Hồi còn là sinh viên trường Đại học Sư Phạm Hà Nội những năm giữa thập kỉ 70 của thế kỉ trước, chúng tôi có một Câu lạc bộ thơ hơn chục thành viên, chủ yếu là sinh viên khoa Văn, hoạt động dưới sự giúp đỡ tích cực của lãnh đạo khoa Văn, đặc biệt là các thầy Lê Trí Viễn, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Đình Chú…Câu lạc bộ Thơ sinh viên của trường thường xuyên có những cuộc giao lưu với các nhà thơ quân đội như Hữu Thỉnh, Anh Ngọc, Văn Thảo Nguyên, Trần Đăng Khoa…Hầu hết các thành viên của Câu lạc bộ lúc bấy giờ đã có thơ đăng rải rác ở các báo. Câu lạc bộ Thơ Đại Học Sư Phạm được báo Hà Nội Mới giới thiệu cả một trang thơ hẳn hoi. Ngày ấy được như vậy là vinh dự lắm. Chúng tôi còn kết bạn với các tác giả trẻ bên Đại học Tổng hợp như Hoàng Nhuận Cầm, Vĩnh Quang Lê…Đôi khi thức đêm trên gác thượng nhà A7 đọc thơ, hút thuốc lào với Hoàng Nhuận Cầm. Nhiều chủ nhật cùng nhau đạp xe ra các báo ở Hà Nội, hoặc đến chơi thăm nhà riêng các nhà thơ Xuân Diệu, Khương Hữu Dụng, Hoài Anh, Ngô Xuân Miên…
Thấm thoát đã ba chục năm. Mỗi người trong cái Câu lạc bộ be bé ngày xưa bây giờ mọi chuyện dường như đã an bài. Có người chuyên tâm vào làm khoa học, làm quản lý như các anh Bùi Mạnh Nhi, Nguyễn Chí Bền…Bùi Mạnh Nhi thi thoảng vẫn công bố thơ trên một vài tạp chí. Có người vừa dạy học, làm báo mà vẫn làm thơ như Trần Hòa Bình. Có người thôi dạy học chuyển qua nghề khác, nhưng lại làm thơ tích cực như Nguyễn Thị Mai…Họ đã đóng góp và có lẽ có cơ hội đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục, khoa học và văn học nước nhà.
Riêng tôi, không thể quên một kỉ niệm nho nhỏ về bài thơ đầu tiên được in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội. Đó chính là bài thơ lục bát “Tháng ba hẹn ước”, được giới thiệu trên số báo Xuân năm 1977. Một bài thơ duyên dáng, có vẻ dễ thương. Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh biên tập, không phải sửa chữa gì lại còn khen là khá. Tòa soạn trả nhuận bút hai chục đồng, kèm theo sáu tháng báo tặng. Thế là to lắm đấy, bằng một tháng phụ cấp sinh viên thời bao cấp còn gì. Sướng nhất là được các anh trong tòa soạn động viên khích lệ.
Tôi dạy học ở Thái Bình hơn mười năm, rồi bồng bế gia đình vào Tây Nguyên, tiếp tục dạy học và cuốc rẫy với hi vọng làm mới cuộc đời của mình. Thi thoảng về quê, gặp lại bạn cũ. Có người thấy tôi là đọc ngay mấy câu trong bài Tháng Ba hẹn ước: Bởi sông chưa bắc được cầu/ Nên chỉ nỗi nhớ đỏ màu phù sa…Lòng anh ngập nắng tháng ba/ Mắt em đọng những câu ca chào mời…Sau mười mấy năm mới gặp lại nhà thơ Kim Cuông ở Hội Văn nghệ Thái Bình ngỡ ngàng, chưa kịp nhớ tên mà hỏi ngay: “Ông là tác giả bài Tháng Ba hẹn ước!”. Vào Tây Nguyên, tôi có thêm nhiều đồng nghiệp mới từ khắp mọi miền đất nước tụ hội về đây. Rất nhiều người yêu thơ, say thơ, thậm chí mê thơ. Tôi lại có dịp mang bài thơ Tháng Ba hẹn ước đã in ở tạp chí Văn nghệ Quân đội ra khoe. Gần hai mươi năm rồi mà mới đây có cuộc hội ngộ, nhiều bạn đã đọc vanh vách những câu thơ lục bát của tôi một cách hào hứng, khiến tôi xiết bao cảm động, hóa ra bài thơ của tôi vẫn sống trong lòng bạn đọc. Điều ấy chẳng đáng sung sướng và tự hào sao?
Kể lại chuyện này, chẳng có ý gì khác ngoài lòng biết ơn các anh Phạm Ngọc Cảnh, Văn Thảo Nguyên và các anh trong ban biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội, những người đã khích lệ chúng tôi trên con đường văn chương chữ nghĩa nhọc nhằn. Gần đây có ý kiến cho rằng thơ trong buổi thông tin mau lẹ hoặc trong nền kinh tế thị trường này dường như đã mất vịn trí được tôn vinh của nó…Nhưng tôi biết ở vùng cao nguyên nhiều nắng nhiều gió này, thơ vẫn chưa đến mức bị coi là phù phiếm. Rất nhiều người mà nghề nghiệp chẳng dính dáng gì đến thơ văn cả nhưng lại rất mê thơ. Họ thuộc nhiều thơ, kể cả thơ tiền chiến, lại có những nhận xét bình giải hay đến bất ngờ. Nhiều thầy giáo về hưu vẫn mê mẩn với thơ, đạp xe đến chục cây số đến thăm bạn hữu chỉ cốt đọc cho nhau nghe những bài thơ mới viết. Có lẽ người Việt Nam chúng ta sống không thể thiếu thơ, cho dù cuộc sống có đổi thay thế nào đi nữa. Tôi cho rằng “đời không thơ chỉ còn chuyện không uống ăn!”.
VŨ BÌNH LỤC