Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 832 (đầu tháng 11/2015)

Thứ Hai, 02/11/2015 10:29
logochuan6 - Đối thoại số 832 là cuộc trò chuyện về một đơn vị đặc biệt – Tổng cục Tình báo. 70 năm hình thành, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Tình báo Quốc phòng Việt Nam là một hành trình dài ôm chứa những câu chuyện không phải lúc nào cũng có thể công bố rộng rãi.

“Muốn biết địch thì phải có tình báo giỏi. Muốn địch khỏi biết ta cũng phải có tình báo giỏi”, nhưng tình báo cũng không phải là những gì to lớn cao siêu, tình báo là một khoa học. “Người làm tình báo ắt phải có 4 đức tính: Bí mật. Cẩn thận, Khôn khéo. Kiên nhẫn.”. Những lời căn dặn năm xưa của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho các chiến sĩ tình báo đã được vận dụng như thế nào là một phần cuộc trò chuyện mà các nhà văn quân đội cùng trao đổi với Chính ủy Tổng cục 2 – Trung tướng Dương Xuân Vinh.

Phần văn xuôi với chùm truyện ngắn “Nhan sắc ngày xưa” của Nguyễn Tham Thiện Kế; “Quả tim của Modigliani” của Hạo Nguyên; “Áo gấm của Bần” của Lại Văn Long. 

“Áo gấm của Bần” tiếp tục đánh dấu sự hiện diện của tác giả từng đoạt giải nhất truyện ngắn Báo Văn nghệ với “Kẻ sát nhân lương thiện” - nhà văn Lại Văn Long. “Cái gì là của mình thì sẽ là của mình, cái gì không thuộc về mình thì mãi mãi không thuộc về mình” có thể là điều rút ra của ai đó sau khi đọc truyện. Anh Bần bắt được chiếc áo gấm chỉ dành cho vua quan và người được trọng vọng trong xã hội bên bờ biển để từ nó anh tìm cách đổi đời, và thực sự đã có vài cơ hội để làm việc đó. Chiếc áo không làm nên thầy tu cũng là một cách gần hơn để nói về chiếc áo gấm của Bần để rồi cuối cùng anh lại trở về cuộc sống bần hàn cơ cực, yếm thế với sự chế giễu của dân làng như xưa bởi sự lười nhác, không chịu lao động, chỉ tin vào thiên cơ nhìn vịt trời cứ nghĩ vịt nhà mình của anh.

“Quả tim của Modigliani” dẫn người đọc lạc vào một không gian kì ảo, những mảnh đời chấp chới, những giấc mơ của day dứt về cách sống, về sự hiện diện của mỗi cá thể trên cõi nhân sinh biến ảo trong mối tương quan giữa thể xác và linh hồn. Tác giả dẫn dụ người đọc về bên một xóm trọ bên sông Hương của đất Huế. Huế kì bí, Huế của tâm linh, của những lăng tẩm đền đài, bởi thế những nhân vật cũng như được “tẩm ướp” một đời sống tinh thần của những trầm tích văn hóa, khát khao về một sự vĩnh hằng. Tác giả Hạo Nguyên đến từ Đà Nẵng, là “người mới” của VNQĐ, và cùng đến với  anh cũng là một giọng điệu mới, kì ảo mà vẫn không tách rời cuộc sống.

Ở “Nhan sắc ngày xưa” Nguyễn Tham Thiện Kế tiếp tục thể hiện sự “chơi văn” của anh trong những tỉa tót, chạm khảm tỉ mẩn đến từng con chữ, nhưng lần này là với đề tài tưởng như khá xa lạ giữa nội dung và thi pháp: chiến tranh cách mạng. Bằng những đồng hiện, những trà trộn của một nhà ảo thuật, xưa và nay cứ bện xoắn, chằng níu trong một ma trận chữ, dẫn dụ câu nhử người đọc đến những dòng cuối cùng.

 
Bìa VNQĐ số 832

Từng một thời, những nhân vật từ cuộc chiến đi ra mang theo nỗi ám ảnh chiến trường, đồng đội, sự hi sinh, được mất xuất hiện dày đặc. Một truyện ngắn như thế của nhà văn Vũ Thị Hồng sẽ xuất hiện trong chuyên mục “Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” với một nhân vật nữ.

Trong tiết cuối thu se lạnh, tản văn “Rét về nghe sương muối vỗ tay” như một gạch nối giao mùa để những người yêu sống chậm lắng lại những xúc cảm về một vùng quê núi của nhà văn Y Phương, nơi mà thế giới phẳng chưa chạm đến. 

Phần thơ vẫn tiếp tục dành phần lớn dung lượng giới thiệu sáng tác của các tác giả dự thi cuộc thi thơ với các chùm thơ của Huỳnh Minh Tâm, Vi Thùy Linh, Trần Sang, Nguyễn Ngọc Tung, Lê Thanh My, Vũ Thiên Kiều, Nguyễn Thị Kim Nhung… VNQĐ số này giới thiệu một gương mặt thơ nữ sinh ở đầu bắc Tây Nguyên, hiện sống ở đầu nam Tây Nguyên - tác giả Hồng Thủy Tiên với chùm 3 bài thơ “Những bông hoa dạy tôi…”, “Như giọt sương đã trĩu dần và rơi”, “Phiên bản”. 

