Những “nhà báo” ở cơ quan quân sự tỉnh

Thứ Hai, 23/10/2023 09:09

. ĐỨC ĐÀO - DÂNG TRIỀU
 

Tính đến nay, tất cả các đài phát thanh - truyền hình các địa phương trên cả nước đều có chuyên mục về quân sự - quốc phòng (QS - QP). Dù với nhiều tên gọi khác nhau nhưng các chuyên mục QS - QP cùng chung một nhiệm vụ là tuyên truyền, phản ánh về mảng công tác quốc phòng - quân sự của địa phương mình. Cơ quan và lực lượng tiến hành cũng linh hoạt, đa dạng; có địa phương do “nhà đài” chủ công phối hợp với lực lượng công tác tại cơ quan quân sự, tuy nhiên chủ yếu các chuyên mục đều do một tay lực lượng ở cơ quan quân sự tỉnh trực tiếp tiến hành.

Phóng viên Báo Quân khu phối hợp với phóng viên báo đài địa phương tác nghiệp tại hội thao CSM 2023

Vào “nghề” từ nhiệm vụ “leo thang đóng đinh”

Hơn 20 năm trước, đầu năm 1999, Phạm Đức Hạnh nhập ngũ vào đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Lai Châu. Sau thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, anh được điều động về Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh công tác. Sau đó vài năm, anh được chuyển về Bộ CHQS tỉnh Điện Biên, làm nhân viên tuyên huấn.

Hạnh trần tình: “Làm nghề tuyên huấn thì anh biết rồi đấy! Cờ, đèn, kèn, trống, leo thang, đóng đinh. Chẳng thế mà cán bộ, nhân viên thời ấy được chọn kĩ lưỡng lắm, yêu cầu phải biết nghề, học nghề và làm nghề. Phải nói được, viết được, có hoa tay để cắt chữ, kẻ khẩu hiệu, pa nô, vẽ tranh cổ động; rồi chụp ảnh, quay camera; chiếu phim; xây dựng chương trình truyền thanh nội bộ; lại còn có bàn tay con mắt có thể chăm tỉa cây cảnh… Không biết những việc ấy chưa phải là nhân viên tuyên huấn! Phải có khả năng buông tay cày, bắt tay bừa…”

Ấy là câu chuyện “nghề” của nhân viên tuyên huấn - Chủ nhiệm Nhà văn hóa Bộ CHQS tỉnh Điện Biên Phạm Đức Hạnh. Đến thời 4.0 này, một số việc chuyên môn của nghề có vẻ tiêu giảm như cắt kẻ, dán khẩu hiệu, ma két trang trí, vẽ tranh cổ động… vì đã được công nghệ, máy móc hỗ trợ đáng kể. Nhưng còn chuyện chụp ảnh, quay camera và làm… chuyên mục thì vẫn còn dài dài.

Hạnh kể: Vào “nghề chuyên mục” với hai bàn tay trắng về chuyên môn. Chưa biết chụp ảnh, chưa biết sử dụng máy quay phim; việc vác camera quay phim còn chưa vững huống hồ phải bố cục khuôn hình, xây dựng kịch bản làm bản tin, phóng sự… Công việc với người chưa được đào tạo, mới vào nghề còn bao khó khăn. Thực hiện đúng phương châm “người trước hướng dẫn, hỗ trợ người sau”, học ở sách vở, học ở đồng nghiệp; rồi lại được tham gia các đợt tập huấn do các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và Quân khu 2 tổ chức…; bằng các biện pháp tự rèn luyện, tự đào tạo ấy, dần dần rồi cũng thành nghề. Tính đến nay, đã ngót nghét 20 năm Phạm Đức Hạnh gắn bó với nghề và vững vàng sản xuất chuyên mục phát thanh - truyền hình về quân sự - quốc phòng trên đài địa phương.

