hồ Gươm, Nhị Hà; được nghe những điệu hát chèo, ca trù, cải lương cùng những bài hát Pháp, Trung Hoa, tất cả đã thấm đượm trong ông từ thuở ấu thơ.
Nhạc sĩ Huy Du.
Ngày khởi nghĩa 19/8/1945 tại Hà Nội, cũng chính là ngày ông nhập ngũ. Ông đến với âm nhạc từ một người lính. Cuộc sống kháng chiến đã hun đúc và rèn luyện con người ông, quê hương đất nước, nhân dân là nguồn cảm xúc vô hạn để ông đến với nghệ thuật âm nhạc.
Sự nghiệp âm nhạc của ông đã được Nhà nước và nhân dân ghi nhận: đó là những bài ca lắng đọng trong tâm hồn mỗi người chúng ta, là tiếng hát hào hùng và sâu lắng của những đoàn quân trên đường ra trận, là tình cảm thân thương của mỗi người chúng ta đối với quê hương đất nước, là câu hát trải dài từng tháng năm, sống mãi trong lòng người nghe.
Nhạc sĩ Huy Du đã đi xa nhưng nhịp điệu trái tim ông vẫn rộn ràng trong câu hát:
Anh vẫn hành quân trên đường ra chiến dịch
Mé đồi quê anh bước, trăng non ló đỉnh rừng
(Anh vẫn hành quân - thơ Trần Hữu Thung)
Trên đỉnh Trường Sơn ta hát bài ca
Non nước quê nhà bao la, biển xanh sóng vỗ hiền hoà
(Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, thơ Xuân Sách)
Và, từ chất thơ trong giai điệu trữ tình bay bổng như thực như mơ trong ca khúc Sóng nước - Ngọc Tuyền, ta thấy một Huy Du trẻ trung, mơ mộng, hồn nhiên bước vào âm nhạc. Chất thơ trong âm nhạc Huy Du thăng hoa trong những ca khúc ông viết dọc năm tháng kháng chiến cứu nước.
Nhạc sĩ Huy Du, dù ở cương vị nào, cũng dành cho bạn bè, đồng nghiệp những tình cảm tốt đẹp, chân thành. Trong hoạt động nghệ thuật cũng như trong cuộc sống, ông luôn là người nhiệt huyết và trách nhiệm. Ông đã từng phụ trách Đoàn Ca múa nghệ thuật Quân đội, là thầy dạy sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia), là đại biểu Quốc hội các khoá VII, VIII, là Tổng thư kí Hội Nhạc sĩ Việt Nam khoá III. Ông là một trong những gương mặt tiêu biểu của nên âm nhạc Việt Nam kể từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Nhạc sĩ Huy Du đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Với dáng vẻ thư sinh nho nhã, ẩn chứa trong ông một thế giới nội tâm chan chứa tình yêu thương, lòng nhân ái: Đó là điều có thể nói về con người và sự nghiệp của ông.
Hầu như tất cả các tác phẩm của nhạc sĩ Huy Du đều được sáng tác từ thực tế cuộc kháng chiến cứu nước hào hùng của dân tộc, từ cuộc sống của nhân dân trong xây dựng hoà bình. Ông đã có mặt ở đường 9 Khe Sanh, trên những nẻo đường Trường Sơn, cùng người chiến sĩ hành quân ra trận, đến với hải đảo xa xôi để có những ca khúc để đời như: Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Bạch Long Vĩ đảo quê hương, Có chúng tôi trên hải đảo xa xôi, Cùng anh tiến quân trên đường dài, Đường ra mặt trận, Bài ca về đường chín; duyên dáng thân thương với Nổi lửa lên em, lạc quan hào hùng với Đường chúng ta đi, Việt Nam ơi, mùa xuân đến rồi.
