Huyền thoại hiện hữu

Thứ Ba, 09/06/2015 05:25
Thơ trong những tập thơ: Tập thơ "Huyền thoại mẹ" của Nguyễn Địch Long

. ĐĂNG BẢY

Có lẽ, hiếm người làm thơ nào lại “đoảng” đến nỗi quên việc viết về người mẹ. Bao người đã viết và viết không chỉ một lần, bao bài đã được tuyển vào những tập in chung nhiều tác giả. Song, ở tuổi “làm ông” lại công bố hẳn một tập thơ riêng gồm 25 bài về người mẹ của mình - như nhà thơ Nguyễn Địch Long - liệu đã mấy ai?
Tập thơ Huyền thoại mẹ thật đậm cá tính, bởi nhân vật chính - người Mẹ - vốn rất riêng tư của tác giả; nhưng không dừng lại ở đó, mà mang âm hưởng vừa cổ phong vừa thời đại, bởi được bồi đắp thêm những chất liệu và cảm xúc mang tính phổ quát, hòa đồng với các người mẹ khác ở Việt Nam xưa nay. Thay chồng nuôi con giữa thời chiến chinh trận mạc, làm cấp dưỡng cho đại đội Ký Con thời kháng chiến chống thực dân, đến khi con trưởng thành, chưa kịp thụ hưởng sự đáp đền công ơn sinh thành dưỡng dục đã lại trao con cho công cuộc chiến đấu vì thống nhất đất nước:
Chiến trường. Mẹ tiễn con đi
Hoa cau buồn khan nở
Bình vôi đầy hoá đá
Giàn trầu vàng tiết đông
… Đất nước bình yên
Con lại về bên nếp nhà xưa
Vắng mẹ buồng không bụi phủ mờ
Giàn trầu héo hắt
Cau hương lặn
Đêm thu lắc thắc giọt sương khuya

                                (Hương cau)
Nguyễn Địch Long chắt chiu hồi ức và chọn lọc những chi tiết khá đắt khắc tạc hình ảnh tiêu biểu về người mẹ Việt Nam:
Mẹ một đời cuối chợ đầu sông
Lối nhỏ mẹ đi sương rơi mềm lá
Lúc người về
Hoàng hôn sấp ngửa lùi xa

                                (Lối nhỏ)
Tôi thấy thú vị vì cùng sinh trưởng từ một miền quê, ngày trước, “cậu bé thần đồng” Trần Đăng Khoa có câu thơ cảm động Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy thì bây giờ “thi sĩ cao niên” Nguyễn Địch Long cũng đồng cảm từ góc nhìn tri ân sâu nặng của riêng mình:
Hạt mưa tháng Tư lăn tròn thân cây lúa
Cà cuống nép vào sấm chớp ngả nghiêng
Mẹ ra đồng mịt mù mưa đổ
Áo tơi nào che mẹ phía mưa xiên?

                                (Mưa đồng chiêm)
Và người mẹ được tác giả coi như “huyền thoại” ấy được khắc họa thật sắc nét, mang đậm phong vị đất và người nơi “cận thị cận sông” là làng Liêu Xuyên tỉnh Hưng Yên cận kề Hà thành:
Gốc đa sần vết hoàng hôn
Hằn in bước mẹ lưng đòn gánh nghiêng
Nỗi sông nỗi bến nào quên
Khi lo thành thị lúc niềm chân quê

                                (Mắc nợ dòng sông)
Đứa con hiếu thảo ngay từ thời còn trẻ đã biết hàm ân tinh thần hiếu học của người mẹ tuy vất vả mưu sinh nhưng không quên nuôi chí lớn cho con mình:
Mẹ nuôi con bằng nước giếng làng
Giếng đất bên sông nguồn trong như ngọc
Uống nước ấy quê mình thành đất học
Ai bây giờ còn uống nước giếng xưa?

                                (Giếng làng)
Đọc tập thơ chọn riêng về mẹ của Nguyễn Địch Long, ta gặp những câu thơ thành tâm, giàu sức biểu cảm, lại đúc kết được cả một thân phận. Bằng ngôn ngữ thi ca, tác giả tạc nên một tượng đài cho người sinh hạ ra mình:
Ngọn tre cong vút ao làng
Thâm nâu mặt đất tự ngàn xa xưa
Mẹ đi qua dọc nắng mưa
Hồng nhan hoá đá mà chưa hết nghèo

                                (Bóng thời gian)
Chính vì thế, mà tập thơ “bỏ túi” của Nguyễn Địch Long xứng đáng để độc giả dành thời gian cho nó và chia sẻ với người thân của mình nữa. Người Mẹ của mình - huyền thoại trong khói nhang mà hiện hữu giữa đời thường!
 Xin chọn và giới thiệu chùm thơ của tác giả.
 

Hương cau
 
Khi mùa hoa cau nở
Mẹ tiễn con vào cuộc trường chinh
Hương cau hành trang đời lính
Phía trời xa bom dội thập thình
 
Mẹ tiễn con đi
Chiều chiều mắt dõi trời Nam
Mẹ đếm thời gian
Bằng mùa hoa cau nở
Mẹ đo không gian
Bằng niềm thương nhớ
 
Mẹ tiễn con đi
Hoa cau buồn khan nở
Bình vôi đầy hoá đá
Giàn trầu vàng tiết đông
 
Đất nước bình yên
Con lại về bên nếp nhà xưa
Vắng mẹ buồng không bụi phủ mờ
Giàn trầu héo hắt
Cau hương lặn
Đêm thu lắc thắc giọt sương khuya.

 anh dep qua trung phuc sinh1

Bóng thời gian
 
       Người về dệt bóng thời gian
Chiều sương vương lạnh hanh vàng sắc thu
       Lòng buồn giục giã lời ru
Sông sâu cuộn chảy cuốn mù sang ngang
 
       Ngọn tre cong vút ao làng
Thâm nâu mặt đất tự ngàn xa xưa
       Mẹ đi qua dọc nắng mưa
Hồng nhan hoá đá mà chưa hết nghèo
 
       Mái đình cũ ngói xanh rêu
Thời gian bạc vết lối chiều ngõ quê
       Cỏ may rạc kín chân đê
Thoi đưa níu giữ câu thề khuất xa.
 

hoa hong tinh yeu dep 035 3 

Mùa Kẻ Chợ
 
      Xa quê nương ngọn gió lành
Phải đâu vì mộng kinh thành cao sang
 
      Những là xô đẩy trái ngang
Bằng lăng lã chã rơi loang tím chiều
      Từng đau đau đã đau nhiều
Gói vào nước mắt câu Kiều mẹ ru
 
      Thoáng Giêng Hai đã tháng Tư
Chưa mùa cháy phượng vàng thu cúc rồi
      Mưu sinh Kẻ Chợ rối bời
Chợt bên sông Cái bồi hồi bến quê
 
      Vườn đào ai thức đỏ hoe
Giật mình như đã xuân về phố xa.

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)