Mở đầu phần bình luận văn nghệ độc giả sẽ nhận được những dẫn giải thấu đáo về thái độ cực đoan trong cả sáng tác và phê bình thơ cách tân trong mục “Diễn đàn văn nghệ” của tác giả Hoàng Hoàng Phố. Một trong những lí do cần một thái độ đúng đắn trong sáng tác và thẩm bình thơ cách tân theo tác giả là, độc giả hôm nay đã có bước trưởng thành đáng kể, họ không chỉ thẩm định thơ mà còn thẩm định cả… phê bình, sẵn sàng đối thoại, phản biện, vì vậy nếu gặp kiểu phê bình vô lối, cực đoan họ sẽ sẵn sàng lên tiếng. 

Nhìn Hà Nội như một địa chỉ sống và một địa chỉ văn chương, nhà phê bình Đoàn Ánh Dương nhận định: Hà Nội trong văn chương hiện đại hiện lên ở ba mẫu hình vừa đứt đoạt vừa tiếp nối: sự phát hiện ra không gian đô thị Hà Nội trước 1945; chủ đề quê nhà và tha hương với cảm hứng hòai niệm về Hà Nội sau những biến thiên của lịch sử từ năm 1954; sự trở lại của không gian đô chị Hà Nội trong mang lưới các đô thị tòan quốc, và phần nào đó là toàn cầu, từ sau 1986. Anh nhìn nhận “truyện ngắn Hà Nội chia sẻ chung ước muốn, niềm tin về một Hà Nội vươn ra xa rộng để trở thành một thành phố đáng sống và vươn sâu vào tâm cảm nhà văn để trở thành một thành phố đáng viết”.

TS Đỗ Hải Ninh cho rằng, khả năng hư cấu như một đổi mới trong hành trình của tiểu thuyết Việt đương đại. Theo chị, khả năng hư cấu của tiểu thuyết cũng cho thấy tầm vóc của mỗi nền văn học và sự tương thích với các nền văn hóa khác. Và chị cho rằng, những bút pháp hư cấu ngày càng được những người viết tiểu thuyết Việt sử dụng nhiều và thành thục, vì thế có thể nói, tiểu thuyết Việt đang dần có những bước phát triển vững chắc, phù hợp với xu thế chung của tiểu thuyết đương đại thế giới.

Chuyên mục “Từ nguyên mẫu đến nhân vật” xuất hiện vào các số đầu tháng cho bạn đọc tìm hiểu thêm những câu chuyện hậu kì phía sau mỗi tác phẩm. Lần này tác giả Nguyễn Phú kể về những nguyên mẫu ở vùng biên giới Hà Giang trong truyện ngắn “Đồi lau sau hoa tím” từng đoạt giải Văn nghệ Quân đội của anh với những câu chuyện cắc cớ, sự trùng hợp đến khó tin giữa nhân vật và nguyên mẫu sau đó khiến chính tác giả cũng ít nhiều day dứt. 


Văn
Phùng Văn Khai
Trung tướng Dương Xuân Vinh - Chính ủy Tổng cục II: Luôn thấm nhuần sâu sắc những lời dạy của Bác Hồ 
Hạo Nguyên
Quả tim của Modigliani
Đỗ Thị Hồng Vân
Trong hang ổ cướp biển (Tiếp theo số trước)
Nguyễn Tham Thiện Kế
Nhan sắc ngày xưa
Y Phương
Rét về nghe sương muối vỗ tay
Lại Văn Long
Áo gấm của Bần 
Vũ Thị Hồng
Những giấc mơ có thực 


Thơ
Nguyễn Thị Kim Nhung
Đỉnh mưa; Tháng Mười 
Nguyễn Ngọc Tung
Ô cửa mây bay; Về miền khói trắng 
Huỳnh Minh Tâm
Gác mái chèo đầu sóng; Gió vẫn thổi trên cây me hiên nhà; Chùm trái nở ra ánh sáng 
Vi Thùy Linh
Phóng sinh; Rửa mặt trên Himalaya 
Trần Sang
Giấc mơ trên cánh đồng; Hành trình
Đỗ Tấn Đạt
Không cần online đâu em; Những đứa trẻ Hiền Lương  
Vũ Thiên Kiều
Thế giới mini; Riêng cháy rực trầm em
Lê Thanh My
Những cựu binh già; Bỗng nở; Đêm ướt 
Inrasara
Hạt mùa mới; Từ góc quán cà phê 
Hữu Ước
Chim bìm bịp; Em hát 
Hồng Thủy Tiên
Những bông hoa dạy tôi;
Như giọt sương đã trĩu dần và rơi; Phiên bản 


Bình luận văn nghệ
Hoàng Hoàng Phố
Về thái độ cực đoan trong sáng tác và phê bình thơ
cách tân 
Đỗ Hải Ninh
Khả năng hư cấu và hành trình đổi mới của tiểu thuyết Việt Nam đương đại 
Đoàn Ánh Dương
Truyện ngắn Hà Nội - Diễn trình, đặc điểm và động hướng 
Nguyên Thanh
Tính hiện đại của một tập sách
Sơn Khê
Phim làm lại - quen mà lạ 
Nguyễn Phú
“Đồi lau sau hoa tím” những mảnh ghép kí ức 
VNQD
Thống kê