Nhà thơ Thu Bồn: Cả cuộc đời là một bản tráng ca

Thứ Bảy, 02/11/2024 08:48

. NGÔ THẢO
 

Trong đội ngũ đông đảo các nhà thơ cùng thế hệ, không mấy ai có một lý lịch tham gia chiến đấu và hoạt động văn nghệ phong phú, sôi nổi, hoành tráng, lắm bi thương, mà cũng nhiều giây phút huy hoàng như nhà thơ mang tên dòng sông quê: Thu Bồn. Ông từng kể, 1947, ngày đầu, Pháp chiếm Quảng Nam, Điện Bàn quê ông thường xuyên bị giặc về càn quét. Người chết nhiều, phần vì đạn bắn, phần vì đói. Cả làng chỉ còn một đảng viên duy nhất bám trụ, đêm đội hầm bí mật lên đi gom xác đồng bào. Mới 12 tuổi, ở lại, hàng đêm, Hà Đức Trọng - tên khai sinh của nhà thơ - soi đuốc, cho người đảng viên bó xác người đi chôn. Có đêm đói quá, bị ngất, bà mẹ phải đưa về tìm gạo dự trữ từ vùng tự do gửi vào, nấu cho bát cháo loãng để hồi sức. Trước khi được gửi ra vùng tự do đi học, người đảng viên trao cho Trọng một bảo vật của làng, sợ để lại không giữ được. Bà mẹ sợ là vàng bạc châu báu gì, con khó giữ nổi, nên đòi xem. Hóa ra đó là một lá cờ Đảng. Sau này, trong nhiều trận chiến đấu ác liệt, lá cờ đã được phất cao trong các trận tấn công. Nhiều đồng đội hi sinh anh dũng. Cha anh bị địch bắt và chết ở trong tù. Người chị gái mới 18 tuổi, là một cán bộ đầy triển vọng, bị bắt, không khai, chúng xẻo từng bộ phận thân thể, và chặt đứt ngón tay để lấy chiếc nhẫn vàng là quỹ của Đoàn thể mà chị được tin cậy trao giữ. Hiện thực khốc liệt đó, đã giục Hà Đức Trọng viết nên những bài thơ đầu tiên. Tham gia các hoạt động văn nghệ, động viên tinh thần quân và dân hăng hái chiến đấu. Những ngày được đi học văn hóa ngắn ngủi, trong hoạt động cùng đóng kịch, ngâm thơ, đã có cảm tình với người con gái đầu tiên. Nhưng chú cô gái, là hiệu trưởng, đã tìm cách ngăn cản, bởi ông lo rằng cháu mình sẽ khổ một đời, vì yêu một chàng trai đẹp mã, hào hoa lại có tài văn nghệ. Ngỡ là với Hiệp định Geneve 1954, đất nước chia hai miền, Hà Đức Trọng theo đơn vị đi tập kết, đã buộc hai người phải chia tay mãi mãi. Nào ngờ, sau mấy năm tập kết, được vào học trường Sĩ quan Lục quân, Đại học Sư phạm, Tuyên huấn, báo chí, rồi năm 1961, lại được trở về Nam sớm nhất trong những người làm văn nghệ. Tiểu đội năm ấy, có Nguyễn Chí Trung, Thanh Giang,… Trường ca Bài ca Chim Chơ Rao được viết khá sớm trong những ngày đầu nhà thơ lăn lộn xây dựng cơ sở ở vùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Năm 1962, nhân có nhiệm vụ ra trạm Ca Tu ở ranh giới Lào - Kon Tum đón đoàn Cán bộ Mặt trận Giải phóng miền Nam trên đường ra Bắc, gặp nhà thơ Thanh Hải, tác giả bài thơ nổi tiếng Mồ anh hoa nở, Hà Đức Trọng mới trao gửi nhà thơ mang ra. Như