Tháng 10 năm 1979, Campuchia đang cuối mùa mưa. Cơn mưa xứ người đeo dai dẳng tiểu đoàn chúng tôi suốt gần 1 tháng, từ khi bắt đầu đặt chân qua nước bạn theo quốc lộ 19 ngả Pleiku. Khung huấn luyện của Sư đoàn 860 quân khu 5, sau mỗi đợt huấn luyện chiến sĩ mới xong, là có nhiệm vụ đưa anh em giao cho các đơn vị chiến đấu ở chiến trường. Hơn chục chiếc xe Zil sau hơn 2 ngày đường đưa hơn 300 chiến sĩ mới tới Sở chỉ huy của Trung đoàn 1, sư đoàn 2 - QK 5, cách ngã ba Sandal tỉnh Kratie vài km. Có sự trục trặc nhỏ khi Ban chỉ huy Trung đoàn đi công tác không về kịp để làm thủ tục bàn giao quân và phải 2 ngày sau các tân binh mới chính thức thành chiến sĩ đơn vị mới và đồng nghĩa với đó đơn vị chúng tôi phải đợi phương tiện để có thể di chuyển về nơi đóng quân tại Bình Định.
Hơn một tuần đợi xe và đóng quân trong rừng tại E bộ trung đoàn 1, ngày ba bữa ăn cơm với muối rang trộn bột ngọt, thú thật là ăn cơm trắng như thế vẫn thích hơn lúc ở đơn vị tại Việt Nam, ăn độn 80% mì hạt, sắn khô… Nghe nói đường 13 hướng về Bung Lung, Natakiri có mấy đoạn bị Pon pốt phong tỏa, phục kích nên xe của Quân khu 5 chưa đi được. Tiểu đoàn chúng tôi chờ hơn 1 tuần thì được “quá giang” tàu vận tải của Sư đoàn 2 xuôi theo dòng Mê Kông về thị xã Kratie. Anh em trong đơn vị, nhiều người thích thú, không chỉ vì chấm dứt thời gian chờ đợi, sáng chiều mang mùng tuyn của sĩ quan đi ra suối bắt cá lòng tong, mà vì được đi trên tàu và lần đầu tiên biết dòng Mê Kông rộng thế nào. Gần trưa thì con tàu của Sư đoàn 2 sau hơn hai tiếng từ ngã ba Sandan đã cập bến Kratie, Thị xã với dăm con phố nhỏ, giống như vài đô thị bên Việt Nam, những dãy nhà xây kiểu Hoa, vài khu biệt thự kiểu Pháp nằm bên dòng Mê Kông. Đây cũng chính là thị xã đầu tiên của Campuchia, được giải phóng vào ngày 30/12/1978. Thị xã hầu như không bóng người dân, đi dạo một vòng thỉnh thoảng gặp mấy thanh niên đồng phục Quân đội Nhân dân cách mạng Campuchia, đeo khẩu AK 47 trễ xuống gần đầu gối, khuôn mặt trẻ măng chắc khoảng 14, 15 tuổi. Lòng vòng trong phố, rồi kéo nhau ra khu chợ ngoại ô thị xã. Thời gian ấy bên Campuchia cũng chưa có đồng tiền, ra chợ mới thấy mọi trao đổi, mua bán đều giống như thời nguyên thủy, những gì có giá trị đều trở thành “tiền” để quy đổi lấy hàng hóa mình cần. Mấy anh em hậu cần phải xách gạo ra chợ để “mua” thực phẩm cho bữa ăn của đơn vị. Ở chợ cứ 1 ký gạo đổi được 3 ký cá hoặc 1 ký thịt heo; 1 ký gạo đổi được 5 cục xà bông Camay hay cũng chỉ đổi được 1 gói thuốc lá “Gold City” của Thái Lan...
Hình ảnh chuyển giao quân của Sư đoàn 860, Quân khu 5 cho các đơn vị Chiến trường K giai đoạn 1978 - 1980. Ảnh: Tư liệu BLL CCB Sư đoàn 860
Sáng hôm sau, từ Kratie chúng tôi theo QL 13, qua Lộc Ninh về Thành phố Hồ Chí Minh. Con đường về nước chi chít vết tích bom đạn, rồi mưa sình lầy đọng thành ổ voi, ổ trâu trên cả tuyến đường, nên xe chạy cứ phải lạng qua lạng lại chậm rì, lính tráng ngồi trên xe như bắp bị rang trong chảo. Đoạn đường chỉ khoảng 250 km mà đi từ sáng sớm miết tới 16 giờ, 2 chiếc Zil mui trần của QK 7 mới đưa chúng tôi xuống tới bến xe Lê Hồng Phong ở Quận 5, để sáng hôm sau mua vé xe ra Bình Định.
