Góc khuất trong ba lô

Thứ Sáu, 20/09/2024 00:36

. THÁI CHÍ THANH
 

Cuối tháng 9/1972, địch tăng cường nống chiếm, lấy lại phần đất đã mất trước đó, đẩy lực lượng ta từ phía nam sông Mỹ Chánh dồn dần lên phía tây. Cùng với địch là mưa. Mưa thối đất thối trời. Nước sông suối dâng cao, chia cắt Tiểu đoàn 19 Đặc công Sư đoàn 304 chúng tôi với các nguồn tiếp tế. Đơn vị tôi vẫn phải trụ lại sát bờ sông Ô Lâu, nhưng lương thực cạn kiệt. Du kích địa phương bị chặn, nửa tháng liền không tiếp tế cho đơn vị. Còn nguồn từ dân công hỏa tuyến mất liên lạc đã lâu, chẳng còn hi vọng.

Phải tự cứu mình. Tiểu đoàn giao cho Đại đội 43 của tôi tìm cách vượt lên phía tây bắc tìm nguồn lương thực.

Gọi là đại đội nhưng lúc đó chỉ có bảy người còn khỏe, trong đó có tôi, đủ sức lên đường.

Minh họa: Tô Chiêm

Chúng tôi ra đi, lúc đầu rất hăm hở vì tù túng quá lâu dưới hầm. Vượt qua mấy dải rừng xơ xác vì bom đạn chần nát, chúng tôi nhằm hướng tây bắc, thượng nguồn sông Mỹ Chánh, nơi có nhiều dân và bộ đội đóng quân. Đang đi, bỗng Bình họa sĩ reo lên: “A... Rùa chúng mầy ơi!” Tôi chạy đến, thấy một con rùa khá to đang chậm chạp bò dưới suối cạn. Bình họa sĩ dễ dàng nhấc bổng nó, giơ lên cho mọi người xem. Ai cũng hỉ hả vui mừng vì sắp được bữa tươi. Nhưng riêng cậu Long nhà thơ tỏ ra lo lắng:

- Này... Gặp rùa xui xẻo lắm đấy. Thả ra đi.

Nghe vậy, Bình họa sĩ bật cười:

- Thả là thả thế nào. Đang thèm đồ tươi rỏ rãi lại còn... - Rồi như chợt hiểu, nó nheo nheo mắt nhìn Long, trêu đùa - Ôi nhà thơ... kết nạp Đảng đến nơi rồi mà còn mê tín...

Tôi cùng hùa theo:

- Đứa mô kiêng thì đừng ăn kẻo xui...

Nhân lúc tôi đang cúi xuống bắt mấy con vắt bám vào cổ chân, Bình họa sĩ cho gọn con rùa vào ba lô trên lưng tôi rồi cột quấy quá nắp lại. Tôi để ý thấy Long, dù sợ mang tiếng mê tín, ảnh hưởng đến việc nó sắp được kết nạp vào Đảng, nhưng vẫn lảng ra xa hơn, đi cuối đoàn. Tôi đang định đi chậm lại chờ Long đến để trêu nó thì bất ngờ, tóc tôi bị kéo rất mạnh về phía sau đau điếng. “Ối! Ối!”, tôi kêu lên. “Đứa mô kéo tóc tao mà ác thế”.... Đến khi mọi người xúm lại, tôi mới biết “đứa mô” đó chính là con rùa. Chẳng hiểu bằng cách nào mà nó ngoi lên được, thò đầu đớp luôn đám tóc dài lùa thùa vì lâu ngày không được cắt gội của tôi. Rùa đã cắn thì thật khó lòng làm nó nhả ra được. Anh em lôi rùa ra khỏi ba lô, nhưng hai hàm răng của nó như gọng kìm càng nghiến chặt mớ tóc, như muốn bóc khỏi da đầu tôi. Một cậu lấy dao lê cạy răng nó nhưng cũng bất lực. Đành phải cắt đứt hết đám tóc bị rùa cắn. Tôi đang nhăn nhó vì đau mà cũng phải tròn mắt kinh ngạc khi nhìn nó nhai nhai mớ tóc như cố trả thù.

