Những trang văn phảng phất mùi thuốc súng

Thứ Ba, 16/04/2024 10:52

Ngày 12/4/2024, Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi toạ đàm giới thiệu tác phẩm của Đại tá, nhà văn Nguyễn Văn Hồng, hội viên Hội Nhà văn Thành phố. Tại buổi toạ đàm, có nhiều ý kiến, bài phát biểu tâm huyết và sâu sắc về các tác phẩm của ông. VNQĐ xin giới thiệu bài viết của Đại tá, nhà văn Đỗ Viết Nghiệm, một người đồng đội và đồng nghiệp của tác giả.

Tôi nhớ lần gặp đầu tiên với nhà văn Nguyễn Văn Hồng, tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội đại diện phía Nam, anh nói: “mình đã nghỉ hưu”. Nhìn anh tôi giật mình mới 50 tuổi, 30 tuổi quân, hàm đại tá, nguyên Sư đoàn trưởng 309 MT479, Quân khu 7; Phó hiệu trưởng trường sĩ quan lục quân 2; Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân đoàn 4... Vậy mà… Không lâu sau Nguyễn Văn Hồng viết văn, in sách. Năm 2000, anh xuất bản cuốn hồi kí đầu tiên Những năm tháng không quên và từ đây cứ sòn sòn như gà đẻ trứng, tới nay anh có trong tay 11 tác phẩm, gồm hồi kí, truyện kí và nhiều tiểu thuyết. Sách Nguyễn Văn Hồng viết ra được nhiều người đọc, được dựng thành phim. Năm 2024, Nguyễn Văn Hồng đón sinh nhật tuổi 80, anh gom hết in thành bộ ba tác phẩm: Tập 1: Qúa khứ còn đây; Tập 2: Chiến trường khốc liệt; Tập 3: Ai đã từng đi qua chiến trường K.

Thật khó đánh giá đầy đủ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Văn Hồng cùng một lúc, tôi chỉ xin có một vài cảm nhận về những gì anh viết. Nó giống một bức tranh vẽ về một cánh đồng lúa chín vàng trước buổi bình minh, ở đấy không nhìn thấy một loài cây nào khác lẫn vào trong đó, câu chữ trung thực dồi dào nội tâm, đọc trang sách nào cảm giác như vẫn phảng phất mùi thuốc súng. Có thể dùng cách phô diễn ngôn từ kêu hơn, đẹp hơn nhưng Nguyễn Văn Hồng nhà văn phi hư cấu, thực ra tôi không muốn gọi như thế mà nôm na rằng “văn Nguyễn Văn Hồng viết không hề bịa”.

Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm phát biểu tại buổi toạ đàm. Ảnh: NGUYÊN HÙNG

Nguyễn Văn Hồng là người lính, lại là người lính có chức vụ cao từng là sư trưởng. Trong chiến tranh dưới trướng chỉ huy của anh có hàng ngàn quân, đó là lợi thế của người viết văn không cần đi tìm tư liệu. Trong tác phẩm Cuộc chiến tranh tự nguyện để chỉ cuộc chiến chống Mĩ, và Cuộc chiến tranh bắt buộc viết về cuộc chiến ở Chiến trường K đánh quân pôn pốt hình như khi viết nhà văn chỉ làm mỗi một việc nhớ lại nhặt ra, sắp xếp, liên kết rồi thêm nếm chút bối cảnh, thiên nhiên vào. Nói cách khác, Nguyễn Văn Hồng là cái kho tư liệu quý như vàng về đề tài chiến tranh. Kí ức vượt Trường Sơn vào Nam như còn y nguyên, như đoạn tả về đêm 16/3/1965, rời Quảng Bình vào Nam mà lòng tràn đầy lưu luyến: “chúng tôi đi theo lối mòn đoàn quân đi trước… đèo 1001 là thử thách đầu tiên… buổi sáng ăn cơm ở chân đèo phía Bắc, trưa ăn cơm nắm trên đỉnh đèo, chiều tối mới xuống được chân đèo phía Nam”. Ròng rã hai tháng trời hành quân mới vào tới chiến trường Khu 5, nhưng phải đối mặt với thiếu cơm, nhạt muối, muỗi rừng, vắt cắn, những cơn sốt ác tính từng cướp đi nhiều đồng đội nằm lại giữa rừng sâu.

