Trung đội trưởng bay của tôi

Thứ Bảy, 19/10/2024 00:54

. NGUYỄN CÔNG HUY
 

Cuối tháng 4/1968, chúng tôi tốt nghiệp bay ở Liên Xô về nước, đầu tháng 5 được biên chế về các đại đội bay của Trung đoàn Không quân Sao Đỏ. Hồi ấy, các đại đội bay chỉ toàn phi công (14 đến 16 người, kể cả cán bộ đại đội). Mỗi đại đội bay có 3 trung đội. Anh Lương Thế Phúc, Trần Việt và tôi được biên chế vào trung đội của anh Nguyễn Văn Lung. Anh Lung sinh năm 1939, quê xã Song Phú, huyện Cái Ngang, tỉnh Vĩnh Trà (nay là xã Long Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Anh nhập ngũ năm 1961, năm 1962 đến 1965 đi học bay ở Liên Xô, trở thành phi công tiêm kích MiG-21, đã bắn rơi 1 máy bay trinh sát không người lái của Mĩ.

 Ảnh minh họa

Trung đội tôi được bố trí ở chung một phòng, bốn giường cá nhân kê bốn góc, giữa là lối đi. Tuy lớn tuổi hơn chúng tôi nhiều và đã có thành tích trong chiến đấu, nhưng anh Lung sống rất chan hòa, cởi mở, thường tâm sự với bọn tôi đủ thứ chuyện. Anh dẫn dắt, bồi dưỡng và dạy bảo chúng tôi theo kiểu của riêng anh, không xô bồ, nặng nề hay lên gân. Anh cứ tâm sự như người anh tâm sự với những đứa em, thường tha thứ, bỏ qua những lỗi lầm chúng tôi mắc phải. Chính vì vậy, chúng tôi rất quý mến, gắn bó với anh. Anh cũng nhiệt tình tham gia vào những trò đùa vui nên đôi khi chúng tôi đùa hơi quá đà. Anh biết, nhưng không chấp nên chúng tôi càng quý, càng nể anh hơn. Vào các buổi tối, sau khi mắc màn đi ngủ, chúng tôi thường phi lên giường, cùng hô “ây à” và giơ chân đá màn cho buông xuống. Anh cũng làm theo như chúng tôi. Một lần, khi anh đi đánh răng, chúng tôi nhanh chóng tháo màn của anh ra rồi mắc ngược đình xuống dưới. Lúc vào nằm, anh giơ chân lên đá như mọi hôm, mãi mà màn vẫn không buông, còn chúng tôi nằm im bấm bụng cười. Anh dậy tháo màn ra xem thì mới biết là màn bị mắc ngược. Anh đứng im một lúc, lẩm bẩm “Ủa! Mới vậy mà đã vậy!” rồi lặng lẽ mắc lại màn, chui vào. Bọn tôi lúc ấy mới lo lắng, giả vờ nằm im như đã ngủ say. Sáng hôm sau, anh nhìn bọn tôi cười cười. Anh thừa biết trò nghịch của chúng tôi nhưng chẳng thèm chấp.

Anh Lung rất thích săn. Vào thời ấy, không có lệnh cấm nên chuyện đi săn là thú vui của rất nhiều người. Thú săn chỉ là những loại nhỏ như cầy cáo. Đã đi săn là ham lắm, lùng sục suốt đêm, có anh tận sáng mới về rồi chẳng thèm nghỉ ngơi gì, lụi cụi xử lí “chiến lợi phẩm” nhâm nhi với nhau. Thú vui chỉ đơn giản thế thôi nhưng là nỗi đam mê.

Cuối năm 1971, theo yêu cầu phát triển của không quân, một trung đoàn mới được thành lập - Trung đoàn Không quân Lam Sơn. Anh Lung được điều chuyển sang đó nhận nhiệm vụ với cương vị mới, chức trách mới, còn ba anh em chúng tôi vẫn ở lại Trung đoàn Không quân Sao Đỏ.

Ngày 31/5/1972, theo tin tình báo chiến lược, khả năng không quân Mĩ sẽ sử dụng 40 lần/ chiếc để đánh phá các mục tiêu giao thông trên đường số 1 và đường số 3. Hải quân Mĩ sẽ tiếp tục đánh phá ven biển từ Thanh Hóa trở vào Khu 4. Tỉ lệ sử dụng tiêm kích là 2/1 với 3 khu vực bay chờ ở Sơn Động - Lục Nam, Bắc Ninh - Phả Lại và Thái Nguyên - Nhã Nam.

