Thơ trong những tập thơ: Tập thơ "Từ muôn đến một" của Lê Huy Mậu

Thứ Bảy, 08/08/2015 05:37
Từ muôn đến một - thử thực lòng nhận diện mình là ai

Vô tình hay hữu ý, tên tập thơ đã bày sẵn hai xu hướng: Bản thể trong thế giới rộng lớn và giá trị của bản thể trong cõi đời, cõi người. Quá trình ấy tương hỗ nhau không tách rời Trời ở đâu cũng giống nhau xanh/ Cây cỏ ở đâu cũng giống nhau xanh (Vạn lý hành).
 

images1096743 bia sach... Thử thực lòng nhận diện
Thi sĩ đã vượt một hành trình cụ thể: Tới một Trung Hoa cổ kính Vằng vặc năm ngàn năm/ Tây Hồ soi bóng mỹ nhân thi nhân triết gia tăng lữ (Tây Hồ), tới Ấn Độ: Tôi nhìn xuống dòng sông lờm lợm phù sa lẫn tro người cuồn cuộn chảy (Sông Hằng), qua Tây Ban Nha Don Quixote là người hâm, người khùng, người điên, người ngố/ Hơn năm trăm năm làm trò cười cho thiên hạ (Don Quixote), đến một nước Mỹ hiện đại Một mình chống chọi với mấy cơn lũ người/ Lũ từ các toà nhà chọc trời tuôn xuống (Nhặt nhạnh ở New York). Tuy nhiên, đó còn là một hành trình của bản ngã Tôi - một nhà thơ Á Đông/ Tôi đến từ nền văn minh kính ngưỡng tiền nhân bằng nhang khói (Tiếng thì thầm ở Saint Peterburg), nên anh nhìn cảnh trí vạn vật và con người đâu cũng thấy Sao ta với người khác nhau nhiều thế? (Vạn lý hành), và bằng thiên kiến của một thi sĩ, anh lý giải: Một tổ quốc mà lịch sử tài năng đa phần là dùng vào việc đánh giặc (Im-Ma-Nu-El Kant) rồi ngộ ra chân lí tự do cao nhất - tự do chính là sự tự giác của các cá thể Có một khu rừng không thú dữ, thợ săn/ Muông thú tự dàn xếp với nhau mà sống (Kí ức về nước Mĩ) và ở bất cứ đâu cũng Đất ở đây cũng có thể xây chùa/ Không đâu cấm lòng người hướng thiện (Đi chùa ở Mun-Chen)... Dẫu vậy, hành trình ấy thi sĩ không hề lẩn tránh một thực tế: Đức Phật từ bi sao dưới chân Người vẫn trầm luân khổ ải/ Sông Hằng buồn một cách vĩ đại giữa lòng tôi (Sông Hằng) nên thi sĩ chỉ dừng lại bằng cách chiêm ngưỡng mà không hề cưỡng ép: Tôi đành thả Paris xuống nước/ Paris bập bềnh trôi sáng cả sông Seine (Sông Seine).

Với bản ngã, thi sĩ dấn mình vào một cuộc sống khác, ở một thế giới với những nền văn minh, hệ tư tưởng giáo lí khác, đó là một sự trải nghiệm đầy thú vị và mạnh dạn, nhưng dường như Từ cái mùi lá chanh thái nhỏ rắc trên đĩa thịt gà giữa New York/ Tôi nhận ra mùi Tổ quốc mình (Bữa cơm Việt ở New York). Thi sĩ thật sự sửng sốt, một cảm xúc vỡ oà Thì ra, tôi nhặt tôi từ New York/ Thì ra, tôi nhặt tôi từ ngoại quốc/ Tôi Việt Nam nên nhân loại vô cùng (Nhặt nhạnh ở New York). Vâng, cũng chính bằng bản ngã, thi sĩ đã tìm thấy mình dưới nét da màu Nhân loại, một nét màu rất thân yêu, quen thuộc, không thể lẫn vào đâu - mình người Việt Nam!
 
... Và mình là ai?
Trở về sau cuộc hành trình dài, dường như là “cái sự ấy” khiến anh bắt đầu “tự kiểm điểm”, không hốt hoảng mà rất thật và bình sinh: Anh tằn tiện tiêu pha/ Anh thong thả nhâm nhi từng giọt sống (Khúc hạ lưu), Mình/Thiểu năng đủ thứ (Tự nhận diện mình), để rồi một cách chắc chắn: Gần bốn mươi năm/ Thành bại được mất/ Trong mỗi người có một nỗi đau riêng (Đồng đội). Nhưng, anh biết chấp nhận, vì Anh là nhà văn/ Anh muốn uống cuộc đời/ Uống khổ đau buồn phiền cay đắng (Đêm cuối năm), chính điều đó khiến anh tự tin hoà vào cõi đời, cõi người Mình nhặt lên một hột tình cờ/ Chợt thấy mình trong đó (Từ muôn đến một), rồi cũng một lúc chàng thi sĩ Khúc hát sông quê nhận ra mình đã Không thể tin vào mái tóc trên đầu (Lạc tuổi) cũng vui vẻ mà chân thật Nhận chén rượu mời trả lời thành thật/ Nhiều năm ra về hoà vốn ra đi (Đồng dao rượu tỉnh). Xa xứ Nghệ nhiều năm, để cuộc đời lăn mãi, có lúc thành kẻ lên giời không hộ chiếu rồi bằng một hành trình cụ thể (một vòng thế giới) rồi đây anh thản nhiên nhận diện mình: Mình/ Nhà quê/ Trộn cách sao cũng chẳng lẫn (Tự nhận diện mình).