Làm sao hiểu hết và nói hết những gì ẩn chứa sau những nốt nhạc của ông, trong những tác phẩm viết cho đàn độc tấu, tam tấu, hoặc dàn nhạc giao hưởng như: Miền Nam quê hương ta ơi (viết cho đàn violon độc tấu cùng dàn nhạc giao hưởng). Qua tác phẩm này ông đã để lại dấu ấn của một giai đoạn lịch sử khi đất nước còn bị chia cắt, thể hiện tình yêu tha thiết của nhân dân miền Bắc cũng như đồng bào và chiến sĩ miền Nam với quê hương thân yêu; rồi tam tấu đàn dây Kể chuyện sông Hồng (violon - cello - piano) như hoài niệm về dòng sông quê đất Kinh Bắc, về sông Hồng đất Kinh kì Thăng Long…
Ẩn chứa sau những nốt nhạc với những cung bậc, những hoà âm là biết bao câu chuyện, biết bao nghĩ suy được gửi gắm. Đó là sự giao hoà của âm dương, đất trời, của nhạc họa, thơ nhạc, của cuộc sống và tâm linh:
Khi chiếc lá xa cành, lá vẫn còn màu xanh
Mà sao em xa anh, đời vẫn xanh rời rợi
Có gì đâu em ơi, tình yêu là lẽ sống
(Tình em - thơ Hồ Ngọc Sơn)
Với ca khúc Bế Văn Đàn sống mãi, tôi có một kỉ niệm rất thú vị với nhạc sĩ Huy Du. Năm 2004, nhân kỉ niệm 50 năm Ngày giải phóng Điện Biên (7/5/1954 - 7/5/2004), trong một chuyến đi thực tế của hai đoàn nhạc sĩ Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh và Hội Âm nhạc thành phố Hà Nội, trong đó có hai nhạc sĩ lão thành là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và nhạc sĩ Huy Du. Trong một buổi giao lưu âm nhạc với nhân dân và chiến sĩ ở thành phố Điện Biên, chúng tôi mới hiểu cả hai nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và Huy Du lần đầu tiên đến với Điện Biên Phủ sau 50 năm chiến thắng lịch sử này. Chính vì vậy nhạc sĩ Huy Du mới phát biểu về bài hát Bế Văn Đàn sống mãi được ông viết năm 1964 qua bài thơ cùng tên của nhà thơ Trinh Đường với câu hát mở đầu: Bế Văn Đàn ơi mười năm qua anh còn sống mãi…./ Lúa chín vàng chiến địa cũ Mường Thanh, đàn em thơ đang hát ca đời anh. Vì tác giả bài hát này chưa biết quê hương Bế Văn Đàn, hai đoàn nhạc sĩ chúng tôi đã được về thăm quê hương anh ở Mường Pồn (Lai Châu cũ, nay thuộc tỉnh Điện Biên). Câu chuyện khác về nhạc sĩ Huy Du: năm 2006, Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức chương trình ca nhạc: “Tình yêu Hà Nội” lần thứ nhất nhằm tôn vinh những tác phẩm của ba nhạc sĩ Huy Du, Nguyễn Đức Toàn, Hoàng Vân - Các tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Lúc này nhạc sĩ Huy Du đang điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô gần một năm, và đã phẫu thuật một lần. Ông rất vui vẻ đến dự đêm nhạc dành cho ông và các nhạc sĩ Hoàng Vân, Nguyễn Đức Toàn. Kết thúc đêm diễn, ông đi thẳng vào bệnh viện để ngày hôm sau thực hiện phẫu thuật lần thứ hai căn bệnh ung thư trực tràng.
Ở thời điểm giữa sự sống và cái chết gần kề, chúng tôi vẫn thấy ở ông vẻ điềm đạm. Cơn đau hành hạ nên hàng ngày ông vẫn phải uống thuốc giảm đau liều cao. Ông vui, dí dỏm nói với chúng tôi: “Tớ khuyên các cậu nếu có chết bệnh thì bệnh gì cũng được, đừng chết vì ung thư, đau lắm”. Sau đó, như chờ đợi một điều gì sẽ đến, ông nói tiếp: “Cảm giác về sự sống thì tớ biết, còn cảm giác về cái chết thì tớ không biết!”. Điều ông nói khiến mỗi người chúng tôi đều suy nghĩ và liên tưởng đến cuộc sống! Tôi nghĩ, khi ông đã đi tới gần và cảm giác được cái chết thì cũng là lúc các thế hệ nhạc sĩ trẻ sẽ đi tiếp bước con đường ông đã đi để dâng hiến cả cuộc đời, cho đất nước với những tác phẩm âm nhạc mà thế hệ ông chưa hoàn thành…
VD
VNQD