Xuân Sách - Nhớ một giọng cười

Thứ Hai, 04/11/2024 09:54

. Ý NHI
 

Từ khi quen biết Xuân Sách, tôi mới chỉ biết đến sự khoan hòa của một người anh, một nhà văn đi trước. Mãi đến những năm 80, 90, tôi mới nhận ra khía cạnh “quyết liệt” trong tính cách của ông.

Lần đầu tiên gặp Xuân Sách, khi tôi gửi thơ đến Tạp chí Văn nghệ Quân đội và được đăng, nhưng tôi chưa biết ông. Bài của tôi đã được chuyển đến nhà thơ Xuân Sách và Xuân Sách đã cho in những bài thơ (chắc chắn còn non nớt) của một người viết thực sự xa lạ với ông - một cô sinh viên với cái tên Ý Nhi.

Trong lúc chúng tôi trò chuyện, Xuân Sách khoanh tay, đầu hơi cúi xuống, nhìn chăm chú vào một nơi nào đó. Chỉ đến khi tôi chào ra về, ông mới ngẩng lên, giọng nhỏ nhẹ: “Lần sau có bài, cô cứ gửi cho anh”. Tôi hơi ngạc nhiên về cách xưng hô của ông. Anh và cô, là cách xưng hô thân mật của anh em trong nhà. Như vậy, ngay từ đầu, ông đã coi tôi như một đứa em.

Những tưởng ông sẽ mãi mãi là một người lính viết văn, tôi bất ngờ khi hay tin ông quyết định ra quân, về làm việc tại Nhà xuất bản Hà Nội. Rồi ít lâu sau lại bất ngờ khi hay tin ông rời Hà Nội. Một người không còn trẻ, bỗng rời nơi chốn mình đã sống bao nhiêu tháng năm, có điều gì đó khiến ta bùi ngùi, lo lắng. Tôi nhớ, trước khi rời Hà Nội, Chế Lan Viên từng nói với tôi: “chú có cảm giác mình như một cái cây bị bật gốc vậy”. Hành phương Nam. Đó thường là lựa chọn tuyệt vọng (hay hi vọng) của những người xứ Bắc. Tôi cũng không ngờ, chỉ ít lâu sau, tôi rời bỏ Hà Nội để vào với Sài Gòn (với hi vọng).

***

Xuân Sách làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Vũng Tàu đúng vào những ngày tháng có nhiều biến động trong đời sống xã hội cũng như trong hoạt động văn nghệ. Càng về sau, cuộc đời Xuân Sách dường như lại càng nhiều sự kiện, sự cố, nhiều đổi thay. Có thể, bằng vào đó mà mọi người có một cái nhìn chân xác hơn về ông.

Khi ông mất, con trai cả của ông, nhà báo Ngô Nhật Đăng, trong một bài viết về cha, đã nói rằng: “Giấu sau vẻ ngoài hiền lành, đôn hậu là một tính cách rất quyết liệt” (Ngô Nhật Đăng/ Cha tôi hay những điều chưa biết về nhà thơ Xuân Sách). Anh cho biết, sau khi Đội thiếu niên du kích Đình Bảng xuất bản, nhà nước mới nhớ tới công lao của những thiếu niên anh hùng và khôi phục vị thế cho họ. Cũng như vậy, với Mặt trời quê hương, Xuân Sách đã lặn lội về Yên Lãng, Hải Phòng, tìm tư liệu cũ để minh oan cho Phạm Ngọc Đa - người từng bị coi như một kẻ phản bội, bị tước hết quyền công dân. Phạm Ngọc Đa đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng sau khi mọi việc sáng tỏ.

Như vậy, ngay từ những ngày đầu cầm bút, Xuân Sách đã chọn cho mình một lối đi bất thường, không viết về những anh hùng đang được vinh danh mà chiêu tuyết cho những người bị quên lãng. Đó là sự can đảm của một ngòi bút, là nỗi ẩn nhẫn của một tấm lòng.

Xuân Sách không ngại ngần ủng hộ tinh thần đổi mới của Nguyên Ngọc, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Minh Châu và nhiều người khác. Trong những lúc gay go nhất, trong những ngày cay đắng nhất, khi không ít người “lảng” đi, thậm chí quay ngoắt lại chỉ trích, bài bác, ông vẫn luôn đứng bên họ. Hội văn nghệ Vũng Tàu trở thành nơi tụ hội của những nhà văn cùng chí hướng.

