Những câu hỏi nhỏ cho một đề tài lớn

Chủ Nhật, 29/05/2016 00:56
 P.V
logo Trong những ngày hướng tới kỉ niệm 60 năm Văn nghệ Quân đội ra số đầu tiên, vào đầu năm 2016 này, hai trại viết như thế đã diễn ra tại hai thành phố xinh đẹp và năng động, Đà Lạt và Đà Nẵng. Và ở đây, như một sự tình cờ tất yếu, đề tài Chiến tranh cách mạng (CTCM) và Lực lượng vũ trang (LLVT) lại thêm một lần được các nhà văn băn khoăn, trăn trở trên từng trang viết với những day dứt, những câu hỏi của người cầm bút trong đời sống văn học hôm nay.

Những tác phẩm hay về đề tài CTCM và LLVT đã làm nên bản sắc của tạp chí Văn nghệ Quân đội suốt mấy chục năm qua. Hai trại sáng tác được Văn nghệ Quân đội tổ chức lần này cũng là để tiếp nối mảng đề tài bản sắc ấy.
 
Những câu hỏi của hôm nay

Ngay trong ngày khai mạc trại sáng tác văn học Đà Lạt 2016, các nhà văn nhà thơ đã sôi nổi thảo luận nhằm trả lời câu hỏi: Viết về chiến tranh như thế nào cho hấp dẫn? Nhiều tác giả và độc giả là những cựu chiến binh đã thẳng thắn chỉ ra những cái được và chưa được của mảng văn học này. Bằng sự trải nghiệm và tri thức chiến tranh phong phú, không ít ý kiến đã khiến các nhà văn giật mình vì những nhận thức hiện thời khi viết về chiến tranh. Điều đó thêm một lần khẳng định, chiến tranh là một đề tài lớn đã và đang nhận được sự quan tâm của nhiều người. Nó đầy hứa hẹn, nhưng khai thác để có những tác phẩm giá trị là điều không dễ. Nó là một sự mời gọi nhưng cũng là một thách thức đối với mỗi nhà văn.

Trại sáng tác Văn nghệ Quân đội tại Đà Lạt tập trung chủ yếu là các tác giả văn xuôi nên phần lớn tác phẩm thu nhận tại trại đương nhiên là văn xuôi. Và với mảng đề tài CTCM và LLVT, các tác giả sinh ra và trưởng thành trong chiến tranh, với sự từng trải và kinh nghiệm thực tế có vẻ như đang chiếm lợi thế. Nhà văn Hữu Phương phát biểu: “Trách nhiệm của nhà văn là phải nói và viết đầy đủ, cả mất mát, đau thương, sai sót trong chiến tranh. Bởi chiến tranh không chỉ đơn giản là thắng và thua”. Với quan niệm này, ông đã cho ra đời hai truyện ngắn dày dặn trong đó có Làng cửa ngõ mặt trận - câu chuyện trớ trêu ở vùng đất “quân đến, quân đi, nối nhau. Làng không khi mô vắng lính”. Những người dân nơi đây đã sẵn sàng để bộ đội trú quân trong nhà mình, chấp nhận mọi hiểm nguy, từ bom đạn kẻ thù có thể dội xuống bất cứ lúc nào cho tới nguy cơ từ những mối quan hệ khó tránh giữa những người lính chuẩn bị đi vào vùng lửa đạn với các thành viên trong gia đình. Và hệ quả là bà mẹ trong truyện đã phải đối diện với một sự thực có sức tàn phá còn hơn cả bom đạn: nàng dâu của bà đã phải lòng một người lính trẻ trong khi con trai bà đang ở chiến trường. Chuyện bị phát giác, đơn vị và chính quyền địa phương trông chờ vào thái độ của bà để xử lí vụ việc. Trừng phạt hay tha thứ? Tình huống cấp bách, đòi hỏi bà phải có quyết định ngay để kịp cho đơn vị hành quân chiến đấu. Và bà mẹ đã chọn vế thứ hai. Nếu chỉ dừng ở đó thì câu chuyện không có gì đáng kể. Nhưng Hữu Phương đã vượt qua được cái khuôn sáo. Ông chỉ lấy tình huống này làm cái cớ để triển khai một câu chuyện có không gian thời gian dài rộng, mà ở đó, thân phận người lính và những hệ luỵ chiến tranh còn đeo đẳng tới tận bây giờ. Và thời gian đã chứng minh dự cảm của bà mẹ về chiến tranh đã đúng, quyết định của bà đã đúng.