nhận được một của quý, các nhà thơ miền Nam đang công tác ở các cơ quan văn nghệ Trung ương đã góp sức, chung lòng, đọc và biên tập từ bản chép tay viết nơi không có bàn ghế, đêm đêm được người dân tộc đốt đuốc cho nhà thơ viết, nên lần đọc chữ không dễ dàng gì. (Bởi ban ngày phải đi phát rẫy, chặt cây, dựng nhà, tăng gia tự túc lương thực. Trong công việc lao động chân tay nặng nhọc này, nhà thơ là một nhân lực trụ cột, vì sức khỏe và khéo tay.) Nên mãi đến 1964, Bài ca Chim Chơ rao mới được báo Văn nghệ tung ra trong một phụ bản in đặc biệt với những lời giới thiệu rất nồng nhiệt của các nhà thơ đang là lãnh đạo Văn nghệ bấy giờ: Nhà thơ Hoàng Trung Thông giới thiệu: Bài ca,,, một khúc hát trữ tình cách mạng, một bản trường ca về những con người chiến đấu của Miền Nam. Số báo sau, nhà thơ Nông Quốc Chấn có bài Một bản hùng ca của những con người thép. Năm 1964, Nhà xuất bản Văn học in thành sách, rồi cùng năm được dịch và in ở Trung Quốc, cùng cuốn Những bức thư từ tuyến đầu Tổ quốc, cho đến nay, vẫn là hiện tượng hiếm trong văn học hai nước láng giềng. Cũng từ Trường ca này, mà bút danh Thu Bồn trở nên nổi tiếng, và được đặc biệt tin yêu ở chiến trường Khu V nổi tiếng ác liệt. Nhưng mãi đến năm 1965, khi được phái đến vùng ba biên giới, chuẩn bị địa bàn để đánh bọn Kỵ binh bay ở Plây me, tình cờ gặp đoàn cán bộ văn hóa trên đường vào Trung ương Cục, trong đó có nhà thơ Lê Anh, Xuân, Hồng Tân, Từ Sơn. Đặc biệt, nhà báo Đinh Phong, trong đáy balô có mang theo tờ báo Văn Nghệ có in bài thơ. Nhà thơ kể: Tôi mang theo tờ báo Văn nghệ có bản Trường ca, đi bộ suốt 15 ngày, vượt qua một cung đường nguy hiểm nhất để đến với cái làng Đêpapơlêch - cái làng đã đẻ ra bản Trường ca của tôi. Tôi tìm Ông già Siuken, người từng thổi kèn đinh năm cho tôi nghe, và cô gái xinh đẹp Hơ Tó từng đốt lửa lồ ô và nứa suốt đêm cho tôi ngồi viết bản trường ca. Khi lũ làng vừa kéo về, cùng nhau xem tờ báo, rồi xé ra mỗi người một mảnh, thì B52 ập tới, cả lang tan nát trong trận bom dội Máu của lũ làng đã đổ. Những chiếc trực thăng như trồng ngược lên từ phía dãy núi bắn xối xả xuống làng buôn. Cuộc đụng độ của Sư đoàn Kỵ binh bay và quân chủ lực của Bộ đã bắt đầu. Lửa cháy rực cao nguyên. Sắt thép và máu tung tóe 10 ngày đêm. Ông già Siu ken và cháu Hơ Tó cùng nhiều dân làng bị thương. Sau vụ đó nhà thơ suýt bị kỉ luật vì tính tự do, Kỉ niệm đó chỉ là một trong muôn vàn những hoàn cảnh và tình huống thật độc đáo mà chỉ có ở Thu Bồn. Không một ai trong các nhà văn Việt Nam hiện đại có cuộc đời phong phú, giàu có những từng trải trong chiến trận cũng như trong đời sống thường nhật như Thu Bồn.

