Trận tập kích đồn Yên Thịnh

Thứ Sáu, 12/04/2024 00:15

. CHU THỊ NGỌC HUYỀN
 

Vinh dự được là nhân viên giới thiệu truyền thống của trường Sĩ quan Lục quân 1 hơn 20 năm, đến nay, tôi đã giới thiệu cho hàng trăm đoàn khách trong và ngoài nước. Trong quá trình giới thiệu, tôi như bị cuốn hút vào hai trận đánh mà nhà trường đã tham gia trong các cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc. Đó là hai trận đánh tiêu biểu trong những ngày đầu chống Pháp: trận Đầm Hồng - Bản Thi và trận tập kích đồn Yên Thịnh vào sáng và đêm ngày 18/10/1947. Tôi đã tái hiện diễn biến của trận đánh, để thấy được sự mưu trí, dũng cảm của cán bộ, học viên nhà trường trong từng giây phút chiến đấu.

Tác giả bài viết và ông Nguyễn Bội Giong

Sau khi khóa 1 khai giảng ở Sơn Tây, tình hình cách mạng chuyển biến mau lẹ, nhà trường chuyển địa điểm lên thị xã Tuyên Quang được 3 tháng; cuối tháng 3/1947, trường lại nhanh chóng di dời lên Thái Nguyên. Khóa 2 và khóa 3 Võ bị (tức là khóa 9 và khóa 10) lấy Bắc Cạn làm căn cứ chính, Hiệu trưởng là ông Hoàng Đạo Thúy.

Trong khi khóa 9 và khóa 10 đang huấn luyện, ngày 7/10/1947 quân Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn, Chợ Mới vào ngay khu vực đóng quân của nhà trường, chúng tổ chức tiến công thành hai gọng kìm, một theo đường số 4, một theo sông Lô, khép vòng vây ở bản Thí, âm mưu chụp bắt cơ quan đầu não, tiêu diệt chủ lực của ta. Ở Bắc Cạn, quân dù đã nhảy trúng vào địa điểm của nhà trường, do có sự chuẩn bị từ trước, ngay sáng sớm cán bộ, giáo viên, học viên ba lô, súng đạn đã sẵn sàng, phân ra ở các đồi xung quanh trường. Do đó, khi địch tiến công ta đã kịp thời rút vào các rừng phía Tây - Bắc thị xã an toàn. Đồng chí Tổng Tham mưu trưởng trực tiếp ra lệnh cho nhà trường phải tích cực đánh địch, giúp đỡ địa phương và các cơ quan Bộ Tài chính, Cục Quân nhu, Cục Quân giới di chuyển cơ quan, kho tàng.

Tối ngày 7/10/1947, Hiệu uỷ quyết định tạm ngừng huấn luyện, cử một bộ phận cán bộ, học viên giúp đỡ nhân dân, dân quân du kích các châu ở Chợ Đồn, Chợ Rã và một số cơ quan Trung ương chuyển đến địa điểm an toàn; còn toàn bộ trường Võ bị Trần Quốc Tuấn tổ chức thành một đơn vị chiến đấu để tự bảo vệ các cơ sở. Ngày 9/10/1947, trường được biên thành 1 trung đoàn, lấy phiên hiệu Trung đoàn 79, do đồng chí Hoàng Đạo Thuý làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Lê Đình làm Chính trị viên.

Trận Đầm Hồng - Bản Thi, diễn ra vào sáng ngày 18/10/1947, nhìn vào sa bàn mô hình trận đánh với các đường tiến công của quân ta và quân địch, tôi đã giới thiệu để khách tham quan hiểu được một trận chiến đấu “tao ngộ” của cán bộ, học viên nhà trường. Đó là vào 10 giờ sáng ngày 18/10/1947, tại kilômét số 4 trên đường Đầm Hồng đi Bản Thi. Lúc bấy giờ, trường được biên chế thành Trung đoàn 79, trong 20 phút chiến đấu dũng cảm, với 72 viên đạn, ta đã tiêu diệt được 36 tên địch, trong đó có tên quan ba Kê-roát, số còn lại như rắn mất đầu, bỏ chạy thoát thân. Đồng chí Vũ Hải Đường (học viên khóa 10) đã dũng cảm đợi địch đến gần mới nổ súng, với 3 viên đạn, tiêu diệt được 3 quân thù, thực hiện khẩu hiệu “Mỗi viên đạn, một quân thù” và sau đó đồng chí đã anh dũng hi sinh, trở thành liệt sĩ đầu tiên của nhà trường.