Lê Hoài Lương là một nhà văn sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Bình Định trong những năm chiến tranh nên có góc nhìn về cuộc chiến khá lạ. Đường về còn dài là câu chuyện về một gia đình có chồng đi tập kết, vợ ở nhà nuôi con, chịu đựng mọi o ép, cám dỗ… dẫn đến có thêm hai đứa con với hai người đàn ông khác. Chiến tranh kết thúc, người chồng trở về. Cái khó khăn không phải là giải quyết ổn thoả mối quan hệ chồng chéo giữa những người trong gia đình, mà là sự dung hoà giữa hai cha con. Hai con người, hai sản phẩm giáo dục của hai chế độ có lí tưởng, quan niệm sống khác nhau đã tạo ra một khoảng cách khủng khiếp. Hai con người máu mủ ấy đã như hai đường ray lạnh lẽo chạy song song suốt một thời gian dài, để rồi khi sự nhận thức trưởng thành, có thể hiểu nhau, thông cảm và dung hợp với nhau thì không còn cơ hội. Đây là tác phẩm có tính khái quát cao, phản ánh sự tổn thất vô cùng lớn của đất nước sau những tháng năm dài chia cắt. Khoảng cách địa lí đã được nối liền sau ngày thống nhất, nhưng để nối được lòng người thì phải mất một thời gian rất dài.  
Anh 13
 
            Các nhà văn tham dự trại sáng tác VNQĐ tại Đà Lạt chụp ảnh lưu niệm
                                      trong lễ bế mạc
        Ảnh: Lương Sơn Phương                         
Cũng viết về chủ đề tình yêu nhưng truyện Rạng đông của Trần Thanh Cảnh lại là câu chuyện về mối tình ở một làng quê Bắc Bộ. Hai người lính cùng chiến đấu ở một mặt trận. Trong một trận đánh, một người bị địch bắt và bị vu là chiêu hồi, để rồi hàng chục năm sau, những đứa con của hai người lính ấy dù rất yêu nhau nhưng buộc phải chia tay bởi định kiến. Sau nhiều năm mỗi người đều phải chịu đựng cuộc sống hôn nhân không tình yêu, họ bỗng nhận ra không thể thiếu nhau. Họ đã cương quyết dứt bỏ mọi ràng buộc để tìm lại nhau như một tất yếu. Và sự tái hợp của họ như một cây cầu nối lại quan hệ của hai người lính đã bị đứt gãy bởi những hiểu lầm thời chiến tranh.

Có thể nhận thấy rất rõ, những tác phẩm viết về chiến tranh ở trại sáng tác Văn nghệ Quân đội tại Đà Lạt đã không ngần ngại khi phản ánh những mất mát hi sinh cũng như những sai lầm ấu trĩ. Tuy nhiên các tác giả đã viết bằng một sự điềm tĩnh cần thiết. Các nhà văn nhận ra rằng, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, khi viết về chiến tranh, mọi sự cổ suý, tô hồng thái quá hoặc cay cú, hằn học cực đoan đều bất cập. Chỉ có thái độ khách quan, trung thực, coi chiến tranh là đối tượng thẩm mĩ để khai thác những giá trị nhân văn nhân bản mới là cách hữu hiệu để tiếp cận độc giả. Và hơn nữa, các nhà văn nhận thức rằng, lịch sử dân tộc ta gắn liền với các cuộc chiến tranh dựng nước và giữ nước nên viết về chiến tranh là viết về quá khứ của dân tộc. Nhà văn phải viết làm sao để độc giả hiểu đúng quá khứ ấy. Bởi có hiểu đúng quá khứ mới biết trân trọng hiện tại và có trách nhiệm với tương lai.

Cuộc thi thơ 2015-2016 của Văn nghệ Quân đội đang vào giai đoạn nước rút. Vì thế, 6 tác giả thơ tham dự trại viết Đà Lạt được đặt nhiều kì vọng, nhất là với đề tài lớn CTCM và LLVT. Đây là những cây bút đã ghi được dấu ấn trên tạp chí Văn nghệ Quân đội cũng như trên văn đàn. Đến với Đà Lạt, vùng đất mộng mơ mà sâu lắng, xứ ngàn thông, ngàn hoa với những con người bản địa chân chất giản dị và những câu chuyện thời chiến hào hùng của những cựu binh… đã góp phần khơi mở để tâm hồn các nhà thơ thăng hoa, bung xỏa với biên độ khá rộng.

