Nguyễn Minh Châu – “Dấu chân người lính” trên hành trình đổi mới

Thứ Bảy, 05/10/2024 16:29

. MAI HƯƠNG
 

Hành trình văn học của Nguyễn Minh Châu khởi đầu bằng truyện ngắn Sau một buổi tập (đăng tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 10-1960) và khép lại với truyện vừa Phiên chợ Giát được viết ngay trên giường bệnh, trong những ngày giờ cuối cùng của cuộc đời ông (1-1989). Sau ba thập kỷ lao động miệt mài, tâm huyết Nguyễn Minh Châu đã để lại một sự nghiệp văn chương đặc sắc với mười ba tập tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa và một tập tiểu luận phê bình; đã tạo được một phong cách nghệ thuật độc đáo và khẳng định được vị trí vững vàng của ông trong văn học sử Việt Nam. Nói như Nguyễn Khải “Nguyễn Minh Châu là người kế tục xuất sắc những bậc thầy của nền văn xuôi Việt Nam và cũng là người mở đường rực rỡ cho những cây bút trẻ tài năng sau này”. Ông là cây bút tiêu biểu của văn xuôi chống Mỹ đồng thời cũng là người mở đường “tinh anh và tài năng”, người đã “đi được xa nhất” trong cao trào đổi mới của văn học Việt Nam đương đại.

Nguyễn Minh Châu đến với văn học vào một thời điểm lịch sử đặc biệt – Cả dân tộc dồn sức tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ. Là một nhà văn chiến sĩ, tự sâu xa trong ý thức Nguyễn Minh Châu nhận thức sâu sắc về lương tri, trách nhiệm và sứ mạng thiêng liêng của ngòi bút mình. Coi văn chương là một lẽ sống, một cách nhập cuộc và thành tâm khao khát bằng ngòi bút có thể góp sức vào cuộc “chiến đấu cho quyền sống của cả dân tộc”, suốt trong những năm chống Mỹ, Nguyễn Minh Châu đã dành trọn vẹn nửa đời văn của mình đi sâu, khám phá, phản ánh những “đề tài sinh tử” trong mảng hiện thực chiến tranh cách mạng và người lính. Sau một số truyện ngắn đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, năm 1966 tiểu thuyết Cửa sông, năm 1970 tập truyện ngắn Những vùng trời khác nhau và năm 1972, tiểu thuyết Dấu chân người lính lần lượt ra đời hoàn thiện dần bức chân dung đầy đặn của nhà văn chiến sĩ Nguyễn Minh Châu. Những tác phẩm nóng hổi hơi thở đời sống, như còn sặc mùi thuốc súng, khói bom được viết “trước hết với ý thức nóng bỏng được góp phần cùng toàn dân tham gia đánh giặc” (TGTĐ(1) – tr.45) ấy của nhà văn đã phản ánh được khát vọng độc lập tự do của cả dân tộc, góp phần tái hiện bức tranh lịch sử hoành tráng của dân tộc trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Nói đến văn học chống Mỹ, nền văn xuôi chống Mỹ, không thể không nhắc đến Cửa sông với nhịp sống vừa bình thản vừa quả cảm của một làng nhỏ ven sông bước vào cuộc đối đầu quyết liệt với cuộc chiến tranh phá hoại tàn bạo của đế quốc Mỹ; không thể không nói tới Dấu chân người lính với cả không khí hào sảng, rùng rùng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của cả một dân tộc, cuộc hành quân vô tận của “một dòng thác người… đông đúc và ồn ào như dòng nước lũ… của tầng tầng lớp lớp người đang nối tiếp nhau hiện ra trên đồi, từ dưới suối, từ khắp các ngõ ngách của rừng”, tiến vào Khe Sanh, bủa vây cứ điểm Tà Cơn, quyết chiến và quyết thắng. Nằm trong dòng chung của văn học chống Mỹ, những tác phẩm của Nguyễn Minh Châu trong chiến tranh thường nghiêng về vẻ đẹp hào hùng và tươi tắn của cả cộng đồng, nghiêng về những sự kiện vĩ đại, những người anh hùng và được thể hiện với bút pháp trữ tình đậm đà, giàu chất thơ. Ở đó cảm hứng trữ tình hòa nhập, giao thoa nhuần nhị với cảm hứng anh hùng. Có thể nói, những tác phẩm hồn hậu và chân phương này vừa ghi nhận sự hòa nhập tuyệt diệu của ngòi bút Nguyễn Minh Châu với văn học chống Mỹ - xét trên cả hai phương diện cảm hứng sáng tạo và bút pháp – đồng thời cũng khẳng định những đóng góp quý giá, kịp thời của nhà văn vào sự nghiệp chiến đấu và nền văn học chống Mỹ “một trong những nền văn học tiên phong chống chủ nghĩa đế quốc” – một nền văn học, nói như Nguyễn Minh Châu “có được là nhờ bao nhiêu trí tuệ, mồ hồi và cả máu của bao nhiêu nhà văn”. Hiển nhiên, đó đã là những di sản văn học quý giá, đã trở thành những “tài sản của lịch sử”, không thể phủ nhận.

