Thơ trong những tập thơ: tập thơ "Từ khóa" của nhiều tác giả

Thứ Ba, 10/05/2016 00:34
ttntt  Từ khóa - gương mặt thơ đa phong cách
 
Thời gian gần đây, ít xuất hiện các tập thơ in chung của một nhóm tác giả. Bây giờ in thơ dễ, cứ bỏ tiền ra là in bất chấp chất lượng đang làm khó chính thơ. Chúng ta không ngăn cản hay phủ nhận thơ chưa đạt chất lượng nhưng rất cần định vị đúng, chỉ ra những tập thơ nổi trội, đặt chất lượng nghệ thuật lên hàng đầu. Từ khóa đến với tôi thoạt tiên là tâm thế lưỡng lự khi cầm đọc. Lưỡng lự bởi những cái tên Đỗ Huy Chí, Nguyễn Đức Hạnh, Đỗ Mạnh Hùng, Trần Hưng, Hoàng Liên Sơn, Minh Trí không phải quá xa lạ với làng thơ. Vậy cơn cớ gì các nhà thơ từng in nhiều tập độc lập tạo ấn tượng tốt lại đứng chung trong Từ khóa? Câu trả lời chỉ đến khi đọc kĩ lưỡng 67 bài thơ trong Từ khóa. Tên tập ngộ nghĩnh, độc đáo và dường như có chút thách thức người đọc. Và thấy ngay, từ những dòng thơ mở đầu đến kết thúc, Từ khóa đã cho thấy sự công phu của một sân chơi khó, tính sắp đặt tinh tế của các phong cách thơ. Mỗi người mỗi vẻ, các gương mặt thơ hiện lên, vừa phô diễn được các thế mạnh cá nhân vừa vạm vỡ một thế đứng tập thể. Từ khóa là một dụng công có chủ đích tôn vinh thơ từ những gì chân thật nhất, bình thường nhất, cũng là nét mới rất cần ở mỗi tập thơ.

000tukhoaTrong Từ khoá, thấy vững vàng một Đỗ Huy Chí với những cặp lục bát nhuần nhụy, khúc chiết mà vẫn ngang tàng, có độ mới: Thanh thiên mây gió giáng trần/ Bao nhiêu hoa cỏ ngấm ngầm sinh sôi - Thôi ta thu xếp góc đời/ Một mai nhan sắc có nơi rơi về (Nở vào nhan sắc); Nhân danh gì, khoảng lặng im?/ Râm ran tóc rối thổi chìm ngón tay (Nhân danh); Phập phồng biển thở ngang trời/ Bứt tung cúc áo, mùa phơi dáng vàng (Hai mảnh Nha Trang); Làm cho đất lở đá tuôn/ Làm cho chớp bể mưa nguồn là em (Lời của Thủy Tinh gửi Mị Nương); Giọt lệ bất ngờ nở hoa/ Làm bâng khuâng gốc cây già rêu phong (Với thời gian).

Đó là mạch thơ ổn định, cấu tứ chắc chắn, câu chữ kĩ càng của Nguyễn Đức Hạnh. Từng in nhiều tập thơ riêng, nhưng khi góp mặt trong Từ khóa, Nguyễn Đức Hạnh vẫn cho thấy sức nặng và nét riêng: Căn nhà mười mấy năm thiêng/ Con đi dứt lòng sỏi đá/ Cơn mưa dột từ rừng cọ/ Mẹ thương con còm cõi nụ chè (Tuyên Quang); Trái tim bỗng thấy lạ lùng/ Nước hồ trong suốt một vùng đong đưa/ Nói gì ngọn gió lưa thưa/ Không dưng ướt át mấy mùa tươi non (Gửi người ở xứ đồng Chằm); Bây giờ chim núi bay về núi/ Bỏ lại đằng sau những chỉ màu (Một chút chiều sông chảy); Xin nguyện ước thanh bình như kiếp cỏ/ Như mai sau một nắm đất miền đồi (Bài ca xứ sở).
Đã hiện ra một Đỗ Mạnh Hùng luôn thảng thốt mà da diết lay động người đọc bằng những câu thơ ngắn: Khuya, lạnh/ Một tiếng chim kêu lạc/ Ta chạnh lòng riêng tư (Tản mạn đêm); Xòe tay chải tóc cho em/ Vương vào hương cúc dại/ Gió ở đâu dồn lại/ Chăng rèm che kín nụ hôn (Hương cúc dại); Mưa xuân, tối, nghẽn lối/ Đường về sương lan đêm/ Anh - cành khô cây vối/ Mùa xuân em bỏ quên (Xuân đi qua); Gió vuốt mặt/ Đêm không lời/ Bong bóng/ Tỏa mình buông xuôi (Ngẫu hứng mưa).

