Truyện ngắn BUỔI ĐẦU của VĂN PHÁC trên VNQĐ số tháng 12/1957

Thứ Tư, 23/11/2011 06:00
Những ngày gần tiếp quản thủ đô, tôi làm phái viên đi theo một trung đoàn sẽ vào làm nhiệm vụ trong thành phố.

Đêm chờ giải phóng Hà Nội, đơn vị đã nhích đến một làng kế sát với ban chỉ huy trung đoàn với các cán bộ để nắm vững một lần chót tình hình chuẩn bị, quy định giờ tiến quân, phổ biến những yêu cầu động viên, kéo dài từ sẩm tối mãi sau giờ kèn báo ngủ một lúc lâu mới ào ào giải tán.

Đồng chí Phúc, chính ủy trung đoàn vội vã lên sư đoàn hội ý. Trong nhà còn lại đồng chí trung đoàn trưởng Quế và tôi. Đồng chí Quế ngồi thần ra vì cái mệt chồng chất sau những ngày miên man vừa hành quân vừa chuẩn bị.

Dưới ánh sáng vàng đục của ngọn đèn dầu, cái trán rộng bò liếm lấp lánh của anh như không ăn khớp với khuôn mặt gầy hóp mai mái của một người có nhiều nọc độc sốt rét. Đôi mắt đã hốc sâu vì thiếu ngủ, lại thêm những sợi râu non dệt thành một vết đen ngắn trên mép; trông anh càng già hơn cái tuổi 30, và chiến sĩ còn đặt thêm cho anh một cái tên nữa là “thần sốt rét”.

Mới tám, chín năm giời, tôi thấy Quế hầu như thay đổi hẳn. Ngày xưa, tôi và Quế là hai người bạn học cũc ở Hà Nội. Đến năm 1944, tôi bỏ về quê, còn Quế vẫn sống ở Hà Nội với gia đình. Nhà Quế mở hiệu bán thuốc là ở gần chợ Hôm. Vì cùng ưa hoạt động thể thoa, nên khi đã xa nhau tôi vẫn còn nhớ hình dáng một người bạn đầu húi cua, mặt lúc nào cũng sắt lại và rám nắng, hay mặc quần soóc và hễ cứ ngồi lên xe là gò người xuống đạp phóng ngay.

Mãi giữa cuộc kháng chiến, chúng tôi mới gặp lại nhau. Hồi đó Quế đã là một cán bộ quân sự đánh hăng, vui tính nhưng phải cái vẫn còn hay chêu chọc và hiếu thắng. Trong chiến dịch Hoà Bình 1952 tôi và Quế cùng chỉ huy trận đánh ban ngày ở chân núi Ba Vì, có một đồng chí chính trị viên phó đại đội ngại phi pháo cứ loanh quanh mãi ở hố cá nhân. Quế vác ngay hai cái mũ sắt vừa tước được của địch úp lên đầu đồng chí đó và giục:

- Thế này là an toàn rồi, đồng chí bám sát bộ đội, động viên mạnh lên chứ!

Sau về kiểm điểm với nhau, Quế cũng nhận khuyết điểm.

Xong chiến dịch đó, tôi được chuyển đi đơn vị khác, chỉ gặp Quế bằng thư hay ở hội nghị, cho mãi đến bây giờ tôi mới có dịp sống gần nhau.

Trước mặt tôi, Quế vẫn ngồi như cũ, hai chân duỗi dài, đầu ngả ra sau ghế, hai tay đập nhè nhẹ trên bàn theo thói quen khi anh bận suy nghĩ. Bỗng Quế nhỏm dậy, thọc một tay vào túi rút ra một phong bì bằng giấy báo:

- Quên chưa đưa cho cậu xem cái này.

Đó là bức thư của một đồng chí chính trị viên tiểu đoàn viết cho Quế:

Kính gửi đồng chí Quế

Buổi sáng hôm nay đơn vị tôi đã vào hoàn thành nhiệm vụ nhận bàn giao vị trí của Pháp. Tình hình cụ thể đã có báo cáo gửi lén trung đoàn rồi. Ở đây tôi chỉ phản ánh thêm với đồng chí một ít điều mắt thấy tai nghe.

Khi chúng tôi mới bước chân vào thành phố những chỗ còn lính Pháp, cả phố chỉ có mấy nhà mở cửa, ngoài đường cu cũng chỉ lủi thủi mấy thằng lính Pháp. Nhưng khi chúng tôi tiến đến đâu thì quang cảnh khác ngay. Nhân dân đổ xô cả ra cửa. Pháp còn ngay đấy mà vẫn treo cờ. Có nhà dán cả khẩu hiệu lên cửa kính.