Nhà thơ Nguyễn Giúp ngoài những câu thơ hào sảng mà chất ngất ưu tình như: Đi đi rồi mười năm hai mươi năm quay về/ Trái ớt vườn nhà còn cay xé lưỡi/ Cột kèo sừng sững đội mái âm dương/ Trăm năm một sợi tóc xanh buông rụng hai sợi tóc sương mây trắng… còn có những vần thơ mà xúc cảm được đẩy đến tận cùng, tàng ẩn cái chất Quảng da diết trong anh: Đêm/ ngọn nến tận cùng cháy/ chim tận cùng hót/ anh tận cùng đi/ và em vắt những giọt nước mắt cuối cùng.

Nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã góp cho trại viết bốn chùm thơ, trong đó những bài Trên đỉnh núi Voi, Đầy vơi Đà Lạt, Từ vết trăng lăn… có những hình ảnh gợi mở, sâu đằm. Thơ của Nguyễn Thánh Ngã, một mặt là thứ men nồng hấp dụ, mặt khác là những trăn trở với những biến động của đất nước hôm qua và hôm nay: Chúng con những người lính trẻ/ Chưa ăn no câu Kiều đã hiểu giặc sau lưng...

Tác giả Trần Võ Thành Văn, trong cái nhìn trẻ trung sôi nổi luôn hiện lên một “cái tôi”, cá tính nhưng không quẩn quanh, huyền bí mà không tắc tị. Trong lao động văn chương, anh cố gắng vươn tới cái mới để cho ra đời những câu thơ rất mềm, rất động: Buổi tối ở rừng/ gối đầu trăng nguyên sinh/ sỏi nâu chưa từng tiến hoá/ lăn qua ta cay cực hoài thai…
Tác giả Ngô Thị Thanh Vân viết những câu thơ về nỗi đau hậu chiến đầy ám ảnh: Ta đi qua ba mươi lăm mùa mưa/ hơn trăm lần xích người đàn ông dại ngây vào chân giường chỉ để mong người được sống… Rồi cuối cùng là bung tỏa, giải thoát: Khi đón ông trở về với đất/ Trăm người khóc. Cha cười. Rất thật/ Nụ cười hiền từ bi! Đây là những câu thơ được viết ra bằng sự giằng xé mãnh liệt trong bài Đối thoại với bazan.

Bằng tài năng, thế mạnh của mình, các nhà thơ đã có những tác phẩm chất lượng đóng góp vào thành quả chung của trại. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, ở chủ đề CTCM và LLVT các nhà thơ tại trại sáng tác Đà Lạt chưa có những tác phẩm sâu sắc và đột phá, chưa có những bài thơ có “tầm” đủ sức lay động bạn đọc. Hi vọng rằng, sau khi trại viết kết thúc, các nhà thơ sẽ có thêm thời gian ngấm lắng, chiêm nghiệm và sáng tạo để có những tác phẩm xuất sắc hơn.
 
Không có điểm dừng trong mỗi người viết
Đối với mỗi người cầm bút ở nước ta, dù đã qua chiến tranh hay sinh ra, lớn lên trong hòa bình, đề tài CTCM và LLVT mãi là nguồn cảm hứng bất tận để họ làm nên những tác phẩm cho riêng mình, cho những giá trị của văn học nước nhà. Nói thế để thấy rằng, với một đất nước đã trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh, phải gánh chịu nhiều đau thương mất mát thì mỗi người dân cũng là một người lính, mỗi sự hi sinh vì độc lập tự do dân tộc trở thành nỗi đau chung mà không ai có thể đứng ngoài cuộc. Chính vì vậy mỗi nhà thơ, nhà văn tham gia trại sáng tác Văn nghệ Quân đội tại Đà Nẵng vào những ngày tháng Tư năm 2016 đều khao khát được viết ra những tác phẩm hay về CTCM và LLVT, về vùng đất Khu 5 anh dũng kiên cường. Đặc biệt, khi đến với trại sáng tác Đà Nẵng, các nhà văn, nhà thơ đã có điều kiện đi thực tế ở nhiều đơn vị, nhiều vùng đất mà tinh thần oanh liệt bất khuất, kiên cường vẫn vọng rền suốt dải Trường Sơn hùng vĩ, vọng rền trên những cánh rừng, ngọn đồi, con đường, dòng sông, lắng đọng ở từng ngọn sóng ngát xanh màu Tổ quốc. Những tinh chất ấy đã giúp các nhà văn, nhà thơ dự trại có được hiểu biết sâu sắc hơn về người lính, về mảnh đất và con người Quân khu 5, để đưa vào những tác phẩm văn học của mình.

