Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 834 (đầu tháng 12/2015)

Thứ Năm, 03/12/2015 09:02
bbbbb - Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 834 (đầu tháng 12/2015) được mở đầu bằng bài đối thoại giữa phóng viên tạp chí với ông Kiều Cư, Bí thư thành ủy Hội An, xung quanh những giá trị văn hóa và sự phát triển của thành phố, đặc biệt là khu phố cổ Hội An - một điểm đến hấp dẫn nằm trong tam giác di sản văn hóa thế giới Huế - Hội An - Mỹ Sơn.
 
Phần Văn xuôi giới thiệu bút kí Tình người nơi vùng quan tái của Nhâm Hồng Hắc, tản văn Nghề lầm lũi của Tạ Duy Anh, các truyện ngắn Bác sĩ phân viện  của Chu Văn Nghiêm, Sắc không, không sắc của Nguyễn Trí và Tiếng thở dài của Tru Sa.
 
Tình người nơi vùng quan tái dẫn dụ người đọc theo chân những người lính biên phòng để cùng chạm vào không gian văn hóa xứ sở bưng biền Tây Nam, nơi mà cư dân nơi đây coi việc tham gia giữ gìn, bảo vệ chủ quyền bờ cõi quốc gia là một “lẽ tự nhiên”, nơi mà những thảo thơm nghĩa tình Việt Nam - Campuchia đang ngày càng được bồi đắp, thơm xanh như bãi bờ phù sa mà dòng Mê Kông đêm ngày tưới đọng.
 
Nghề lầm lũi đưa người đọc tìm về kí ức tuổi thơ trong lành nơi làng quê thanh bình thuần hậu để cùng trải nghiệm thú vị nghề trúm lươn, một nghề “không có đồng nghiệp”, một nghề gội sương tắm bùn, lầm lụi như vạc nhưng giàu sức hấp dẫn bởi sự bí ẩn của nó, bởi những bài học, triết lí về nhân sinh từ nó.
 
Bác sĩ phân viện, với giọng văn hóm hỉnh, mở ra không gian bản Máo Của, cái bản mà trông xa như chiếc lá vàng rơi bị vướng vào vách đá chênh vênh trên dãy Hoàng Liên Sơn chót vót bốn mùa mây phủ, ở đó có người bác sĩ phân viện giàu y đức cùng vốn kinh nghiệm được tích nạp từ những ngày chiến trường và câu chuyện làm ơn suýt mang oán của anh ta, khi bệnh nhân là… người yêu cũ.
 
Sắc không, không sắc là câu chuyện ngổn ngang bộn bề của xã hội miền Nam sau giải phóng. Hơi men làm phấn khích, các nhân vật tự phơi mở những bí mật cuộc đời, những khóc cười nhân thế, những bi hài thời cuộc. Đời vốn vô thường, “sắc không, không sắc”, của cải trần gian có đó mà không có đó, con người nên quẳng gánh hận thù đi mà vui sống, mà nâng dìu nhau qua kiếp nạn cuộc người.
 
Tiếng thở dài kể câu chuyện một người đàn ông thành đạt bỏ tiền ra thuê một chàng trai mỗi tuần một lần, tại quán cà phê ấy, ngồi nghe ông ta nói những thứ vụn vặt, lung bung không đầu không cuối. Trang phục sang trọng, chiếc ví dày cộm, hay chiếc xe hơi sành điệu, tất cả không ngăn được những tiếng thở dài buồn mênh mang của ông ta. Bản chất của con người là cô đơn. Tiền không mua được hạnh phúc.
 
“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” kì này là Hoang vắng trùng khơi của Đinh Hữu Trường. Tác phẩm đưa người đọc ra mênh mông đại dương, giữa cái dữ dằn và thơ mộng của trời nước để chứng kiến câu chuyện đầy kịch tính giữa một ông bố dượng và một đứa con riêng của người vợ đã mất. Một người đối diện khoảng trống tuổi chưa già đang rần rật cuồn cuộn sinh lực. Một người như vầng trăng mười sáu cứ vô tư, an nhiên, tin cậy tròn đầy. Ranh giới giữa “con” và “người” mong manh hơn cả sợi tóc…
 
Phần Thơ số này là những thi phẩm suy tư về người lính, về những không gian lịch sử - văn hóa cùng muôn mặt đời thường, chủ yếu là của các tác giả tham gia dự thi Thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2015 - 2016.
 
Nhân vật “Văn nghệ Quân đội giới thiệu” kì này là nhà thơ Nguyễn Hồng Hải.
 
