Cảm thức về nỗi đau thân phận trong tiểu thuyết Quyên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ

Thứ Tư, 25/07/2012 10:39
Những năm gần đây, văn học Việt Nam phong phú và đa dạng hơn bởi sự góp mặt của một số tác giả văn học hải ngoại như: Nguyễn Mộng Giác, Minh Thùy, Lê Ngọc Mai, Lê Minh Hà, Thế Dũng, Thuận, Đoàn Minh Phượng, Phạm Hải Anh, Lê Thị Cẩm Phụng… Đều là những người con sống xa quê hương, cầm bút như một nhu cầu sẻ chia những nếm trải của đời và cũng là tâm sự về chính đời mình của các tác giả này. Họ gìn giữ những kỷ niệm cuộc đời ngay trong tác phẩm và dù viết về vấn đề gì, từ đâu, cảm thức tha hương luôn là vấn đề ám ảnh trong những trang văn của họ dù ít hay nhiều. Hòa trong dòng chảy những nhà văn xa xứ, Nguyễn Văn Thọ, bên cạnh đề tài viết về chiến tranh, tha hương đã trở thành cảm thức tạo nên diện mạo văn xuôi của ông. Vốn sinh ra không xác định gắn mình với nghiệp văn chương nhưng rồi văn chương lại đến với Nguyễn Văn Thọ như một duyên nợ. Chính đời sống bề bộn, ngột ngạt luôn hối thúc bắt buộc ông không thể nào không cầm bút mà ghi lại. Dù viết về đất mình hay nước người, Nguyễn Văn Thọ đều viết với tâm thế của một người trong cuộc, từng trải, quan sát và chiêm nghiệm thể hiện cách nhìn nhận cuộc sống một cách sâu lắng và trầm tĩnh. Sáng tác của Nguyễn Văn Thọ đều thể hiện tinh thần lao động miệt mài, nghiêm túc. Khi một tác phẩm – “đứa con tinh thần ra đời” là ông “như vơi đi một chút sự mắc nợ”. Chính bằng sự trăn trở đau đáu đó, Nguyễn Văn Thọ đã đem đến cho người đọc những trang văn ngồn ngộn biến cố về cuộc sống mưu sinh của người Việt di dân tới Đức được cô đặc trong tiểu thuyết Quyên. Sự ra đời của tiểu thuyết Quyên (Đạt giải Nhì - cuộc thi tiểu thuyết 2006-2009 của Hội Nhà văn Việt Nam) đã gây được tiếng vang, thu hút sự chú ý của nhiều bạn đọc trong nước cũng như ngoài nước (Đức), đồng thời cũng khẳng định thêm một lần nữa sự đột phá của Nguyễn Văn Thọ trên con đường văn chương, đúng như ông kì vọng với tiểu thuyết Quyên: “xin góp một giọt nước hòa vào mạch chảy văn học sinh ra sau di dân, cụ thể hơn là của người Việt trên toàn cầu hôm nay đang viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh, Pháp, Đức hòa trong thế giới toàn cầu làm thành con sông DÒNG VĂN CHƯƠNG ĐƯƠNG ĐẠI VIỆT NAM” [6, tr. 446].

Tiểu thuyết Quyên tựa bức tranh tái hiện khốc liệt về cuộc đời, số phận của những người mưu sinh xa xứ, khiến người đọc không khỏi xót xa, ngẫm ngợi. Từ cảm thức về nỗi đau thân phận, trong bài viết này, người viết đi tìm thông điệp nghệ thuật ở kiểu Con người vô tăm tích trong tiểu thuyết Quyên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.

Phản ánh, khám phá hiện thực đời sống là thuộc tính của văn học nên bất kì một tác phẩm nào cũng là sự khúc xạ từ những vấn đề trong cuộc sống. Đó có thể là những xúc cảm, rung động hay tư tưởng, quan điểm của nhà văn trước cuộc sống, nó luôn náu mình trong những hình tượng nghệ thuật của tác phẩm mà tập trung trước hết ở các nhân vật. Vì “nhân vật văn học nào cũng biểu hiện cách hiểu của nhà văn về con người theo một quan điểm nhất định và qua các đặc điểm mà anh ta lựa chọn” [5. tr. 65].