Đối với trận tập kích đồn Yên Thịnh, tôi đã giới thiệu về trận đánh từ những thông tin bản thân thu thập được, đó là một trận chiến đấu diễn ra vào ban đêm, một tiểu đội “Quyết tử” gồm 8 học viên, do đồng chí Nguyễn Bội Giong làm Tiểu đội trưởng đã tiêu diệt một số tên địch, phá hủy 1 đại liên. Đồng chí Nguyễn Bội Giong bị thương nặng, nhưng vẫn bình tĩnh chỉ huy tiểu đội tiến công địch. Khi rút, đồng chí Đàm Văn Đồ cõng đồng chí Giong bò ra khỏi đồn địch cùng tiểu đội về đơn vị an toàn. Hành động đó thể hiện tình thương yêu đồng đội lúc thường cũng như lúc ra trận…

Tuy nhiên, trong thâm tâm tôi vẫn muốn hiểu rõ ngọn ngành của trận chiến đấu và có dịp thuận lợi mong mỏi gặp được người tiểu đội trưởng trong trận đánh này. Tôi đã tìm đọc các bài viết về ông và biết rằng, ông Giong vẫn còn khỏe và đang sống ở Hà Nội.

Được một người quen giới thiệu, tôi đã tìm đến nhà Đại tá Nguyễn Bội Giong - nguyên là chuyên viên cao cấp Ban Tổng kết lịch sử chiến tranh - Bộ Tổng Tham mưu. Tiếp chúng tôi trong căn gác 2, chỉ rộng chừng 10m2, nhưng cơ man nào là sách và tranh, ảnh gắn liền với những kỉ niệm, kí ức của ông trong những năm tháng tại ngũ.

Khi được hỏi về kí ức trận tập kích đồn Yên Thịnh, Đại tá Nguyễn Bội Giong rất vui, ánh mắt lanh lợi, ông nhớ tường tận từng chi tiết.

Ông kể:

“Năm 1946, tôi tham gia đội du kích tập trung, chiến đấu quyết tử với địch ở Cửa Đông.

Tháng 3 năm 1947, toàn bộ Trung đoàn Thủ đô đã rút khỏi vong vây ở Hà Nội, tháng 5, tôi được biên chế về Trung đoàn 102 của Sư 308. Đến Trung đoàn 102, tôi được nghe kể về Chính trị viên Tiểu đoàn Nguyễn Xuân Trường là người đã từng học trường Quân chính kháng Nhật khóa 2 và là một cán bộ hoạt động tiền khởi nghĩa. Một hôm, anh Trường gọi tôi lên bảo: Thôi nhé, bây giờ chiến đấu thì rất là tốt, trung đoàn thưởng công, cử cậu đi học Võ bị Trần Quốc Tuấn.

Tôi đến trường tháng 5/1947, học khóa 10 Lục quân (khóa 3 Võ bị). Quá trình học tập, chỉ huy xem xét tôi là một học viên đã qua chiến đấu, nên nói với tôi, cậu cứ chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, nếu cần là gọi đầu tiên.

Tháng 10/1947, thực dân Pháp nhảy dù lên Việt Bắc, phân đội nhảy dù khu vực Yên Thịnh, nằm trong chợ Đồn, cách chỗ đóng quân cơ quan đầu não của ta không xa.

Địch nhảy dù buổi sáng, một giờ chiều, đồng chí Hoàng Điền - Tổng đội trưởng của trường gọi tôi và một số đồng chí lên phòng chỉ huy, có sự chứng kiến của Hiệu trưởng và Chính ủy trường, ông bảo: “Bây giờ có một nhiệm vụ rất gấp, cần tổ chức một đội biệt động, đêm nay đánh vào đồn này và phải tiêu diệt, chứ mai địch nhảy dù tiếp, tăng cường đánh vào bên trong thì cơ quan Bộ Tổng không kịp sơ tán. Tôi kêu gọi các đồng chí sẵn sàng, 1 tiểu đội từ 7 đến 9 người mà tiểu đội trưởng đã được huấn luyện và đã tham gia trận đánh ở cơ sở rồi. Thế bây giờ, ai tình nguyện?”

Tôi giơ tay luôn.