Ở tỉnh Tuyên Quang, Thiếu tá Doãn Đăng Ninh, phụ trách chuyên mục Truyền hình quân sự - quốc phòng ở Bộ CHQS tỉnh cũng bén duyên “độc” và “lạ”, Ngày ấy, đang là chiến sĩ mới được chuyển thành quân nhân chuyên nghiệp hưởng lương, là nhân viên báo vụ, có chút năng khiếu văn nghệ, đơn vị cứ tổ chức chương trình văn nghệ, dù lớn nhỏ, đều triệu tập Ninh tham gia. Về sau, Ninh lại được điều động về làm nhân viên Câu lạc bộ, thế là cũng vào nghề báo từ công việc “leo thang đóng đinh, cờ đèn kèn trống”. Trên 20 năm vừa tham gia đàn hát, vừa phục vụ mảng văn hóa - câu lạc bộ, chụp ảnh, quay camera, trong đó có hơn một nửa thời gian, anh phụ trách chuyên mục Truyền hình quốc phòng địa phương của Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang, một trong những chương trình vững vàng ở đài tỉnh.

Những người phụ trách chuyên mục Truyền hình quân sự - quốc phòng địa phương trên địa bàn Quân khu 2 còn là Nguyễn Trọng Lộc ở Phú Thọ, Nguyễn Anh Vũ ở Yên Bái, Lê Thế Thành ở Lai Châu, Phùng Văn Phương ở Vĩnh Phúc, Ngô Quốc Hoàn ở Hà Giang, Phạm Hồ Trúc ở Lào Cai... Những “nhà báo” ấy đều giữ chức danh chủ nhiệm hoặc nhân viên nhà văn hóa - câu lạc bộ. Mỗi tỉnh đều có một “tổ chuyên mục” thuộc cơ quan chính trị, nhưng nhà văn hóa, câu lạc bộ Bộ CHQS tỉnh quản lí trực tiếp con người, phương tiện cũng như công việc. Biểu biên chế của trên chưa quy định chức danh này, vì thế, các chương trình phát thanh - truyền hình về quân sự quốc phòng tại các địa phương cấp tỉnh trên địa bàn Quân khu cơ bản là cán bộ, nhân viên cơ quan tuyên huấn, nhà văn hóa trực tiếp thực hiện. “Tổ chuyên mục” hoặc “nhà báo”, những người làm báo chí, phát thanh - truyền hình ở cơ quan Bộ CHQS tỉnh là tên gọi thân thương do các nhà báo chuyên nghiệp, cán bộ chiến sĩ và độc giả gán cho.

 

“Không chuyên” nhưng yêu cầu “đa năng”

Trung tá Nguyễn Trung Hiếu hiện phụ trách mảng công tác truyền hình của Báo Quân khu 2. Anh nhập ngũ và công tác trong lực lượng vũ trang Quân khu 2 đã hơn 30 năm nay. Khi còn là chiến sĩ và cán bộ trung đội trưởng, anh từng là một xạ thủ thiện nghệ, đồng thời là một huấn luyện viên các môn thể thao quân sự. Anh Hiếu trở thành nhân viên, rồi Chủ nhiệm Nhà văn hóa Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ. Kinh nghiệm anh tự đúc rút là: Những nhân viên “trụ” được ở nhà văn hóa cơ bản phải là những con người đa năng, bởi phải biết và giỏi tất cả mọi công việc, có những công việc chỉ là lao động chân tay phổ thông, nhưng có những công việc phải “động não” nặng như nòng cốt trong sáng tác, thẩm định tác phẩm văn học, thơ ca, ca khúc, tranh cổ động; đồng thời sẵn sàng tăng cường thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan quân sự điều hành. Đã là nhân viên nhà văn hóa, ví xa xỉ thì như con dao phay pha; còn nói theo nghĩa đen thì đấy là… giẻ lau tay, tất cả mọi người đều có thể sử dụng; mọi nhiệm vụ công việc đều tham gia phục vụ. Công việc dù vui, buồn đều là người “đi trước về sau”. Ấy nhưng vui vì tính chất nhiệm vụ là làm “văn hóa”.

