Chàng thủ khoa người dân tộc Jrai

Thứ Tư, 11/10/2023 08:42

. HOÀNG TUẤN ANH
 

Với nụ cười hiền hậu, đôi mắt sáng, làn da nâu rắn rỏi, R’ Ô Nhí, người con của núi rừng Tây Nguyên, là thủ khoa đầu vào của Trường Sĩ quan Thông tin năm 2021.

Tôi đến Đại đội 11, Tiểu đoàn 28, Trường Sĩ quan Thông tin vào buổi chiều sau giờ ngoại khóa điều lệnh đội ngũ để tìm gặp R’ Ô Nhí. Những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt, rơi ướt sũng cả lưng áo, R’ Ô Nhí - cậu học trò thư sinh ngày nào, nay đã trở nên rắn rỏi, cứng cáp trong bộ quân phục với những động tác điều lệnh chuẩn xác.

R’ Ô Nhí (bên phải) đọc sách ở thư viện

Chuyện trò cùng R’ Ô Nhí, tôi thật khâm phục khi biết được ý chí và quyết tâm vượt qua hoàn cảnh khó khăn của cậu học trò nhà nghèo, hiếu học, người dân tộc Jrai trên con đường chinh phục tri thức. R’ Ô Nhí kể: “Sau khi biết được kết quả thi đại học em rất vui mừng, càng thấy vinh dự, tự hào khi đạt số điểm rất cao, trở thành thủ khoa của Trường Sĩ quan Thông tin năm 2021. Em thi khối A00 với tổng số điểm 27,90 (toán - 8,40; vật lí: 8,50; hóa học: 8,25; ưu tiên: 2,0; khu vực: 0,75). Đó dường như là một điều không tưởng đối với em và gia đình, bởi lẽ, từ lâu người dân tộc thiểu số Jrai chúng em đến lớp theo học con chữ đã khó, chứ chưa dám ước mơ đậu đại học cao như vậy.”

R’ Ô Nhí sinh ra và lớn lên tại một buôn làng miền núi thuộc xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Từ xa xưa nơi đây là cái nôi bản sắc văn hóa của người dân tộc thiểu số Jrai. Thuở nhỏ, cùng với bao đứa trẻ trong buôn làng, để giúp gia đình trang trải cuộc sống kinh tế khó khăn, ngoài giờ học trên lớp, R’ Ô Nhí phải cắp gùi lên nương, lên rẫy phụ bố mẹ cuốc đất, tỉa bắp, trồng khoai, nhổ sắn kiếm bữa no, bữa đói qua ngày. Những ngày nghỉ hè, R’ Ô Nhí lại tranh thủ đi làm thuê, kiếm từng đồng phụ giúp gia đình và mua sách vở. Vào những năm thời tiết hạn hán, suối cạn, cây rừng khô héo, đồng bào bữa cơm, bữa cháo chỉ nhờ sự cứu trợ của Nhà nước. Cái nghèo, cái khổ cứ đeo bám in sâu vào tâm trí, trở thành nỗi khiếp sợ của tuổi thơ bao đứa trẻ trong buôn làng trong đó có R’ Ô Nhí. Bạn bè cùng trang lứa rủ nhau nghỉ học, về phụ bố mẹ làm nương rẫy, chăn bò nhưng R’ Ô Nhí lại suy nghĩ khác, quyết tâm không đầu hàng và an phận với những khó khăn trong cuộc sống, cố gắng học kiếm “con chữ” để sau này lập nghiệp mới là cánh cửa tương lai. Với tinh thần học tập tích cực, cầu thị, ngoài nắm vững những kiến thức được thầy cô giáo trang bị, R’ Ô Nhí tranh thủ tự học, tự nghiên cứu qua sách, báo mượn thư viện hay trên trang mạng internet. Không tự ti, giấu dốt, với những bài khó, em ghi chép lại cụ thể nhờ thầy cô chỉ giúp. Những bài hay, cách làm tốt, em chia sẻ cho các bạn cùng học. R’ Ô Nhí chăm chỉ, cần mẫn như chú ong thợ tìm hoa lấy mật. Công việc gia đình, học tập tạo ra áp lực rất lớn đối với em, nhưng nghĩ đến bố, mẹ vất vả mưu sinh cả một đời lầm lũi nơi núi rừng, chắt chiu từng đùm cơm trắng, con cá khô dành dụm cho các con ăn học, em lại lao vào để học. Bố em, Ksor Luơ, luôn là người động viên rất nhiều. Ông bảo với R’ Ô Nhí: Cuộc đời của bố, mẹ chỉ biết lên rẫy, lên nương cầu trời cho bữa cơm trắng muối ớt, ban cho hạt ngô đơm chóe rượu cần, rồi khổ lây qua ba anh em tụi con; là anh cả trong nhà, cũng là đứa học tốt nên con phải thật cố gắng kiếm “cái chữ”, sau này lập nghiệp phụng sự buôn, làng.