Lúc ấy, trời đang nắng sau những trận mưa dai dẳng, khắp nơi bốc hơi nước, tạo thành những đám mù, nên bọn tôi thả sức đốt lửa cải thiện mà không sợ bị lộ rồi lên đường. Tôi biết chẳng cứ Long mà khối người trong đoàn vẫn đang lởn vởn chuyện xui xẻo vì gặp rùa, dù chẳng ai nói ra. Và không phải chờ lâu, linh ứng ngay với cả nhóm, trừ mỗi Long. Lúc đầu là tôi, cứ thấy ậm ịch trong bụng. Rồi đến Bình nhà thơ và Đại đội trưởng Tùng... bụng dạ sôi lên ục ục và sau đó cuộc chạy đua với “Tào Tháo” cho đến khi không còn gì nữa mới thôi. Mệt lả, đứa nào cũng bơ phờ, mặt xanh như đít nhái, chỉ duy có Long vẫn thế, nhưng tôi thấy mặt hắn có vẻ tươi lên, miệng cứ tủm tỉm... Tôi đoán là Long cho rằng cái “xui” đã qua. Bởi chỉ như thế là quá nhẹ nhàng, chứ nếu bị bom B52 hay pháo dàn, pháo bầy thì không biết sẽ như thế nào. Nghĩ thế, tôi lại giật mình tự hỏi, tại sao hôm nay im ắng quá, chẳng nghe tiếng bom pháo gì cả. Ở chiến trường, nhất là trong vùng ác liệt bỗng dưng yên ắng tiếng bom pháo đâu phải là chuyện lành. Quả không sai, khi chúng tôi đến sông Mỹ Chánh, phát hiện nhiều cao điểm đã bị địch tái chiếm.

Là địa bàn quen thuộc, chúng tôi dễ dàng tìm được đường lách qua quân địch theo những lối mòn mà trước đây giao liên của ta hay dẫn bộ đội hành quân. Vấn đề là tìm đâu ra nguồn lương thực. Cứ tưởng lùi về phía sau, không gặp bộ đội, du kích thì cũng gặp đồng bào. Ai ngờ, chẳng thấy một bóng người. Vậy là các ngả đường đã bị địch chốt chặn cả rồi. Tình cảnh vừa khó khăn vừa nguy hiểm. Cả toán bảy người mà chỉ còn hai bánh lương khô của Long và Đại đội trưởng Tùng, chia nhau cầm hơi.

Vì đi vòng vèo mãi nên sau một đêm, chúng tôi đến chân một đồi thoai thoải, có dấu hiệu quân ta từng đóng ở đây. Tưởng đã đi được xa, ai dè, khi trời sáng, vẫn thấy đỉnh cao điểm 367, nơi quân địch mới chiếm lại ở chẳng xa bao nhiêu. Mệt, đói, người ai cũng đuội đi, chân tay run rẩy, đi lại không vững. Chuyện nhịn đói ở mặt trận không phải hiếm, có lần tôi lạc đường phải nhịn suốt năm ngày liền, chỉ có gốc cây chuối rừng, ít rau môn thục, nhưng không nhanh bị lả như lần này. Dẫu sao cũng phải hết sức cố gắng, nếu không muốn cả toán bỏ xác lại giữa rừng. Lại còn anh em ở kiềng đang ngóng chờ gạo về. May mà có Long nhà thơ - người duy nhất không sao, vẫn hăng hái đi trước. Đến một hẽm nhỏ, có khe suối khá um tùm, kín đáo, bom pháo ít tàn phá, Long bỗng đứng sững lại, rồi reo lên:

- Ôi... Xem kìa! Anh em ơi, một kho dã chiến!

Mọi người ào lên. Những khuôn mặt đang ỉu xìu bỗng rạng rỡ. Đại đội trưởng Tùng ra lệnh cẩn thận rồi dò dẫm tiến đến. Không có ai cả. Chắc là nó được làm vào khoảng giữa chiến dịch, vì căn hầm ẩm mốc nằm sát một lán ngầm được che bởi tăng và ít ni lông lấy từ những vỏ bọc các bao gạo, túi đựng thực phẩm.