Chỉ với 15 ngày tại trại sáng tác Đà Nẵng nhưng số lượng tác phẩm gửi về Ban tổ chức rất ấn tượng. Phần thơ chiếm số lượng áp đảo của trại sáng tác tại Đà Nẵng lần này bởi số trại viên thơ chiếm phần áp đảo. Với chủ đề CTCM và LLVT, những chuyến đi thực tế sáng tác tại các đơn vị, thăm các khu di tích lịch sử cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ trên địa bàn Quân khu 5 chính là chất dẫn để các nhà thơ đã từng là người lính như Phạm Trọng Thanh, Phạm Trường Thi, Trần Trí Thông... được trở về miền kí ức không thể nào quên trong suốt cuộc đời mình -miền lính.

Khôn nguôi nhớ về đồng đội, về những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh chống Mĩ và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, nhà thơ Phạm Trường Thi thể hiện khá xúc động ở các sáng tác gửi đến Ban tổ chức trại viết như Những ngôi sao tôi nhặt, Quảng Trị mùa này nắng lắm… trong đó có những câu thơ đầy cảm động: Quảng Trị năm 72 ngày tháng ấy/ Chúng tôi chôn Dũng cạnh Cồn Tiên/ Bao gạo bó thân hố bom nham nhở/ Pháo giặc cày lên chôn lại mấy lần (Quảng Trị mùa này nắng lắm).
Với nhà thơ Trần Trí Thông, kí ức cuộc chiến được gợi lên bằng chiều kích của những cơn sốt rét rừng: Có những người đi bệnh xá một lần nhưng không bao giờ gặp lại/ sau một cơn ác tính đến bất ngờ/ Khoảng trời miền Đông vàng màu viên kí ninh/ tôi mang trong máu của mình.
Đại tá nhà văn Nguyễn Binh Phương, TBT TCVNQĐ trao các tác phẩm văn học thu hoạch được từ trại viết Đà Nẵng cho Thiếu tướng Tạ Nhân, Chủ nhiệm chính trị Quân khu 5
Nhà văn Nguyễn Bình Phương - Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội trao tập             bản thảo do các nhà văn hoàn thành tại trại sáng tác Đà Nẵng cho
              Thiếu tướng  Tạ Nhân - Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5

Có một tác giả đã gây dấu ấn với những bài thơ đề tài CTCM và LLVT trên tạp chí Văn nghệ Quân đội thời gian qua, và ở trại sáng tác Văn nghệ Quân đội tại Đà Nẵng lại tiếp tục cảm hứng dạt dào với đề tài đã trở thành máu thịt, đó là nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm đến từ Thanh Hóa. Nguyễn Minh Khiêm là một trong những người có nhiều đóng góp nhất về tác phẩm cho trại viết. Trong 15 bài thơ được anh hoàn thành tại trại có đến 10 bài viết về đề tài CTCM và LLVT. Tuy đã sáng tác hàng trăm bài thơ cùng nhiều trường ca về đề tài CTCM và người lính nhưng với chùm thơ ở trại sáng tác Đà Nẵng vẫn thấy có một Nguyễn Minh Khiêm không dễ dãi, không lặp lại chính mình, trong đó có nhiều bài thơ khá ám ảnh như Cứ thế mẹ à ơi, Tiếng reo, Phút đầu tiên với cỏ… Đó là chưa kể anh còn đang ấp ủ trường ca về bộ đội Quân khu 5 từ cảm hứng những ngày về với đất và người miền Trung lần này.

