Âm hưởng lá cờ

Thứ Ba, 26/03/2024 09:45

. ĐẶNG NGỌC DUY
 

Buổi tối, đang ngồi một mình trong phòng, nghe có tiếng hát, cùng nhịp ghi-ta trầm bổng bài hát Lá cờ từ dãy nhà đơn vị vọng sang: Tôi lớn lên khi đất nước không còn chia Bắc - Nam/ Chẳng biết chiến tranh là gì/ Chỉ được nghe trong những câu chuyện của cha/ Tôi lớn lên khi tháng tháng không còn lo phiếu tem/ Không biết bo bo là gì, chỉ còn lại trong những kí ức của mẹ, tôi bất chợt nhớ đến Phương Duy, cặp bài trùng văn nghệ với tôi tại Trường Sĩ quan Pháo binh. Tôi và Duy cùng tên, cùng đam mê, sở thích, cùng yêu âm nhạc và gắn chặt với nhau như đôi bạn tri kỉ, vì thế, mọi người hay gọi chúng tôi là “song Duy”. Cái tên gắn liền với những chiến tích lẫy lừng, những tình huống dở khóc dở cười và cả những đố kị thường tình.

Ngọc Duy (chơi ghi ta) và Phương Duy (hát)

Hôm đó, chúng tôi biểu diễn chương trình chào mừng lễ kỉ niệm 61 năm ngày thành lập Trường Sĩ quan Pháo binh cùng với sự kết hợp của đơn vị kết nghĩa - Viện 105. Tất cả biên đạo, chỉ huy múa, sắp xếp đội hình, con người đều một tay Phương Duy lựa chọn, đào tạo và xây dựng. Tiết mục rất thành công, các bạn nữ múa đẹp, uyển chuyển, lôi cuốn người xem, học viên mắt chữ O mồm chữ A, không biết ở đâu ra lắm gái xinh, lại điêu luyện, hớp hồn đến vậy. Âm thanh, ánh sáng, hiệu ứng, vũ đạo, con người cứ hòa quyện vào nhau tạo nên một tác phẩm đẹp và thu hút người xem.

Phương Duy, một chàng trai cao ráo, đôi mắt to tròn, khuôn mặt đầy đặn, nụ cười hiền hậu, sinh ra và lớn lên ở Đồng Nai, mẹ là giáo viên đã về hưu. Duy rất có tố chất về dàn dựng và biểu diễn bởi lúc đang là sinh viên Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia múa hát rất nhiều, đặc biệt là tham gia đội văn nghệ “Rạng Đông” giúp cậu có những tiến bộ vượt bậc về vũ đạo cũng như phong cách biểu diễn chuyên nghiệp. Ngoài ra, Duy chơi bóng chuyền rất giỏi, giúp đơn vị giành nhiều thành tích cao, đặc biệt là giải nhất cuộc thi bóng chuyền toàn Trường Sĩ quan Pháo binh năm đó. Ngoại hình ưa nhìn, thành tích nổi trội thêm khả năng tiếng Anh lưu loát khiến cậu thật hoàn hảo trong mắt mọi người.

Trong mỗi người luôn tồn tại sự tranh giành thầm kín, bởi ai cũng muốn mình vượt trội hơn người khác, được những người khác chú ý. Hôm ấy, mấy em sinh viên thực tập Viện 105 và đơn vị kết nghĩa sang học múa, Duy nhiệt tình, chỉ dạy từng động tác rất uyển chuyển, linh hoạt với ánh mắt tự tin, thần thái như một vũ công chuyên nghiệp đầy lôi cuốn. Nói thật, tôi nhìn còn mê, chứ đừng nói mấy em sinh viên và hoa khôi xóm. Mọi sự chú ý đều đổ dồn vào Duy. Tôi ôm cây đàn ghi-ta mặt tươi cười nhưng trong lòng thấy khó chịu. Tôi phải làm điều gì đó thu hút mọi người. Nghĩ là làm, tôi dừng đàn hét lớn vào micro:

- Mọi người nghỉ ngơi đê! Đến giờ giải lao rồi!

Trên trán ai nấy đều lấm tấm mồ hôi, sau lưng ướt sẫm một mảng lớn. Thế là mọi người dừng lại, đi về chỗ tôi uống nước, ăn hoa quả.

- Các bạn muốn nghe bài gì, để mình hát cho nào!