Xuống xe, đơn vị lỉnh kỉnh ba lô vũ khí lương thực và dăm chiếc xoong quân dụng to đùng. Về thành phố cả đơn vị sau một ngày đi đường, tất cả trừ đôi mắt còn lại thì ba lô quần áo, đầu tóc, súng đạn... ai cũng vàng quạch bởi bùn đất và bụi. Anh em đơn vị hầu hết là người miền Trung, lần đầu biết tới Sài Gòn nên ai cũng bỡ ngỡ, chẳng biết đi đâu. Kè kè khẩu AK sau lưng, từng tốp rủ nhau đi loanh quanh phố ngó nghiêng, thấy cái gì cũng lạ... đúng là ở rừng về nơi đô hội phù hoa có khác. Với lại muốn mua sắm gì thì tiền cũng không có, mấy anh sĩ quan có tiền thì cũng để ở đơn vị, vì khi hành quân qua Campuchia mang theo làm gì.
Trời tối, giữa cái oi bức của thành phố, chúng tôi dăm đứa ngồi vỉa hè nhâm nhi nắm cơm được vắt từ sáng khô không khốc, nước uống thì xách bi đông xin nước máy ở đồn công an tại bến xe. Vài người dạo quanh ngắm “hòn ngọc Viễn đông" đang nhấp nháy rợp đèn xanh đèn đỏ... Bến xe về chiều vẫn tấp nập ồn ào. Xen trong tiếng phành phạch của mấy chiếc xe Lam chở hàng, là lảnh lót tiếng rao của cô gánh hàng rong, những em nhỏ bán trà đá, bán báo dạo. Âm thanh nhộn nhạo điển hình của những bến xe phía Nam thời ấy. Ngồi trên xe cả ngày ai cũng mệt mỏi, có mấy anh em dồn xoong nồi vào giữa, lấy ba lô gối đầu, ôm súng vào lòng, rồi lăn ra vỉa hè ngủ ngay vỉa hè bến xe Lê Hồng Phong.
Khoảng 9 giờ đêm bỗng chẳng biết từ đâu mưa về. Ban đầu còn lắc rắc vài hạt, sau rồi gió thổi mưa dọc phố ào ào, xối xả chẳng khác gì mưa rừng. Áo mưa trùm lên cũng ướt. Giống như bị địch phục kích ấy, chẳng ai bảo ai tất cả xách súng ôm ba lô tìm chỗ trú, người nép vào hiên nhà, đứa lăn vào gầm xe khách. Ngủ đứng, ngủ xổm... có đứa ngồi trong mái hiên, mưa hắt ướt liền lấy cái xoong quân dụng che mưa và... ngủ. Lính tráng chúng tôi mấy cái vụ này quen rồi.
Tôi và 2 anh bạn nữa rủ nhau chui xuống dưới gầm một chiếc xe đò đang đậu. Chui vào gầm xe, thấy mấy đồng đội nữa đang đeo ba lô ngồi xổm chọn bánh xe để dựa lưng. Ngoài kia mưa rơi vẫn trút xuống rào rào, xung quanh hầm hập hơi nóng mặt đường cùng mùi xăng dầu, rác thải... Trong khi đang thiu thiu ngủ, chợt như thấy có ai kéo áo mình. Tôi choàng mắt chợt tỉnh thì nghe giọng Nam Bộ đặc sệt “Mấy con... mấy con đi theo dì lẹ lên. Mưa vậy sao mà ngủ được”. Nhìn ra xung quang chỗ đồng đội mình, thấy nhiều bóng người phụ nữ mang áo mưa, xách dù ra “níu kéo”. Tôi nghĩ chắc mấy mẹ, mấy chị ở xung quanh đây thấy bộ đội mắc mưa như vậy thấy tội, nên rủ nhau ra đưa chúng tôi về gia đình họ trú mưa đây. Mấy anh em ngồi dưới gầm xe e ngại nói "Dạ, tụi con quen rồi không sao đâu..." nhưng họ cứ kiên quyết kéo ba lô, níu chúng tôi theo bằng được.