Tôi có vào hỏi chuyện mấy gia đình. Đồng bào chỉ săn đón hỏi bao giờ chính phủ và Hồ Chủ Tịch về thủ đô. Có cụ bà cứ ngắm nghía mãi chúng tôi rồi mới nói: Trông các anh béo khoẻ đẹp thế mà trước Pháp và bù nhìn ở trong này cứ bảo là lính Cụ Hồ ở rừng, ở hang, đói ăn mọc đuôi tiệt cả rồi. Mấy em bé khi tôi mới đến cứ thập thò như chuột nhưng chỉ một lúc sau là quấn đến ngay. Có em đã biết hỏi tôi:

- Các anh bộ đội giết được bao nhiêu giặc rồi?

Tôi vờ hỏi lại em: - Giặc là cái gì?

Chắc là đã được người lớn dạy từ trước nên em trả lời rất đúng.

Trên đây mới chỉ là sơ qua tình hình. Mai đồng chí vào tôi sẽ báo cáo cụ thể thêm.

Ngày 9.10/54

Kính thư: Hồng

Tôi trả lại bức thư và nói với Quế:

- Về Hà Nội rồi, các cấp lại tha hồ mà bận nhá!

Quế không trả lời thẳng, anh vừa cười vừa nói sang một ý nghĩ khác:

- Thì ra quả đất tròn thật cậu ạ, 8, 9 năm trời xa Hà Nội mai bọn mình về Hà Nội lại đóng quân đúng ngay vào chỗ cũ. Cậu còn nhớ cái trại bảo an binh Trung ương ở xế cửa rạp Mejestic không nhỉ? Nó là nơi bắt đầu cuộc đời bộ đội của mình sau Tổng khởi nghĩa đấy!

Quế đã trở lại thói quen ồn ào. Anh đứng thẳng người lên, giơ tay vặn mình, rồi móc ra một điếu thuốc lá Cẩm Thủy ở túi áo trên và hình như là điếu cuối cùng, nên anh bấu ra làm đôi quăng cho tôi một nửa. Châm lửa xong, anh lại ngồi xuống, khói thuốc quện vào giọng nói sôi nổi của anh. Quế đi vào câu chuyện tâm sự:

- Khởi nghĩa năm 1945, cậu ở đâu? Hồi đó mình có bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ vào bộ đội. Trước mình là thằng ghét khố xanh khố đỏ hạng nhất. Nhưng hồi bí mật mình lại hoạt động ở tự vệ nên khởi nghĩa xong trên chuyển luôn thành giải phóng quân Hà Nội. Cả tổ tự vệ chiến đấu cũ của mình biến thành tiểu đội giải phóng quân và đóng ngay ở trại bảo an binh Trung ương. Hồi bí mật mình là tổ trưởng tự vệ chiến đấu, nên được cử luôn làm tiểu đội trưởng giải phóng quân. Tiểu đội trưởng hồi đó vừa lo vừa khổ. Quân sự thì nào đã biết gì? Trước khởi nghĩa mấy tháng được học ít lý thuyết trong cuốn du kích chiến tranh mỏng dính in bằng li tô và cũng mới được tập bắn súng thật ít ngày. Bây giờ phải đứng ra huấn luyện cho người khác thì hốt quá. Còn đội viên thì quấy lắm, toàn là tiểu tư sản và dân nghèo thành thị. Việc gì chúng nó thích thì làm hăng bằng chết, không thì phải dỗ hết nước. Như là việc gác, ban ngày thì thằng nào cũng có thể xung phong đứng liền 3, 4 tiếng, nhưng cứ từ 12 giờ đến 4 giờ sáng là khó khăn lắm.

Cậu tính, những ngày đầu mà đứng gác trước cửa trại bảo an binh Trung ương đối với thanh niên Hà Nội thật là cả một sự hiên ngang. Thế này nhé, quần áo rõ chỉnh, hai tay cầm ngang súng, mắt lúc nào cũng nghiêm nghị đăm đăm, trước mắt mình có bao nhiêu con mắt để ý, đằng sau mình là cả một doanh trại đồ sộ, có bao nhiêu đồng chí mình trong đó. Nhất là khi có những thằng lính Nhật đi qua, cái lũ mà hôm trước còn khộng khệnh, động một tí là có thể giơ kiếm ra phăng cổ mình, đến nay mình nhìn nó, nó không dám nhìn lại. Từng ấy thứ, thì thằng nào chả có một tí kiêu hãnh. Những cảnh ấy thì chỉ có ban ngày nên còn có thằng nào thích gác đêm.

Khẩu súng nắm chắc trong tay thì tin vào các ông anh lắm.

Quế
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)