Nguyên chọn cách đi tàu SE, (kí hiệu mới của các đôi tàu chạy tuyến Bắc - Nam thay cho các đôi tàu Thống nhất trước đây), để trở về đơn vị cũ, họp mặt đồng đội, tại Bình Định như một cách ôn lại kỉ niệm. Bởi hồi những năm 1980, khi về phép thăm nhà hay trở lại đơn vị, lính ta thường đăng kí vé tàu qua các trạm khách quân đội. Phải đăng kí trước nhiều ngày. Đi tàu rẻ, nhanh và an toàn hơn các phương tiện khác. Nói là nhanh, nhưng cũng phải mất hai ngày một đêm hoặc hai đêm một ngày mới đi được hơn 900km chặng đường ga Thanh Hóa - ga Diêu Trì, Bình Định. Mệt mỏi nhất là phải chờ tránh tàu, chờ có thêm đầu máy đẩy qua đèo dốc, chưa kể đi vào mùa mưa bão còn có thể bị tắc đường, hành khách rầu ruột đứng ngồi không yên bên đoàn tàu im lìm, bất động hàng mấy ngày liền...
Tác giả cùng các giáo viên Trường Văn hóa Quân khu 5 về dự họp mặt kỉ niệm tại Bình Định. Ảnh: NVCC
Hồi đó, dù chiến tranh đã qua đi gần 6 năm, nhưng dấu tích vẫn còn hiện ra đây đó dọc tuyến đường tàu. Những đống vỏ đạn pháo, xác xe tăng của giặc chưa được dọn sạch làm phế liệu. Những nghĩa trang liệt sĩ nối tiếp nhau miên man, với vô số hàng bia mộ trắng xóa. Nhiều vùng đất còn hoang sơ, lúp xúp, cỗi cằn cây dại...
Trên tàu SE5, tiếng điểm nhịp của bánh tàu qua khớp nối ray, tiếng gió ù ù bên ngoài và nhịp đung đưa đều đều của con tàu đang lao về phía trước không làm Nguyên bận lòng về thời gian và quãng đường của hành trình. Kí ức của Nguyên đang ngược trở về hơn bốn mươi năm trước, về thời làm giáo viên Trường Văn hóa Quân khu 5.
Sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi qua 3 tháng huấn luyện sĩ quan dự bị tại Trường Sĩ quan Chính trị, đầu năm 1981, Nguyên được điều động vào Quân đội. Hàng trăm sinh viên tốt nghiệp Đại học Tổng hợp, Đại học Bách khoa, Đại học Y, Đại học Bưu điện Hà Nội... cũng khoác áo lính cùng đợt với Nguyên, hoặc là “sĩ quan có số”, nếu qua huấn luyện sĩ quan dự bị, hoặc là “lính nghĩa vụ”. Hàng chục người trong số đó được bổ sung cho lực lượng giáo viên các trường văn hóa quân đội.
Khi còn chiến tranh, Quân đội chỉ có trường văn hóa Bộ quốc phòng và trường văn hóa tại một số quân khu ở miền Bắc. Ngay sau ngày toàn thắng, giải phóng miền Nam, Quân đội đã thành lập hệ thống trường văn hóa ở các quân khu, quân đoàn trong toàn quân. Nhiệm vụ của các đơn vị thuộc “binh chủng mới” này là dạy các môn văn hóa theo chương trình bổ túc văn hóa của Bộ Giáo dục và luyện thi đại học cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng sẽ ra quân, chuyển ngành hoặc sẽ được đào tạo thành sĩ quan hay tiếp tục phát triển lâu dài trong quân đội.
Trường văn hóa quân khu, quân đoàn được biên chế tương đương cấp trung đoàn có đủ các phòng, ban chính trị, huấn luyện, hậu cần, quân lực... tất nhiên là có khoa giáo viên như ở trường học, tất cả tập trung cho việc thực hiện nhiệm vụ dạy và học trong môi trường quân đội, giáo viên, học viên đều là quân nhân, hành động theo điều lệnh.
Sau hơn 20 giờ trên hành trình tàu SE5, Nguyên đã đến ga Diêu Trì, Bình Định. Đồng đội cũ đưa ô tô chờ sẵn ở của ga.
