Thơ trong những tập thơ: Tập thơ "Mặt trời đêm" của Trịnh Công Lộc

Thứ Tư, 08/07/2015 04:30
Sự dấn thân của một nhà thơ

Gấp lại tập thơ Mặt trời đêm, tôi chợt nghĩ đến hình ảnh người đàn ông quá lục tuần, khuôn mặt khắc khổ, ngồi đó, trong đêm, trước mặt không phải cốc cà phê, gói thuốc vơi nửa mà là sự ưu tư đầy chiêm nghiệm trước khoảng không vạn vật chuyển vần, bơi lội vô định. Vẫn một mạch chảy ấy, anh khơi gợi vấn đề “nóng” của xã hội, của con người và anh khắc họa vào thơ với một cái nhìn nhẹ nhàng mà day dứt, khúc chiết mà đầy tính nhân sinh.

Xuyên suốt 45 bài thơ, nổi lên rõ rệt tình yêu quê hương đất nước, biển đảo thiêng liêng. Đó là Hoàng Sa: Nắng táp sơn mật bóng/ Không hầm hào cây lá ngụy trang (Khát với Hoàng Sa), là rừng, là đảo và những con người kiên gan nơi đầu sóng ngọn gió: Gió vắt vai, sóng quanh chân đảo/ Như người đi gieo hạt đường khơi (Rừng đảo), Mới sinh ra đã thành ngư lính/ Chống giặc nước, giặc trời, giặc giã biển Đông (Mở cõi Biển Đông)... để rồi chiêm nghiệm, đúc kết thành chân lí: Giữa biển/ Biết thêm sức người sức nước/ Biết mình phải rắn hơn sắt thép (Giữa biển), mà suy ra nguyên nhân: Mọi thứ chẳng khác nhau là mấy/ Chỉ lòng người khác biệt nhiều thôi!. Hòa với không khí ầm ào, sôi động của toàn dân những ngày “dậy sóng Biển Đông”, anh mở ra những nét phác họa và một tầm nhìn mới nhưng nhìn chung vẫn hòa mạch chảy: Là mộ gió, gió thổi hoài, thổi mãi/ Thổi bùng lên những ngọn sóng ngang trời trong tác phẩm Mộ gió khá ấn tượng của anh.

Ở khía cạnh khác, Trịnh Công Lộc mở ra một cách nhìn nữa về đất mỏ, về “vàng đen”: Than! đứa con một/ Triệu triệu năm đất nặng, đẻ đau (Than! đứa con một), về những con người: Những binh đoàn khai phá/ Ruột đất bóng đen (Bập bênh), Từng ca/ Từng ca, từng ca lớp lớp/ Đánh cược cuộc đời/ Kín trời, kín đất (Ngày vào đêm). Rồi khi là sự giằng co, đau đớn vì trả giá của mẹ thiên nhiên: Bắt đầu than trở dạ/ Cơn đau vượt qua thế kỉ (Bắt đầu từ than), Sự sống nhói lên (Lộ thiên) cho đến Mỗi ngày than sâu hơn/ Chìm trong bóng tối/ Im lìm kí ức hoang vu (Báu vật), nhưng anh vẫn có cái nhìn đầy vị tha Vợ chồng/ gánh gồng/ quăng quật/ Nơi đây/ người/ như mọc lên từ đất/ Chỉ mong/ những công trình/ Không đổ sập (Mọc lên từ đất).

Từ tình yêu của bản thân anh khéo léo nâng lên một tầm mới - tình yêu và sự thổn thức chung nhân thế. Cùng nhịp thơ mạnh, cách ngắt câu đột ngột như dấn thêm một cú hích vào tâm người đọc nhưng không có cảm giác hụt hẫng, sáo mòn đề tài. Tuy nhiên, trong Mặt trời đêm vẫn có những đoạn tác giả chưa thật công phu: Điện và than/ Lóe sáng vùng thơ công nghiệp/ Anh về trời như chưa xong việc/ Mây gió lại đưa về đất (Đường gió, đường mây) hay Rồi đột nhiên/ vợ mất/ Đổi bình yên lấy lao lực ngày ngày/ Bươn bả xe ôm/ Nuôi trí khôn con cái (Gặp người giữa phố khôn)…

Tựu trung, Mặt trời đêm chính là sự dấn thân của Trịnh Công Lộc, anh đem thân phận một nhà thơ không ngừng nghỉ hòa lẫn vào nhân tình thế thái mà phơi gan ruột mình trong những day dứt với tình yêu và vận mệnh quê hương đất nước, với những số phận con người. Nhưng, anh cũng tâm niệm: Qua bao nỗi truân chuyên thế sự ấy, cuối cùng cũng chỉ một tiếng cười nhẹ: Biết sợ/ rồi đây/ còn, mất những gì/ Sợ những người/ biết mặt/ quay đi (May).

Âu, thơ cũng là đời, là người vậy!
 
LÝ HỮU LƯƠNG chọn và giới thiệu
 
 
Rừng đảo
 

Gió vắt vai, sóng quanh chân đảo
Như người đi gieo hạt đường khơi
Chi chít mọc, đảo thành rừng của biển
Cứ mênh mông, ngút ngát chân trời
 
Đất có rừng, biển cũng rừng như đất
Đảo thành rừng, chiến luỹ Biển Đông
Những chiến hạm vượt đại dương rừng đảo
Như binh đoàn ào ạt tiền phương…
 
Đây Hoàng Sa,
                       kia Trường Sa,
                                            rừng mọc
Biển một li không thể cắt rời
Người yêu đảo, mặn mòi với đảo
Đảo yêu người, hạt muối cắn đôi
Máu thấm đất hồng tươi mặt đất
Máu biển loang sóng đỏ chân trời
 
Đất có rừng, biển cũng rừng như đất
Biển mỡ màu, rừng đảo ngàn xưa
Đại dương bao la, đại ngàn rừng đảo
Đại ngàn xanh,
                              xanh ngập bến bờ.


bc3  
 

Bập bênh
 
Ai đã sống cùng than
Choòng, búa, vỉa tầng, hầm lò và khí
Những binh đoàn khai phá
Ruột đất bóng đen
Bóng đen cũng vĩnh hằng…
 
Than, đồng hồ sinh học
Hiện lên, sinh lực nguyên sinh
Bóng tối giết đi bóng tối
 
Nhìn kia
Cầu bập bênh - bật lên, bật xuống
Trò chơi, không thăng bằng
 
Ai đã hiểu hết than
Từ bóng tối, vỉa tầng cao ngất
Băng băng rộn ràng như hát
 
Chiếc cầu bập bênh kia
Cứ bập bênh, sinh lực ngày ngày.


 080926192752 489 539
 

Vòng hoa quanh đảo Gạc Ma
 
Đã bao lần thả vòng hoa xuống biển
Hoa cứ trôi, sóng dạt về đâu
Những vòng hoa, linh hồn neo đậu
Vợi nỗi buồn, bớt lạnh lẽo, cô đơn
 
 
Nhưng ở đây
                    rừng san hô tím ngắt
Những vòng hoa không muốn trôi đi
Hay có phải
                 - sáu mươi tư hồn cốt(1)
Còn quanh đây sóng buốt thân tàu
 
 
Những người kia khuất mặt đi đâu
Sao giấu nổi tội trời, tội đất
Những vòng hoa cứ vòng quanh bờ nước
Như vòng tay siết lại những vòng tay.

------

1. 64 chiến sĩ hi sinh trận chiến Trường Sa ngày 14 tháng 3 năm 1988.
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)