R’ Ô Nhí (thứ 2 từ trái sang) cùng đồng đội đang thực hành trong môn học Điện tử tương tự

Được sự động viên của gia đình, thầy cô giáo, với ý chí, nghị lực của bản thân, R’ Ô Nhí đã biến hoàn cảnh gia đình khó khăn thành động lực để em phấn đấu vươn lên trong học tập, trở thành người con ngoan, trò giỏi. Không phụ lòng tin yêu của mọi người, trong các năm học cấp hai, cấp ba, cậu học trò nhà nghèo - R’ Ô Nhí luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, dẫn đầu thành tích học tập tại trường học, trở thành một học sinh gương mẫu tiêu biểu để các học sinh khác noi theo. Khi được hỏi về ước mơ của mình, R’ Ô Nhí tâm sự: “Gia đình nhà em không ai theo nghiệp bộ đội, từ nhỏ em thường nghe chương trình phát thanh Quân đội nhân dân qua đài cassette của bố, riết thành quen, đâm ra yêu thích bộ đội từ bao giờ không biết, trong em luôn nung nấu ước mơ sau này được đi học ở một trường Quân đội, nơi có môi trường đào tạo tốt, lại phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình…, đặc biệt sau khi tốt nghệp ra trường sẽ thành người sĩ quan góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”

Cơ duyên đến với R’ Ô Nhí khi em được xem một thước phim tuyển sinh Trường Sĩ quan Thông tin - nơi chắp cánh những ước mơ do một người bạn chia sẻ trên trang facebook cá nhân. Hình ảnh người sĩ quan thật đẹp khiến em càng nung nấu quyết tâm đăng kí thi đại học vào trường Quân đội. Nhiều bạn bè khuyên R’ Ô Nhí nên chọn trường khác vì điểm thi đầu vào của Trường Sĩ quan Thông tin luôn nằm trong top đầu các trường Quân đội. Nhưng R’ Ô Nhí vẫn quyết tâm theo dự định ban đầu. Trên cả mong đợi, R’ Ô Nhí đoạt thủ khoa đầu vào Trường Sĩ quan Thông tin trong niềm vinh dự của gia đình, thầy cô giáo và cả buôn làng em.

Với thành tích đặc biệt đó, R’ Ô Nhí vinh dự được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai khen tặng danh hiệu “Học sinh người dân tộc thiểu số đạt thành tích cao trong học tập năm học 2020 - 2021”; Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Thông tin trao thưởng vì đạt thành tích cao trong kì thi tuyển sinh đầu vào năm 2021.

Trung tá Nguyễn Thành Chung, Chính trị viên Tiểu đoàn 28, Trường Sĩ quan Thông tin cho biết: “Vào trường, R’ Ô Nhí luôn cố gắng học tập rèn luyện tốt và là một cán bộ tiểu đội trưởng mẫu mực, luôn gần gũi, thương yêu đồng chí, đồng đội.”

Đó chính là phần thưởng, là “quả ngọt” xứng đáng cho cậu học trò nhà nghèo, hiếu học, biết vượt qua khó khăn trong cuộc sống, không ngừng nỗ lực, cố gắng học tập tốt để đạt được ước mơ. Một học sinh người dân tộc thiểu số, sinh sống ở một địa bàn miền núi vùng sâu, vùng xa, trong một gia đình đặc biệt khó khăn, đạt điểm thủ khoa đại học là chuyện xưa nay hiếm. Đó là động lực để lan tỏa cho các thế hệ học sinh đồng bào dân tộc vững bước trên con đường đến trường chinh phục “con chữ”.

H.T.A

VNQD
Thống kê