Nhân vật Hùng và Dũng trong tiểu thuyết Quyên là một kiểu quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn Nguyễn Văn Thọ - con người “vô tăm tích”. Quan niệm này đã lí giải về “con người sống và chết vô tăm tích” của nhà văn. Nếu con người sống mà từ chối gốc gác, nguồn cội hay sống chỉ còn bản năng – “Con”, không có tình người thì dù sống hay chết cũng chỉ là loại người “vô tăm tích”. Sự Vô tăm tích chủ động tự xóa nhòa dấu vết – làm mất căn cước của chính mình như Hùng và sự Vô tăm tích bị động như trường hợp của Dũng.

Trong tham luận tại Tọa đàm về tiểu thuyết Quyên, nhà văn Di Li tỏ ra rất tâm đắc hình tượng những con người “vô tăm tích” vì theo nhà văn lần đầu tiên được đề cập đến trong văn học. Di Li đã dùng lý thuyết về “Thứ bậc nhu cầu của con người” của nhà tâm lý học người Mỹ Abraham Maslow để soi chiếu Quyên. Chị chứng minh những nhân vật trong Quyên bị đẩy vào con đường cùng, bị tước đoạt hết các nhu cầu, chỉ còn lại nhu cầu bản năng nguyên thủy để rồi đi đến chỗ vô tăm tích... Chị cho rằng, con người luôn băn khoăn với câu hỏi sinh ra từ đâu, sẽ đi về đâu, Quyên của Nguyễn Văn Thọ đã đi tìm câu trả lời cho băn khoăn muôn thuở đó. Nếu nhân vật trong Quyên bị đẩy vào con đường cùng, bị tước đoạt hết các nhu cầu, chỉ còn lại nhu cầu bản năng nguyên thủy để rồi đi đến chỗ “vô tăm tích” như Di Li đã đề cập còn có kiểu người sống mà từ chối gốc gác, nguồn cội hay nói cách khác tự làm mất đi căn cước của mình cũng trở nên “vô tăm tích” như nhân vật Hùng. Căn cước là “những điểm để nhận rõ được một người như họ và tên, ngày và nơi sinh, cha mẹ đẻ, đặc điểm về nhân dạng…” [4, tr. 161]. Như vậy xét về phương diện vật chất, căn cước cho phép người ta nhận diện một người qua hình ảnh và những nét đặc thù về nhân dạng, nhất là diện mạo của cá nhân người mang căn cước. Đó là cái thẻ căn cước có in hình ảnh của mỗi người mà tuyệt đối không ai không thể có được. Đó còn là chứng cứ để phân biệt người này với người khác. Xét về phương diện tâm sinh lý và xã hội hay văn hóa, căn cước có thể được xem như căn cước tinh thần hay bản sắc của một người. Có nghĩa nó sẽ bao gồm một số đặc tính về tâm lý xã hội, văn hóa của người đó như: dân tộc, quê hương xứ sở, giới tính, tôn giáo, học lực, nghề nghiệp, tình trạng gia đình… Hùng như một mạch chính, khi nổi lúc ngầm, xuyên suốt từ mở đầu đến kết thúc tiểu thuyết Quyên. Mở đầu Hùng đã xuất hiện với con người bản năng, vồ vập lấy Quyên để giải tỏa ẩn ức sau những năm tháng khát khao thỏa mãn bản năng bị dồn nén. Vì miếng ăn, vì muốn có nhiều tiền mà Hùng phải rời quê nhà sống lưu lạc xứ người. Và cũng vì tiền mà gia đình Hùng tan nát, Hùng “bị đẩy vào những hoàn cảnh nghiệt ngã, không xóm giềng, không dư luận, để tồn tại, phải mãnh liệt, huy động hết những sức mạnh tiềm ẩn thành ngọn lửa ghê gớm, có thể thiêu hủy tất cả, cả chính họ” [6, tr. 26]. Cuộc đời thấm đẫm mưa gió, làm đủ mọi nghề, từ kẻ đưa đường, chuyển thuốc lậu, tiền lậu… chỉ nhằm để có tiền. Hùng nói riêng và cuộc đời của một số người Việt nói chung, bị hoàn cảnh đẩy tới tận chân tường, “sống giữa rừng, không có luật pháp, chỉ có luật rừng, đã phát huy hết sức mạnh bản năng để tồn tại. Và điều ấy, đẩy