Đã ở tuổi 75 nhưng nhà thơ Phạm Trọng Thanh vẫn cho thấy “thơ không đợi tuổi và nhà thơ càng không có tuổi hưu”. Quả như thế khi chùm thơ của nhà thơ Phạm Trọng Thanh thể hiện được một tâm hồn trẻ trung và đầy nhiệt huyết. Đó là hình ảnh người lính tân binh trong giờ giải lao bên cây đàn ghi ta thân thuộc: Hàng phím dàn đội hình/ nhịp đôi hàng dọc bước/ đèo dốc trập trùng đi/ ai đỡ miền trăng khuyết. Đó là tình yêu với nỗi nhớ nhung da diết: Không có em sa mù quây biển nhớ/ Con tàu trắng thở dài xa tít bờ mây/ Lũ hải âu lại bay về vịnh bắc/ Chiều Tiên Sa anh đứng với anh đây…

Là những người chưa từng bước chân vào quân ngũ, lớn lên trong thời bình nhưng đề tài CTCM và LLVT đã được các tác giả Trần Tuấn, Lê Thanh My, Hồ Minh Tâm, Nguyễn Sơn Trường, Vi Thùy Linh, Văn Thành Lê, Viễn Hải… nhập cuộc đầy ấn tượng. Nhà thơ Trần Tuấn góp mặt với trường ca mang tên Những trích đoạn Hoàng Sa. Đây là những cảm nhận, suy tư của người con đất Quảng ngay trên sóng nước Hoàng Sa - vùng biển đảo mà về địa giới hành chính thuộc thành phố Đà Nẵng, Việt Nam. Trường ca được hoài thai trong những ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981: Từng con tàu bị thương, từng lá cờ bị thương/ mẹ đại dương băng vết thương bằng muối/ Hoàng Sa của chúng ta, là chúng ta như chúng ta vì chúng ta cất tiếng thương đau nhói/ con sóng khổng lồ chồm dưới chân tôi chờ đợi...

Bài thơ Bìm bìm tím của Lê Thanh My tuy không có câu chữ nào nói tới chiến tranh, nhưng vẫn làm cho chúng ta hình dung được câu chuyện của một người lính làm nhiệm vụ ở nước bạn, ra đi rồi mãi mãi không về: Bìm bìm leo dọc triền đê/ nhắc chị đừng quên/ bảo em đừng nhớ/ vạch sông sâu là biên giới của biệt li cách trở/ chị trông về phía mù xa. Bằng lối viết hiện đại, với ngôn ngữ sắc gọn, nhà thơ Hồ Minh Tâm đã có một góc nhìn mới về hình ảnh người lính đang làm nhiệm vụ nơi biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc: giữa trùng khơi, con tàu là con ngươi của sự thật/ giữa trùng khơi, con tàu như một kí tự nhỏ nhoi giữa ngàn trang sách.

Viết về CTCM và người lính hôm nay, trong khuôn khổ trại sáng tác Đà Nẵng không thể không kể đến các sáng tác của thượng tá, nhà thơ Nguyễn Minh Đức với những bài thơ như Những ngọn nến của mẹ, Bão, Tháng tư cháy, Em vui lòng hạ bớt những cơn đau… và của nhà thơ 9x Viễn Hải với những bài thơ như Nghĩa trang đỏ, Đêm tháng ba, Bình minh của lính tàu ngầm, Dốc biên phòng…

Một con số mang tính định lượng khá ấn tượng, đó là đề tài CTCM và LLVT chiếm tới 60% trong số các tác phẩm thơ gửi về Ban tổ chức trại sáng tác Văn nghệ Quân đội tại Đà Nẵng, còn lại là mảng thơ thế sự và thơ tình của các nhà thơ Lương Kim Phương, Nguyễn Ngọc Hạnh, Lê Thanh My, Nguyễn Minh Khiêm… đã góp phần làm phong phú, đa dạng về đề tài trong sáng tác của các tác giả.