“Đỉnh cao” của người công tác ở nhà văn hóa cơ quan quân sự tỉnh đến nay phải là những người làm chuyên mục phát thanh - truyền hình. Theo anh Hiếu, mấy chục năm nay rồi, chuyên mục phát thanh - truyền hình “Quốc phòng Đất Tổ” phát trên Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Thọ đều do “Tổ chuyên mục” thuộc Nhà văn hóa Bộ CHQS tỉnh trực tiếp thực hiện hoàn thiện cả khâu hậu kì. Các cơ quan chức năng của “nhà đài” chỉ cần duyệt cuối để phát sóng.

Nguyễn Trung Hiếu “vào nghề” làm truyền hình từ khi còn đeo lon thượng úy, theo chân đàn anh đi trước quay phim, làm tin, viết phóng sự, rồi nhanh chóng làm chủ chuyên mục. Đến giờ, anh là một trong những “tay máy” cự phách, một nhà báo có tên tuổi trong lực lượng vũ trang Quân khu 2.

 

Cần lắm sự quan tâm của các cấp

Cuộc tọa đàm “Nâng cao chất lượng chuyên mục phát thanh - truyền hình về quân sự trên địa bàn Tây Bắc” diễn ra trong dịp kỉ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam do Cục Chính trị Quân khu 2 tổ chức, có các đại biểu là các nhà báo, cán bộ ở đơn vị cơ sở và những cộng tác viên xuất sắc tiêu biểu, trong đó có các “nhà báo không chuyên” phụ trách chuyên mục của Bộ CHQS các tỉnh. Tại cuộc tọa đàm, nhiều nội dung đặt ra, cả về ngân sách bảo đảm, phương tiện, biên chế lực lượng chuyên mục.

Trung tá Nguyễn Chí Kỷ, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Lào Cai cho rằng: Bộ CHQS tỉnh được giao nhiệm vụ làm chuyên mục số lượng chỉ có 1 đồng chí, lại kiêm nhiệm chưa có chức danh, đào tạo nhưng không đúng chuyên ngành báo chí, trang thiết bị nhất là bộ dựng hình cũ lạc hậu từ 15 năm nay; bên cạnh đó chưa tuyển chọn được phát thanh viên của chuyên mục “Quốc phòng toàn dân” trên sóng truyền hình vì không có chỉ tiêu biên chế.

Nhà báo Đặng Chí Thành, Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh trực tiếp nghe và thấu hiểu những khó khăn, bất cập của những người thực hiện chuyên mục. Nhà báo Chí Thành chia sẻ: “Quả thực tôi rất khâm phục các bạn. Tuy nhiên, vì tuyên truyền nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, mảng công tác mà các nhà báo ngoài Quân đội không thể hiểu sâu, không thể tiếp cận thuận lợi, đúng tính chất như những người trong cuộc được. Vì thế đề nghị các cơ quan quản lí, cơ quan chức năng nghiên cứu vận dụng linh hoạt để đề xuất, biên chế cả lực lượng, phương tiện đủ điều kiện gánh vác và nâng cao chất lượng chuyên mục phát thanh - truyền hình trên đài các tỉnh.”

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu là những nhà báo không chuyên đều thể hiện lòng say nghề, yêu nghề, bởi ai cũng ít nhiều được giải thưởng, khen thưởng từ các cuộc thi báo chí, liên hoan phát thanh - truyền hình. Mong muốn của các đại biểu là được sự chung tay, quan tâm hơn nữa của các cấp để chất lượng chuyên mục phát thanh - truyền hình về quân sự - quốc phòng trên địa bàn Quân khu ngày một nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của độc giả cũng như tính chất tuyên truyền về nhiệm vụ quân sự - quốc phòng ở địa phương.

Đ.Đ – D.T

VNQD
Thống kê