Anh em cẩn trọng xem kĩ. Kho có xoong, đĩa, bát. Bếp Hoàng Cầm dùng tốt. Có hai hầm thùng được che đậy khá cẩn thận nhưng mái bị thủng lỗ chỗ do mảnh đạn pháo cắm từ hồi nào. Chủ kho này đâu rồi nhỉ? Chỗ dành để ngủ trong kho vẫn nguyên, song sặc mùi ẩm mốc, mối đã bắt đầu đùn lên. Có thể người giữ kho đã hi sinh, hoặc lạc đâu đó.

Đây có lẽ là một kho trung chuyển chiến thuật cho cấp trung đoàn trở xuống vì chỉ có mươi thùng đạn thông dụng 7,62 li, ít đạn B40, B41, DKZ, cối 82, 60... Nhiều nhất là những cuộn dây điện tải 3, dây điện hữu tuyến... Điều khiến chúng tôi sung sướng nhất là tìm thấy một hầm thùng có mái che có những bao gạo 50kg vẫn nguyên đai nguyên kiện đựng trong hai lớp ni lông và một lớp vải bao bì rất chắc. Lính trận ở chiến trường khu Năm chắc chẳng ai quên được những bì gạo này, hạt dài và trong, cơm dẻo thơm ngon. Để bảo vệ khỏi mưa gió, gạo được đựng trong ba lớp, trong cùng là ni lông màu xanh như lá chuối non, khá dày và mềm, sử dụng xong, bộ đội ta hay lấy lót vào các hầm để chứa nước, hoặc lót trong ba lô, lúc cần thì làm phao bơi. Tiếp là lớp vải bao bì rất chắc, ngoài cùng là túi ni lông màu xanh lá cây, in những dòng chữ Trung Quốc. Lớp này được bộ đội ta sử dụng triệt để, mở ra vừa cỡ tấm ni lông để hành quân. Những bì gạo này được vận chuyển trong chiến trường dù dân công hỏa tuyến có quăng quật cũng không sợ thủng, mưa không sợ ướt. Phía những trục đường Trường Sơn, nó đã được thả trôi theo suối, theo sông ở những đoạn khó vận chuyển. Chúng tôi còn tìm thấy mấy bao loại 25kg của Triều Tiên. Loại này gạo đã được hấp sấy, chỉ cần cho vào nước chờ mấy chục phút là có cơm ăn. Tuy tiện đấy, nhưng cơm nhạt thếch, lại rời rạc, chẳng hạt nào dính với hạt nào, khi ăn, cứ phải nhúm tay bốc ăn như ăn cốm. Thế nên lính ta hay gọi đùa là “gạo mất đoàn kết”.

Thấy Bình họa sĩ cứ sục sạo các ngóc ngách, Tùng hỏi:

- Cậu tìm gì thế?

- Mấy bố giữ kho không để lại gì ngon ngon nhỉ. Thịt hộp, sữa thùng, đường gói hay bột trứng chẳng hạn.

Tùng bật cười:

- Những cái đó là tiêu chuẩn của cán bộ trung, cao cấp, chắc kho sư đoàn mới có. Chứ kho dã chiến kiểu này có được gạo là may quá rồi.

Đúng là may thật. Mấy đứa hăm hở sử dụng bếp Hoàng Cầm nấu luôn xoong B12, vừa ăn vừa để làm cơm nắm cho đường về.

Cơm đã lục bục sôi cũng vừa lúc Bình và Tùng hái được mấy búp măng từ những bụi tre dại dọc con suối đang cuộn nước đục ngầu. Thấy vậy, Long lục trong ba lô lấy thỏi thuốc nổ cùng mấy cái kíp. Tùng hỏi:

- Định làm gì thế... Đánh cá hả? Nhưng dây cháy chậm cậu bảo hỏng hết rồi kia mà.

- Ồ... Với thằng này thì cần gì dây cháy chậm. Kiếm tí “chất tươi” để anh em mình lấy sức chứ.

