Dòng nước mát trong lành

Thứ Hai, 16/01/2017 00:17
ttntt
(Đọc Quả trời của Phan Văn Ấu, Nxb Hội Nhà văn, năm 2016)

Đọc thơ Phan Văn Ấu, tôi cảm thấy tâm hồn thơ của ông thật là trong trẻo. Ông làm thơ về người, về trăng, gió, con đường, bão, mưa, rơm rạ… Tôi đã dừng lại thật lâu và đọc thật kĩ những câu thơ của ông viết về làng quê. Mặc dù mọi thứ vẫn thân thương như ngày nào nhưng người đọc cảm thấy Phan Văn Ấu thường hay nuối tiếc quê mình không còn được đủ đầy, tròn trịa như thuở trước. Bóng nước, ánh trăng có thể thì vẫn thế nhưng hồn quê đã có phần hao khuyết, xanh xao. Điều đó thể hiện qua những đêm anh trằn trọc không ngủ, nghĩ suy: “Đêm qua/ Đứt giấc/ Lần bước/ Ngược đường quê…/ Đường quê miên man/ Chùa ngân chuông thẳm…/ Lòng ta chùng xuống/ Nghe ông cha vọng lại hồn quê… (Hồn quê). Càng cảm thấy nỗi nhớ da diết, tiếc thương hơn nữa khi nhà thơ hoài niệm về những kí ức thuở nào rồi cất lên tiếng gọi: Giếng làng đâu?/ Mẹ con dạy con gánh nước/ Trai làng trêu ghẹo buông gàu/ Cúc tần đâu?/ Con rịt cơn đau/ Tre làng xanh xứ khác/ Nhiều… Nhiều nữa…/ Bay hồn!/ Giờ gọi “quê”/ Như trẻ buổi đầu học viết! (Gọi quê). Đọc những câu thơ này, tôi như nghe thấy vang vang tiếng cuốc kêu nhớ cố hương trong văn học cổ xưa vọng lại. Với Phan Văn Ấu, cái đã mất đi mà chưa hẳn đã mất. Tất cả vẫn còn đây, hồn quê vẫn còn: “Tiếng mõ/ Con đường thiền/ Cần mẫn xanh/ Bền bỉ…” (Tiếng mõ). Kí ức cũng vẫn còn: Ngụp dưới gốc rạ/ Con ốc, con rô thơm mùi bùn đất/ Xước ngón tay chú cua càng gan góc/ Chập chờn cơn mơ/ Lần đầu thấy cha khóc/ Nước mắt đỏ đèn dầu (Tuổi thơ).


QUA TROIỪ, thì dẫu hồn quê có bị phai nhạt, mất mát đi phần nào. Tuy vậy, tất cả mọi tình yêu trong kí ức và hiện tại vẫn hiện lên nguyên vẹn trong thơ của Phan Văn Ấu: “Em có hay/ Trăng đuổi thời gian đi/ Thời gian dồn trăng đến/ Gọi chúng mình…” (Con đường). Hoặc là có những khi ông mải mê với điều gì đó trong cuộc sống mà đầu óc nhãng đi trong chốc lát thì trái tim ông vẫn luôn hướng về một tình yêu làng quê khôn tả của riêng mình: “Sực bừng nhả sao ra/ Đất trời về trở lại/ Trăng gió vẫn cạnh ta/ Chỉ thời gian hao hút”. Bài thơ Nhốt sao trời có những câu như thế đã chứng tỏ tâm hồn thi sĩ rất dễ rung động của Phan Văn Ấu.

Hình ảnh trăng, sao, gió, mưa, con đường cứ trở đi trở lại trong thơ ông, luôn hòa quyện vào tâm hồn thi sĩ. Không ai như Phan Văn Ấu, đã ví một trận bão tố như là cái ác mà thi sĩ sẽ tìm đến tận gốc để trừng trị: Người bạc từ ruột mặt/ Hàng xóm cũng không tha/ Những thuyền ngư vội vã chạy vào bờ/ Về muộn dọc đường bắt nạt/ Nhìn kìa! Tất cả về bến sát vai nhau, găm vào mặt người thô thiển/ Ừ tạm thua - ta khổ/ Nhưng ngươi còn đấy - ta còn đây/ Một ngày mầm xanh con cháu tỏ đường rõ lối/ Đến tận cùng hang ổ ngươi! (Khúc bão).

Phan Văn Ấu luôn hòa tâm hồn thi sĩ của mình vào trong thiên nhiên và thực tại. Quê hương đất nước không chỉ có vô vàn kỉ niệm và chung sống hòa bình với nhau để cho con người cuộc sống ngày một thêm mạnh mẽ. Đất nước đau thương vì giặc giã cũng làm cho con người can đảm và kiên trung bất khuất hơn rất nhiều: Có đất nước nào như Tổ quốc tôi?/ Bình yên không giá nào tính được/ Từ sơ khai tổ tiên đã máu đổ/ Đến nay còn loang…/ Những bố mẹ 7-9 người con/ Qua chiến tranh/ Thảy nhận về giấy ghi công liệt sĩ (Tổ quốc tôi).

Nhà thơ cảm nhận sâu sắc và thấm tháp những điều trong cuộc sống được như vậy là vì ông đã từng có thời tham gia trận mạc. Thơ của Phan Văn Ấu viết rất tự do khoáng đạt. Ông luôn tìm cách diễn đạt độc đáo cho riêng mình.