***
Nơi họp mặt là địa điểm cũ của trường, một doanh trại đóng dưới chân đồi Tháp Bánh ít. Còn đó những ngọn tháp Chăm cổ kính, trầm mặc, kế bên là dòng sông Côn trong xanh, hiền hòa. Đây vốn là một hậu cứ của Sư đoàn 22 bộ binh Quân lực Việt Nam cộng hòa. Sau giải phóng, Trường tiếp quản căn cứ này, xây dựng thêm hội trường, khu hiệu bộ, phòng học, thư viện, sân bóng... và vẫn sử dụng lại những dãy nhà xây bằng gạch táp lô, lợp tôn làm nơi ở cho giáo viên, nhân viên, học viên các lớp.
Giờ đây, cảnh quan trường cũ chỉ còn lại những gốc cây đã thành cổ thụ. Đơn vị mới đã xây dựng nơi này thành một khu doanh trại khang trang, bề thế, xanh - sạch - đẹp. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị đón tiếp khách ở xa về chu đáo, thân thiết như người nhà.
Hồi còn Trường Văn hóa Quân khu 5, cán bộ, giáo viên, học viên tụ hội về đây theo nhiều đợt, tính ra tới cả hàng ngàn người, nay chỉ gặp lại khoảng chưa đầy hai trăm người. Vui sướng, hồ hởi khi ôm trong vòng tay đồng đội cũ, bâng khuâng, ngậm ngùi nghĩ về những người không bao giờ còn gặp lại.
Từ hồi ức của mình và chắp nối hồi ức của các lớp cựu binh Trường văn hóa Quân khu 5, Nguyên tìm lại được những năm tháng sôi động vốn đã lùi khá xa của mái trường này.
Các đồng chí Khoa Giáo viên Trường Văn hóa Quân khu 5 ngày ấy. Ảnh:
Ông Nguyễn Thượng Cần, năm nay tuổi ngoài bảy mươi, thuộc lớp giáo viên tiền bối của Trường Văn hóa Quân khu 5. Tốt nghiệp Đại học sư phạm Vinh, ông nhập ngũ năm 1972 là lính của tiểu đoàn pháo phòng không 37 li, chiến đấu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Khi vừa kết thúc chiến tranh, ông cùng những cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng từng tốt nghiệp đại học, từng dạy học trước khi nhập ngũ, đang ở các đơn vị chiến đấu được điều về trường làm giáo viên dạy văn hóa. Những năm đầu, (1976, 1977, 1978), Trường không chỉ có các lớp cấp 2, cấp 3, mà còn có cả lớp xóa mù chữ, lớp cấp 1 và lớp luyện thi đại học. Trường phải chọn học viên luyện thi đại học phụ dạy cho các lớp xóa mù chữ, lớp cấp 1, cấp 2. Lớp luyện thi đại học được giao cho những giáo viên dạy giỏi đảm nhận. Các thầy Lê Xuân Đồng, Trần Duy Phương dạy môn văn, Thầy Lê Văn Thiên dạy toán, thầy Nguyễn Thượng Cần dạy lí, thầy Phùng Cương, Lê Văn Hội dạy hóa, thầy Hoàng Bá Cương dạy sử... Mỗi năm có gần 100 học viên về trường luyện thi và tỉ lệ đỗ vào các trường đại học ngoài quân đội đạt tới hơn 90%. Người anh vợ của Nguyên, anh Trần Nhật Tường từng là học viên luyện thi đại học tại đây, anh thi đỗ vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng, rồi là kĩ sư làm việc cho Công ty hóa chất Đà Nẵng đến khi nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội. Trần Tố Nga, một chiến sĩ của Ban hậu cần, được học và tốt nghiệp cấp 3 tại trường, sau ra quân, theo học nghề y rồi về công tác tại Phú Yên...
Cựu chiến binh, cựu giáo viên Nguyễn Thượng Cần tâm đắc: việc trang bị vốn kiến thức văn hóa cho quân nhân trước khi xuất ngũ, chuyển ngành là chính sách tốt đẹp, thiết thực của quân đội, giúp rất nhiều anh chị em có điều kiện học nghề, lập thân, lập nghiệp sau này.
Không thể về dự cuộc họp mặt, những vị tướng từng là học viên của trường gửi lẵng hoa chúc mừng. Có 6 vị tướng từng học văn hóa tại đây rồi trưởng thành trong quân đội, đó là Trung tướng Nguyễn Trung Thu, Phó Tổng Tham mưu trưởng, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, Cục trưởng Cục tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, Thiếu tướng Nguyễn Viết Hoàng, Thiếu tướng Trương Hồng Quang, Phó Tham mưu trưởng, Thiếu tướng Võ Duy Chín, Thiếu tướng Đoàn Văn Nhất, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5.