Tôi và nhà văn Nguyễn Văn Hồng cũng có sự trùng hợp như thế, nhưng vào sau anh 3 năm, tới chiến trường B1. Hơn nửa thế kỉ trôi qua cảm xúc đó vẫn không hề thay đổi. Ở Khu 5 tôi là lính “cậu”, anh Nguyễn Văn Hồng là lính chiến ngoài mặt trận, vì thế anh kể trận đánh nào, xảy ra ở đâu tôi đều biết như cái “Dốc Lết” ở đồi núi huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Anh viết “Cái địa danh Dốc Lết không biết có tự lúc nào. Có lẽ do độ cao của dốc quá lớn, ai qua đây cũng phải bò, phải lết chăng? Hay là do quá trình càn quét của địch dai dẳng có những trung đội, đại đội lính Mĩ không chịu rút đi mà thường di chuyển ngắn lết đi lết lại, để ngăn chặn lực lượng ta xuống đồng bằng? Ở đây, người ta thường gọi lực lượng này là Mĩ lết”.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Văn Hồng trong buổi toạ đàm về tác phẩm của ông. Ảnh: NGUYÊN HÙNG

Năm 1965 khi Mĩ đổ quân vào Việt Nam, kí ức của Nguyễn Văn Hồng trong trận đánh đầu tiên diệt gọn tiểu đoàn pháo binh Mĩ, khi ấy anh là chiến sĩ trinh sát dò gỡ mìn địch, đưa đội hình bộ binh ta lên chiếm lĩnh trận địa, trận đánh mở màn rất ác liệt: “tất cả hỏa lực của ta từ các hướng rót vào căn cứ địch, cả một tiểu đoàn pháo binh và lực lượng công binh Mỹ đóng trên đồi Xuân Sơn bị tê liệt, không kịp phản ứng”. Một đoạn khác: “… mùi tanh của máu, mùi khét của thịt cháy quyện vào nhau xộc vào mũi muốn ói mửa”. Tả lại hành động hi sinh anh dũng của một tiểu đội trưởng anh viết: “Anh Được leo lên khẩu pháo 155 mm, gần đến đầu nòng lại tuột xuống vì dầu mỡ và nước mưa. Anh leo lần thứ hai, khi toàn thân người tiểu đội trưởng nằm dài trên nòng pháo để đưa thuốc nổ vào, thì trúng một viên đạn lạc bất ngờ từ đâu đó bắn tới, rơi xuống”. Sự hi sinh anh dũng của người tiểu đội trưởng công binh làm Nguyễn Văn Hồng không thể nào quên: “khuôn mặt trái xoan, có nhiều vết lõm như là dấu tích của căn bệnh đậu mùa còn lưu lại”. Trong tác phẩm Cuộc chiến tranh bắt buộc, nhà văn Nguyễn Văn Hồng lí giải sâu sắc, cho ta thấy vì sao chúng ta phải cầm súng. Làm sáng tỏ điều ấy, chỉ viết dưới thể loại kí mới có sức thuyết phục cao. Cuộc chiến tranh bắt buộc là áng văn chính luận sắc bén, để tự vệ bảo vệ Tổ quốc mình từ xa. Đâu hiểu đơn giản chỉ là giúp bạn. Nó phản bác lại quan điểm sai trái, cho rằng Việt Nam vi phạm luật pháp quốc tế xâm lược Campuchia. Còn nhiều, nhiều nữa, được xem là những tư liệu quý về một trận đánh có vui có buồn, hay giá trị về mặt tư tưởng khoa học quân sự, chiến tranh cách mạng.

Đại diện Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh tặng hoa chúc mừng tác giả Nguyễn Văn Hồng. Ảnh: NGUYÊN HÙNG

Về tiểu thuyết, Nguyễn Văn Hồng có 5 cuốn và cả 5 đều viết về đề tài chiến tranh. Trong 5 tác phẩm có cuốn Đường 19 được tặng thưởng của Hội nhà văn Việt Nam, và Pailin thời máu lửa nhận giải thưởng Sông Mê Kông. Phải chăng sự hấp dẫn của văn Nguyễn Văn Hồng là những tư liệu quý về cuộc sống chiến đấu, cộng với lối viết giản dị không khoa trương bóng bẩy? Tác phẩm Pailin thời máu lửa là câu chuyện như vậy, chỉ có hai sự sắp đặt là mở đầu và kết thúc, bằng nhân vật có tên là Phearak con trai của người lính quân tình nguyện Việt Nam với cô gái Khơme Nari, qua lời kể của cựu binh Nguyễn Mộng Hùng đang có chuyến du lịch về chiến trường xưa ở Phnôm Pênh. Đoạn kết cho cuốn tiểu thuyết có hậu, Phearak tìm được cha mình, nhưng mẹ sinh ra Phearak là Bôpha em gái của Nari. Độc giả còn bất ngờ hơn khi Ngô Xuân Mạnh cha của Phearak không phải là trung đoàn trưởng trung đoàn 3, chỉ là một trinh sát viên quân báo trùng tên của tỉnh đội Bát Tam Băng.

Một người lính chiến máu lửa như Nguyễn Văn Hồng viết được như vậy là thành công. Những tác phẩm của anh đã gợi mở, khám phá cho những ai muốn tìm hiểu cuộc chiến tranh dưới góc nhìn phi hư cấu.

Nhà văn ĐỖ VIẾT NGHIỆM

VNQD
Thống kê