họ tới nhiều tội ác với chính đồng bào mình” (Những tiết lộ quanh Quyên – Nguyễn Văn Thọ). Suốt thời gian lang bạt làm ăn Hùng vẫn ôm trong lòng mối hận thù chưa hóa giải được, nên khi gặp Quyên cũng là lúc tất cả cùng trỗi dậy: Hùng trút nỗi hận tình trong quá khứ, nỗi khát khao làm bố và khát khao được yêu thương nên thân xác đã làm nô lệ cho con người bản năng. Với Quyên, Hùng vừa là kẻ thù vừa là kẻ ban ơn mà có lúc bản thân Quyên cảm nhận thật khó hiểu, không thể gọi tên cho tình cảm giữa mình và Hùng là gì. Dù cuộc sống ở rừng, bản năng con người trỗi dậy gây “sinh sự” cho cuộc đời Quyên, nhưng tính người ở Hùng vẫn chưa bị xói mòn. Phải chăng vì hoàn cảnh môi trường buộc một số người như Hùng, họ phải thế. Điều đáng nói là qua bao năm phiêu bạt xứ người, Hùng xóa luôn căn cước của mình, Hùng chối bỏ gốc gác, không biết địa chỉ quê quán Hùng ở đâu. Chỉ tới khi anh là nắm tro trong bình gốm, phải truy tìm cho được địa chỉ để an nghỉ, để khỏi “vô tăm tích”, nhưng “trên tất cả các loại hồ sơ, giấy tờ của Hùng để lại, chỉ thấy ghi vài dòng chung chung: Nguyễn Văn Hùng. Nơi sinh Thái Bình” [6, tr. 411]. “Hóa ra, bao nhiêu năm nay Hùng là người không một địa chỉ cụ thể (…) từ ngày cha mẹ Hùng mất, vợ chồng bỏ nhau, Hùng chẳng liên lạc với bất kì ai trong nước. Anh là một kẻ không xuất xứ, một loại người vô tăm tích, ngoài cái quốc tịch Việt Nam” [6, tr. 411]. Hùng chủ động làm mất căn cước của mình vì thế tôi bị “vô tăm tích” bởi chính tôi, tôi làm cho tôi “vô tăm tích”. Suy cho cùng, những con người ra đi từ đất nước nhỏ bé, nghèo khó, khi hòa nhập vào một đất nước văn minh, giàu có hơn họ thường mang mặc cảm nhược tiểu. Phải chăng đó là lí do những người như Hùng muốn xóa bỏ đi căn cước của mình. Thiết nghĩ, dù muốn thiết lập căn cước mới do hoàn cảnh, môi trường nơi anh ta sống, nhưng đã sinh ra ở một nơi nào trên đất nước đó thì phải mang căn cước dân tộc đó cho đến hết cuộc đời, không sửa đổi được. Dân gian ta thường nói “nước có nguồn”, “chim có tổ, người có tông”, “lá rụng về cội”…; “tổ”, “tông”, “cội” và nguồn nước đều là hình ảnh của quê nhà, diễn tả một sự trở về muôn thủa. Dường như người Việt xem cội nguồn luôn luôn là tổ ấm, nên dù có lên non xuống biển, từ Bắc vô Nam hay từ trời Đông trôi giạt sang Tây thì cũng chỉ là giai đoạn tạm thời, vì “nước đi ra bể lại mưa về nguồn”, họ cũng chờ ngày để quay về tổ ấm. Hơn nữa, con người ta ai cũng muốn tìm về tổ tiên, nguồn cội để vinh dự ta thuộc dòng họ này hay dòng họ khác, thế nhưng Hùng chủ động xóa hết nguồn cội. Nếu con người ta đã không còn gốc gác, nguồn cội thì dễ dàng rơi vào tội ác, tội ác với chính đồng loại của mình, đây là điều thật nguy hiểm. Kết cục Hùng chết đi chỉ còn là nắm tro tàn trong bình gốm, không có một chốn về, rồi cũng “vô tăm tích”, như sự trả giá của luật nhân quả dành cho Hùng. Con người khi đã kinh qua trong đời sống, ta nghiệm lại cuộc đời không thể như dòng sông cứ phân chia muôn nẻo mà có lúc phải hội tụ để tìm về quê hương, nguồn cội. Cái hiện tại dù bất ý hay vừa lòng thì cũng được hình thành, vun vén từ quá khứ và ở đó đã nuôi dưỡng con người lớn lên, trưởng thành. Đây cũng là điều tác giả muốn gửi gắm, giãi bày.