Đồng chí Nguyễn Thượng Cần (bìa trái) cùng các giáo viên - cựu binh gặp lại nhau trong những kỉ niệm với mái trường năm xưa. Ảnh: NVCC
Về họp mặt, các cựu chiến binh hầu như mặc thường phục hoặc diện bộ quân phục mới màu xanh sẫm, ít thấy các loại quân phục cũ. Hồi về công tác tại trường, Nguyên thuộc lớp sĩ quan đầu được mặc quân phục kiểu K82, có mũ mềm, mũ kê pi và được phát giày da của Liên Xô, lính ta thường gọi là giày Cô - xư - ghin , “giày móng trâu”, bởi đế giày bằng nhựa đen dày, đi trên nền gạch, trên nền bê tông kêu cộp cộp. Sĩ quan ta mang quân hàm, quân hiệu đầy đủ, nom chỉnh tề, oai phong lắm, nhưng ... bụng thì lép. Đó là những năm thiếu đói về lương thực, thực phẩm trên cả nước, kể cả trong quân đội. Bữa ăn hàng ngày thường phải độn bằng hạt mạch hầm chín, hoặc bánh bột mì luộc. Thức ăn là một chút thịt hoặc cá và vài món rau. Nguồn rau xanh khá dồi dào, do cán bộ, nhân viên, giáo viên, học viên, sĩ quan, chiến sĩ đều được giao chỉ tiêu trồng rau nộp nhà bếp, thường là trồng rau muống hạt, dễ trồng, nhanh cho thu hoạch, năng suất cao. Nhà ăn bao giờ cũng để sẵn một thùng nước mắn pha nước muối, bên trên loáng thoáng váng sao mỡ phi hành, ai cần thì cứ múc thoải mái. Ngày thường, các thầy hay lấy loại nước mắm pha nước muối ấy về nấu một nồi rau hái từ vườn để dằn bụng vào buổi tối. Thi thoảng nghỉ chủ nhật hay ngày lễ, các thầy thay nhau đi chợ Phước Lộc, chợ Ngã ba cầu Ghềnh, chợ thị trấn Bình Định mua cá về cải thiện. Món cá ngừ nấu chua bằng lá giang ăn nhớ đời là thật, kiểu như ăn đặc sản bây giờ. Ngoài giờ làm việc, giờ sinh hoạt tập thể, nhiều thầy chịu khó tăng gia, chăn nuôi tạo thêm chất tươi cho bữa ăn. Thầy Thiểm (quê Thái Bình) nuôi gà lấy trứng, trồng cà chua, loại cà chua quả to ăn sống được. Thầy Giám (quê Hà Tây) nuôi vịt, thầy Hộ (quê Hòa Bình) trồng sắn dây, nuôi bò...
Vui nhất là khi hết học kì, hết năm học, các lớp làm món thịt chó, cũng đủ món, đủ gia vị như nhà hàng, mời các thầy đến dự liên hoan. Mang tấm áo mưa, bộ quần áo cũ hay một chú chó con đi vào khu dân cư là có thể đổi được một con chó to về thịt.
Dẫu đời sống của bộ đội còn thiếu thốn, nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ, giáo viên, học viên, nhân viên toàn trường đều sống những tháng ngày sôi động, ai cũng hết mình vì nhiệm được giao. Khoa giáo viên thường xuyên tổ chức thao giảng, dự giờ, sinh hoạt chuyên môn, kèm cặp học viên... Riêng việc làm đồ dùng dạy học được hầu hết giáo viên hào hứng tham gia. Giáo viên dạy các môn tự nhiên hầu như không chấp nhận “dạy chay” nên chế ra nhiều biểu bảng, dụng cụ rất bổ ích cho từng bài giảng. Nguyên cũng từng dùng bút màu vẽ nên tấm bản đồ “Các vùng dân ca Việt Nam”, dùng bìa các tông làm mô hình cấu tạo âm tiết tiếng Việt, lắp ghép các thành phần âm tiết trên dây thép căng ngang.
Phong trào thi đua dạy và học được dấy lên ở tất cả các trường văn hóa quân khu, quân đoàn trong toàn quân. Đỉnh điểm thi đua là kết quả các kì thi tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa. Trường Văn hóa quân khu 5 từng được xếp thứ nhất không dưới 10 lần.