Người lãnh đạo Văn nghệ Quân khu, tác giả Đất nước đứng lên; Đường chúng ta đi; Rừng Xà Nu, nhà văn Nguyên Ngọc kể, ông đã mất khá nhiều thời gian lặn lội khắp các vùng ven đồng bằng, với tấm ảnh nhỏ đã mờ theo thời gian của cô bạn cùng học xưa, để tìm ra manh mối cố nhân cho Thu Bồn. Sau ngày miền Nam thuộc quyền quản lí của chế đội mới, những người từng tham gia kháng chiến, có nguyện vọng thống nhất, lập tức bị truy đuổi, bắt bớ. Chị Đỗ Thị Thanh Thu - tên cô gái ấy, tham gia đấu tranh, bị bắt vào tù. Tươi trẻ, mặt hoa, da phấn, nữ tù nhân trẻ được nhiều anh lính Cộng hòa săn đón, và lợi thế đó đã giúp chị thoát khỏi nơi giam giữ. Không còn chọn lựa nào khác, chị phải chạy vào Sài Gòn, tá túc nhà người thân. Tại đây, chị móc nối, tham gia vào đường dây Biệt động Sài Gòn. Bắt được liên lạc, báo cáo Tổ chức, nể trọng vị trí của nhà thơ, đích thân Bí thư Khu ủy Võ Chí Công đã liên hệ với Thành ủy Sài Gòn để xin điều chị Thu về công tác ở Khu V vào năm 1965. Dù giữa rừng sâu, đám cưới được chuẩn bị khá chu đáo. Có gà, nếp, kẹo bánh, trà thuốc mua từ nội thị mang về. Phòng cưới đã trang trí cờ hoa, khẩu hiệu. Nhưng ngay trước giờ cử hành lễ cưới, thì một trận B52 dội xuống căn cứ, dọn đường cho biệt kích đổ bộ, cả cơ quan vội vàng sơ tán trong những cánh rừng trụi lá vì chúng rải chất độc da cam.Bao nhiêu vật chất công phu chuẩn bị tan tác trong bom đạn. May cơ quan không ai việc gì. Một tuần sau, khi địch rút, ta trở về, thủ trưởng tuyên bố, coi như đã cưới rồi, cho chúng nó về ở với nhau. Năm 1966, cháu Hà Thảo Nguyên ra đời. Sinh ra chân tay khòng khèo, bác sĩ phải bẻ gãy để bó bột lại cho bình thường. Năm 1968, sau khi tham gia Tổng tấn công Mậu Thân, vào Đà Nẵng, bị thương trở về Căn cứ, lại lúc chị Thu mang bầu cháu thứ 2, năm 1969, tổ chức cho anh chị ra Bắc. Nhà thơ phải đục hai lỗ ba lô để hai chân Thảo Nguyên ra ngoài cõng đi suốt ba tháng theo dãy Trường Sơn. Mới ra đến Trạm Ho - Quảng Bình, ở cuối đường giao liên, chị Thu sinh cháu Hà Băng Ngàn. Tháng 12, 1982, mới 16 tuổi, đẹp như một thiên thần, Hà Thảo Nguyên mất sau mấy năm bị bệnh máu trắng bởi nhiễm chất độc da cam. Hà Băng Ngàn lớn lên cũng không có khả năng làm việc, vì cùng một nguồn cơn. Một mối tình nặng sâu nghĩa tình, đã kết thúc bằng nỗi đau không nói nên lời, như hàng vạn cựu chiến binh khác, kết quả của những mối tình đẹp nảy sinh và gìn giữ được qua bao thử thách chiến tranh là hàng vạn, hàng vạn sinh linh tật nguyền trong muôn hình thù quái dị. Tình cảnh bi thảm đó đã triệt tiêu khái niệm tình yêu trong nhiều đôi lứa. Trong một lá thư viết trên đường từ Matxcơva đi Ấn Độ cuối năm 1971, như để thanh minh cho những quan hệ mới của mình, Thu Bồn có viết : Anh có lãng mạn chút ít nhưng còn hơn là chẳng có tâm hồn. Em đừng bận tâm nhiều. Nhà thơ từng có kha khá những mối tình, nhiều mối tình còn lưu dấu trong những bài thơ, từng sống chính thức với hai người phụ nữ đã từng có gia đình, có con, nhưng do ám ảnh chất độc da cam trong mình, nên Thu Bồn không dám có thêm con. Đó cũng là lý do, nhà thơ đã đột ngột chia tay với một nhan sắc trẻ trung, tươi đẹp, mà đến Xuân Quỳnh, Dương Thu Hương, khi được nhờ đi đánh ghen cũng chịu đầu hàng.