*

*        *

Năm 1975, đất nước thống nhất. Cuộc “chiến tranh đã thôi gầm thét”, nhưng ba thập kỷ chiến tranh dai dẳng đã để lại những hậu quả nặng nề không dễ gì vượt qua. Trong ý thức thường trực gắn bó với đời sống, người nghệ sĩ mẫn cảm, tâm huyết Nguyễn Minh Châu lại kịp thời bắt vào nhịp sống mới và sớm phát hiện những “vấn đề sinh tử” mới của đất nước sau chiến tranh. Bằng sự thôi thúc của lương tâm và trách nhiệm, Nguyễn Minh Châu lại dũng cảm cùng dân tộc bước vào cuộc “chiến đấu cho quyền sống của từng con người”. Với các tập tiểu thuyết: Miền cháy (1977), Lửa từ những ngôi nhà (1977), Những người đi từ trong rừng ra (1982), Mảnh đất tình yêu (1987) và các tập truyện ngắn, truyện vừa: Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983), Bến quê (1985), Chiếc thuyền ngoài xa (1988), Cỏ lau (1989) cùng hàng loạt bài tiểu luận phê bình tâm huyết, sắc sảo, Nguyễn Minh Châu thực sự là cây bút tiên phong, là “nhà văn lớn”, người đã để lại được những “vệt tư tưởng” sâu đậm trong văn học Việt Nam đương đại.

Sự đổi mới của Nguyễn Minh Châu trước hết là trong ý thức nghệ thuật: Đổi mới quan niệm về nhà văn, về hiện thực, đặc biệt đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người. Trong quan niệm của ông “Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người”. Cốt lõi của văn học là con người, muốn hòa nhập vào đời sống, văn học không có con đường nào khác là phải trở về với con người, “bằng ngòi bút, đào sâu cho đến cùng đáy cái thật chứa đầy bí ẩn, đầy nỗi niềm, nguồn cơn của con người” (TGTĐ, tr.21). Chỉ với một cái nhìn toàn diện, đầy xác thực về con người, nhà văn mới mong có được những dự báo, kiến giải có ý nghĩa về cuộc sống và xã hội. Chính những đổi mới sâu sắc trong ý thức nghệ thuật đó là cơ sở cho những chuyển đổi cơ bản trong sáng tác, quy định phong cách và sự tìm tòi nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu sau 1975, đặc biệt những năm 1980.

Có thể thấy rõ sự đổi mới này trên mảng hiện thực quen thuộc nhất của nhà văn – Chiến tranh cách mạng và người lính. Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Minh Châu là một trong những người đầu tiên đã đưa ra một cách nhìn nhận mới về chiến tranh. Sống qua hai cuộc chiến tranh, sau những năm tháng lăn lộn trên các ngả đường khu Bốn và đồng bằng Bắc Bộ thời kháng chiến chống Pháp và những ngả đường Cam Lộ, Khe Sanh, Cửa Việt ròng rã suốt những năm chống Mỹ, Nguyễn Minh Châu đã chiêm nghiệm sâu sắc rằng: Chiến tranh không chỉ là những chiến công, không chỉ có anh hùng và quả cảm – phần mà ông đã có điều kiện phản ánh kịp thời trong những tác phẩm viết trước 1975 – mà còn một phần chìm khuất với biết bao nỗi đa sự đa đoan của cuộc đời và của mỗi số phận con người, biết bao sự hy sinh, mất mát, dang dở, chia lìa. Từ đó ông đòi hỏi người viết văn và cũng là nghiêm túc đòi hỏi mình “phải có cái nhìn đầy đủ hơn, không phải chỉ một mặt mà trên tất cả các mặt của cuộc sống kháng chiến vô cùng quyết liệt và đa dạng như nó vốn có” (TGTĐ - tr.45). Với một ý thức, một quan niệm nghệ thuật sâu sắc như vậy, Nguyễn Minh Châu âm thầm tự vượt lên chính mình, trong nỗ lực đưa văn chương trở về với đời sống, để có được những trang viết xác thực, đa dạng và cận nhân tình hơn. Thay vì chiến tranh, bom đạn, nhà văn đi sâu vào “vương quốc của tình đời”. Thay vì phản ánh số phận cá nhân khuất chìm trong số phận của cộng đồng, Nguyễn Minh Châu lấy số phận cá nhân làm khởi điểm, làm mục tiêu hướng tới và đồng thời cũng là trung tâm lăng kính nghệ thuật. Khi trình bày những số phận con người, ông cố gắng khám phá chiều sâu của tâm lý và tính cách cũng như tầm khái quát xã hội của họ. Đi tìm “con người bên trong con người” (Bakhtin) luôn là khát vọng và định hướng mọi nỗ lực sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu. Bằng cách đó và theo hướng đó nhà văn đã vươn tới được chiều sâu tâm lý và tính chân thực lịch sử trong những giải pháp nghệ thuật cho những vấn đề con người và chiến tranh.