Thấy Long lôi cuộn dây dù mắc võng trong ba lô ra, ai cũng hiểu nó sẽ dùng dây dù tạo khoảng cách để giật bộc phá thay dây cháy chậm.

Tôi hỏi:

- Thế cậu định đánh ở đâu? Nếu dưới suối, nước chảy mạnh thế, ai mà kịp vớt.

Nó nhìn tôi, cười:

- Khỏi dạy khôn thằng này nhé. Tớ đã trinh sát rồi, có hố bom đầy nước sát bụi tre ven suối đàng kia kìa.

Tôi định cùng đi với Long thì nó xua tay đây đẩy:

- Khỏi! Khỏi! Các bố cứ lo chuẩn bị măng sẵn, chờ tớ đem cá về. Chà! Canh cá nấu măng ăn với cơm gạo dẻo thì...

Long bỏ lửng câu nói, ngửa mặt lên, hai mắt lim dim như đang được thưởng thức bữa tươi làm cả nhóm không nhịn được cười.

Long đi được một lúc, tôi bỗng nghe tiếng “ịch” rất nặng, như dội lên từ lòng đất. Biết là Long đã nổ mìn đánh cá, nhưng không hiểu sao, tôi vẫn gờn gợn trong người, cảm giác bất an. Tôi bỏ búp măng đang thái dở, chạy đến. Mấy anh em cũng linh cảm điều chẳng lành, chạy vội theo. Tôi sững lại giây lát như không tin ở mắt mình. Long đang quằn quại bên hố nước, Hai tay giữ cây sào dài đâm xuyên qua bụng ra sau lưng, máu rỏ từ bụng nó theo cây sào nứa, trào ra, nhuộm bầm đỏ nước trong hố vốn đã ngầu vì mưa lũ. Đau đớn quá! Tùng vừa cắn răng khỏi bật ra tiếng khóc để vuốt mắt cho đồng đội rồi ôm người Long cho tôi và Bình rút cây nứa ra. Hai tay tôi run run không dám kéo mạnh, sợ bạn mình đau, dẫu ai cũng biết lúc này Long đâu còn cảm giác gì...

Tùng nghẹn ngào nấc lên:

- Răng lại bất cẩn thế Long ơi! Mình không được giới thiệu Long vào Đảng nữa rồi...

Không ai ngờ Long lại có thể chết vì một sơ sẩy đến khó tin như vậy. Đã bao trận đánh, đã bao lần Long chắp nối thủ pháo, bộc phá để đánh địch, chưa một lần sai sót. Lính đặc công, trinh sát chúng tôi, ai chẳng thành thạo những việc thường ngày đó. Ở mặt trận, thủ pháo, bộc phá của ai thì chính người đó tự thao tác, chắp nối. Riêng Long, ai bận cũng nhờ Long làm giúp vì tính cẩn trọng, được mọi người tin tuyệt đối. Có lần, trong một trận đánh vào cứ điểm ở chân cao điểm 330 bên kia sông Ô Lâu, tôi hết thủ pháo, bảo Long chi viện cho hai quả. Long bảo, nó chỉ cắt dây cháy chậm 2cm, nghĩa là chỉ hai giây là nổ, nên giật nụ xòe là phải ném ngay. Như vậy, địch không bao giờ kịp ném trả lại. Nhưng như thế quá mạo hiểm. Nếu không nhanh, dứt khoát thì chính mình lại diệt mình. Trận đó, tôi cũng không dùng đến hai quả thủ pháo của Long đưa, một phần vẫn còn lựu đạn tấn công, phần chưa quen cũng run tay. Biết chuyện, Long cười, bảo tôi nhát. Vậy mà...

Nhìn cây sào nứa, một đầu nhọn còn bê bết máu, đầu kia bị xé nát toe, chẳng ai nói một lời nhưng đều hiểu là Long buộc bộc phá vào một đầu sào, giữ một đầu sào vào bụng để dìm đầu kia xuống sâu dưới hố nước mới kéo dây để giật nụ xòe, quên mất lực đẩy của bộc phá...