Dù khó khăn, chúng tôi thuộc “phái vui tươi" nên lúc nào cũng vui vẻ, sôi nổi. (theo cách phân loại của nhà thơ Nguyễn Duy thì trong giới nhà văn có hai phái là “phái vui tươi” và “phái hằm hằm”. Hình như hai phái này vẫn tồn tại đến tận hôm nay). Nhớ những ngày Đại hội nhà văn lần thứ tư (1989) - đại hội đầu tiên và duy nhất có cuộc đối thoại trực tiếp giữa các nhà văn và các vị lãnh đạo cao cấp.

Chúng tôi thức đến 2,3 giờ sáng bàn tính đủ chuyện, từ chuyện đánh giá nền văn học đến chuyện lựa chọn những người lãnh đạo văn học trong tình hình mới. (Giáo sư Hồ Ngọc Đại, dù không liên quan trực tiếp, cũng đến nhà khách Chu Văn An, thức đêm, chụm đầu cùng chúng tôi, trong tình thế nhân sự phức tạp, bị nhiều chi phối từ các vị lãnh đạo hồi đó). Những lúc như vậy, tôi nhìn thấy một Xuân Sách sôi nổi, linh hoạt kỳ lạ. Những phương án của ông sáng suốt, rạch ròi và… quyết liệt.

***

Giữa lúc mọi việc dần trở nên khó khăn, cánh cửa vừa hé mở dường đã khép lại, vào năm 1992, Chân dung nhà văn của Xuân Sách xuất hiện như “một quả bom nổ trong làng văn Việt Nam. Nó khơi dậy những suy nghĩ thật, những tình cảm thật của mỗi người cầm bút” (nhà thơ Ngô Minh). Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, một người có nhiều năm tháng cùng sống và làm việc với Xuân Sách - người từng cho rằng: “với từng cá nhân, sự đánh giá của Xuân Sách là đáng tin cậy” thì nhận định: "Xuân Sách là một đặc sản kỳ lạ của giới cầm bút Hà Nội những năm chống Mỹ và vài chục năm tiếp sau… Nhiều khi nói tới một người cụ thể nào đó, thực ra Xuân Sách đang nói tới cả giới, nói tới những kiếp người khác nhau trong giới và từ những người cầm bút, trong một mức độ nào đó, nhà thơ gợi ra cho ta, liên tưởng tới những người ở giới khác”. (Vương Trí Nhàn/ Xuân Sách và chân dung các đồng nghiệp). Theo nhận định này, Chân dung nhà văn không chỉ là bức tranh về một người, một giới, một thời khắc.

Tôi vội nhờ mua 5 cuốn. Chỉ vèo một cái, 4 cuốn bị “sang tay” cho bạn bè. Cuốn cuối cùng có số phận hơi đặc biệt. Một tiến sĩ ngôn ngữ từ Úc về, ghé lại chỗ tôi, hỏi thăm tình hình Hội Nhà văn. Tôi đưa cho anh cuốn Chân dung nhà văn với lời chú: “đọc cuốn này là đủ cho điều anh muốn biết”. Cách đây mấy năm, gặp lại, hỏi thăm thì được biết anh vẫn còn giữ cuốn sách bé bằng bàn tay (mà gây ra bao nhiêu sóng gió cho nhà thơ, cho những người chịu trách nhiệm in ấn).

Cuốn sách bị mấy chục nhà văn kiện lên tận quốc hội, bị nhận lệnh thu hồi… Oái ăm thay, chính những kiện tụng, cấm đoán lại khiến cái tên Xuân Sách và Chân dung nhà văn được nhắc tới như một tin tức nóng hổi, không chỉ trong làng văn, không chỉ trong giới văn nghệ. Xuân Sách bình thản nhận lấy mọi hệ lụy, ông chỉ bảo: “Tội ông Nguyên với ông Giang thôi.”

Đọc Chân dung nhà văn, tôi thêm một lần được hiểu trọn vẹn tính cách vừa khoan hậu vừa quyết liệt của Xuân Sách. Nếu trước kia tôi chỉ mới nhìn thấy một nụ cười hiền hòa, hóm hỉnh thì nay tôi đã nghe ra một giọng cười - một giọng cười nhiều khi có phần gay gắt, nhiều khi thành một tiếng kêu than, đôi khi tắt nghẹn. Đọc ông, có lúc, tôi chợt nhớ đến tiếng cười của nhân vật chính diện trong một vở tuồng cổ: Nghiến răng cười ha hả…trời ơi! (Được biết, trong nghệ thuật Hát Bội, chỉ những nghệ sĩ thực sự tài năng mới có thể diễn đạt được giọng cười này).

