Người sĩ quan trẻ đam mê sáng tạo

Thứ Ba, 03/10/2023 00:48

. LÊ VĂN NHẬT ĐỨC
 

Sinh năm 1996 trên quê hương Nghĩa Lập, xã Hoằng Lưu, một vùng đất giàu truyền thống hiếu học của huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Chu Văn Anh được xem là tấm gương đầy nghị lực khắc phục khó khăn, không ngừng sáng tạo của Sư đoàn 309, Quân đoàn 4.

Chu Văn Anh - người cán bộ pháo binh với khát khao làm chủ khoa học

Sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp, bốn tuổi, căn bệnh ung thư đã cướp đi mạng sống của bố, để lại trách nhiệm nuôi, dạy hai con lên đôi vai người mẹ bé nhỏ của Văn Anh. Những ngày sau khi bố mất, mẹ phải vất vả đủ đường, vừa nuôi hai con ăn học, vừa chạy vạy khắp nơi để trang trải tiền trả nợ điều trị thuốc men cho chồng trước đây. Sau một thời gian, vì kinh tế gia đình quá khó khăn, mẹ quyết định để lại hai đứa cho ông bà nội chăm sóc rồi đi xuất khẩu lao động. Bốn năm xa vòng tay mẹ là bốn năm hai anh em lớn lên trong sự bao bọc của ông bà nội và người thân. Văn Anh tâm sự: “Nhiều khi nhìn sang bạn bè đầy đủ cha mẹ cũng thấy buồn, nhưng nghĩ lại trong xã cũng có nhiều hoàn cảnh còn éo le hơn mình nên hai anh em đều cố gắng để không phụ lòng ông bà và mẹ ở xa.”

Ông ngoại của Anh là thương binh hạng ba, vốn là lính đặc công chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972, nên ngay từ những ngày bé Anh đã được nghe ông kể chuyện chiến đấu ác liệt, những mất mát, đau thương, chiến công anh dũng của người lính Cụ Hồ. Những câu chuyện này đã nhen nhóm cho Anh ước mơ sau này trở thành người lính.

Không chỉ chăm ngoan, học giỏi, cậu bé Anh rất thích mày mò, sáng tạo. Lên 10 tuổi, cậu theo các chú bên nội học nghề cơ khí, đến năm lớp 12 cậu đã tự sửa chữa các loại máy móc nông nghiệp như máy cày, máy gặt đập, máy múc ở quê mỗi khi các chú bận việc.

Trong kì thi tuyển sinh vào đại học năm 2014, với sự nỗ lực của bản thân, Văn Anh đã xuất sắc đỗ vào hai trường Đại học Giao thông Vận tải và Đại học Công nghệ Thông tin. Đăng kí xong, Anh mới biết không hợp lí bởi một mình mẹ đau ốm thường xuyên, làm sao nuôi hai anh em ăn học. Sao không thi vào một trường quân đội nhỉ, nó cũng là ước mơ từ bé của mình mà? Ý nghĩ ấy khiến Văn Anh sung sướng nhảy cẫng lên. Vậy là vừa làm ở xưởng, vừa tiếp tục đèn sách, năm sau, 2015, Văn Anh đỗ vào trường Sĩ quan Pháo binh với số điểm 24,75. Chưa bao giờ kể từ sau ngày bố mất mà Văn Anh và gia đình lại vui đến vậy, nụ cười của mẹ để lộ rõ những vết chân chim trên khuôn mặt khắc khổ, ông nội thì háo hức loan tin khắp làng xã về niềm vui của cả một dòng họ hiếu học vì lần đầu tiên đã có người đỗ một trường sĩ quan Quân đội. Trước niềm vui và tự hào của cả gia đình, dòng họ, Anh đã khóc, nước mắt hạnh phúc cứ thế trào ra.

Sau những ngày đầu nhập ngũ với đầy bỡ ngỡ và tò mò, Văn Anh đã nhanh chóng bắt nhịp với thao trường, giảng đường, với đồng chí, đồng đội. Sau 6 tháng huấn luyện đào tạo nguồn ở trường Sĩ quan Lục quân, Văn Anh vinh dự trở thành một trong hai đại diện cho 300 học viên đào tạo toàn khóa được đồng chí Chính ủy Trường Sĩ quan Lục quân 1 khen thưởng vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo nguồn. Không chỉ học tập tốt, Văn Anh rất tích cực trong mày mò, tìm hiểu, nghiên cứu khoa học cho dù điều kiện nhà trường còn thiếu về cơ sở vật chất, lịch học dày đặc. Đề tài khoa học bảo vệ khóa luận chuyên ngành bắn pháo của Văn Anh được hội đồng khoa học nhà trường đánh giá đạt tốt. Kết thúc khóa học, người con quê hương Nghĩa Lập nhận tấm bằng loại giỏi, được phong quân hàm Trung uý.