Mấy bạn gái Viện 105 xúm xít lại bàn luận. Hát bài gì trẻ trung, mới nhất, tình yêu ấy… Không khí đang xôn xao, náo nhiệt, bỗng Diệu Ly đứng dậy đi về phía tôi. Diệu Ly có khuôn mặt thanh tú, đôi mắt to, đen láy, đôi môi đỏ thắm, làn da trắng trẻo, mịn màng, mái tóc đen dài óng ả buông xõa ngang vai, dáng người thon thả, cân đối. Diệu Ly đẹp, đẹp một cách lạ lùng, là sự pha trộn cầu kì và tinh tế giữa những nét truyền thống và hiện đại. Em vừa dịu dàng, trong sáng lại hài hước, thông minh. Tôi luôn hoài nghi nếu mình là con gái thì có lẽ suốt ngày phải ghen tị bởi Thượng đế đã quá ưu ái với em.

Diệu Ly nói:

- Anh chơi bài Cô gái m52 được không ạ!

Tôi lắp bắp:

- Được… được… được chứ!

Tay trái tôi vỗ nhẹ vào mặt để trấn tĩnh rồi cúi xuống đàn dò tone nhạc. Vừa lúc ấy, Phương Duy bước đến trước mặt tôi đề nghị:

- Bài này hay nè, để mình hát nhé!

Tôi buột miệng nói lớn:

- Cái gì cơ?

Mọi người quay cả về phía tôi ngạc nhiên. Tôi chợt nhận ra mình nói hơi lớn, vội cười khỏa lấp:

- Cậu cũng thuộc bài này hả? Cố mà hát cho hay nhé!

Thấy Ly quay sang nhìn Phương Duy cười, cùng với ánh mắt trông đợi và đầy háo hức, tôi tiu nghỉu tự nhủ: Thôi xong. Thầm cười cay đắng nghĩ, đệm hát ghi-ta như tôi chỉ làm nền cho người khác mà thôi.

Sau khi kết thúc buổi học múa và trình diễn văn nghệ, tôi và Duy được cử đi biểu diễn tại lễ trao tặng kỉ niệm chương thanh niên xung phong phiên hiệu Sơn La - Hà Nội giai đoạn 1978 – 1984 tại thị xã Sơn Tây. Tiết mục là bài hát Lá cờ do anh Thanh, chính trị viên đại đội phụ trách còn chúng tôi kết hợp biểu diễn.

Hôm đó thời tiết khá lạnh, hai chúng tôi mặc bộ K-03, cầu vai đỏ, vừa bước chân xuống xe cảm giác như cơ thể đóng băng, những cơn gió mùa đông bắc tháng 11 của Sơn Tây cứ thế thổi vào cơ thể gầy yếu của chúng tôi, khiến ai nấy đều tím tái hết cả người, môi khô nứt nẻ, hai hàm răng lập cập va vào nhau.

- Nhanh vào trong thôi các em - anh Thanh nói.

Chúng tôi rảo bước thật nhanh, không khí bên trong ấm áp hơn, âm thanh, ánh sáng đã chuẩn bị đầy đủ. Mấy hàng ghế lác đác các cô chú, các bác cựu chiến binh mặc bộ quần ghi sẫm màu cùng với chiếc áo bay màu xanh nõn chuối. Trên sân khấu được trang trí khá bài bản, sự kết hợp hài hòa giữa phông rèm hội trường, quốc kì, tượng Bác, khẩu hiệu, biểu tượng, bục phát biểu, lẵng hoa, phần quà… đã tạo nên một bức tranh hoàn hảo mang đến vẻ đẹp sang trọng, lịch sự cho lễ trao tặng.

Trước giờ G, chúng tôi có chút hồi hộp, ánh đèn sân khấu rực rỡ quá, khán giả phía dưới chật cứng. Tôi đang thử đàn, điều chỉnh bộ tăng âm cây ghi-ta, cùng lúc lời giới thiệu của người dẫn chương trình vang lên. Chúng tôi bước ra chào khán giả theo điều lệnh, ở dưới vỗ tay nồng nhiệt, xen lẫn tiếng huýt sáo của một số thanh niên, ai nấy đều hân hoan chào đón chúng tôi như thể những người lính chiến thắng trở về.

Bất chợt tôi nhìn thấy Diệu Ly, em mặc chiếc áo phao lông vũ màu trắng, nở nụ cười tươi thắm một tay vẫy vẫy chúng tôi, tay kia cầm một bó hoa hồng nhỏ. Chúng tôi vẫy lại và nhanh chóng vào vị trí biểu diễn.

Tiếng ghi-ta vang lên. Cả khán phòng lặng im. Âm thanh vang, sáng, ngút ngàn mang theo cả kí ức xưa. Âm hưởng Lá cờ cứ vang mãi, hòa cùng tiếng trống cajon bập bùng như ngọn lửa tình yêu đang rực cháy. Âm nhạc là phương tiện để ta gửi gắm tình yêu một cách lãng mạn và mãnh liệt nhất, để những ca từ làm rung động trái tim những người xung quanh. Phương Duy vẫn hát thật mê say, giọng ca hào sảng, trầm hùng, mạnh mẽ.