Ngoài thời gian làm công tác chuyên môn, hầu hết giáo viên đều tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của khoa, của trường, (hiếm ai có lúc ngồi nhớ vợ mới cưới phát khóc như nhà thơ Nguyễn Hưng Hải, cựu sinh viên khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau về công tác tại Đài phát thanh - Truyền hình Phú Thọ). Khoa có một đội bóng đá, được dẫn dắt về kĩ, chiến thuật bởi đại úy Võ Xuân Thanh, quê Bình Định, Tổ trưởng Tổ Lí, sau là chủ nhiệm khoa, rồi chuyển ngành làm đến chức Giám đốc sở Thông tin truyền thông Bình Định. Anh Thanh không chỉ có phom cầu thủ mà còn đá bóng như một cầu thủ chân giày, hồi học đại học ở Rumani, anh khoái chơi môn này nhất. Trận nào thua, sẽ có vài ba cầu thủ đội nhà bị anh quy tội “đá dở ẹc”. Thầy Lê Xuân Đồng là một cầu thủ “to cây”, đùi dế, khi chạy trên sân, sở trường của thầy là... la to, ủi khỏe. Phan Ngọc Đoàn, cựu sinh viên khoa Toán, Đại học Tổng hợp Hà Nội cũng có dáng cầu thủ, “đẹp như Tây’, nhưng có năng khiếu với môn bóng chuyền hơn bóng đá. Khi không đủ người lập đội, một mình Đoàn chơi một bên sân, theo “luật” sân chỉ có một người được chạm bóng 3 lần.
Khoa giáo viên cũng là lực lượng nòng cốt của trường tham gia Hội diện văn nghệ quần chúng của Quân khu. Không có giọng hát hay thì hát tốp ca, diễn kịch. Tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên đều do giáo viên trong khoa đảm nhiệm, đúng kiểu “cây nhà lá vườn”, thế mà vẫn giật được giải cao.
Các đồng chí giáo viên sau một trận đấu bóng chuyền. Ảnh: NVCC
Sau hàng chục năm gặp lại, nhiều cựu học viên vẫn nhắc nhớ, hỏi thăm về những giáo viên dạy học cho mình thời ấy. Thay vì gọi “đồng chí giáo viên” như hồi học ở trường, bây giờ, các anh gọi là “thầy, cô”. (Trước đây, khoa giáo viên có một số giáo viên nữ là Thu Ngọc, Xuân Lịch, Thanh Tâm, Việt Hồng, Minh Châu... tuyển từ Đại học Quy Nhơn, Đại học Huế về trường. Những cái “tên con gái” cùng trang phục váy áo dân sự quả có làm cho lính ta... nhuần nhị hơn đấy). Trong kí ức các anh, mãi sáng đẹp, thân thương hình bóng người thầy. Thầy Ngô Chính Cát, Chủ nhiệm khoa, nhưng vẫn dành thời gian dạy môn văn, dự giờ giáo viên khác. Thầy sắc sảo mà điềm đạm, nghiêm khắc mà bao dung. Giờ giải lao, học viên thích quây quần bên thầy. Cô Thanh Tâm lên lớp những giờ đầu rất run nhưng rồi cũng quen. Học viên mến cô bởi cô tính hồn nhiên, vô tư ít thấy ở một nhà sư phạm. Học viên mong đến giờ dạy của cô, bởi chỉ có ít giờ được học với cô giáo, toàn thầy dạy thôi.
Năm 1988, Trường chuyển ra Hòa Cầm, Đà Nẵng, trở thành Khoa văn hóa của Trường Quân sự Quân khu. Khoa văn hóa được duy trì đến năm 2010 thì giải tán, hoàn thành “sứ mệnh lịch sử” và... “lặn vào lịch sử” như các trường văn hóa khác trong toàn quân, khi hầu hết lớp lính trẻ bây giờ đều đã tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đại học.
***
Dưới bóng cây phượng già tỏa bóng xanh mát trên nền sân trường cũ, những cựu giáo viên, học viên trao nhau vòng tay bịn rịn, những nụ cười nhuốm nỗi buồn xa xăm. Hẹn gặp lại vào cuối năm 2025, dịp kỉ niệm 50 năm thành lập Trường Văn hóa Quân khu 5.
“Hội ngộ rồi chia li, cuộc đời vẫn thế!”. Nguyên nhớ đến câu hát ấy lúc sắp phải chia tay đồng đội. Theo thời gian, ngày một vơi dần hình bóng “những người thầy mặc áo lính” thuở nào. Nhưng tất cả vẫn còn, vẫn mãi lung linh trong kí ức, trong hoài niệm của Nguyên, của những ai từng sống, từng gắn bó một thời dưới mái trường văn hóa Quân đội.
NGUYỄN HỒNG SƠN
VNQD