Lễ giao quân. Ảnh: Tư liệu BLL CCB Sư đoan f860, Quân khu 5
Đi theo hai người phụ nữ tới căn nhà của họ, một già một trẻ vô trong một con hẻm cũng gần đấy, ba đứa chúng tôi được cả nhà đón từ cửa. Bước chân chúng tôi bỗng ngập ngừng không muốn vào nhà, khi người và trang phục lấm lem, ướt át. Một người đàn ông (sau này biết là chồng của dì Tư) áng chừng 50 tuổi ra kéo chúng tôi vào nói: “mấy con vô đi đừng ngại, dơ nhà thì lau thôi” rồi ông nói với người phụ nữ trẻ hồi nãy “Con Hai đưa mấy chú ra nhà sau cho các chú tắm, bà nó pha cho tui bình trà”, nói rồi ông xách cây dù xăng xái ra ngõ. Bản thân chúng tôi thú thực cũng ái ngại, vì từ trước tới giờ ít được quan tâm như thế, chỉ có thể là mẹ, là cha mình thôi. Lần đầu tiên trong đời lính, được tắm bằng xà bông thơm dưới vòi nước ấm. Thay bộ đồ mới, cuộn bộ quân pjujc vàng bụi đường xuống đáy ba lô, chúng tôi khoan khoái nhâm nhi ngụm trà B’Lao ấm áp. Người đàn ông hồi nãy đội mưa mang về mấy cái bánh bao, ông ép chúng tôi ăn bằng được “Tui bây như con như cháu, về đây thì cứ coi như nhà mình nghen, đừng ngại. Hồi chiều bà Tư đi làm về ngang thấy mấy đứa ngồi vỉa hè ăn cơm nắm, bả nói tội mấy chú bộ đội gì đâu...”. Nghe chúng tôi kể về những khó khăn, gian khổ hi sinh của bộ đội ta bên chiến trường, dì Tư rơm rớm nước mắt xót xa nói “Nhìn mấy đứa bây, dì thương lắm. Nhớ tới đứa cháu ruột dưới quê, nó đi bộ đội được mấy tháng thì hi sinh. Nó mất trước khi giải phóng Campuchia có vài ngày...”
Mặc dù chúng tôi nằng nặc đòi nằm dưới nền nhà, nhưng vợ chồng và mấy người con cứ “lôi” chúng tôi lên trên lầu và “bắt” ngủ trên giường được lót nệm cho bằng được. Hình như cũng khá lâu rồi, chúng tôi ngủ đêm mà không phải lo phân công nhau trực gác. Cảm giác bình yên như ở quê nhà sao mà quý đến thế.
Sáng hôm sau, cám ơn và chia tay gia đình, hôm nay đơn vị chúng tôi phải di chuyển sớm bằng xe đò để về đơn vị tại Bình Định. Vợ chồng dì Tư tiễn chúng tôi ra đầu hẻm còn dúi vào túi cóc ba lô mỗi đứa một cặp bánh tét. Trên chuyến xe ra miền Trung năm ấy và mãi về sau, mỗi khi gặp nhau anh em chúng tôi vẫn còn nhắc lại, về chuyến hành quân qua thành phố gặp đêm mưa năm ấy, như một kỉ niệm khó phai của đời quân ngũ.
Tôi cũng nhiều lần đi từ miền Trung vô Thành phố Hồ Chí Minh, vài lần đi qua phố Lê Hồng Phong, Quận 5. 45 năm qua rồi, mọi thứ đều thay đổi, không thể định vị đâu là bến xe cũ, nơi mình đã trú mưa đêm ấy, không thể nhớ con hẻm nào có người mẹ, người chị đã che mưa, nhường giường cho anh em bộ đội đêm ấy.
Trên đời này có nhiều cái để nhớ và để quên, nhưng tình người Sài Gòn trong đêm mưa năm nào, hình ảnh thân thương và đôi mắt đỏ hoe của người mẹ, người chị khi níu kéo chúng tôi về nhà trong hẻm nhỏ ở bến xe Lê Hồng Phong năm nào vẫn là kỉ niệm không phai. Nó cứ đi về mỗi đêm như đêm nay...
Miền Trung lại bắt đầu vào mùa mưa...
NÚI XANH
VNQD