Chúng tôi chôn Long. Không quan tài, hương hoa như bao liệt sĩ khác hi sinh ngoài mặt trận. Anh em dùng tăng võng của Long quấn thi thể Long. Xong xuôi, chúng tôi khắc bia lên hòn đá đặt đầu mộ để sau này dễ tìm. Tôi được Tùng giao giữ ba lô và các kỉ vật mong có ngày gửi lại cho thân nhân liệt sĩ vì tôi cùng quê với Long.

Chiếc ba lô lép kẹp, chỉ có ít đồ cá nhân. Nhưng dưới đáy ba lô có một túi đựng mìn claymor chứa nhiều bí mật. Tôi đã tò mò mở cái túi ấy ra, và thấy một cuốn sổ tay.

Tôi, Tùng và Long từng cùng “tổ ba ba” tập luyện trên thao trường cho đến ngày đánh trận từ đầu chiến dịch. Sau này Tùng lên làm đại đội trưởng, nó cần một cậu liên lạc ngủ cùng hầm mới tách ra, còn tôi và Long lúc nào cũng sát cánh bên nhau. Biết Long vốn là đứa kín đáo, nhưng tôi cũng không ngờ nó giấu tôi nhiều đến thế. Mỗi lần mở cuốn sổ ra xem, tôi lại có cảm giác như Long đang nhìn tôi, khi thì bối rối vì xấu hổ, lúc lại giận dỗi vì dám xem trộm những thầm kín, riêng tư của mình. Xin lỗi Long... Chỉ mình mình xem thôi.... Lẽ nào với mình cũng giấu ư? Tôi thầm nhủ như vậy rồi tranh thủ những lúc rỗi và vắng vẻ, lại đọc những dòng bạn ghi chép. Long khao khát vào Đảng, chỉ mong ngày được kết nạp để báo về gia đình, quê hương. Ngoài đời, Long hay có những trạng thái trái ngược, khi vui nhộn, lém lỉnh như bao người lính khác, lúc lại âm thầm, sầu muộn. Trong cuốn sổ có những câu thơ rực lửa cách mạng như Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ của Tố Hữu, hay Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết/ cho mỗi ngôi nhà ngọn núi dòng sông của Chế Lan Viên, lại có bài Màu tím hoa sim của Hữu Loan, Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, hay lời những ca khúc thời ấy gọi là nhạc vàng như Nỗi lòng người đi của Anh Bằng, Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong...

Điều làm tôi bất ngờ là cuốn sổ có cả thơ của Long, không nhiều bài nhưng hơi khác với thơ hồi ấy. Ví như mấy câu còn ở dạng nháp, chưa có cả tiêu đề:

Tôi giật mình thấy dòng suối trong veo

có mây trời và khuôn mặt nhăn nheo của người lính

không bóng cây, không bóng cá

Bom đạn, thuốc diệt cỏ đã xóa hết...

Trừ bóng mây và mặt lính nhăn nheo...

Long còn chép lại những chuyện vui, ca dao, hò vè vừa tục vừa thanh mà mỗi lần ai đó xướng lên, là cả lũ lại cười ngả ngốn. Cuốn sổ tay cứ như kho tư liệu “tạp pí lù” ghi tất cả những gì nó biết nơi chiến trận.

Cuốn sổ cùng những di vật liệt sĩ ấy tôi đã quyết sống chết bảo vệ để mang về cho gia đình bạn. Tiếc thay, nó đã bị tan nát trong một trận bom tọa độ đánh vào nơi trú quân của đơn vị. May mà lúc đó tôi cùng đơn vị đang xuất quân đi giải vây cho một đơn vị bạn.

Long ơi! Đạn bom đã cướp cuộc đời, cướp luôn những kỉ vật của bạn, nhưng tôi trọn đời nhớ đến người đồng đội bí hiểm của tôi... Hơn nửa thế kỉ rồi... Xin phép Long, tôi ghi lại cho mọi người cùng biết nhé!

24/3/2024
T.C.T

VNQD
Thống kê