Khẩu SPG-9, Đại đội 15, Trung đoàn 31, Sư đoàn 309, Quân đoàn 4 khai hỏa tiêu diệt ngay từ phát đạn đầu trong diễn tập

Tốt nghiệp ra trường, Văn Anh được điều động vào Trung đoàn 31, Sư đoàn 309, Quân đoàn 4 đóng quân tại thành phố Biên Hòa, Đồng Nai. Anh tâm sự, gia đình neo người nên cũng muốn về công tác gần nhà để có điều kiện chăm sóc ông bà và mẹ nhiều hơn. Bên cạnh đó, chưa bao giờ sống ở miền Nam nên ngôn ngữ và văn hóa vùng miền đôi khi khiến anh gặp khó khăn trong công việc. Hiểu điều đó, chỉ huy Đại đội 15 luôn quan tâm, giúp đỡ nên Văn Anh dần yên tâm, say mê với công việc. “Thật ra, từ bé em đã rất đam mê về máy móc. Trong quá trình huấn luyện, thấy hạ sĩ quan, chiến sĩ gặp rất nhiều khó khăn khi hiệu chỉnh pháo nên em đã suy nghĩ, mày mò, mất 3 tháng để cho ra đời sáng kiến “Giá hiệu chỉnh thước góc bắn hệ độ”. Để làm nó, em đã dày công tìm nguyên vật liệu, liên hệ Tổng Công ti 23, Bộ Quốc phòng để có các thiết bị. Khi ứng dụng vào thực tiễn huấn luyện sáng kiến tiết kiệm về thời gian và công sức bộ đội rất nhiều. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố nên chưa ứng dụng rộng rãi.” Năm 2020, anh tiếp tục cho ra đời sản phẩm sạc dự phòng máy thông tin vô tuyến điện VRH 811-S tích hợp pin năng lượng mặt trời; với tính năng gọn nhẹ, sạc được nhiều máy cùng một lúc, có thể sử dụng điện 220V và năng lượng mặt trời. Với sáng kiến này, Văn Anh được Bộ Tư lệnh Quân đoàn công nhận đăng kí bản quyền. Với khả năng ứng dụng trong huấn luyện diễn tập hàng năm, sản phẩm đã khắc phục được yếu tố bí mật, an toàn, nhanh chóng, hiệu quả trong điều kiện ở khu trú quân xa với các nguồn điện; thiết bị này đã được nhiều đơn vị đặt hàng sản xuất.

Sau sản phẩm sạc sự phòng, Văn Anh tiếp tục cho ra đời sáng kiến phao cứu sinh thông minh. Anh cho biết, hệ thống phao cứu sinh thông minh ở trong nước chưa có, trên thế giới giá thành rất cao, khoảng 40 triệu đồng; việc ứng dụng phao cứu hộ thông minh này sẽ hỗ trợ rất lớn trong huấn luyện bơi hằng năm của các đơn vị. Chi phí làm ra sản phẩm khoảng 6 triệu đồng, vật liệu cũng rất dễ tìm kiếm.

Với những trăn trở trong công tác huấn luyện ở đơn vị và niềm đam mê làm chủ vũ khí, năm 2022 Văn Anh được Cục Khoa học quân sự - Bộ Quốc phòng trao giải 3 với sáng kiến “Giá hiệu chỉnh thước góc bắn hệ độ”. Tháng 5 năm 2023, anh vinh dự được Tổng cục Chính trị tặng danh hiệu Gương mặt trẻ triển vọng toàn quân năm 2022.

Ngoài những sáng kiến được nhắc tới, Văn Anh còn thành lập nhóm facebook “Chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm Quân đội” với mục đích giao lưu, trao đổi về mặt ý tưởng, tạo ra môi trường nghiên cứu khoa học, nâng cao khả năng tư duy của sĩ quan trẻ. Tuy mới thành lập nhưng nhóm đã thu hút nhiều sĩ quan trẻ trong toàn quân tham gia, cũng chính từ đây nhiều ý tưởng, sáng kiến, sản phẩm đã ra đời đáp ứng yêu cầu trong huấn luyện của các đơn vị.

Ngoài giỏi về chuyên môn, quản lí, Chu Văn Anh còn được biết đến là hạt nhân trong hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh niên đơn vị. Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh đã là một thủ lĩnh Đoàn năng nổ. Sau khi ra trường, cùng với tập thể Đoàn cơ sở Trung đoàn 31, Văn Anh giành giải Nhất trong hội thi Thanh niên với văn hóa giao thông năm 2020 do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với Công ti Honda Việt Nam tổ chức. Năm 2021, anh cũng vinh dự được đề nghị tặng giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo cấp Quân đoàn.

Sẽ không trọn vẹn khi không nhắc đến vai trò to lớn của hậu phương người lính. Văn Anh tâm sự: “Có được những thành tích trên, một phần nhờ sự ủng hộ và thấu hiểu khó khăn của vợ em. Hai vợ chồng đều cùng quê, vợ em đã chấp nhận xa gia đình để cùng em lập nghiệp trên đất khách quê người. Trong thời gian hơn 5 năm yêu và cưới nhau, em và vợ chỉ gặp nhau chưa đầy 1 tháng, phần vì dịch bệnh, phần do điều kiện công việc của em. Hơn ai hết, cô ấy hiểu và ủng hộ những gì em đang làm. Em chỉ mong công việc ổn định, có điều kiện quan tâm, chăm sóc cô ấy nhiều hơn.”

Văn Anh, người con xứ Thanh, là tấm gương sáng về tinh thần khắc phục khó khăn, vươn lên, không ngừng sáng tạo. Chúc cho những ước muốn, dự định, trăn trở về công việc của anh sớm thành hiện thực, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh, xây dựng Quân đội ngày càng hiện đại.

L.V.N.Đ

VNQD
Thống kê