Trang “Diễn đàn văn nghệ” đăng tải bài viết Sự thật hay ngụy tạo? của Phạm Duy Nghĩa. Bài viết là những phản biện mang tính chiến đấu cao đối với những người sản xuất ra cái gọi là bộ phim tài liệu (DVD) có tên Sự thật về Hồ Chí Minh, sản phẩm được chủ trương bởi “Phong trào quốc dân đòi trả tên Sài Gòn”, ra đời tại cộng đồng người Việt ở Mĩ vào tháng 7 năm 2009.
 
Bài viết Văn học và những cuộc dịch chuyển hệ hình mĩ học của Đỗ Lai Thúy tái dựng đường đi của mĩ học, đó là những cuộc dịch chuyển từ mĩ học của cái đẹp (mĩ học quy phạm) thời tiền hiện đại đến mĩ học của cái siêu tuyệt (mĩ học thiên tài) thời hiện đại rồi đến mĩ học của cái khác (mĩ học trò chơi) thời hậu hiện đại. Ba hệ hình mĩ học này đã ảnh hưởng đến văn học với tư cách là nghệ thuật ngôn từ và được cụ thể hóa ở mỗi thể loại văn học.
 
Tô Hoài – gương mặt kí xuất sắc thời kì Đổi mới của Lê Dục Tú, Thơ và những ngả đường tự do của Thanh Thảo, Tản mạn văn, nhạc, họa của Nguyễn Thị Ngọc Hà, Một thoáng chân dung tâm hồn đàn bà Việt của Trần Thị Trâm là những bài viết đáng chú ý khác có trong phần Bình luận văn nghệ.
 
“Từ nguyên mẫu đến nhân vật” số này là những chia sẻ thú vị của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn về quá trình tạo dựng nhân vật trong tiểu thuyết Lửa đắng của mình.

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 834 (đầu tháng 12/2015) dày 120 trang với nhiều tranh, minh họa đẹp, dự kiến sẽ ra mắt bạn đọc cả nước ngày 05/12/2015. Mời quý vị đón đọc.
 
834

Văn
Nguyễn Mạnh Hùng
Bí thư Thành ủy thành phố Hội An: Cư dân Hội An đã được “thử lửa” văn hóa  
Chu Văn Nghiêm
Bác sĩ phân viện  
Nhâm Hồng Hắc
Tình người nơi vùng quan tái  
Nguyễn Trí
Sắc không, không sắc  
Tạ Duy Anh
Nghề lầm lũi  
Đinh Hữu Trường
Hoang vắng trùng khơi  
Tru Sa
Tiếng thở dài  
 

Thơ
Nguyễn Phan Quế Mai
Giữa cánh đồng Xiêng Khoảng;
Lá thư viết bằng gió biển  
Nguyễn Minh Khiêm
Bóng mẹ trong quầng lửa; Những con bướm   
Trần Thu Hà
Mặt trời không lặn  
Phạm Vân Anh
Bình minh lính biển; Những người lính áo rêu;
Từ bức tranh vẽ dở  
Trương Thị Bách Mỵ
Tạm biệt sông Thu; Ngọn đèn dầu trổ bông  
Lê Hòa
Chuyến xe mùa đông còn sống sót; Bức tường vôi xỉn  
Chung Tiến Lực
Đá Vị Xuyên   
Trần Ngọc Mỹ
Cuối  
Nguyễn Việt Chiến
Rất có thể chúng căm thù ánh sáng  
Ngọc Bái
Những gương mặt bạn bè; Mùa Sa Pa kiều diễm  
Lưu Tuấn Kiệt
Lời chim  
Nguyễn Thành Tuấn
Ông lão bẫy chim ngói đồng Tam Thiên Mẫu;
Rời làng  
Nguyễn Hồng Hải
Ngã tư; Gió đêm ở Quảng Trị;
Giấc mơ về ngôi nhà cũ   
Nguyễn Giúp
Hạ du; Khúc Thu Bồn  
Hữu Nhân
Sen tàn mùa hạ; Lột giày  
Trần Thị Hồng Hạnh
Sang mùa   
Đặng Cương Lăng
Thế chữ; Kẽ hở thời gian   
 

Bình luận văn nghệ 
Phạm Duy Nghĩa
Sự thật hay ngụy tạo?  
Đỗ Lai Thúy
Văn học và những cuộc dịch chuyển hệ hình mĩ học     
Lê Dục Tú
Tô Hoài - gương mặt kí xuất sắc thời kì Đổi mới   
Thanh Thảo
Thơ và những ngả đường tự do  
Nguyễn Thị Ngọc Hà
Tản mạn văn, nhạc, họa  
Trần Thị Trâm
Một thoáng chân dung tâm hồn đàn bà Việt  
Nguyễn Bắc Sơn
Lần đầu tiên một nhân vật tiểu thuyết có chức danh này  
VNQD
Thống kê