Xuyên suốt tập thơ, từ những nét vẽ chân thật, anh tìm thấy mình, hoạ ra khuôn mặt mình để một gần cuộc vuông tròn đời người mà thốt lên đầy tự tin: Đã thuộc về hôm qua/ Một nghĩa vụ hoàn thành, âu cũng là xứng đáng và viên mãn với thi sĩ!

Từ muôn đến một sử dụng đa số lối thơ tự sự với mạch thơ chậm, sáng. Tác giả không ẩn mình dưới lớp vỏ ngôn ngữ mà hiện diện, song hành giữa cái tôi - đặt trong một không gian rộng, đầy không khí và hơi thở của đời, của người. Sự hiện diện của một người đã và đang gạt đi vô minh, cởi bỏ chấp ngã mà bình tĩnh: Không có những cơn rung chuyển thật sự mãnh liệt nào/ Nhưng sự biến đổi của màu tóc trên đầu diễn ra âm thầm riết róng, đó phải chăng là Tự hiểu biết lấy mình, chính là bước đầu của trí tuệ như lời của triết gia J.Krishnamurti (Ấn Độ) vậy!
 
LƯƠNG KIỀU PHONG chọn và giới thiệu
 

Sông Seine
 
Biết mang gì về lưu niệm sông Seine
Vốc nước lên tay nước trôi đi mất
Lần tìm dọc sông, sông bờ không đất
Đành mở câu thơ gói ít rét mang về
 
Được vài ngày mắt bội thực Paris
Đêm lạnh quá thơ không tiêu hoá được
Tôi đành thả Paris xuống nước
Paris bập bềnh trôi sáng cả sông Seine.


 seine3

Khúc hạ lưu
 
Đã bao giờ anh tự hỏi anh đâu
Tuổi trẻ mình qua bao giờ ấy nhỉ?
Ngoái lại tìm bóng đã xế chiều hôm
 
Đã bao giờ anh tự hỏi anh đâu
Lời lãi cuộc đời mình đâu ấy nhỉ?
Gió phù du thổi bạc tóc trên đầu
 
Đã bao giờ anh tự hỏi anh đâu
Anh còn bao nhiêu thời gian trên cõi đời ấy nhỉ?
Năm, mười, mười lăm, hai mươi năm
Chớp mắt cũng bay vèo
 
Thôi thì dù còn lại bao nhiêu
Anh tằn tiện tiêu pha
Anh thong thả nhâm nhi từng giọt sống
Gạn lấy vui trong vô số những buồn
Gạn điều lành trong xô bồ ồn tạp
Gạn chút tình từ những thoáng mong manh...
 
Xin thời gian cứ làm việc của mình
Cứ thao thiết, cứ lạnh lùng cuộn chảy
Anh là sông đã về gần tới bể
Khúc hạ lưu thanh thản nhả phù xa.
Chuyện từ mảnh vườn
 
Khi người hàng xóm cuối cùng vừa xây lên
                                                bức tường cao mười hai mét
Mảnh vườn nhà tôi có số phận giống như những
                                                 con đường ở New York
Chỉ giữa trưa mới có nắng mặt trời
 
Một chú mèo hoang lân la tới mảnh vườn này
Tôi biết chú muốn gì, nhưng chú thì chẳng nói
Mỗi ngày tôi đãi chú một bữa ăn
Chú thấy tôi hiền lành là tử tế bèn dọn về ở hẳn nơi đây
 
Mảnh vườn của tôi chỉ chín mét vuông thôi
Có cá, có chim, có cây, giờ thêm chú mèo hoang nữa
Thế là thành khu bảo tồn thiên nhiên
 
Những thứ cây tôi trồng trong khu vườn mình
Có phẩm chất của người xứ Nghệ
Thả vào đâu cũng sống, cũng tươi xanh
 
Một lạch nước tượng trưng một dòng sông
Một cây cọ tượng trưng cho đồi núi
Một con chim cu gợi về nương rẫy
Một chú mèo hoang gợi nhớ đại ngàn
 
Buổi sáng tôi mở cửa khu vườn
Chú mèo uể oải vươn vai đưa mắt nhìn thân thiện
Con chim cu xu nịnh gáy một bài
Những chú cá bảy màu hiếu động như trẻ nhỏ
Bấy nhiêu thôi mà cũng thấy xôn xao
 
Chẳng có thời gian thể dục thể thao
Tôi tha thẩn với mảnh vườn chín mét
Cũng cây xanh, cũng chim trời cá nước
Tôi thấy mình quá đủ giữa nhân gian.
 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)