Thầy Hoàng Đạo Thúy lúc bấy giờ nhìn sang Chính ủy và vỗ vai tôi: Nhanh quá, mừng quá, Hoàng Điền nói chưa dứt câu, cậu đã giơ tay. Bởi vì “tay” này nắm từ trước rồi, chứ không phải giờ mới nắm. Chọn 7 người nữa, các đồng chí có hăng hái xung phong tham gia trận chiến đấu, quyết tâm tiêu diệt quân thù không?

Hiệu trưởng vừa dứt lời, 7 đồng chí còn lại đồng loạt giơ tay.

Hiệu trưởng nói tiếp: Rất hoan nghênh tinh thần quyết tâm của các đồng chí. Tiện đây, tôi xin nói luôn nhiệm vụ: Đêm nay, chúng ta biệt kích đánh chiếm đồn Yên Thịnh, phá được khẩu 13,2 li của địch, ít nhất làm quân địch chết và bị thương để trong 2 đến 3 đêm tới nó sẽ “chùn” không dám tiến đánh thêm nữa.

Tất cả đồng thanh hô: Nhất trí!

Đồng chí Hoàng Điền phân công: Bội Giong làm tiểu đội trưởng, 3 tổ trưởng do anh chỉ định, đi từ 10 giờ sáng bí mật lên đồn, đêm nay đúng 21 giờ rưỡi đánh, muốn bố trí thế nào, làm thế nào là ở anh.

Cả tiểu đội làm công tác chuẩn bị, sau 1 giờ đồng hồ thì lên đường. Chúng tôi hành quân theo sự chỉ đường của một đồng chí cán bộ ở địa phương.

Tiểu đội được trang bị 5 quả lựu đạn (lựu đạn tấn công của Nhật mạnh ngang súng cối 82mm). Tôi phân công, 3 tổ trưởng 3 quả, tôi 2 quả nhưng tôi ném trước, khi nào thấy lựu đạn tôi nổ thì các đồng chí tổ trưởng mới được ném. Hiệu trưởng dặn rồi: Thầy dạy thế nào thì đánh thế. Vị trí tôi ném lựu đạn là trung tâm, các đồng chí cứ thế mà làm theo, không ném chỗ khác.

Trời đêm tháng 7, không khí u mịch của khu rừng đồn Yên Thịnh chỉ có tiếng dế và côn trùng kêu rả rích. Màn đêm phủ xuống toàn bộ khu đồi, những đoạn giao thông hào mới đào và khoảng đất rộng xung quanh đồn bị bạt hết cây chỉ còn trơ đoạn gốc sắc nhọn như những bãi chông đâm thẳng lên trời, ánh đèn pha rọi chiếu quét sáng cả một vùng đồi.

Dưới sự chỉ huy của tôi, tiểu đội bí mật tiến sát đồn, khi còn khoảng cách 80m thì dừng lại bố trí lực lượng, tôi quan sát vị trí của mình và phân công 3 tổ trưởng ém quân vào các vị trí.

Tôi giao cho Đàm Văn Đồ (1 trong 3 tổ trưởng): Nếu tôi chết thì anh thay tôi chỉ huy. Sau khi đã ổn định, đúng 21 giờ rưỡi, tôi ném quả lựu đạn thứ nhất. Lựu đạn nổ rất to, tiếp là 3 quả của 3 tổ trưởng đều ném vào đó, địch bị đánh bất ngờ, chúng nháo nhác.

5 phút sau loạt lựu đạn nổ, địch phản công, những loạt đạn bắn xối xả ra tứ phía và vị trí của tôi vừa đứng. Ném xong tôi đã lùi về sau ẩn nấp nhưng địch bắn trúng vào chân, đạn mạnh, chân tôi nhói buốt, tôi gục xuống luôn không biết gì.

Sau đó, Đàm Văn Đồ không nghe thấy tiếng tôi bèn ra ám kí tín hiệu “chíp, chíp…” bắt chước tiếng kêu của con chuột rừng. Tôi chíp lại. Đàm Văn Đồ trườn đến. Nắm đúng chân tôi đầy máu.

Đàm Văn Đồ siết chặt lấy tôi: Chết rồi, anh làm sao mà ra nhiều máu thế này?

Gãy chân rồi, anh chỉ huy thay tôi.

Đàm Văn Đồ nói luôn: Anh ở đây, một lúc nữa thế nào nó cũng bắt được anh.

Tôi bảo: Anh còn quả lựu đạn.

Đàm Văn Đồ giục: Phí, không cần, lựu đạn không bằng con người anh. Em cõng anh ra.

Cõng thế nào, khi địch đóng quân, chúng đào công sự, tất cả cây cối nó đã phạt hết, để xạ giới, trơ đoạn gốc nhọn như lưỡi mác thế kia?