Thằng còn tại ngũ/ Năm nữa về hưu/ Thằng nửa nằm nửa ngồi, vết thương sinh chuyện, gia đình biên chế người đặc cách trông coi…/ Thằng trên giường viện oằn đau, vợ đang vật lộn tiền nong cứu chữa/ Thằng đẻ con hai mươi mốt năm chưa biết lẫy, mòn tay con đó đến giờ” (Gặp mặt đồng ngũ).

Đọc thơ Phan Văn Ấu, người đọc cũng không thể bỏ qua những bài thơ viết về mẹ và những người phụ nữ. Đặc biệt về mẹ, ông luôn trân trọng, tự hào và vô cùng yêu kính người mẹ tảo tần, lam lũ nuôi con: “Tôi vẫn lớn lên từ dòng sữa mẹ cô đơn/ Bên lạch, ngách bĩu môi thoáng mặt/ Ve ong nghi hoặc xóm làng/ Mẹ tôi/ Côi cút làm/ Côi cút ăn/ Nuôi tôi côi cút…! (Tôi phải con ông hàng xóm?). Hoặc: Lưng mẹ cõng chũng đêm và chùng sớm/ Chúng tôi lớn lên từ củ khoai kẹ dính hạt cơm hờ (Vòng tay mẹ). Cây đòn gánh là bài thơ mà tác giả muốn nói với bạn đọc rằng: Chiếc đòn gánh làm oằn vai mẹ hay mẹ chính là chiếc đòn gánh. Một người con phải thương yêu mẹ và cảm thông với mẹ như vậy mới viết được những câu thơ như thế này: “Quá nửa đời ẩm sương sũng gió/ Mòn vai mẹ/ Mưa/ Nắng/ Mùa màng/ Gánh cho con - cho cha trận mạc/ Trĩu vai… (Cây đòn gánh).

Đọc thơ Phan Văn Ấu bạn sẽ cảm nhận được ông như một dòng nước mát trong lành không bợn chút bụi trần ai và bạn cũng sẽ cảm thấy cuộc sống đáng yêu hơn.

Nhà thơ DƯƠNG THUẤN giới thiệu và chọn
 

Trầm tư bảo tàng B.52
 
Giữa lòng thành phố vì hòa bình
Tròn căng sức sống công nghiệp
Nhưng không chật
Dành cho một khoảng không
 
Đủ chỗ chú khủng long
Nằm rũ xương
Bên mũi tên chiến tích
Cảm ơn nhân loại có phép tính tỉ lệ nghịch
Tự vệ Việt Nam hạ rụng B.52
 
Thương thay cánh rộng thân dài
Coi bầu trời nhỏ hơn đôi cánh
Ngỡ tưởng không gì cản được tự do và ý muốn
Nay phải vùi thân cắm mỏ xuống đất khách quê người
 
Năm tháng trôi đi hồn nghĩ gì
Cả một thời hoành hành
Cả một thời bung đỉnh cao trí tuệ
Vóc dáng vươn tầm trước nhân loại
Nay nhốt ở đây?
 
Chúng ta đất nước và con người Việt Nam
Trong đất từ ngàn xưa có máu truyền luyện thành hồn thiện
Chật đến đâu vẫn có chùa “riêng”
Kẻ ác đến tu… sám hối!

 

images869607 hon que 6

Hồn quê
 
Đêm qua
Đứt giấc
Lần bước
Ngược đường quê
 
Mắt rủ gió heo may
Cúc tần xanh xõa lối mòn bạc phếch
Tiếng chim cu đậu hai đầu võng
Đung đưa lời mẹ ru
 
Lững thững bên thềm
Bắt bình minh lọt qua khe bức dại
Vấp ông bình vôi ngồi thui thủi
Mắt chìa đen nhọn hoắt thời gian
 
Ngọn cau sẻ ríu ran
Ngó nghiêng chiếc gáo dừa gối đầu vào miệng chĩnh
Ché mo chít thân cau bàn tay chĩa
Giọt mưa nghiêng
 
Đi…
Võng theo lưng đa còng da mốc
Chùng chưng bên con nghê đá
Mũi rồng nâng mái đình cong
 
Đi…
Đường quê miên man
Chùa ngân chuông thẳm
Lòng ta chùng xuống
Nghe ông bà vọng lại hồn quê.

 

mua dem

Mưa trưa
 
Trưa
Trời tròn một mắt
Chợt cơn giận mây đen
Rống lên
Sầm sập
 
Mưa
Những sợi dây nối trời với đất
Buộc đầu bong bóng giỡn sân
Lia loáng những thanh gươm
Găm xuống
 
Mái tôn cướp lời nước
Mái ngói gõ trống mặt câm
Nước võng sân
 
Ta kéo trời
Thả lòng ra mưa
Buông lòng vào nắng
Lên sới những tính toan
 
Ngoài đường
Chùm mọc những nấm xe
Vội vàng gói việc
Bánh lăn trào bọt mép
 
Dưới đồng
Bác nông dân
Mặc áo mưa cho cả nửa thân cuốc
Xới đất
Đợi mùa
 
Mưa trời tạnh tuột đi
Mưa lòng không thoát?

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)