VNQĐ giới thiệu: Thơ Đặng Nguyệt Anh

Thứ Năm, 04/06/2015 04:36
nguyet anh                ĐẶNG NGUYỆT ANH
- Quê làng Ninh Cương, Tỉnh Nam Định
- Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Tp.HCM
- Trong kháng chiến chống Mĩ, Công tác tại Tiểu ban Giáo dục R thuộc Ban tuyên huấn Trung ương Cục MN.
- Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
- Tác phẩm chính đã xuất bản:
 Trường ca Mẹ - NXB Phụ nữ, 1994; Nếu anh biết được – NXB Hội Nhà văn, 1995; Sông Ninh – Hội VHNT Nam Định, 1997;  Bâng khuâng chiều – NXB Văn học, 1998; Ai đẻ ra trời – NXB Giáo dục, 2001;  Ru lời ngàn năm – NXB Thanh niên, 2002;  Trời em áo lụa –NXB Hội Nhà văn 2006.

Ngày ấy
 
Tà áo khép hờ
ai người xe chỉ luồn kim
 
Ngày ấy
câu ca dao mảnh quá
không níu được đời em
 
Phận gái như cánh chuồn kim
lại say miền bão lửa
 
Ngày ấy
Trường Sơn
trưa cao nguyên Bô-lô-ven bỏng rát
cơn khát điên cuồng quay quắt
nhớ câu hát
ướt đầm nước mắt
Người ơi đừng về...
 
Đèo Phu-la-nhích
dầm dã mưa khuya
đường trơn vác nặng
thương câu ca
thân cò lặn lội
cò ơi đừng đậu cành mềm
 
Đêm Vàm Cỏ Đông
gió ngàn vời vợi
cơn sốt rừng vàng vọt thức cùng trăng
vẫn nghe thì thầm tiếng vọng xa xăm
bàn chân nhỏ đạp bằng đá núi
ơi Trường Sơn diệu vợi
 
Đạn bom một thời đã qua
cơn sốt rừng theo em về phố
đắng nghẹt từng hơi thở
những khớp xương nhức nhối
vẫn thương buốt lòng
Trường Sơn
 
Em ước như ngày ấy
hồn nhiên
cứ mơ hồ như cánh chuồn kim
bay mải miết
tìm chân trời bão tố.
 

 nhung loai hoa dep hap dan va loi cuon 5
 

Rừng miền Đông và con gái tôi
                                 cho Ngọc Anh
 
Rừng miền Đông
là nơi chôn nhau cắt rốn của con
là bản khai sinh của con
là trang lí lịch đầu đời của con
 
Chọn một bình minh mùa hạ
con ra đời
sáng nay tiếng chim rừng ríu rít
nắng chan hòa mặt đất
trời xanh hơn mọi ngày
bố con mừng cuống quít
mọi người trong cứ đều vui
từ nay lại được nghe tiếng trẻ khóc cười
 
Lần đầu tiên làm mẹ
nâng niu con trên tay
hạnh phúc tràn nước mắt
mẹ lo ngày mai sao đây?
 
Con thì bé bỏng quá chừng
nhà lại không phên, không vách
xung quanh con rất nhiều thế lực
mẹ sợ con rắn độc
mẹ lo con kiến bọ nhọt
con rết rừng to hơn ngón chân
con bò cạp sao mà ác thế
lũ ve, lũ vắt, muỗi rừng
 
Đêm nay
trời không trăng không sao
biết đâu lũ biệt kích
biết đâu giặc lại đi càn
mẹ sợ cơn mưa rừng
mẹ thương con đang sốt
tắc kè bò trên mái trung quân làm mẹ hoảng hốt
con sóc rung cây mẹ cũng giật mình
 
Đêm không ngủ
bố mẹ thay nhau viết nhật kí cho con
mong con lớn khôn hiểu rõ cội nguồn
 
Ngày mai
tiếp những ngày mai
ngày mai đi tải gạo
ngày mai đi làm rẫy
ngày mai trận pháo kích
ngày mai cơn sốt rừng
 
Ngày mai mẹ sang ban Kinh Tài mở lớp
ở nhà con ngoan đừng khóc
bố không dỗ được đâu
vì bố còn đang đau
không tự mình dậy được
 
Các bác thương con dặm lại mái nhà dột
các bác thương con dành dụm từng viên thuốc
mấy cô thương con cho nắm rau rừng
mấy chú thương con xách từng xô nước
mọi người thương con chia nhau bế bồng
 
Ngày mai con lớn khôn
đất nước sẽ thanh bình
rừng miền Đông sẽ trở thành chứng tích chiến tranh
trở thành bảo tàng lưu niệm
trở thành ngày xửa ngày xưa
đời tất bật ngược xuôi
người về quê
về phố
rừng miền Đông mấy ai còn nhớ nữa
 
Ngày mai con ơi
hãy mở nhật kí tìm quá khứ
nhớ cô bác đã cưu mang che chở
nhớ rừng miền Đông gian khổ – thiêng liêng – trong sạch đầu đời.
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)