Thơ trong những tập thơ: Tập thơ "Người đàn bà nhóm bếp" của Thái Hải

Thứ Bảy, 11/04/2015 00:15

. HOÀNG VŨ THUẬT

Cuộc chiến đã lùi xa, nhưng vết sẹo trên thân mình Tổ quốc vẫn còn bầm tím, nhức nhối: bốn chục năm ngồi hong mà áo chưa khô (Người đàn bà nhóm bếp). Bốn mươi lăm bài thơ trong Người đàn bà nhóm bếp là những hoài niệm trăn trở của một thời. 

nhom bepCảm nhận tận cùng nỗi đau mất mát của chiến tranh để biết trân quý hơn cái giá của hòa bình: Đôi khi lối nhỏ không lọt bàn chân/ cỏ đan hình dây kẽm gai thời chiến trận/ dòng sông quánh đặc vòng vèo con lươn cổ đại/ chiếc thuyền không sóng chòng chành... (Đôi khi). Thế đấy, bom đạn đã tắt tiếng, nhưng con người vẫn có cái cảm giác chống chếnh chòng chành như người vừa mới bước chân lên mặt đất sau khi lặn ngụp trong bão táp sóng cồn. Chiến tranh như cỗ máy khổng lồ nghiến nát tất cả, để lại một màu trắng đến rợn người: Rặng tre bờ đê xác xơ trắng lạnh/ cái màu trắng phủ dày dòng sông phủ lên mái lá/ trắng như ngày ra đi mỗi người một ngả.../ những đứa con không cha/ những người đàn ông thèm khát đàn bà... Đọc những câu thơ mà ớn lạnh. Đây là nỗi thèm khát rất thật, rất người, rất nhân bản. Thái Hải không hề lên gân, giáo điều hay né tránh. Cái được của tập thơ chính là đã góp tiếng nói phản chiến theo cách riêng của mình. Bản ngã người cầm bút giúp tác giả nhìn sự vật nhiều chiều, vì thế thơ mang chở được thân phận, thức tỉnh con người, hướng con người đến thiện tâm, mơ giấc mơ về một thế giới đại đồng, hòa hiếu:

Bên kia đêm là ngày

mười ngón tay quen cầm súng bóp cò ôm giấc mơ ngủ

                                (Bên kia đêm là ngày)

Hình ảnh và biểu tượng trong thơ Thái Hải rất kín đáo. Hòa bình là mục tiêu muôn thuở của con người. Biết cầm lên cây súng mỗi khi đất nước bị xâm lăng là nghĩa vụ thiêng liêng của mọi công dân. Khát vọng của con người cũng như của đất nước thật giản dị: bên kia đêm là ngày, một chân lí hiển nhiên, giản dị.

Thơ Thái Hải mới, sâu kín chân thật.

Xin giới thiệu một số bài thơ trong tập thơ của Thái Hải.

 

Bóng lòng sông

 

Gió lạc mùa

mùi ngâu xa ngái

loang lổ bóng trưa

 

Không nhận ra ai chẳng ai nhận ra mình

rặng tre bờ đê xác xơ trắng lạnh

cái màu trắng phủ dày dòng sông phủ lên mái lá

trắng như ngày ra đi mỗi người một ngả

 

Nụ hôn thay lời nguyền

thiếu phụ chông chênh nỗi nhớ

đàn ông - đàn ông - đàn ông

không về - không về - không về

 

Làng không chồng

khung cửa méo hướng đông đón khách

bao ý nghĩ đục ngàu vào ra tự do

ảnh người yêu tổ tò vò che kín

bốn mươi năm thằng lính bạn tôi nhìn

 

Những đứa con không cha

những người đàn ông thèm khát đàn bà

tắm gội nước mắt

 

Nhặt bóng ai rơi vãi dưới lòng sông

ba lô gom nỗi đau dĩ vãng.

aae1375300399

Đôi khi

 

Đôi khi lối nhỏ không đủ lọt bàn chân

cỏ đan dày hình dây kẽm gai thời chiến trận

đêm không còn là đêm nữa

gió đi từng bước chắc như nêm

rồi rít lên

gào lên

 

Đôi khi dòng sông quánh đặc vòng vèo con lươn cổ đại

chiếc thuyền không sóng vẫn chòng chành

dưới khoang người đàn ông nằm như cá mắc câu

đèn dầu không đủ tỏ mái chèo

 

Đôi khi tiếng người tiếng chim tiếng dế cùng tấu khúc hòa ca

cung bậc thấp cao nhịp phách trầm hùng thâu đêm đến sáng

mặt trăng nghe

mặt trời nghe

 

Đôi khi thật gần

thật xa

thánh thiện và hoang dã

sa mạc ngùn ngụt mà dấu chân ướt nhòe

 

Đôi khi khóc vì thèm một nỗi buồn

rồi xua nỗi buồn bám riết như định mệnh

cánh cửa lâu ngày quên mở

ổ khóa lách cách vẹt mòn đùng đục gợi khát khao

                                                                một tiếng chuông ngân

 

Đôi khi thèm một đôi cánh.

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)