Cái chút ít lãng mạn ấy, còn có lý do ở chính sức hấp dẫn của một người lính làm thơ, có vóc dáng tráng sĩ, lối sống phóng khoáng, luôn dám làm những điều mình muốn, với tất cả chân thành. Sau những năm chống Mỹ, còn lăn lộn với bộ đội làm kinh tế ở Khu V, chiến tranh biên giới phía Bắc, theo các cánh quân tình nguyện ở chiến trường Campuchia với hàng loạt trường ca, tiểu thuyết, truyện ngắn đặc sắc. Hình như câu thơ Chế Lan Viên ứng rất đúng cho trường hợp Thu Bồn: Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy/ Bên những Dũng sĩ diệt xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi.

Ngay trong những năm chiến tranh, với tư cách tác giả Bài ca Chim Chơ rao, được Giải thưởng Lotus (Bông sen) của Hội các Nhà văn Á- Phi, Thu Bồn nhiều lần có mặt trong các đoàn Nhà văn Việt Nam đi thăm nhiều nước. Với ưu thế của một nhà thơ, có khả năng ứng tác, trong nhiều buổi giao lưu với nhiều nhà thơ lớn quốc tế, phần trình diễn thơ của Thu Bồn luôn được bạn bè cỗ vũ, dù cùng đọc với K. Simônôp, Eptusen cô. TS Ai matôp, ở Nga, trước bà Thủ tướng Ấn độ Inđira Găngđi, hay Tổng thống Ăng gô la A. Nexto. Thơ Thu Bồn còn hào sảng vang lên trên đất Cu Ba xa xôi trong bài diễn văn của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu trích dẫn khi nói đến tình hữu nghị giữa hai quốc gia. Hai câu thơ trong bài Gửi lòng con đến cùng cha viết dịp Bác Hồ qua đời: Cho con núi rộng sông dài/ Cho con lưỡi kiếm đã mài nghìn năm từng được sinh viên Đô thị miền Nam lấy làm biểu ngữ trong các cuộc xuống đường. Bài Đà Nẵng gọi ta viết trước đêm xung trận năm Mậu Thân được ông Phạm Đức Nam, nguyên Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, từng đánh giá tác động cổ vũ của bài thơ đối với bộ đội có sức mạnh ngang một binh đoàn. Bài Tạm biệt Huế ngày nay vẫn có trong lời dẫn của các hướng dẫn viên du lịch ở Cố đô. một chuyện vui về thói quen tiếp đãi bạn bè rộng rãi của Thu Bồn. Hồi đầu về sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, Thu Bồn đã tự tay dựng nhà sàn ngay trong khuôn viên số 6 Đặng Thái Thân, làm nên một địa chỉ tụ bạ bạn bè văn nghệ, đến lúc thấy chật chội, với sự giúp sức của bạn bè, anh đã ra mua đất đồi hoang tận suối Lồ Ồ ở Bình An - Bình Dương. Lại tự tay xây nhà sàn, nhặt đá sỏi tạo nên một khuôn viên với cây cảnh, hoa lá thật đẹp, còn có nhà gìn giữ những đồ dùng, dụng cụ sản xuất, cồng chiêng, nhạc cụ các dân tộc Tây Nguyên, gợi nhớ một phần đời đã sống. Bạn bè coi đây là một Địa chỉ văn hóa, nhiều lần được giới thiệu trên Truyền hình cả nước. Ông bạn Phạm Lân, có lần đưa một đoàn Cựu chiến binh Mỹ ra thăm. Họ được chủ nhà tay dao tay thớt, đun nấu phục vụ một bữa ăn ngon lành. Đương nhiên, sau đó là chương trình văn nghệ. Có Thu Bồn đọc thơ, còn Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Duy, Trịnh Công Sơn, các ca sĩ quen biết hát hò. Một ca sĩ hát khá hay bài Tiếng đàn Ta lư của Huy Thục. Ngỡ là cũng bình thường. Nhưng nghe lời dịch, họ nghĩ nhà thơ là một kẻ hiếu chiến, vẫn còn đầy sắc máu chiến trận. Có lẽ đó là lý do, lần đầu đi Mĩ của Thu Bồn không được cấp Visa. Mấy năm sau, cùng nhà thơ Quang Huy, Thu Bồn cũng đã được đặt chân lên nước Mỹ, sau một đêm ngủ ngoài trời, mà nhà thơ gọi là khách sạn ngàn sao, vì lỡ chuyến bay, không người đón, hai nhà thơ lại không thạo tiếng Anh, không có phương tiện liên lạc như ngày nay, rồi cũng tìm được đến nơi cần đến, để đi thăm đó đây, trổ tài đọc thơ và cả tài nấu nướng chiêu đãi bạn bè, trong đó có nhiều cựu chiến binh. Với một nhà thơ chiến trận, đó là một cái kết không thể ao ước hơn.

Nhân đây cũng nên nói một chi tiết hơi không bình thường này. Không biết do những quy chế nào về các tiêu chuẩn, mà mặc dầu được được Giải thưởng Nhà nước, với Tuyển tập trường ca (gồm 10 trường ca) và tiểu thuyết 2 tập Dưới đám mây màu cánh vạc; Giải thưởng Hồ Chí Minh với 2 tiểu thuyết Chớp trắng, Vùng pháo sáng, tập truyện ngắn Dưới tro, điều đó đồng nghĩa, những tác phẩm chính làm nên danh xưng nhà thơ, mà xem ra phần này mới được nhiều người biết hơn, lại không có tên trong những tác phẩm được trao giải: Tre xanh, 1969; Mặt đất không quên, 1970; Một trăm bài thơ tình nhờ em đặt tên, 1992; Tôi nhớ mưa nguồn, 1999; Đánh đu cùng dâu bể, 2000.

Riêng tôi nghĩ, tác phẩm Thu Bồn như một cánh rừng nguyên sinh, ngoài những cây lá bình thường, nơi nào cũng có thể tìm thấy, còn có những loại đặc chủng, chỉ có thể có ở Thu Bồn, làm nên vị trí một nhà thơ, như lời đánh giá của Chủ tịch Hội Nhà văn - nhà thơ Hửu Thỉnh: Nhắc đến Thu Bồn, người ta nhắc đến một tài năng vạm vỡ, một sinh lực tràn đầy, một người triệt để trong ý nghĩ và hành động, một người phát quang để vượt lên phía trước.

N.T

VNQD
Thống kê