"Hoài Thanh từng viết như một dự cảm với ít nhiều xác tín vào năm 1941 rằng: “Di sản tinh thần của cha ông đại khái hãy còn nguyên vẹn cả. Tôi tin rằng nó có thể đem sinh khí đến cho thơ và cứu các nhà thơ ra khỏi một tình thế chừng như lúng túng.” Nhưng nếu như di sản đã giúp gia tăng tinh thần ngôn chí cho thế hệ này, đặc biệt là thời Trần và cuối Trần đầu Lê, thì phần giúp gia tăng cái hồn nhiên mới thật là đáng kể. Hoài Thanh thật tài khi, với tư cách là linh hồn của thơ Mới lại phát hiện: “…nếu họ biết tìm thơ xưa với một tấm lòng trẻ, họ sẽ phát huy được những gì vĩnh viễn hơn, sâu sắc mà bình dị hơn trong linh hồn nòi giống.” Tôi xin thêm: Suy cho cùng, dân tộc nào mà chẳng có di sản. Nhưng may mắn cho chúng ta là di sản thời Lý - Trần có các tăng ni tham chính, để chính trị và kế đó là văn hóa Đại Việt không bị đóng băng trong giáo lý Khổng Mạnh; một kiểu lấy sóng lướt sóng để vượt thoát khỏi nghiệt ngã từng sơ nhiễm những trăm năm Bắc thuộc. Suốt thời Lê và đầu Nguyễn, Khổng Mạnh lại độc tôn thì sinh khí dân tộc giạt ra ngoại biên, tìm cách bảo tồn và phát triển trong những lũy tre làng để được hồn nhiên là mình. Đó là điều thế hệ tôi học được. Trong các nỗ lực khai mở, săn tìm thi pháp như một gấp gáp bổ sung cho cái thời gian bị mất, Hữu Thỉnh và Nguyễn Duy đào sâu hơn vào di sản trầm tích, sâu hơn chỗ Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Vũ Đình Liên dừng lại. Hữu Thỉnh theo hướng dân ca:
Đất nước theo em ra ngõ một mình
Cau vườn rụng một tàu đã cũ
rồi:
Ước gì có chút hương bồ kết
Cho đá mềm đi núi ấm lên
Nguyễn Duy theo hướng dân dã vỉa hè nơi được coi là tã lót của văn chương truyền miệng:
đừng chê anh khoái bụi đời
bụi dân sinh ấy bụi người đấy em
xin nghe anh nói cực nghiêm
linh hồn cát bụi ở miền trong veo
rủ nhau cơm bụi giá bèo
yêu nhau theo mốt nhà nghèo…vô tư!"
Cơ sở hình thành các hiện tượng văn học - Tiểu luận phê bình
Tác giả: Văn Chinh
Nhà xuất bản Hội Nhà văn
VNQD