Hiện thực khốc liệt và nghiệt ngã của chiến tranh đã được nhà văn trình bày một cách nghiêm túc và sâu sắc, ở một chiều sâu nhân bản mới qua hàng loạt tác phẩm: Miền cháy, Bên đường chiến tranh, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Bức tranh, Cơn giông, Cỏ lau, Mùa trái cóc ở miền Nam… Có lẽ không mấy ai có thể nói về những di chứng của chiến tranh, những mất mát, éo le, những bi kịch khủng khiếp của chiến tranh hằn sâu trong từng số phận con người một cách da diết, đau đớn và sâu sắc được như Nguyễn Minh Châu. Đó là nỗi đau, là bi kịch của mẹ Êm trong Miền cháy; của người mẹ - vị sư già tội nghiệp Thiện Linh trong Mùa trái cóc ở miền Nam; của Thai và Lực trong Cỏ lau; của gia đình lão Khúng trong cái phút cả gia đình bàng hoàng, đổ sụp xuống vì nỗi đau mất con trong Phiên chợ Giát… Nỗi đau trĩu nặng trong từng trang viết, khắc khoải trong từng con chữ của nhà văn.

Điều đáng nói là Nguyễn Minh Châu đã nói tất cả những điều ấy bằng tiếng nói cảm thông, chia sẻ của người trong cuộc, bằng chính nỗi lo âu lớn lao và khắc khoải về con người, về cuộc đời mà ông hết lòng yêu thương, gắn bó. Và tất cả đều được soi chiếu trong ánh sáng nhân văn, trong niềm tin yêu sâu sắc của nhà văn, do đó nó đã vượt qua được những tác phẩm theo xu hướng “nhận thức lại lịch sử” một cách cực đoan, méo mó và đủ sức nuôi dưỡng lòng tin yêu và nâng dậy con người vượt qua những mất mát, đau thương. Có thể nói, sáng tác của Nguyễn Minh Châu giai đoạn này đã khơi trúng nguồn mạch nhân văn, đáp ứng nhu cầu nhân bản cấp thiết đặt ra đối với nền văn học sau chiến tranh. Và bởi vậy, đã tạo được sự đồng cảm sâu xa nơi người đọc.

Ở một mặt khác, khi trở lại mảng hiện thực chiến tranh cách mạng và người lính, ngòi bút Nguyễn Minh Châu cũng nghiêm nghị, quyết liệt phê phán, cảnh tỉnh những sự tha hóa, xuống cấp về nhân cách, đạo đức và những tội ác nảy sinh trong những con người đã bị chiến tranh “làm hư” đi. Đó là sự tha hóa của Bàng trong Miền cháy; những cách nghĩ lệch lạc của Phong trong Lửa từ những ngôi nhà; sự phản bội đớn hèn của Quang trong Cơn giông; sự thờ ơ, thất hứa, bạc bẽo đến tội lỗi của Hạng trong Bức tranh; sự bất nhẫn đầy hãnh tiến và xơ cứng chất người của Toàn trong Mùa trái cóc ở miền Nam… Theo hướng tiếp cận hiện thực mới mẻ này, sáng tác của Nguyễn Minh Châu đã góp phần phát hiện ra những quy luật vận động sâu kín của đời sống nhân sinh thế sự và đạt tới một chiều sâu nhân bản mới.