Nếu như Hùng chủ động vô tăm tích thì Dũng lại khác, anh bị vô tăm tích ngay trên xứ người, vô tăm tích từ những chương đầu của tiểu thuyết. Trong khoảnh khắc kinh hoàng nhất của cuộc đời, vào lúc người ta cần nhau nhất để cứu nhau ra khỏi tai ương của cuộc đời thì Dũng lại bỏ mặc Quyên. Quyên đã làm gì nên tội khi bị kẹt lại sau chuyến đi cùng chồng qua biên giới và bị Hùng – Kẻ dẫn đường cưỡng hiếp? Dù còn yêu thương vợ nhưng Dũng không thể nào thoát khỏi sự ám ảnh của thai nhỉ không phải của mình, bỏ qua những điều bất hạnh ngoài ý muốn của Quyên. Sự lạnh lùng, thói quen ứng xử gia trưởng, chiếm hữu, xuất phát từ lòng ích kỷ của Dũng đã đẩy người phụ nữ mà anh yêu thương đến sự tổn thương ghê gớm của Quyên và cũng là bắt đầu một chuỗi long đong lận đận của Quyên và chính Dũng lại trở thành kẻ nô lệ của lòng ích kỷ. Trong khi Dũng là người trí thức, trong quá trình hòa nhập với lối sống văn minh hơn nhưng bản chất cố hữu ở Dũng khó thay đổi, mà lòng ích kỷ luôn tiềm tàng thì dễ đi từ tưởng tượng này đến tưởng tượng khác. Nếu người đã có thể vì nhau trọn đời thì không lý gì, không thể buông bỏ cho nhau phần nào đó những lỗi lầm, chát đắng đã trót gây ra trong cuộc sống. Cũng không thể vì ích kỷ mà để tấm lòng chai sạn, lạnh trơ trước những đau khổ của chính người mình từng yêu thương. Rơi vào hoàn cảnh tương tự như Dũng nhưng Hội trong truyện ngắn Tha hương của Minh Thùy – nhà văn đang định cư tại Đức, lại có cách ứng xử khác. Hội “dứt áo ra đi lao động xứ người với niềm hy vọng: ngày về rủng rỉnh túi tiền, xây căn nhà mái ngói, có sân gạch phơi lúa, có cô vợ và vài nhóc tì chạy ra vào trong nhà” [7]. Hơn mười năm lăn lộn với cuộc sống tha hương, Hội đã chán, muốn quay về thì Đào – người yêu Hội vẫn chung thủy chờ đợi muốn sang với Hội. Nhưng ngày Hội đón được Đào ở xứ Tây Đức cũng là ngày anh ta như bị rơi xuống địa ngục khi nghe Đào khóc kể sự thật: “cô bị hãm hiếp trên đường đi do chính kẻ dẫn đường”, “em chống cự bị nó bạt tai, đánh đập, bóp cổ em gần chết, em sức yếu, không chống trả được. Sáng hôm sau, người dẫn đường khác đưa em đi tiếp qua Đức, còn hắn trốn biệt” [7]. Hội đau khổ nhưng không chì chiết, xua đuổi vợ vì anh nhận ra đâu là kẻ gây nên tội, “Hội nghiến răng, ngồi im, nhưng đầu hắn làm việc. Chỉ cần chi tiền để mượn Pass Đức của ai đó, đi qua Tiệp, gặp đường dây dẫn đường, truy tìm tên tội đồ kia. Phải cho nó bài học nhớ đời, chừa thói hãm hiếp phụ nữ yếu đuối. Hắn đủ gan trị những tên bất lương” [7]. Hội bao dung, độ lượng, sẵn sàng tha thứ cho vợ và nhận làm cha “cu Cò” – không phải con của anh, để làm giấy khai sinh cho nó. Tuy nhiên lúc nó mới ra đời, anh vẫn còn buồn bực, nhưng nhìn nó lớn dần lên lại thương vì anh nghĩ rằng đứa bé hoàn toàn vô tội. Anh yêu thương như con đẻ và sẵn sàng đưa về Việt Nam ra mắt hai bên nội, ngoại. Lối ứng xử đầy vị tha, nhân bản của Hội đã cứu vớt Đào ra khỏi tình thế cám cảnh, khổ đau. Hộ còn là ân nhân giúp Đào hồi sinh và tin yêu vào cuộc sống hơn. Nhưng Dũng trong Quyên lại không chiến thắng được bản tính ích kỷ cố hữu của mình. Nên cái “vô tăm tích” của Dũng là biện minh cho cách hành xử của anh ta, kẻ “gieo tính cách gặt số phận”. Hiện tại Dũng chỉ tồn tại nổi trôi qua lời phỏng đoán của mọi người, Dũng sống hay chết? Đi đâu, về đâu không ai biết. Nếu Dũng chết đi ở một nơi nào đó trên xứ người, họ sẽ đề vào hai từ “vô danh” hay “Dũng còn sống mà lưu lạc, dạt trôi như cánh bèo để những lòng phố chảy ngồn ngộn người và người kia cuốn mãi anh đi” [6, tr. 106]. Vì thế câu hỏi “Dũng đi đâu?” cũng chỉ nhạt nhòa trong trí nhớ của mọi người rồi đến lúc sẽ không ai buồn nhắc lại nữa. Và đó cũng là lúc người ta tuyên án về sự khai trừ anh ta ra khỏi xã hội thực tại. Tên của anh ta bị mất đi trong cộng đồng ấy dù có thể thân xác vẫn còn tồn tại. Đồng nghĩa với anh ta tự biến mình thành hiện hữu trống rỗng, vô thừa nhận. Ta biết, theo quy luật, con người ta rồi cũng “cũ đi”, “nhàu nát” như một chiếc áo, nhưng chiếc áo cũ thì vẫn dễ chấp nhận hơn một “con người cũ”. Kiểu người như Dũng thì thời nào cũng có và không phải đã hết trong xã hội hiện nay. Vì thế ẩn sau con người bị “vô tăm tích” như Dũng còn là cách lý giải quan niệm của tác giả về tình yêu và hạnh phúc. Hãy yêu chân thật, sống tử tế, “con người ta sống và yêu không chỉ cho mình, cho bạn tình, mà cũng cần vì những người khác nữa, vị tha. Chỉ có như vậy, người ta mới tìm thấy trọn vẹn niềm vui sướng và sự thanh thản, sự hữu ích cho đồng loại, cho dân tộc” (Nguyễn Thiện). Trong đó, lòng vị tha và độ lượng là thứ thần dược diệu kỳ mà ở bất kỳ thời khắc nào cũng cần cho con người, đặc biệt trong những lúc cuộc đời gặp bao ghập ghềnh, khúc khuỷu. Chính khả năng kết nối yêu thương với đồng loại là một liều thuốc quý để cứu rỗi tâm hồn con người.