Tham dự trại sáng tác Văn nghệ Quân đội tại Đà Nẵng có 8 tác giả văn xuôi. Sau 15 ngày dự trại, họ đã cho ra đời 13 tác phẩm đa dạng về phong cách và đề tài thuộc các thể loại truyện ngắn, bút kí, ghi chép. Trước hết, phải nói rằng, những đau thương, mất mát và sự anh dũng, quật cường, vị tha của quân và dân mảnh đất Quân khu 5 qua những lần đi thực tế ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Đắk Lắk đã trở thành cảm hứng bất tận trên trang viết của các tác giả. Đề tài CTCM và LLVT chiếm lượng khá lớn. Nhà văn Phạm Trường Thi, một người lính xe tăng đã từng tham gia cuộc chiến đấu 72 ngày đêm đỏ lửa ở Quảng Trị, đau đáu với những kí ức thời chiến của mình thông qua truyện ngắn Người về. Sự khốc liệt, những người lính quả cảm, những kẻ hèn nhát với thủ đoạn tinh quái tìm cách lách qua cuộc chiến, rồi sự vô tình, quên lãng của một bộ phận bị cuộc mưu sinh giữa thời bình cuốn đi, được hòa trộn khá nhuyễn qua chuyến đi tìm hài cốt đồng đội của hai người lính sống sót trở về sau chiến tranh. Truyện ngắn Bàn tay ở lại của Nguyễn Hồng Phong, một tác giả thuộc LLVT Quân khu 5 lại là một bản tình ca đầy u buồn và hoài niệm của một người lính trở về sau cuộc chiến khi cô gái đã vĩnh viễn nằm lại trong một trận đánh: Những giấc ngủ của ông Rim bao giờ cũng đầy mộng mị, bàn tay ông chải tóc cho Hoa, gió núi nhẹ làm những bông cỏ may tung xòa giữa không trung.... Cũng viết về đề tài này, nhưng là mất mát đau thương trong chiến tranh và tình người trên mảnh đất Khu 5 hôm nay qua những người thật, việc thật, ghi chép Hành trình về cội của tác giả Lê Thị Hồng Vân, đến từ Báo Quân khu 5, là những câu chuyện hết sức cảm động về các liệt sĩ đã hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Đó là hành trình đi tìm danh tính Đại đội phó Đại đội đặc công 506A, người duy nhất có ba tấm ảnh mang theo trong số 39 liệt sĩ được tìm thấy ở phường Trần Phú, thành phố Quảng Ngãi tháng 12/2009, nhưng tấm ảnh rõ nét lại là người anh trai, hai tấm ảnh còn lại quá mờ để nhận dạng. Đó là câu chuyện cảm động về chiếc áo của má Trương, rồi chiếc nhẫn của nữ anh hùng liệt sĩ Huỳnh Thị Thanh Trà...  Vẫn cảm hứng ấy, nhưng viết về những đau thương mất mát, ghi chép Sự bất tử của một địa danh của chị lại là câu chuyện về mảnh đất Điện Bàn, Quảng Nam, nơi có những gia đình có đến 14 liệt sĩ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ.

Có một điều hết sức đáng mừng ở trại viết lần này, đó là đề tài người lính hôm nay đã trở thành niềm cảm hứng cho không ít tác giả trẻ. Truyện ngắn Khoảng trời ngập gió của Dương Giao Linh, bút kí Mắt thần trên đỉnh Sơn Trà của Nguyễn Thị Hồng Hạnh, bút kí Nơi ấy là biên cương của Nguyễn Việt Hùng là những tác phẩm như thế. Dù mức độ thành công khác nhau nhưng cho thấy sự vào cuộc, tái hiện cuộc sống của mình và đồng đội của những tác giả thế hệ hôm nay.

Những tác phẩm được nghiệm thu tại trại là phần nổi của tảng băng cảm xúc sau những lần đi thực tế. Còn rất nhiều những lắng đọng về quân và dân Khu 5 trung dũng đang kết tinh và sẽ trở thành những hình tượng văn học trong các tác phẩm của các tác giả tham gia trại sáng tác Văn nghệ Quân đội tại Đà Nẵng năm 2016.

Có một điều đáng quý là, qua các trại viết lần này, Văn nghệ Quân đội đã nhận được rất nhiều tình cảm của các đơn vị quân đội, các văn nghệ sĩ, các cựu chiến binh và các độc giả thân thiết trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Tp. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Những cuộc đi thực tế, tiếp xúc, giao lưu, trao đổi trong khuôn khổ các trại sáng tác đã giúp trại viên có thêm cảm hứng, động lực và kinh nghiệm sáng tác; giúp cho các nhà văn, đặc biệt là các nhà văn trẻ những tư liệu quý giá để hình thành tư duy văn chương nói chung, văn học đề tài CTCM và LLVT nói riêng để bước vào hành trình sáng tạo lâu dài, nhọc nhằn nhưng cũng đầy hấp lực. Những câu hỏi nhỏ cho một đề tài lớn mang về từ trại viết sẽ như những gợi mở để mỗi tác giả tìm ra đáp án cho sáng tác của riêng mình.
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)