Cũng chính trong khát khao khám phá bản chất “con người bên trong con người”, Nguyễn Minh Châu đã trở lại với mảng hiện thực quen thuộc của ông: Nông thôn và người nông dân. Và ở nơi “bến quê” này trong hành trình nghệ thuật của mình, Nguyễn Minh Châu đã sáng tạo được hai thiên tuyệt bút liên hoàn Khách ở quê raPhiên chợ Giát “một di chúc nghệ thuật hòa quyện máu và nước mắt” của nhà văn (Đỗ Đức Hiểu) về bản chất và số phận của người nông dân. Đi sâu, đào xới tới cùng số phận lam lũ, trì trệ, u tối của lão Khúng, Nguyễn Minh Châu đã xây dựng được một hình tượng có tầm bao quát sâu xa, mang ý nghĩa một khám phá lớn về người nông dân tư hữu Việt Nam trong cuộc sống hôm nay. Phiên chợ Giát và hình tượng lão Khúng là sự kết tinh, chín muồi của một quá trình dài trăn trở, đổi mới của Nguyễn Minh Châu trên cả hai phương diện ý thức nghệ thuật và phương thức biểu đạt. Đó là khả năng đi sâu khám phá thế giới nội tâm đầy uẩn khúc của con người, là khả năng tái hiện bộ mặt lịch sử thông qua những số phận cá nhân và trên tất cả là năng lực khái quát nghệ thuật lớn lao của ngòi bút Nguyễn Minh Châu.

Quan sát hành trình nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu, có thể nhận thấy, những năm 80 là giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ và cũng là giai đoạn Nguyễn Minh Châu có những thành tựu nghệ thuật đặc sắc “được hình thành từ những sự tích tụ sắc sảo đầy trăn trở” của ông. Càng ngày, Nguyễn Minh Châu càng có ý thức và ý thức sâu sắc hơn về việc đưa văn học trở về với đời sống, tham gia trực tiếp vào “cuộc đấu tranh cho quyền sống của từng con người”. Và bởi vậy muôn mặt đời thường đã đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, với một chủ đích rõ ràng: “Mỗi truyện ngắn tôi nêu ra một trường hợp cụ thể và xen vào mạch kể chuyện, tôi bàn bạc về quan niệm sống hoặc báo động một điều gì”. Chính ý thức gắn bó với đời sống, sự nhạy cảm và năng lực cảm thụ đa dạng về cuộc sống, đặc biệt cảm hứng khát khao vươn tới cái đẹp, sự hoàn thiện của cuộc sống và con người đã giúp Nguyễn Minh Châu từ những cảnh đời, những nỗi ấm lạnh của nhân tình thế thái hàng ngày mà đào sâu và tới được những quy luật nhân sinh, thế sự vĩnh hằng trên cơ sở sự kết hợp nhuần nhị giữa “quy luật của nhân cách” với những “quy luật của chủ nghĩa nhân đạo”. Hàng loạt truyện ngắn của ông: Đứa ăn cắp, Dấu vết nghề nghiệp, Bên đường chiến tranh, Mẹ con chị Hằng, Giao thừa, Sắm vai, Bức tranh, Cơn giông… đã ghi nhận những đóng góp lớn của Nguyễn Minh Châu trong nỗ lực lấp đi một khoảng trống trong văn học bằng những đề tài về cuộc sống bình thường hàng ngày.

*

*         *

Nguyễn Minh Châu ra đi khi tâm hồn sáng tạo đang độ chín. Ông ra đi còn để lại ngổn ngang, dang dở những dự định sáng tác về vùng đất Quảng Trị từng bao năm lăn lộn, gắn bó; về làng Thơi – mảnh đất miền Trung nhọc nhằn “mảnh đất và con người đã biểu đạt rõ nhất đời sống của con người và số phận dân tộc”. Nhưng bằng tài năng và tấm lòng, bằng một hành trình dẻo dai và gian khổ, bằng cả tâm huyết và sự dũng cảm, Nguyễn Minh Châu đã để lại một di sản văn chương quý giá, một tấm gương lao động sáng tạo đáng trân trọng.

Với những đóng góp bền bỉ, dẻo dai và to lớn đó, Nguyễn Minh Châu đã được nhận nhiều giải thưởng cao quý: Giải thưởng của Bộ Quốc phòng (1984 – 1989) cho toàn bộ tác phẩm của ông viết về chiến tranh và người lính; Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (1988 – 1989) cho tập truyện vừa Cỏ lau và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (năm 2000).

M.H

________________

  1. Những chú thích trong bài có ký hiệu “TGTĐ” được rút từ tập Trang giấy trước đèn của Nguyễn Minh Châu, Nxb Khoa học xã hội, 1994.
VNQD
Thống kê