Nhiệm vụ chiến đấu được giao cho Trung đoàn Không quân Lam Sơn. Lúc 15 giờ 17 phút, biên đội 2 chiếc MiG-21 của anh Lung (anh bay số 1, Mai Văn Tuế bay số 2) nhận lệnh xuất kích ra phía Hải Dương rồi kéo lên lấy độ cao 7.000m. Mai Văn Tuế phát hiện thấy biên đội 4 chiếc F-4 bên phải ở cự li chừng 10 đến12km. Quan sát rộng ra, phát hiện thêm biên đội 8 chiếc F-4 nữa, nhưng khi ấy anh Lung chưa thấy.

Anh Lung lệnh cho Mai Văn Tuế vào tấn công, anh yểm hộ. Khi Mai Văn Tuế vào công kích, bọn F-4 bất ngờ quay ngoắt lại bay đối đầu với anh Lung. Anh Lung lập tức kéo tăng lực vọt lên cao.

Nhận thấy tình huống bất lợi, Sở chỉ huy ra lệnh cho biên đội MiG-21 thoát li, anh Nguyễn Văn Lung trả lời: “Nghe tốt!” Kể từ thời điểm đó, không thấy anh liên lạc gì nữa.

Căn cứ các thông tin từ Sở chỉ huy và một số tài liệu của Mĩ thì nhiều khả năng chiếc máy bay của anh đã bị bọn F-4 bám phía sau ngay từ thời điểm anh bật tăng lực kéo gấp lên lấy độ cao. Thằng F-4 đã phóng liền một lúc 4 quả tên lửa không đối không AIM-7E-2 (vì giai đoạn này do hiệu quả của tên lửa AIM-7 kém nên các phi công Mĩ phải phóng một lúc 4 quả để đảm bảo chắc ăn). Ba quả đầu không trúng mục tiêu, nhưng quả thứ tư đã trúng ngay phần buồng lái của anh Lung. Anh hi sinh trên vùng trời Bắc Giang rồi được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã An Châu, huyện Sơn Động.

Tiếc thương anh, ba trung đội viên đã noi gương anh liên tục trực ban chiến đấu, xuất kích nhiều lần, trực tiếp tham gia nhiều trận không chiến cho đến khi kết thúc chiến tranh và may mắn vẫn còn nguyên vẹn. Chúng tôi luôn nhắc đến anh với những kỉ niệm ngày ở với anh.

Vào cuối những năm 1990, má ra đón anh Lung về. Mọi thủ tục ở nghĩa trang xã An Châu do đơn vị và chính quyền địa phương lo. Ở sân bay Tân Sơn Nhất, anh Lê Hải, anh Nguyễn Văn Nghĩa và một số anh khác sẽ có trách nhiệm đón má, đón anh rồi đưa anh về nằm trong lòng đất mẹ ở Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long. Còn tôi ở sân bay Nội Bài (trước đây gọi là Đa Phúc) chịu trách nhiệm đón má đón anh từ Bắc Giang, đưa lên máy bay về miền Nam.

Má xách chiếc túi du lịch. Anh nằm trong đó. Hai vé máy bay, hai chỗ ngồi cạnh nhau: Một cho má, một cho anh. Tôi đưa má lên tận chỗ ngồi, giao cho tiếp viên, dặn dò chăm sóc má và anh thật cẩn thận rồi mới xuống.

Tôi cứ đứng im giữa sân bay cho tới khi máy bay cất cánh, lấy độ cao rồi hút trong tầm mắt. Tâm trạng tôi ngổn ngang nỗi nhớ về anh. Nhìn lên bầu trời, tôi nghĩ, người trung đội trưởng đầu tiên của tôi đã trở thành áng mây lung linh bay tít tắp vào dải Thiên hà của vũ trụ khôn cùng. Anh là người thích đi săn, có thể anh đã trở thành một vì sao cấp 1 của chòm sao Thợ Săn (còn có tên là chòm Liệp Hộ) kì ảo, huyền diệu, rực rỡ…

N.C.H

VNQD
Thống kê