Một phong cách góp vào Từ khóa vẻ diễu nhại, đôi lúc phảng phất phong vị thiền khiến người đọc bâng khuâng, đó là Trần Hưng: Nõn bồ đề trong mưa xuân không lời/ Mầm sen trong bùn không nhạt (Hạ thủy tháng Giêng); Anh góp với hoang vu nghìn tuổi/ Một hoang vu vài chục năm (Sông Bạch Đằng đến tuổi). Và Trần Hưng cũng là người nhập thế: Ta cứ gõ vuông tròn không dám chắc/ Những cạnh bàng nhân thế sắc như dao (Hiệp sĩ cuối cùng); Năm trơn tháng xóc ngày lầy/ Đời như đất cát bắn đầy áo mưa (Xe ôm ca); Bóng người tầm gửi bóng cây/ Chân như lá rụng mặt đầy cỏ non (Bách Thảo hoàng hoa).
Hoàng Liên Sơn, vẻ sốt sắng, ưu tư, ngẫm ngợi, chất vấn cả những gì mình thân thuộc nhất góp vào Từ khóa đã tạo thêm một gian hàng trong cửa hàng vốn đã khá phong phú: Sợ người ta không gọi đúng tên mình/ Hoa hiến đến cạn nguồn hương trinh bạch (Hoa sữa); Mẹ gọi trong ngõ quen/ Đứa trẻ lạ từ đâu lấp ló (Tiếng gọi); Trong giấc ngủ không còn nguyên vẹn nữa/ Và dáng vóc thêm gầy qua mỗi đêm sâu (Dấu yêu thương); Thiếu bếp rộng để làm đại yến/ Đủ củi than cho những ấm trà (Ngôi nhà).
Một phong vị khác, Minh Trí hiện ra với lối viết tưng tửng, chắc khỏe, đầy trải nghiệm với chùm thơ nồng nàn hơi thở biển: Biển buồn trăng ngã một đêm/ Một tôi ngơ ngác/ Một thềm đá hoang (Bên biển); Em ngồi xuống đá hoang run rẩy cát/ Nức tiếng đàn ngàn ngạt cỏ đồng quê/ Thôi hát cất tuổi thơ vào sóng gió/ Nhớ cố hương chim núi sẽ bay về (Quê biển); Những bước chân đi chống lại buổi chiều/ Gom ánh mắt hướng về quê thăm thẳm (Gửi biển); Không ngờ bát canh hà ngon ngọt nhường kia/ Lại được lấy ra từ lòng ngàn mảnh sắc (Người đọc hà).
Từ các phong cách khác nhau đã tạo nên một Từ khóa đáng đọc. Trong đời sống thơ sôi động hôm nay, Từ khóa chắc chắn sẽ có chỗ đứng xứng đáng cho riêng mình
 
BAN THƠ chọn và giới thiệu
 
TRẦN HƯNG

Sông Bạch Đằng đến tuổi
 
Triều lên ngồn ngộn
Sông như tóc đàn bà sổ tung vào biển
Những ngôi nhà chóng cao, những con tầu chóng lớn
Lở gặp bồi ngón cái tõe phù sa
 
Không phải lấy nhau mà là yêu nhau
Có sú vẹt này làm chứng
Đá ngầm kia làm chứng
Cọc gỗ ghim thời gian
Bánh xe bụi ngả đường đánh phấn
Cánh ong kẻ lông mày xanh xao nguyên sinh
 
Đáng lẽ anh thuộc về chuyến đò than củi
Nếu nếp sóng thời trang không trễ lưng ngày
Anh góp với hoang vu nghìn tuổi
Một hoang vu vài chục năm.


Gia mo tat nguyen Tr20 
MINH TRÍ

Những bức tường
 
Những bức tường khát vọng
Dựng bên cột mốc thời gian
 
Người tìm đến và vượt qua lặng lẽ
Người tìm đến và vượt qua ồn ã
 
Người khóc dưới chân tường
Người hát dưới chân tường
Người chết dưới chân tường
 
Người lơ ngơ ngoài những bức tường.
 

ĐỖ HUY CHÍ

Bài ca gieo hạt
 
       Tôi từ đất mẹ mà lên
Như vầng cỏ mật xanh bên thềm trời
 
       Tôi từ mùa thu không lời
Cánh hoa cúc ấy sắp rơi vẫn vàng
 
       Tôi từ phía ấy tôi sang
Tiếng chim nào hót thênh thang hiên nhà
 
       Tôi từ trong tôi bước ra
Em xem, vỏ hạt vỡ òa mầm cây!

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)