Tiếng đàn đang réo rắt, tôi thấy Phương Duy mắt đỏ hoe như sắp khóc, cố gắng vuốt họng để cảm xúc nghẹn ngào, nức nở không bật lên thành tiếng. Khi cảm xúc thăng hoa, người nghệ sĩ rất dễ khóc, tâm hồn họ hòa vào làm một với không gian, chạm đến trái tim, làm lay động lòng người, khiến ta bị hút vào, mê muội, thổn thức, không thể cầm được nước mắt. Đi diễn với nhau bao nhiêu cuộc thi, trong - ngoài đều có, chưa bao giờ hắn cảm xúc đến như vậy. Cảnh tượng như hòa vào làm một, mắt ai nấy đều đỏ hoe, có người khóc bật lên thành tiếng, đâu đó những chiếc khăn mùi soa quệt nhanh đi những giọt nước mắt trên khóe mắt, trên hàng mi và cả những giọt nước mắt lăn dài trên má. Mọi người đều nghẹn ngào, xúc động bởi giai điệu, giọng hát và âm hưởng từ bài hát, dường như những hình ảnh, âm thanh từ quá khứ đau thương, mất mát do chiến tranh kia đang ùa về, vang vọng trong tâm trí họ.

Hình ảnh ngày hôm đó đã ăn sâu vào tâm trí, trái tim và tâm hồn tôi, tôi bị hút vào thứ cảm xúc và giọng hát đầy ma mị đó, không làm sao dứt ra được. Mọi sự mâu thuẫn, ghen tị trong lòng tôi biến mất, hòa tan vào những giọt nước mắt của Phương Duy. Hãy cứ khóc đi, cảm xúc dâng trào tâm hồn bay bổng, tôi phiêu theo tiếng hát, cứ thế tạo nên một tác phẩm hoàn hảo, tuyệt vời nhất trong cuộc đời.

Âm hưởng Lá cờ sẽ vang vọng mãi cùng tháng năm, có những lúc da diết, dai dẳng, có những lúc mạnh mẽ, dồn dập, có những lúc nhẹ nhàng, sâu lắng, nhưng cũng có những lúc thống thiết sự đau thương, ám ảnh dáng dấp của chia li, mất mát. Cuộc sống này cứ thế thôi, thật dịu dàng trải dài hết cung đàn, ngân vang mãi trong những thanh âm của bảy nốt nhạc. Chân trời tươi đẹp, có nắng có mưa mới có cầu vồng, có gió có bão mới có ngày bình yên, có sương sớm có bóng chiều mới có những ngày về sau. Con người và âm nhạc đều có bảy nốt đồ, rê, mi, fa, sol, la, si, mỗi người sẽ cất lên một bản nhạc cho riêng mình, không ai giống ai. Mỗi khi đất nước lâm nguy họ sẽ hòa chung một âm hưởng, một tình yêu duy nhất, bền vững nhất, đó chính là tình yêu nước, tình yêu Tổ quốc, là lá cờ luôn cất giấu trong tim.

Tiếng ghi-ta kết thúc, tiếng reo hò, vỗ tay vang lên, những bó hoa cứ thế che lấp đi tầm nhìn và khuôn mặt rạng rỡ của chúng tôi, một tiết mục đã lấy đi rất nhiều giọt nước mắt hạnh phúc.

Tôi đang ở sau cánh gà, Diệu Ly không biết từ đâu chạy đến tặng hoa tôi, tôi khá bất ngờ, cô ấy cười nói:

- Anh chơi đàn hay ghê, anh Phương Duy rất ghen tị với anh vì anh biết chơi đàn ghi-ta, còn anh ấy không chơi được. Hôm hát bài Cô gái m52 anh ấy nói với em, dù anh ấy có hát hay đến đâu mà không có tiếng đàn của anh thì mọi cảm xúc thăng hoa của anh ấy không thể nào có được. Anh ấy sẽ mãi chỉ là một giọng ca mất cảm xúc khi không có tiếng đàn của anh.

Tôi lặng người đi. Tôi đã sai, sai thật rồi. Tôi thật ngu ngốc, thật nhỏ nhen. Xin lỗi cậu, Phương Duy! Tôi bất chợt nhìn xung quanh, vẻ mặt đầy hoang mang lo lắng: Cậu ta đâu rồi nhỉ?

Diệu Ly cười:

- Anh ấy được chị em xúm xít tặng hoa kia kìa.

Cứ tưởng hắn trốn vào chỗ nào khóc. Tôi nhìn Diệu Ly nói:

- Anh lại lo lắng thừa rồi.

Tôi và Diệu Ly nhìn nhau, cười lớn.

Đ.N.D

VNQD
Thống kê