Sâu hơn cách lí giải về “con người sống và chết vô tăm tích”, tác giả còn gợi những suy tư về thân phận, sự hiện hữu của con người trong cuộc đời này có nghĩa lý gì? Sinh ra, lớn lên, lang bạt, vật lộn với cuộc sống rồi “cát bụi cũng trở về cát bụi”, con người sẽ ra sao trong cuộc sống lưu đày xứ sở? Và dù đi đâu về đâu cũng không bằng trở về nguồn cội, nơi đó giúp ta tìm lại bản ngã của chính mình. Từ tiếng thở dài về thân phận con người trong cuộc sống ly hương, tác giả vẫn tin về sức sống của cái đẹp luôn tiềm tàng trong sâu thẳm mỗi con người. Thông điệp ẩn tàng sau quan niệm con người “vô tăm tích” đã tạo ra giá trị văn chương đích thực trong Quyên của Nguyễn Văn Thọ.

Huế, tháng 7, 2012.

LÊ KIM THÙY

______________

* Tư liệu tham khảo


1. Lại Nguyên Ân (biên soạn) (1999), 150 thuật ngữ văn học, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.
2. Đặng Anh Đào (2001), Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết Phương Tây hiện đại, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.
3. Nguyễn Văn Hạnh (2009), Lí luận, phê bình văn học, thực trạng và khuynh hướng, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
4. Hoàng Phê (2009), Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng
5. Trần Đình Sử (1998), Tuyển tập, NXB Giáo dục
6. Nguyễn Văn Thọ (2011), Quyên, NXB Hội nhà văn.
7. Minh Thùy, Truyện ngắn “Tha hương”, http://music.vietfun.com
8. Phi Hà (2006), “Nguyễn Văn Thọ: Nỗi buồn của một nhà văn xa xứ” http://vietbao.vn
9. Thu Hà (2006), “Nguyễn Văn Thọ: Nhà văn của những mảnh Việt Nam tha hương” , http://tuoitre.vn.
10. Phan Thanh Phong (2006), “Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Tôi là kẻ sống đầm mình không hoang tưởng”, http://www.nhandan.com.vn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

prev
next