Đàm Văn Đồ: Không thể cõng được, cõng lên là địch trông thấy. Chỉ có cách là anh trườn lên vai em, em bò, đưa anh xuống.

Bò bây giờ thì rách hết người.

Đàm Văn Đồ: Rách thì rách, em phải cứu anh.

Lúc bấy giờ, chân tôi gãy nhưng tay còn khỏe. Tôi ôm vào lưng, sau đó nhích lên ôm vào cổ Đàm Văn Đồ.

Đàm Văn Đồ nói tiếp: Anh không lo, em quen chuyện này rồi.

Thế là Đàm Văn Đồ trườn theo sườn đồi, sau đó cõng tôi trên lưng đưa về hậu cứ an toàn.

Trong lúc tôi được quân y băng bó vết thương, anh em nói: người Đồ đầy máu, những vết xước xẻ dọc từ ngực, xuống bụng, mọi người tưởng Đồ bị thương.

Đàm Văn Đồ bảo: Không sao, đấy là máu rớt vào thôi”.

Đang kể, bỗng giọng ông chùng xuống, đầy suy tư:

“Đó là một kỉ niệm khắc sâu về tình bạn trong chiến đấu, một ân nhân mà tôi không thể quên ơn.

Tốt nghiệp khóa học, Đàm Văn Đồ ra đơn vị, lên đến đại đội trưởng, tiếp tục tham gia chiến đấu và đã anh dũng hi sinh trong một trận đánh của Trung đoàn 174 năm 1952”.

Trận tập kích đồn Yên Thịnh hôm đó, lực lượng ta không ai hi sinh, có ông Giong bị gãy chân. Quân địch hoang mang, hoảng loạn, 2 tên bị chết, 3 tên bị thương nặng. Sáng sớm hôm sau, địch phải rút chạy, không dám nhảy dù tiếp. Chính việc quân địch rút chạy là một thắng lợi, ta đã chặn đứng âm mưu mở rộng vùng chiếm đóng của thực dân Pháp, đó là nhiệm vụ rất quan trọng mà thời điểm lịch sử, vận hội đất nước đã giao phó cho nhà trường.

Ngày 28 tháng 10 năm 1947, khóa 9 và khóa 10 làm lễ bế giảng tại bản Nghĩa Tá, châu Chợ Đồn, tỉnh Bắc Cạn. Trong buổi lễ, được sự uỷ nhiệm của Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy, lãnh đạo Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn đọc quyết định của Chính phủ tặng huân chương cho một số cán bộ, học viên có thành tích.

Truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất cho các đồng chí, trong đó có Vũ Hải Đường, học viên khóa 10 (khóa 3) Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba cho các đồng chí là giáo viên, học viên của nhà trường đã chiến đấu anh dũng, giảng dạy và học tập đạt thành tích xuất sắc. Đồng chí Nguyễn Bội Giong được tuyên dương toàn trường về thành tích chiến đấu. Đây là những tấm huân chương cao quý đầu tiên mà cán bộ, giáo viên, học viên được tặng thưởng, mở đầu cho những thành tích ngày càng lớn của nhà trường.

Ông Giong nói:

“Chính vì bị thương vào chân mà tháng 2/1948, tôi được điều động về làm công tác tại phòng Bí thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy quân đội Quốc gia và dân quân tự vệ Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ tháng 2/1948 đến 6/1951, tôi là cán bộ quân sự trong Văn phòng Tổng Chính ủy với công việc hằng ngày là giúp Đại tướng theo dõi tình hình chiến tranh và những hoạt động tác chiến của các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân trên toàn quốc.

Sau đó, tôi chuyển sang làm phái viên tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu, làm Bí thư quân sự cho Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái; rồi tôi được chuyển lên giúp việc về công tác chỉ huy, tham mưu cho Tư lệnh chiến dịch Võ Nguyên Giáp, là phái viên của Bộ Tổng Tư lệnh trong các chiến dịch quan trọng như: Biên giới, Điện Biên Phủ...”

Gần trăm tuổi, ông có lời nhắn nhủ tới các học viên tuổi mười chín, đôi mươi của trường Lục quân hôm nay - những lời tận tâm can - đó là: Trường dạy cái gì, ra làm cái đó; học là phải nhớ; tự nguyện, tự giác mà học và làm theo.

C.T.N.H
Sơn Tây, tháng 7/2023

VNQD
Thống kê