Chừng như để người đọc dễ gần với tác phẩm, Xuân Sách đã nói về những cung bậc khác nhau và nhiều màu vẻ trong các bức chân dung của mình: “có bài đùa một tí, có bài đùa dai, có bài xót xa đồng cảm, có bài nghẹn ngào uất ức, có bài: “mỗi lời là một vận vào khó nghe”. Lạ lùng thay, không chỉ những người chịu nỗi “mỗi lời là một vận vào khó nghe” mà những người không hề xuất hiện trong cuốn sách cũng lên tiếng phản đối. Thậm chí phản đối dữ dội. Phải chăng họ thấy có “bóng dáng” của mình qua những nhân vật kia. Trong một số trường hợp, với sự thông minh, nhạy cảm và lương tri nghệ sĩ, Xuân Sách đã thành công khi nhìn thấy bản chất, chứ không phải vẻ hào hoa, bóng bẩy bên ngoài. Thói háo danh, sự tráo trở, thói hèn nhát, sự xu nịnh…đã được “điểm mặt chỉ tên”…

Nhưng, Chân dung nhà văn không chỉ có vậy. Rất nhiều bức chân dung đã được vẽ nên bởi nét bút thanh thoát, dịu dàng, bởi một giọng văn tràn đầy tình yêu thương. Nhiều bài trong số này được viết với thể thơ Lục bát.

Đây là Nguyễn Minh Châu: Cửa sông cất tiếng chào đời / Rồi đi ra những vùng trời khác nhau/ Dấu chân người lính in mau/ Qua miền cháy với cỏ lau bời bời/ Đọc lời ai điếu một thời/ Tan phiên chợ Giát hồn người về đâu.

Đây là Nguyễn Thi: Trăng sáng soi riêng một mặt người/ Chia ly đôi bến cách phương trời/ Ước mơ của đất anh về đất/ Im lặng mà không cứu nổi đời.

Đây là Thanh Tịnh: Bao năm ngậm ngải tìm trầm/ Giã từ quê mẹ xa dòng Hương Giang/ Bạc đầu mới biết lạc đường/ Tay không nay lại vẫn hoàn tay không/ Mộng làm giọt nước ôm sông/ Ôm sông chẳng được tơ lòng gió bay.

Đây là Yến Lan: Ra đi từ bến My Lăng/ Bao năm giấu kín ánh trăng trong lòng/Tuổi già về lại bến sông/Trăng xưa đã lớn, phải chong đèn dầu…

Đây là Tế Hanh: Quá tuổi hoa niên đã bạc đầu/ Tình còn dang dở tận Hàng Châu/ Khúc ca mới hát sao buồn thế/ Hai nửa yêu thương một nửa sầu…

Rồi Nguyên Hồng, Vũ Cao, Dương Thu Hương…

Tuy tỉ lệ “trữ tình” khá cao trong tập thơ Chân dung nhưng chúng ít khi được mọi người nhắc tới hay ghi nhớ. Người đọc ngày ấy (và cả hôm nay) chờ đợi một tiếng nói mang giá trị phê phán. Những bài thơ chân dung được truyền tụng và yêu mến nhất của Xuân Sách nằm trong nhóm “phê phán” này.

***

Trong bài viết Mấy suy nghĩ về nhà thơ Xuân Sách, nhà văn Phùng Văn Khai kể lại lần gặp gỡ để xin làm phim chân dung Xuân Sách. Phùng Văn Khai nói rằng anh đã hết sức bất ngờ khi bị từ chối.

Nhưng, nhà văn Phùng Văn Khai và người đọc đừng thất vọng. Chẳng phải chúng ta đã nhìn thấy Xuân Sách qua những trang viết của ông đó sao. Mỗi nhà văn đều đã tự họa chân dung của mình qua tác phẩm.

Ông đã ra đi. Ra đi để kiếm tìm tri âm. Ra đi, để có thể cất lên giọng cười khúc khích: Người ôm chí lớn đi tìm bạn/ Ngồi hát bâng quơ chợ vãn người/ Bướm ong xiêm áo chiều chạng vạng/ Gặp khách tri âm khúc khích cười.

Y.N

VNQD
Thống kê